Những Nhà khoa học đã làm lợi cho đất nước hàng chục triệu USD
Trong bất cứ xã hội nào, bộ phận có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi họ là thành viên.
Vì sao cần tiếng nói phản biện? Trên thực tế không có bất cứ thứ gì là hoàn hảo, vì thế bất cứ thứ gì muốn tiến tới hoàn hảo, cũng cần được soi xét nhiều chiều. Một mô hình phát triển, một đường lối, một chính sách, một điều luật, một chủ trương… có ảnh hưởng lớn đến xã hội, cho dù nhóm soạn thảo có tài giỏi đến đâu, cá nhân nào đó có là thiên tài, vì đặc tính “nhân vô thập toàn” của con người, không thể nào bao quát được toàn bộ sự đúng đắn. Sự giới hạn về mặt không gian, thời gian, văn hóa… cũng luôn là một vật cản chắn tầm mắt của những người trong cuộc. Khi đó rất cần các nhà phản biện, như những người có thể giúp họ thoát ra khỏi vấn đề để nhìn nó từ bên ngoài, từ nhãn quan khác, từ phía ngược lại. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của phản biện là để hoàn thiện cái đang cần phản biện để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
PGS.TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam
Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Nhiệt Việt Nam là một Hội nghề nghiệp, thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam, có chuyên môn sâu về Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), tính đến nay Hội đã phản biện, thẩm định nhiều Dự án đầu tư xây dựng NMNĐ ở các giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, kết quả chấm thầu,kết quả chạy thử nghiệm thu, thẩm định các tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài do nhà thầu đề nghị áp dụng cho dự án,…
Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) gồm các NMNĐ đốt than, đốt khí, NMĐ hạt nhân, là những dự án rất lớn về vốn đầu tư (từ nhiều trăm triệu USD đến 2 - 3 tỷ USD), thậm chí là những công trình quan trọng quốc gia về vốn đầu tư). Dự án NMNĐ Phả Lại 2 được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, Tư vấn Dự án và Tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay) được tuyển chọn qua đấu thầu quốc tế.
Nhiệm vụ của tư vấn là lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu,chấm thầu, tư vấn cho chủ đầu tư thương thảo và ký hợp đồng giao thầu, theo dõi việc chế tạo, lắp đặt, xây dựng nhà máy, đánh giá kết quả chạy thử nghiệm thu tổ máy và toàn nhà máy cho đến khi hoàn thành toàn bộ Dự án.Trúng thầu tư vấn là liên doanh quốc tế giữa hãng tư vấn EPDCI của Nhật và PPI của Úc.
Tham dự thầu có 6 liên doanh gồm các tập đoàn hàng đầu thế giới về chế tạo và xây dựng nhà máy điện, mỗi liên doanh do một Tập đoàn Nhật bản chủ trì (leader): 1-Mitsubishi; 2-Marubeni;3-Sumitomo; 4-Nisso Iwai; 5-Mitsui; 6-Tomen. Tại thời điểm triển khai dự án NMNĐ Phả lại 2, việc đấu thầu thực hiện theo các bước sau: Chủ đầu tư công bố Hồ sơ mời thầu (HSMT);các công ty quan tâm lập Hồ sơ dự thầu(HSDT),là tài liệu diễn giải việc đáp ứng các yêu cầu đã nêu trong HSMT. Thời gian kể từ khi công bố HSMT đến khi Nhà thầu nộp HSDT rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng, nhưng các nhà thầu đều nộp đúng hạn, mặc dù HSDT là các tập tài liệu rất lớn, chứng tỏ các nhà thầu đều là các tập đoàn lớn,dầy dạn kinh nghiệm trong đấu thầu quốc tế.
Trước khi dự thầu các nhà thầu phải qua một kỳ sơ tuyển để đánh giá về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện dự án. Các nhà thầu nếu đã vượt qua vòng sơ tuyển này thì việc chọn thầu chủ yếu dựa vào sự cạnh tranh về giá chào thầu. Việc mở thầu công bố giá chào thầu của các nhà thầu được thực hiện công khai.
