Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 20/09/2010 18:35 (GMT+7)

Những vấn đề nổi cộm của hệ thống giáo dục châu Phi hiện nay

1. Tỷ lệ nhập học các cấp thấp

Châu Phi là châu lục có tỷ lệ nhập học các cấp thấp nhất trên thế giới. Đây thực sự là một nguy cơ đối với sự phát triển của châu lục. Tỷ lệ nhập học giáo dục các cấp cụ thể như sau:

- Giáo dục tiểu học: số liệu thống kê của UNESCO năm 1998 và năm 2006 cho thấy châu Phi là châu lục duy nhất có tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đang có chiều hướng giảm dần sau hơn 3 thập kỷ qua. Năm 1980, tỷ lệ nhập học tiểu học ở châu Phi là 79,5%, năm 1990 là 74,8%, năm 2000 là 63,6% và năm 2005 là 73,7%. Hiện nay châu Phi có khoảng hơn 42 triệu trẻ em đang độ tuổi đến trường nhưng không được đi học, trong đó 62% là trẻ em gái. Các báo cáo và số liệu về giáo dục của châu Phi đều chứng tỏ giáo dục tiểu học ở châu Phi hiện mới chỉ là ở giai đoạn ban đầu với tỷ lệ nhập học tương đối thấp và không có khả năng theo kịp MDGs. Báo cáo của Liên hiệp quốc cho rằng có tới 22 nước trong tổng số 48 nước châu Phi cận Xahara có tỷ lệ nhập học rất thấp, bất bình đẳng về giới trong giáo dục rất cao, tỷ lệ mù chữ đang lan rộng và chất lượng giáo dục thấp. Nếu như ở Nam Mỹ số năm đến trường của trẻ em trung bình là 12 năm, thì ở châu Phi con số này trung bình chỉ là 4 năm. Trong khi các trường tiểu học trên thế giới có khoảng 50 trẻ em/lớp thì ở châu Phi số học sinh trong một lớp học là 100. Theo báo cáo phát triển nguồn nhân lực của UNESCO năm 2006, có 6 nước châu Phi đạt mức độ nhập học tiểu học dưới 50%, đó là Eritơria (48%), Êthiôpia (46%), Ghinê Bitxao (45%), Mali (46%), Buôckia Phaxô (40%) và Mali (39%). Trong số 42 nước châu Phi có số liệu để tính toán năm 2005, có tới 18 nước châu Phi có số trẻ em được giáo dục trước tiểu học chỉ đạt dưới 5/100 trẻ em đến độ tuổi chuẩn bị đến trường; 11 nước khác có tỷ lệ từ 5-20% và 13 nước khác có tỷ lệ trên 20%. Mặc dù tỷ lệ nhập học của học sinh tiểu học có sự gia tăng kể từ năm 1990 cho đến nay, nhưng chỉ có khoảng 65% trẻ em đến tuổi học tiểu học được đến trường trong năm 2004, trong đó chỉ có 56% số trẻ hoàn thành hết bậc tiểu học.

Bảng 1: Tỷ lệ biết chữ và nhập học các cấp ở một số nước châu Phi năm 2004

Nước

Tỷ lệ biết chữ của người lớn (% trong nhóm người trên 15 tuổi)

Tỷ lệ biết chữ của thanh niên (% trong nhóm người độ tuổi 15-24)

Tỷ lệ nhập học tiểu học (%)

Tỷ lệ nhập học trung học (%)

Tỷ lệ sinh viên trong các ngành khoa học kỹ thuật và xây dựng (% trong số sinh viên)

