Những thiết bị thông minh của một nhà sáng chế “tài tử”
Máy lạnh, tủ lạnh... tiết kiệm điện
Ngồi nói chuyện lâu thấy... nóng! Anh bảo: “Mở máy lạnh nhé?”. Nhìn quanh chẳng có cái gì có hình thù cái máy lạnh cả, anh lại gần một cái hộp màu đen - giống như cái loa người ta hay sử dụng ở các miền quê - bật một cái, luồng gió mát thổi mạnh vào chỗ tôi ngồi. Anh giải thích: “Cái máy lạnh này tiêu tốn năng lượng chỉ khoảng 30 W, thấp hơn rất nhiều so với máy lạnh thông thường. Tôi đã thử đo nhiệt độ trước và sau khi mở, nhiệt độ trong phòng giảm đến vài độ và không khí hoàn toàn được đổi mới trong ít phút và rất trong sạch, tươi mát”.
Anh còn chỉ cho tôi cái tủ lạnh tiết kiệm điện, rất nhỏ, nhìn bên ngoài giống như cái tủ lạnh một cửa bình thường nhưng, nguyên tắc làm lạnh của nó là cho dòng điện một chiều chạy qua nối ghép của hai thứ kim loại khác nhau thì sẽ làm cho một thanh kim loại nóng lên và một thanh lạnh đi. Ưu điểm nổi trội của phương pháp này là tạo được độ lạnh ở mức năng lượng nhỏ (cỡ mW), trong khi loại dùng máy nén muốn làm lạnh thì phải có mức năng lượng lớn, ví dụ tủ lạnh nhỏ cũng phải vài trăm W. Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại bình nước làm lạnh theo phương pháp này và giá rẻ hơn so với chạy bằng “lốc” (máy nén).
Anh Đặng Hữu Xướng cho biết anh còn có thể nói chuyện điện thoại thông qua... ổ điện! Tiếng nói của cuộc đàm thoại đi như thế nào? Anh trả lời: “Nó đi theo dây dẫn điện. Sóng âm cơ học được biến thành tín hiệu điện nhờ micro, sau đó nó được khuếch đại và điều chế theo kiểu điều tần với sóng cao tần trong máy tạo ra rồi đưa thẳng vào dây điện nhà. Lúc này sóng cao tần sẽ lan tỏa trên toàn bộ hệ thống dây dẫn điện, ở máy kia cũng có bộ phận thu sóng và hoàn lại tiếng nói để người đó nghe”.
Lưu giữ năng lượng ở mạch điện
Một trong những sáng chế mà anh Đặng Hữu Xướng tâm đắc nhất là “lưu trữ năng lượng ở mạch điện”, đặc biệt anh đã tìm ra cách cô lập các nguồn điện một chiều để nâng hoặc hạ áp. Anh cho biết, lưu giữ năng lượng trên mạch điện cho phép tạo ra những máy móc không cần có nguồn pin, năng lượng được nạp vào mạch điện trước đó, để rồi dần dần cung cấp điện cho máy hoạt động. Thiết bị này thích hợp với những máy dùng ít năng lượng, đặc biệt là các máy cá nhân: radio, máy phát lửa, đèn pin, đồng hồ… Mạch điện được tích năng lượng có thể phát điện trong khoảng 3 giờ cho các loại máy dùng nhiều năng lượng như đèn chiếu sáng, máy điện tử cá nhân, hoặc vài chục tiếng, thậm chí vài ngày cho các loại dùng ít năng lượng như đồng hồ, máy đo nhiệt độ.
Theo anh Xướng, ưu điểm của phương pháp này là thiết bị không phải thay thế thường xuyên như pin vì nó là các linh kiện điện tử trong mạch điện, có thể tồn tại hàng chục năm. Anh đã ứng dụng phương pháp này để chế tạo nhiều thiết bị điện tử không dùng pin, trong đó có thể kể đến cái remote. Anh nói: “Remote có một bộ nguồn là mạch điện tử thay pin, người dùng chỉ cần bóp một cái núm nhỏ vài lần để làm quay một dinamo tích điện vào mạch điện tử, năng lượng này sẽ được lưu giữ ở đó để dùng khi cần thiết”.
Anh Đặng Hữu Xướng thật ra không xa lạ với bạn đọc Báo Khoa Học Phổ Thông, bút danh của anh là: Đặng Hồng Quang. Anh đã nghiên cứu cho ra đời hơn 300 mạch điện dùng cho các thiết bị, cứ một lần như vậy anh phải làm thử nghiệm trước, bởi vậy trong nhà anh hiện nay có rất nhiều thiết bị điện tử lý thú: máy chống trộm gọi điện thoại, hộp anten tăng cường bỏ túi, radio tiết kiệm điện… Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người quan tâm.
Nguồn: Khoa học phổ thông9/6/2006