Giá chào thầu của các nhà thầu như sau (tính tròn):
+Tổ hợp Nisso Iwai có giá chào thầu thấp nhất: 446 triệu USD
+Tổ hợp Tomen có giá chào thầu cao nhất: 738 triệu USD. Như vậy chênh lệch giữa giá chào thầu cao nhất và thấp nhất là 292 triệu USD
+Tổ hợp được liên doanh tư vấn quốc tế đề nghị trúng thầu là Mitsui có giá chào thầu 572 triệu USD (chênh lệch so với giá chào thầu thấp nhât là 126 triệu USD
Sau khi mở thầu, chủ đầu tư thành lập Tổ chuyên gia chấm thầu để lựa chọn nhà thầu. Đối với NMĐ Phả lại 2, Chủ đầu tư đã thành lập tổ chuyên gia chấm thầu (phía Việt nam) bên cạnh Tổ chuyên gia của Tư vấn quốc tế, gọi là Tổ chuyên gia của Chủ đầu tư. Hai tổ chuyên gia có báo cáo kết quả chấm thầu riêng nhưng kết quả gần tương tự nhau. Chủ đầu tư còn thành lập Tổ chuyên gia thẩm định kết quả chấm thầu của hai tổ chuyên gia trước. Trên cơ sở kết quả chấm thầu này, Chủ đầu tư công bố nhà thầu trúng thầu. Do có sự chênh lệch rất lớn giữa các giá chào thầu và giá trúng thầu nên đã gây ra sự thắc mắc và khiếu nại của nhà thầu với Nhà nước việt nam.
Khi có sự khiếu nại của các nhà thầu hoặc khi các cơ quan quản lý nhà nước thấy việc chấm thầu có những khúc mắc,thì tùy loại dự án,sẽ thành lập tổ chuyên gia độc lập để thẩm tra kết quả chấm thầu trước đó, thường được gọi là Tổ chuyên gia của nhà nước để phân biệt với tổ chuyên gia của Chủ đầu tư. Hội Nhiệt Việt nam được giao chủ trì Tổ chuyên gia độc lập này. Như thế không phải dự án nào cũng phải thành lập Tổ chuyên gia độc lập thẩm tra kết quả chấm thầu của Chủ đầu tư, mà chỉ khi có khiếu nại hoặc việc chấm thầu Dự án có vấn đề. Kết luận của Tổ thẩm định nhà nước có thể coi là cuối cùng.
PGS. TS Trương Duy Nghĩa kể: Việc thẩm tra độc lập kết quả chấm thầu dự án NMNĐ Phả Lại 2 được thực hiện từ năm 1997, dự án cũng đã được hoàn thành xây dựng và đã đi vào sản xuất được gần chục năm nay, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện Dự án cũng đã kết thúc từ lâu. Dự án NMNĐ Phả Lại 2 là dự án nhiệt điện lớn nhất ở Việt Nam khi ấy, gồm 2 tổ máy công suất mỗi tổ 300MW, cũng là tổ máy có công suất lớn nhất trong hệ thống điện Việt Nam lúc đó (tổ máy của NM Thủy điện Hòa Bình có công suất 240MW, tổ máy của NMNĐ Phả Lại 1 có công suất 110MW). Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật, lần đầu tiên đấu thầu chọn thuê tư vấn quốc tế lập Dự án và đấu thầu quốc tế chọn nhà thầu cung cấp thiết bị theo hình thức chìa khóa trao tay (tổng thầu EPC). Tất cả các bước triển khai Dự án từ đấu thầu tuyển chọn tư vấn quốc tếđến chấm thầu và chọn nhà thầu trúng thầu đều có sự giám sát của cơ quan quản lý vốn vay ODA của Nhật Bản.