1. Những nước có tỷ lệ nhập học và biết chữ cao nhất châu Phi

Xây Sen

91,8

99,1

96

93

-

Môrixơ

84,4

94,5

95

80

26

Angiêri

69,9

90,1

97

66

18

Ai Cập

71,4

84,9

95

79

-

Nam Phi

82,4

93,9

89

62

19

2. Những nước có tỷ lệ nhập học và biết chữ thấp nhất châu Phi

Nigiê

28,7

36,5

39

7

-

Xiêra Lêôn

35,1

47,6

-

-

-

Mali

19,0

24,2

46

-

-

Buốckina Phaxô

21,8

31,2

40

10

-

Sat

25,7

37,6

57

11

-

Nguồn: Human Development Report 2006, UNESCO 2006

Tỷ lệ nhập học tiểu học thấp ở châu Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Trên thế giới chưa từng có đất nước nào đạt được những tiến bộ về kinh tế nếu như tỷ lệ biết chữ trong dân cư chưa đạt trên 50%. Tuy nhiên, ở châu Phi tỷ lệ mù chữ rất cao. Số liệu ở bảng 2 cho thấy tỷ lệ biết chữ của người lớn trong giai đoạn 2000-2004 ở khu vực Bắc Phi là 59,6%, khu vực châu Phi cận Xahara là 60,9%, trong khi các châu lục khác đạt tỷ lệ rất cao (91,3% ở Đông Á, 89,3% ở Mỹ Latinh và Caribê, 98,2% ở Đông Nam Á). Trong số 45 nước châu Phi có số liệu nghiên cứu tại UNESCO 2006, có 9 nước có tỷ lệ mù chữ trên 50% dân số là Xênêgan, Ghinê, Bênanh, Côt Đivoa, Sát, Cộng hòa Trung Phi, Buôckina Phaxô, Mali, Xiêra Lêôn và Nigiê; có 10 nước tỷ lệ mù chữ chiếm khoảng 30-50% dân số, 25 nước có tỷ lệ mù chữ chiếm 20-30% dân số và chỉ có Xây Sen là nước duy nhất của châu Phi có tỷ lệ mù chữ trong dân cư chiếm dưới 10% (tỷ lệ mù chữ của Xây Sen là 0,9%). Điển hình là ở Mali, tỷ lệ mù chữ của người dân lên đến 81% năm 2004 và trong vòng 14 năm kể từ năm 1990 tỷ lệ mù chữ của người dân chỉ giảm có 0,2% (năm 1990 tỷ lệ mù chữ ở Mali là 18,8%), có nghĩa là hầu như dân chúng của Mali không có một sự cải thiện gì về tình trạng biết đọc biết viết trong vòng hơn một thập kỷ. Tại Nigiê, tỷ lệ mù chữ năm 2004 của nam giới là 75% và nữ giới là 92%.

Bảng 2: Tỷ lệ biết chữ của người lớn ở các nước đang phát triển, giai đoạn 2000-2004 (%)

Năm

1990

2000-2004

Bắc Phi

48,1

59,6

Châu Phi cận Xahara

49,7

60,9

Mỹ Latinh và Caribê

85

89,3

Đông Á

79

91,3

Nam Á

47,5

58,5

Đông Nam Á

84,1

89,2

Tây Á

67,3

76,4

Châu Đại Dương

62,8

71,6

Nguồn: UNESCO Breda 2005: EFA in Africa: Paving the Way for Action

- Giáo dục trung học: Một điều tất yếu từ tỷ lệ nhập học tiểu học thấp ở châu Phi là những trẻ em không hoàn thành bậc tiểu học sẽ không đ ược tiếp tục học lên bậc trung học. Điều đó cho thấy giáo dục trung học ở châu Phi tồi tệ đến mức nào. Nhiều gia đình không đủ năng lực tài chính để cho con em họ tiếp tục đến tr ường. Trẻ em gái càng có nguy c ơkhông đ ược tiếp cận giáo dục trung học h ơn là trẻ em trai. Những số liệu thống kê của UNESCO năm 2005 cho thấy có tới 25% các n ước châu Phi một nửa số trẻ em học hết năm cuối của bậc tiểu học đã không đủ sức để theo học lên bậc trung học c ơsở; 25% các n ước khác chỉ có 1/3 số trẻ em học hết bậc tiểu học có khả năng học tiếp lên bậc trung học. Những n ước có tỷ lệ nhập học bậc trung học thấp nhất châu Phi là Môdămbich 4%, Mali 7%, Ghinê Bixao 9%, Buôckina Phaxô 10%, Sat 11%, Bênanh 17%. Những n ước có tỷ lệ nhập học trung học từ 20-30% là Êthiôpia, Malauy, Dămbia, Côt Đivoa, Ghinee, Nigiêria, Eritơria, Xênêgan, Môritani, Lêxôthô. Chỉ có 1 nước đạt tỷ lệ nhập học trung học trên 80% là Xây Sen. Ai Cập là nước thứ hai có tỷ lệ nhập học trung học cao là 79%, tiếp theo là Nam Phi 62%, Bôtxoana 61%.

