Những phòng thí nghiệm tư nhân ở Đà Lạt
50, 500 triệu và cũng có thể là từ tay không…
Nổi tiếng nhất - và theo khẳng định của nhiều người là nơi ra đời đầu tiên - là phòng thí nghiệm của ông Ngọc. Thật ra, với lão nông tri điền này, việc tạo giống cây và hoa mới đã là nghề nghiệp từ vài chục năm nay. Nhưng cái phòng thí nghiệm và việc cấy mô tạo giống thì khoảng năm năm đổ lại. Và để chuẩn bị cho "công trình” mới này, cậu con trai cả - anh Trần Phạm Anh Tuấn đã thi vào khoa Sinh ĐH Đà Lạt. Tuấn là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của khoa. Tốt nghiệp xong, anh không đâm đơn xin việc ở đâu mà quay về phục vụ... tại gia.
Ngay nội ô thành phố, dưới chân một con dốc dài khu An Bình là phòng thí nghiệm mà cũng là nhà của Tuấn. Anh vồn vã: "Đam mê. Nếu không dù gia đình có định hướng thế nào chưa chắc tôi đã toàn tâm toàn ý cho công việc này. Đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng - một khoản tiền lớn với người nông dân! Mà không thể một sớm một chiều thu hồi vốn được ngay...”. Từ phòng thí nghiệm, ngoài giống khoai tây truyền thống của gia đình (tất nhiên là tạo mô), các mô cây con hoa đồng tiền - một loại hoa mới du nhập vào Việt Nam - cũng đã được Tuấn nghiên cứu thành công.
Ở khu Hoàng Diệu có phòng thí nghiệm của vợ chồng Nguyễn Trí Hùng và Đỗ Thị Tâm. Hai cử nhân sinh học sau thời gian công tác ở Phân viện Sinh học Đà Lạt chợt nhận ra rằng đồng lương nhà nước khó lòng nuôi nổi con cái. Thế là họ trở thành những nông dân đúng nghĩa khi mua trả góp được 6 sào đất ở khu vực Cam Ly. Phòng thí nghiệm được mở bước đầu chỉ để cung cấp giống cho chính đồng ruộng của mình và hàng xóm. Thiết bị ban đầu chỉ là gom góp từng triệu đồng mua lại hàng thanh lý của các phòng thí nghiệm của những công ty lớn. Cứ thế mà nở dần ra...
Ở một phường vùng ven còn có một phòng thí nghiệm khác của chị Hằng Chi. Chủ nhân chỉ khiêm tốn: "Chẳng phải là phòng thí nghiệm gì đâu, chỉ là mày mò tìm kiếm cách lai tạo, duy trì và tìm gen tốt cung cấp cho thị trường thôi". Ở đây có vài nhân viên được đào tạo tay nghề cấy mô, còn những chuyện nghiên cứu tìm tòi thì chính chủ nhân phải thực hiện.
Bất ngờ, và có lẽ quy mô nhất là trại thí nghiệm - nhân giống của anh Lê Văn Cường ở đồi 52. Mười một năm công tác ở Phân viện Sinh học, anh Cường tự "đấu tranh” - như cách anh nói - để được đi học tại chức khoa sinh học. Đất dụng võ không nhiều, anh ra ngoài làm cho một liên doanh về giống. Liên doanh này phá sản. Sau đó, anh bỏ ra 500 triệu đồng mở phòng thí nghiệm. Dưới "trướng" anh có hai cử nhân và bốn sinh viên đang đầu quân.
Những đề tài cấp… nông dân!
"Đã tương đối thành công với hoa đồng tiền, nhưng đó chưa phải là tất cả - Trần Phạm Anh Tuấn cho hay - Tôi đang tìm gen quý của một số giống cây và hoa, trước mắt chỉ để lấy thu bù chi. Về lâu dài tôi vẫn có ý hướng về cây lan rừng. Nó phong phú, đa dạng nhưng chưa được khai thác hết công suất!" Năm xưa, Tuấn từng nhận được “đơn đặt hàng" của một nông dân tên Phương, anh này nhặt ở đâu đó một cành hoa lạ và tìm đến Tuấn chọn mặt gửi vàng. Tuấn không tiết lộ đó là hoa gì, nhưng từ cái đơn đặt hàng ấy một giống hoa lạ đã sinh sôi ở phố hoa!
Còn ở trại giống của anh Lê Văn Cường, tính đến nay có khoảng 400 khách hàng thường xuyên đến đặt hàng giống cấy mô. Một số lượng lớn và khối lượng công việc cũng lớn. "Hướng đi của tôi thì khác -Cường nói - không đột phá vào tìm giống mới, chỉ dựa trên nhu cầu thực tế của chính người nông dân và cung cấp cho họ giống sạch, chất lượng tốt". Chị Đỗ Thị Tâm thì tâm sự: "Ra khỏi cơ quan nhà nước, luận án tiến sĩ phải bỏ dở, nhưng bù lại tôi có được những niềm vui khác khi thấy được nụ cười của chính người nông dân". Và họ gọi đó là những đề tài nghiên cứu cấp... nông dân!
Nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp nước nhà từng đánh giá Đà Lạt và Lâm Đồng nói chung đã đi trước cả nước trong công nghệ sinh học. Hẳn không phải chỉ vì ở đây có Phân viện Sinh học, có Trung tâm ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp mà còn vì sự ra đời của những phòng thí nghiệm tư nhân như thế. Cuộc cạnh tranh (tất nhiên lành mạnh) không chỉ giữa những phòng thí nghiệm tư nhân với nhau mà còn giữa tư nhân với Nhà nước, chắc chắn người hưởng lợi chính là nông dân. Nghe đâu chỉ cần rò rỉ thông tin rằng Nhà nước đang nghiên cứu về giống này, giống nọ là ở các phòng thí nghiệm này, ngay lập tức các kỹ sư, cử nhân cũng bắt tay vào...
Tự phát nhưng là dấu hiệu của một thế hệ nông dân mới xuất hiện. Và trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, công lao của những phòng thí nghiệm như thế không ít!
Nguồn: Tuổi trẻ ngày 2/6/2003