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại
PGS. TS Trương Duy Nghĩa nhớ lại: Khi thẩm tra, Tổ chuyên gia độc lập nhận thấy việc chấm thầu của Tư vấn quốc tế có nhiều sai phạm và vi phạm nguyên tắc đấu thầu. Đó là:sau khi mở thầu công khai giá chào thầu của các nhà thầu và sau khi đã triển khai công việc chấm thầu 1 tháng, Tư vấn mới đề ra thang điểm chấm thầu (xin được gọi là barem chấm điểm) mà đúng ra barem điểm này phải được lập và công bố cùng với HSMT hay ít nhất phải được công bố trước khi mở thầu. Barem điểm phải được Chủ đầu tư phê duyệt trước khi công bố. Tư vấn quốc tế đã vi phạm nghiêm trọng 2 nguyên tắc này. Vì vậy về nguyên tắc barem điểm là không hợp pháp. Hơn nữa, cách cho điểm trong barem có nhiều điều không đúng nhưng đã là căn cứ quan trọng để tư vấn chấm thầu, cho điểm các nhà thầu và chọn nhà thầu trúng thầu.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa đã cùng Tổ chuyên gia độc lập khẳng định, nội dung barem điểm rất không hợp lý: Gộp điểm về giá và điểm về kỹ thuật thành 1 bảng điểm chung, trong đó điểm về giá chỉ được tối đa 30 điểm, điểm kỹ thuật tối đa 70 điểm (thang điểm 100) Giá chào thầu chênh lệch rất lớn, nay quy về 30 điểm thì tổ hợp chào giá thấp nhất được 30 điểm, tổ hợp chào giá cao nhất được 19 điểm, chênh nhau 11 điểm tương ứng với số tiền chênh là 296 triệu USD, nghĩa là mỗi điểm có giá trị tương ứng 26,9 triệu USD. Trong khi đó giá kỹ thuật cao nhất được 70 điểm nhưng việc chấm điểm nặng về định tính, tùy theo quan điểm của người chấm, có thể chênh nhau tới 5 -7 điểm cho mỗi hạng mục chấm, tương đương hàng trăm triệu USD. Barem điểm và cách cho điểm như vậy là không đúng, không phù hợp với thông lệ chấm thầu quốc tế. Hơn nữa các nhà thầu đã qua vòng sơ tuyển về kỹ thuật, nghĩa là đã đạt yêu cầu về trình độ và kinh ngiệm kỹ thuật, thì không thể gộp điểm kỹ thuật vào chung thang điểm về giá.
Để đánh giá các nhà thầu, tổ chuyên gia độc lập cho rằng: Cần đưa về mặt bằng đánh giá chung, gọi là chỉnh giá về giá đánh giá thầu.Việc chỉnh giá của Tư vấn quốc tế có nhiều chỗ không đúng, thậm chí áp đặt giá theo chủ quan dẫn tới kết quả chỉnh giá về giá đánh giá thầu không chính xác và tất nhiên do đó việc chọn nhà thầu trúng thầu là không đúng. Giá đánh giá thầu là giá do Tổ chuyên gia xét thầu lập ra khi chấm thầu, có giá trị trong nội bộ tổ chuyên gia để so sánh trên cùng một mặt bằng giữa các nhà thầu, còn khi ký hợp đồng giao thầu vẫn chủ yếu dựa vào giá chào thầu, có thể thêm bớt so với giá chào thầu ban đầu do thêm bớt các hạng mục công trình khi ký hợp đồng giao thầu chính thức.
Trên cơ sở kết quả chấm thầu thẩm tra của tổ chuyên gia độc lập, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không công nhận nhà thầu trúng thầu theo kiến nghị của Tư vấn nước ngoài. Thủ tướng đã chấp nhận kiến nghị của chúng tôi và nhà thầu do chúng tôi kiến nghị trúng thầu là Sumitomo có giá chào thầu (524 triệu USD) thấp hơn nhà thầu do Tư vấn kiến nghị là 48 triệu USD.
Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau
Ngoài Dự án NMNĐ Phả lai 2, Hội KHKT Nhiệt Việt nam còn thẩm định kết quả chấm thầu dự án NMNĐ khí Cà Mau 1 công suât 750 MW. Tại Dự án này, tư vấn của Chủ đầu tư đã đề nghị chọn nhà thầu A trúng thầu vì suất đầu tư thấp hơn so với các dự án khác.Chúng tôi được giao thẩm định lại kết quả chấm thầu của Chủ đầu tư và thấy rằng cần để nhà thầu B trúng thầu do thiết bị của nhà thầu B có các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn, nên so sánh giữa chi phí đầu tư và chi phí vận hành thì chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được 42 triệu USD trong quá trình vận hành nhà máy, Thủ tướng đã chấp nhận kiến nghị của chúng tôi và giao cho nhà thầu B thực hiên ngay cho NMĐ Cà Mau 2, giống hệt Cà Mau 1 với cùng một giá như Cà Mau 1, bỏ qua các giai đoạn làm các báo cáo đầu tư.
Hội KHKT Nhiệt còn được giao thẩm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật do Tổng thầu nước ngoài đệ trình để áp dụng cho NMNĐ Vĩnh Tân 2, NMNĐ Duyên Hải 3 Mở rộng. Tuy các công việc này không đánh giá được bằng tiền nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm chất lượng thiết bị và toàn bộ dự án, vì qua thẩm tra tiêu chuẩn đã phát hiện rất nhiều quy định trong tiêu chuẩn do Tổng thầu kiến nghị thấp hơn so với các quy định chung, kể cả so với các quy định của TCVN.