Mặc dù so với năm 1992, tỷ lệ nhập học trung học cũng đã có sự thay đổi đáng kể (năm 1990 có 24 trong số 46 nước có số liệu nghiên cứu có tỷ lệ nhập học trung học dưới 20% thì năm 2004 chỉ còn 12 nước), nhưng những số liệu trên đây cho thấy tình trạng đáng báo động của hệ thống giáo dục trung học ở châu Phi. Chính phủ đã cố gắng cải thiện tình hình này bằng cách tăng nhanh tỷ lệ nhập học tiểu học, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh hoàn thành bậc tiểu học có thể học tiếp bậc trung học. Tuy nhiên, tình hình không mấy được cải thiện vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Giáo dục bậc cao đẳng và dạy nghề: Tại châu Phi, giáo dục bậc cao đẳng và dạy nghề thường không phù hợp với những yêu cầu của nền kinh tế. Những n ước có tỷ lệ sinh viên trên 100.000 dân thấp nhất châu Phi là Nigiê, Xênêgan, Sat (dưới 100 sinh viên/100.000 dân); những nước có tỷ lệ sinh viên được giáo dục cao đẳng và dạy nghề cao hơn là Angiêri (1300), Xiêra Lêôn (1400); một số nước ở Bắc Phi đạt tỷ lệ cao trên 3000 sinh viên/100.000 dân là Ai Cập và Libi.

Xét về mặt lý thuyết, giáo dục bậc cao đẳng và dạy nghề là theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế cần gì, giáo dục cao đẳng và dạy nghề sẽ đáp ứng nhu cầu đó và về cơ bản thì một nước phát triển hơn, có nhiều ngành công nghiệp hơn sẽ đòi hỏi nhiều công nhân có tay nghề kỹ thuật hơn. Tuy nhiên, ở châu Phi tình hình lại không đi theo quy luật đó. Những nước nghèo nhất (có thu nhập đầu người dưới 700 USD/năm tính theo PPP) lại có số sinh viên được đào tạo bậc cao đẳng và dạy nghề cao hơn những nước có thu nhập cao hơn (khoảng 200 sinh viên/100.000 nghìn dân ở hầu hết các nước nghèo nhất, thậm chí ở Xiêra Lêôn, Camơrun và Angôla con số này là 1300, 1000 và 1600 tương ứng). Trái lại, ở những nước có GDP đầu người vượt quá 4000 USD/năm (PPP) thì số sinh viên được giáo dục cao đẳng và dạy nghề chỉ là 300/100.000 dân (chẳng hạn như Nam Phi, Bôtxoana). Nghịch lý này khiến giáo dục bậc cao đẳng và dạy nghề ở các nước châu Phi đã có tỷ lệ rất thấp và không mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế.

- Giáo dục bậc cao: Giáo dục bậc cao hơn trong thời gian qua ở châu Phi có những bước tiến bộ đáng kể. Năm 2002 số lượng sinh viên nhập học bậc đại học ở châu Phi đã tăng lên 3,6 lần so với năm 1985 (từ 800.000 người lên khoảng 3 triệu người). Dẫn đầu là Ruanđa (tăng 55%), Namibia(46%), Uganđa (37%), Tandania (32%), Côt Đivoa (28%), Kênia (27%)… Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng này không theo quy tắc. Số sinh viên nhập học bậc đại học thấp nhất là ở khu vực Đông Phi (chỉ khoảng 220 sinh viên/100.000 dân), tiếp theo là Trung Phi (502 sinh viên/100.000 dân), Tây Phi (555/100.000), Nam Phi (919/100.000) và cao nhất là ở Bắc Phi (1760/100.000) và chỉ có 3 nước duy nhất đạt được tỷ lệ này). Trong từng khu vực, tỷ lệ co giãn giữa các nước rất lớn (bảng 3). Có những nước tỷ lệ sinh viên chỉ khoảng 86 sinh viên/100.000 dân (Tandania), nhưng cũng có những nước tỷ lệ sinh viên là 2349 sinh viên/100.000 dân (Tuynidi). Tại một số nước như Cônggô, Dimbabuê, Mađagaxca, số sinh viên trên 100.000 dân giảm tới 35% trong giai đoạn 1990-2003, nhưng có những nước tỷ lệ sinh viên trên 100.000 dân tăng trên 200% trong cùng giai đoạn. Sự chênh lệch trong giáo dục đại học ở các vùng địa lý và các nước khác nhau tại châu lục này là rất lớn.

