Những “nhà khoa học” nông dân
“Vua cầu kéo” Cà Mau
Ông Đặng Ô Rê |
Nhà “vua cầu kéo” nằm bên bờ kênh Hai Hạt thuộc ấp Thuận Lợi, xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), kế bên công trình cầu kéo hoành tráng vắt ngang mặt đập đổ ra sông Gành Hào. Nói đến chuyện sáng chế này, ông Hai cười ha hả: “Túng quá làm đại, ai ngờ thành công”...
Năm 1982 ông Hai Ô Rê dời nhà từ Đông Hải (Bạc Liêu) về ngã ba kênh Hai Hạt. Hồi phong trào ngăn mặn phát triển rầm rộ, ngã ba kênh Hai Hạt cũng mọc lên một con đập to chần vần, ngăn cách con kênh với sông Gành Hào. Kênh Hai Hạt là tuyến thủy lộ quan trọng, hàng ngày lượng ghe xuồng lưu thông rất lớn. Sau khi con đập mọc lên, vợ chồng, con cái ông Hai Ô Rê cùng lối xóm lãnh đủ: Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, hễ có ghe xuồng tới là cả xóm hò nhau lấy dây thừng kéo qua đập. Kéo riết rồi chịu không thấu. Một hôm ông Hai chợt nhớ đến hình ảnh chiếc xe chở lúa từ bến sông lên nhà máy xay xát, có bốn bánh bằng thép chạy trên đường ray. Ý tưởng làm một cái cầu kéo nảy sinh trong ông, nhưng khi đem bàn với vợ con và chòm xóm, ai cũng cười xòa: “chuyện viển vông”. Quyết tâm làm bằng được ông liền chạy đi vay 1 triệu đồng để mua gỗ, dây thừng, sắt thép, ròng rọc, con lăn, cừ tràm... về hì hục cưa xẻ, thiết kế mấy tháng trời... Ngay trong buổi khai trương, ông đã kéo thành công một chiếc xuồng (loại chở 7 - 8 người) qua đập ngon lành, tiền công chỉ 1.000 đồng. Hai tháng sau, ông cải tiến đường ray rộng hơn để kéo được ghe xuồng lớn, thuê hai ca trực (mỗi ca 4 người) với giá 1,8 triệu đồng/tháng. Hồi đó, bình quân mỗi ngày ông thu được 2 chỉ vàng (270.000 đồng/chỉ).
Cuối năm 1990, ông Hai Ô Rê lại tiếp tục làm một “cuộc cách mạng” cho cái cầu kéo kỳ lạ: xây kiềng đà bằng bêtông cốt thép thay cho cừ tràm để tăng độ chịu lực của đường ray gỗ, lắp động cơ làm lực kéo, nới rộng chiều ngang của đường ray lên 1,4m và lắp các bánh xe thép vào khung sắt chở miếng vỉ kéo ghe. Theo ông Hai, vốn đầu tư khoảng 80 triệu đồng nhưng chỉ làm ba tháng là gỡ vốn. Trong khi nói chuyện với ông, tôi nhẩm đếm trong vòng 1 giờ đã có gần 30 chiếc xuồng trườn lên cầu kéo, qua đập.
Từ khi phát minh ra cầu kéo kỳ lạ, ông Hai Ô Rê không nhớ đã có bao nhiêu người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Chỉ biết rằng ở vùng bán đảo Cà Mau nơi nào có con đập ngăn cách sông rạch là nơi đó có mặt phát minh cầu kéo của ông.
Vừa cấy vừa ngẩng mặt lên trời
Ông Trạch và ông Việt bên máy cấy ĐA2 |
Chiếc máy cấy ĐA2 được vạch ra với chín tay cấy, chỉ cần một người điều khiển, công suất 2,5ha/ngày. Hơn một năm trời, hai lão nông mày mò đưa các động tác trong khi cấy: ra mạ, cắp mạ, nhả tay rút về và lùi vào thao tác của máy. “Phải nắm được nguyên lý cơ bản ấy để “bắt máy” làm theo”, ông Việt nói. Cuối cùng ĐA2 cũng ra đời với cơ chế hoạt động khá đơn giản: máy nổ chạy, kéo dây curoa làm cho chiếc cần cấy hoạt động, chín tay cấy được một bộ phận nằm trên cần cung cấp mạ.
Khi được hỏi mục đích làm chiếc máy, hai ông bày tỏ: “Người nông dân cả đời làm ruộng chỉ biết cắm mặt xuống đất. Tôi mơ một ngày bà con vừa cấy vừa có thể ngẩng mặt lên trời”. Ước mơ tuy đơn giản nhưng đã mở ra nhiều cơ hội trước mắt người nông dân, và điều quan trọng, nó chính là khát khao của những nông dân chân chất. Phải chưng, vì những điều ấy mà những công trình sáng chế của nông dân luôn có sức sống lâu bền?