Những "nhà sáng chế" trẻ ở Bắc Giang
Lò đốt rác không khói
Say mê nghiên cứu lĩnh vực khoa học tự nhiên, mới đây, hai tác giả Dương Ngọc Quỳnh An (lớp 9A) và Nguyễn Đức Chiến (lớp 8A) - Trường THCS Lan Giới (Tân Yên) đã giành giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang năm 2014 với sản phẩm “Lò đốt rác không khói”.
Nói về ý tưởng ra đời "Lò đốt rác không khói", Quỳnh An chia sẻ: “Nhiều lần chứng kiến đội vệ sinh của nhà trường đốt rác, khói bay vào các phòng học khiến nhiều người bị ho, tiết học phải gián đoạn. Không những thế, ở địa phương nơi em sống, hằng ngày nhiều người có thói quen vứt và đốt rác thải sinh hoạt bừa bãi làm không khí ô nhiễm. Từ đó thôi thúc em suy ngẫm tìm ra phương pháp xử lý rác không khói, góp phần bảo vệ môi trường".
Sau gần một năm nghiên cứu, hai em đã hoàn thiện quy trình hoạt động của lò đốt rác. Mô hình cấu tạo gồm băng chuyền, buồng đốt rác, hệ thống dẫn, bể xử lý khói. Rác sau khi làm khô được băng chuyền đưa vào lò đốt. Khi đốt rác, khói bay qua ống dẫn vào bể xử lý khói độc (SO 2, CO 2, H 2S). Bể gồm ba buồng thông nhau (mỗi buồng chứa đầy nước vôi trong), có cửa xả đáy, van bảo hiểm. Khi khói từ lò ngược lên bể sẽ phản ứng với dung dịch nước vôi trong làm khói kết tủa trắng, lắng đọng, không còn mùi khó chịu.
Dù vậy, sau khi đốt thử nghiệm, lượng khói xử lý được rất thấp, bể chứa bị nứt, vỡ do lượng khói dư thừa chưa xử lý hết không thoát được ra ngoài. Không bỏ cuộc, hai em tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi và trao đổi với thầy cô giáo trong trường. Được tư vấn và gợi mở, tháng 9-2014 sản phẩm hoàn thiện, đi vào hoạt động thành công, góc trên cùng của bể chứa được tạo một lỗ nhỏ giúp thoát lượng khói còn lại.
Máy cắt cỏ mini từ phế thải
Thích khám phá và ước mơ trở thành kỹ sư giỏi, Nông Đức Long (lớp 8A) - Trường THCS thị trấn An Châu (Sơn Động) có nhiều ý tưởng sáng tạo trong cuộc sống. Sản phẩm “máy cắt cỏ mini” làm bằng đồ phế thải ra đời từ đó. Long cho biết, sau mỗi kỳ nghỉ hè và những ngày mưa, cỏ dại ở sân trường mọc lên rất nhiều. Nhà trường phải tổ chức cắt dọn. Những lần tham gia, em nhận thấy việc cắt cỏ mất nhiều thời gian; các dụng cụ như liềm, cuốc, xẻng có thể gây thương tích nếu sơ ý… Xuất phát từ thực tế này, Long mày mò tạo ra chiếc máy cắt cỏ mini bằng những thiết bị điện đã hỏng.
Sản phẩm có ưu điểm giá thành thấp do tận dụng những thiết bị điện đã qua sử dụng; cấu tạo nhỏ, gọn nên có thể di chuyển dễ dàng, phù hợp với các bồn hoa, chậu cảnh, tiết kiệm thời gian. Long bộc bạch: “Em rất vui vì chiếc máy hữu ích, làm cho cảnh quan nhà trường thêm sạch đẹp, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất công việc”. Mô hình được Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh đánh giá cao và trao giải Ba.
Sáng tạo từ cuộc sống
Ngoài cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh, một số nhà trường như: THCS Lan Giới (Tân Yên), THPT Lạng Giang số 1, số 2… đã tự tổ chức phát động cuộc thi cấp trường để khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Sau mỗi cuộc thi, nhà trường tổ chức trao giải và chọn ra những mô hình sản phẩm tiêu biểu gửi dự thi cấp cao hơn.
Cô Nguyễn Thị Hiên, giáo viên môn Hóa học Trường THCS Lan Giới cho biết: “Hai năm gần đây, nhà trường giao cho tổ khoa học tự nhiên phát động cuộc thi sáng tạo trong học sinh. Từ ý tưởng do các em thuyết trình, Ban tổ chức chọn lọc những ý tưởng có tính khả thi và giúp các tác giả thực hiện mô hình sản phẩm.
Theo đại diện Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh, bình quân mỗi năm có gần 300 mô hình tham dự. Năm nay, ngoài hai sản phẩm kể trên, các em mang đến cuộc thi nhiều mô hình có tính ứng dụng cao như: Hệ thống phòng chống cháy nổ tự động của Nguyễn Duy Huy, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang); dung dịch chữa bỏng từ giun đất của em Đỗ Thị Trang, Trường THCS Hương Mai (Việt Yên); Quy trình sản xuất tỏi đen tại gia đình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch của nhóm tác giả Dương Thành Công, Trần Lâm Tùng, Tăng Thị Hiền, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang) được Trung tâm Kiểm nghiệm Sở Y tế tỉnh công nhận đạt các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Dược Việt Nam IV và ứng dụng được ngay vào sản xuất nông nghiệp.
Từ những sản phẩm đó cho thấy, ngoài kiến thức trong sách vở, học sinh còn có trí tưởng tượng và óc quan sát tinh tế. Mô hình tham dự ngày càng nhiều về số lượng và có chất lượng tốt hơn đã thể hiện sự công phu và khả năng sáng tạo của các em