Bảng 3: Tỷ lệ sinh viên trên 100.000 dân ở châu Phi

Khu vực

Tỷ lệ sinh viên trên 100.000 dân năm 2003

Độ co giãn

Số nước

Nam Phi

919

956-1508

8

Trung Phi

502

120-934

5

Đông Phi

220

86-1386

11

Tây Phi

555

124-784

10

Bắc Phi

1760

1117-2439

3

Nguồn: UNESCO tính toán từ số liệu của WB 2005

2. Chất lượng giáo dục kém

Chất lượng giáo dục của châu Phi hiện nay rất tồi tệ. Điều này được phản ánh không chỉ thông qua số sinh viên được giáo dục không đúng ngành đúng nghề, mà còn thông qua tỷ lệ hoàn thành các cấp học rất thấp. Số học sinh, sinh viên không hoàn thành các bậc học tiểu học, trung học ở nhiều nước châu Phi chiếm tỷ lệ rất lớn. Một nhân tố khác ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở châu Phi, đó là dịch bệnh hoành hành trên quy mô rộng, đặc biệt là đại dịch HIV/AIDS, nó khiến sức khỏe và dinh dưỡng của người dân bị giảm sút, không đủ khả năng học tập và tăng năng suất lao động. Dinh dưỡng của người dân ở châu Phi ngày nay thậm chí còn thấp hơn mức dinh dưỡng của những năm đầu thập kỷ 1970 mặc dù cũng có đạt được một số tiến bộ ở một số nước. Tăng trưởng dân số nhanh chóng ở châu Phi cũng khiến số trẻ em bị thiếu cân ngày một gia tăng, từ 23 triệu trẻ em năm 1975 tăng lên 35 triệu trẻ em năm 1995 và trên 40 triệu trẻ em năm 2004.

Sức khỏe yếu kém của học sinh đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của thanh niên châu Phi. Tại nhiều nước, học sinh quá yếu để có thể đến trường học tập, thậm chí phải rời bỏ trường học giữa chừng vì bệnh tật. Gánh nặng từ bệnh sốt rét, bệnh sởi, HIV/AIDs trên thế giới hiện nay tập trung chủ yếu ở châu Phi. Đó là lý do đe dọa đến sự tiếp cận đầy đủ các cơ hội học hành của trẻ em châu Phi mặc dù đã có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, sau hơn bốn thập kỷ giành được độc lập, hệ thống giáo dục của châu Phi vẫn thiếu thốn nghiêm trọng và giáo viên, sách vở, giáo trình, nguồn tài chính và phương pháp giảng dạy lạc hậu. Trung bình chi tiêu cho giáo dục tiểu học trên thế giới là 629 USD/năm/trẻ em, nhưng ở châu Phi con số này chỉ là 48 USD/năm/trẻ em.

Chất lượng giáo dục thấp thể hiện rõ nhất trong Chỉ số phát triển nguồn nhân lực (HDI). Châu Phi hiện nay đang là châu lục có chỉ số HDI thấp nhất trên thế giới. Tất cả các nước có chỉ số HDI thấp nhất thế giới (HDI dưới 0,500) đều thuộc về châu Phi (gồm 30 nước châu Phi đứng thứ hạng HDI từ 147-177 trong tổng số 177 nước trên thế giới). Chỉ có 1 nước châu Phi có HDI xếp hạng cao trên thế giới là Xây Sen (đứng thứ hạng 47/177 nước, HDI đạt 0,842). Một số nước có thứ hạng về phát triển nguồn nhân lực trung bình trên thế giới là Angiêri, Ai Cập, Nam Phi, Namibia, Bôtxoana, Uganđa… Những nước có chỉ số HDI cực thấp là Côngô, Burunđi, Môdămbich, Êthiôpia, Sat, Cộng hòa Trung Phi, Ghinê Bixao, Buôckina Phaxô, Mali, Xêria Lêôn, Nigiê (những nước này có chỉ số HDI dưới 0,300). Trung bình HDI năm 2004 của toàn châu Phi là 0,472, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,741, của nước nước đang phát triển là 0,679 của các nước phát triển là 0,923 (bảng 4). Như vậy, phát triển nguồn nhân lực hiện nay của châu Phi chỉ bằng 2/3 so với mức trung bình của toàn thế giới và chỉ bằng một nửa so với các nước phát triển.

Bảng 4: Chỉ số phát triển nguồn nhân lực năm 2004 của châu Phi

HDI

Tuổi thọ

Tỷ lệ biết chữ của người lớn

Tỷ lệ nhập học các cấp*

GDP đầu người (PPP)**

Chỉ số chất lượng cuộc sống

Chỉ số giáo dục

Chỉ số GDP

1. Các nước đang phát triển

0,679

65,2

78,9

63

4.775

0,67

0,72

0,65

Các nước kém phát triển nhất

0,464

52,4

63,7

45

1.350

0,46

0,50

0,43

Các nư ớc Arập

0,680

67,3

69,9

62

5.680

0,71

0,66

0,69

Đông Á và TBD

0,760

70,8

90,7

69

5.872

0,76

0,84

0,68

Nam Á

0,599

63,7

60,9

56

3.072

0,64

0,58

0,57

Châu Phi

0,472

46,1

63,3

50

1.946

0,35

0,57

0,50

2. OECD

0,923

77,8

-

89

27.571

0,88

0,95

0,75

3. Thế giới

0,741

67,3

-

67

8.833

0,71

0,77

0,75

Ghi chú: * Bao gồm tiểu học, trung học và đại học

*** Tính theo phương pháp đồng giá sức mua

Nguồn: World Bank và UNESCO 2006

Chất lượng nguồn nhân lực thấp khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi: trong những thập kỷ vừa qua, châu Phi có làm gì để đầu tư phát triển nguồn nhân lực hay không? Câu trả lời là: có, nhưng không hiệu quả. Nhiều nghiên cứu phát hiện của Ngân hàng Thế giới cho rằng chi tiêu đầu tư nguồn nhân lực, đặc biệt là giáo dục, ở các nước châu Phi tuy có tăng, nhưng không thể bù đắp được tốc độ tăng trưởng dân số quá nhanh và tình trạng nghèo đói đang lan rộng. Tại một số nước, chi tiêu công cộng cho giáo dục có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong GDP như Djibuti (chi tiêu công cộng cho giáo dục năm 1991 là 3,5% GDP, năm 2002-2004 là 6,1% GDP), Lêxôthô (6,2% và 9,0% tương ứng), Kênia (6,7% và 7,0% tương ứng). Tại những nước khác, chi tiêu công cộng cho giáo dục không lớn như những nước trên, nhưng hầu hết là có chiều hướng gia tăng trong giai đoạn 1991-2004. Tuy nhiên, hầu hết các nước này đều có quy mô GDP nhỏ vì đều là những nước nghèo. Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên chiếm phần đông dân số châu Phi và đầu tư phát triển nguồn nhân lực lại đòi hỏi phải có một khối lượng tài chính lớn. Nguồn tài chính này ở trong nước bị hạn chế và ngay cả khi có viện trợ nước ngoài thì các khoản tiền viện trợ này cũng như muối bỏ bể bởi các vấn nạn mù chữ, nghèo đói, suy dinh dưỡng của người dân châu Phi là quá lớn.

3. Châu Phi ngày càng khó đạt được MGDs về giáo dục

MGDs được Liên hiệp quốc đề ra vào năm 1990 gồm tất cả 8 mục tiêu cơ bản nhằm giúp các nước đang phát triển, trong đó có châu Phi, thoát khỏi nghèo khổ và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Trong các mục tiêu của MDGs, giáo dục là ưu tiên thứ hai và thứ ba sau vấn đề xóa bỏ đói nghèo. Những mục tiêu của MDGs về giáo dục là trong vòng 15 năm (1990-2015), các nước đang phát triển phải đạt được yêu cầu về giáo dục tiểu học toàn diện, trong đó tất cả trẻ em trai và trẻ em gái đều được đến trường; đồng thời xóa bỏ sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục ở các cấp. Tại châu Phi, Liên hiệp quốc đã xác định phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa của sự tăng trưởng. Cải thiện cuộc sống của người dân thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng tiếp cận các cơ hội giáo dục và chăm sóc sức khỏe và thông qua sự bảo vệ cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội là nhiệm vụ trọng tâm mà Liên hiệp quốc đặt ra cho chính phủ các nước châu Phi. Nhiệm vụ này sẽ được giúp đỡ của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế khác, cùng các nước như Mỹ, Nhật Bản, EU… để giúp châu Phi cùng phát triển.

Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), 1990-2015

1. Xóa bỏ đói nghèo

+ Giảm một nửa số người đang sống dưới mức 1 USD/ngày

+ Giảm một nửa số người đang có nguy cơ bị đói

2. Đạt được giáo dục tiểu học toàn diện

+ Đảm bảo tất cả trẻ em trai và trẻ em gái có cơ hội đến trường

3. Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền lợi của phụ nữ

+ Hủy bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục ở tất cả các cấp

4. Giảm tỷ lệ chết yểu của trẻ em

+ Giảm 2/3 tỷ lệ chết yểu của trẻ em dưới 5 tuổi

5. Cải thiện sức khỏe người mẹ

+ Giảm 2/3 tỷ lệ suy dinh dưỡng của sản phụ

6. Đấu tranh chống HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh khác

+ Ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS

+ Ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của bệnh sốt rét và bệnh sởi

7. Đảm bảo sự bền vững về môi trường

+ Đưa vấn đề phát triển bền vững vào các chính sách quốc gia và hạn chế sự khai thác nguồn tài nguyên môi trường

+ Giảm một nửa số người không được tiếp cận nguồn nước sạch.

+ Cải thiện đáng kể cuộc sống của ít nhất 100 triệu người dân.

8. Phát triển đối tác toàn cầu vì sự phát triển

+ Tăng viện trợ phát triển chính thức, đặc biệt đối với các nước đang sử dụng các nguồn lực của họ để giảm nghèo.

+ Mở rộng tiếp cận thị trường

+ Khuyến khích ổn định nợ

                                                                                Nguồn: Liên hiệp quốc 1990

Cho đến nay, có rất ít nước trong tổng số 54 nước châu Phi có khả năng đạt được giáo dục tiểu học toàn diện theo đúng thời hạn vào năm 2015. Tỷ lệ nhập học tiểu học của học sinh châu Phi thời gian qua cho thấy vào năm 2015, châu Phi sẽ chiếm khoảng 15% trong tổng số trẻ em trên thế giới đến độ tuổi nhập học tiểu học, nhưng sẽ có khoảng 75% trong số trẻ em châu Phi sẽ không được đến trường. Tính cho cả ba cấp học là tiểu học, trung học và đại học, tỷ lệ nhập học của học sinh châu Phi chỉ chiếm 50% (năm 2004), trong khi tỷ lệ này ở nhóm nước đang phát triển là 63%, toàn thế giới là 67%, các nước phát triển là 89%. Nhiều đánh giá cho rằng phải đến năm 2050 châu Phi mới có thể đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện. Năng lực của châu Phi để đạt được MDGs về giáo dục phụ thuộc rất lớn vào các chương trình quốc gia. Tuy nhiên cho đến nay, năng lực của chính phủ các nước bị đánh giá là yếu kém. Các nước châu Phi đang gặp phải những thách thức rất lớn về phát triển nguồn nhân lực và rất ít nước có khả năng đáp ứng những yêu cầu về giáo dục theo đúng như đã cam kết trong MDGs. Những tiến bộ rất chậm chạp trên đây của hệ thống giáo dục châu Phi cho thấy hầu hết các nước châu Phi đều không có khả năng thực hiện MDGs vào năm 2015.

4. Triển vọng giáo dục ở châu Phi

Những đánh giá của Liên hiệp quốc về việc thực hiện MDGs ở các nước châu Phi xem xét rất cụ thể những nước châu Phi nào có khả năng đạt được MDGs và những nước châu Phi nào không có khả năng đạt được MDGs về giáo dục vào năm 2015. Phân loại các nước là như sau:

+ Những nước châu Phi có khả năng đạt được phổ cập giáo dục trên 90% vào năm 2015 sẽ là: Cap Ve, Libi, Namibia, Môrixơ, Xây Sen, Angiêri, Nam Phi, Bôtxoana, Ai Cập, Tuynidi.

+ Những nước châu Phi đang có chiều hướng biến động khó dự đoán về khả năng thực hiện MDGs vào năm 2015 là: Angôla, Ghinê, Bitxao, Ghinê, Libêria, Uganđa, Cộng hòa Dân chủ Côngô, Ruanđa, Xiêra Lêôn, Xômalia. Tại những nước này, thành tựu phát triển giáo dục không ổn định và hay gặp phải những biến động kinh tế-chính trị, vì vậy sẽ có một số nước có khả năng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng sẽ có một số nước tình hình trở nên bi đát hơn.

+ Ngoài 10 nước châu Phi có khả năng đạt được MDGs vào năm 2015 như trên, 44 nước còn lại được đánh giá là khó có khả năng đạt được MDGs. 30 nước trong tổng số 44 nước đó chỉ có thể đạt được 75-90% giáo dục tiểu học toàn diện, trong đó Tôgô là nước có khả năng tiến nhanh nhất trong số những nước này, tiếp theo là Nigiêria, Marôc, Xao Tômê & Principê, Xênêgan. Có tới 14 nước châu Phi không thể tiếp cận các mục tiêu MDGs vào năm 2015 bởi tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học chỉ dưới 50% đó là Djibuti, Eritơria, Êthiôpia, Cômo, Sat, Cộng hòa Trung Phi, Mali, Burunđi, Buôckina Phaxô, Môritani, Môdămbich, Nigiê, Xu Đăng, Côt Đivoa. Các nước này sẽ khó đạt được những tiến bộ về giáo dục trong thời gian tới bởi vì mức độ phổ cập giáo dục hiện nay là quá thấp.

Để có thể cải thiện tình hình giáo dục hiện nay ở châu Phi, những biện pháp cần phải làm ngay là:

1. Mở rộng các biện pháp can thiệp và phát triển giáo dục từ phía chính phủ. Những biện pháp này cần phải xem xét cả đến vấn đề phát triển giáo dục - phòng chống bệnh tật và tạo cơ hội cho người nghèo có thể tiếp cận giáo dục.

2. Châu Phi đang cần rất nhiều giáo viên, cả về số lượng lẫn chất lượng giáo viên. Dự báo trong 10 năm tới (2005-2015) châu Phi cần khoảng 2,5 triệu giáo viên. Điều này đòi hỏi chính phủ các nước phải gia tăng các trường đại học sư phạm và các dịch vụ hỗ trợ đời sống vật chất cho giáo viên để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

3. Chương trình giảng dạy đòi hỏi phải thống nhất về ngôn ngữ giảng dạy và cách dạy. Chương trình giảng dạy cần phải thay đổi theo hướng giảng dạy học sinh thông thạo tiếng quốc ngữ, sau đó mới chuyển sang ngôn ngữ châu Âu thì mới có thể cải thiện tình trạng biết chữ.

4. Châu Phi cần nhiều hơn những chương trình giảng dạy về toán, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin.

5. Tham nhũng trong giáo dục vẫn là một vấn nạn. Nếu châu Phi muốn phát triển, phải triệt bỏ tham nhũng trong giáo dục để những khoản tiền ngân sách và tiền ODA đem lại hiệu quả cao cho giáo dục.

6. Châu Phi cần phải chú trọng đến giáo dục bậc cao để có thể tiến ra thế giới bên ngoài. Hiện nay, giáo dục bậc cao ở châu Phi đang bị xao lãng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do thiếu nghiêm trọng đội ngũ giáo sư, giáo viên trình độ cao. Theo đánh giá của WB, mức lương giành cho một giáo sư được trả rất thấp tại châu Phi và có một khoảng cách rất rộng giữa các nước, cụ thể là Malauy từ 27 USD đến 127 USD/tháng, Tandania 70 USD-97 USD/tháng. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên trình độ cao ở châu Phi luôn luôn thiếu hụt và chất lượng thấp.

7. Châu Phi rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ từ bên ngoài để phát triển giáo dục. Kinh nghiệm của Gămbia và Kênia như đã trình bày ở trên cho thấy do thiếu thốn nguồn lực, các chương trình cải cách giáo dục ở những nước này tuy có tiến bộ trong nhiều năm, nhưng sau đó lại tiếp tục bị thất bại do đất nước phải liên tục đối mặt với nạn đói triền miên, bất ổn định chính trị thường xuyên và hàng loạt các khó khăn thách thức khác. Trong thời gian qua, những khoản tài trợ cho giáo dục ở châu Phi từ thế giới bên ngoài là rất quan trọng, giúp chính phủ các nước có điều kiện hơn trong việc điều hành các chương trình cải cách giáo dục của họ. Để có thể đạt được MDGs vào năm 2015, các nước châu Phi rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế.

Xem Thêm

Bình Thuận: Chọn danh mục đề án phản biện năm 2025
Chiều ngày 02/01/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức họp cho ý kiến danh mục các đề án, dự án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch (gọi chung đề án) thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội năm 2025 của Liên hiệp hội tỉnh.
Phú Thọ: Tìm giải pháp nâng cao trình độ phát triển kinh tế xã hội
Ngày 17/12, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và Hội Thống kê tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Đánh giá trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2023; đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.