Những lục địa lâu đời
Một nhóm các nhà nghiên cứu của Australia, Pháp, Mỹ đã phân tích loại chất khoáng zircon nằm trong các lớp trầm tích tại Jack Hills (Australia) hình thành cách đây 4,4 tỷ năm.
Mark Harrison, Stephen Mojzsis và một số nhà nghiên cứu khác đã coi chất kim loại có trong khoáng chất zircon (chất hafnium) như một dấu hiệu quan trọng. Theo Stephen Moizsis, thuộc trường Đại học Boulder (Colorador, Mỹ), đây là một trong những chất quý hiếm còn sót lại sau những biến đổi mạnh mẽ của lớp vỏ trái đất.
Cấu tạo các hạt zircon cho thấy chúng được hình thành từ rất sớm, trong nhiệt độ lý tưởng cho sự hình thành lớp vỏ Trái đất. Các lục địa cũng bắt đầu hình thành ngay sau sự ra đời của Trái đất, cách đây 4,4 - 4,5 tỷ năm, điều này tạo môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện những dạng thức đầu tiên của sự sống.
Vào 2001, Stephen Mojzsis đã công bố một nghiên cứu cho thấy nước xuất hiện trên bề mặt Trái đất cách đây 4,3 tỷ năm. Đồng thời, ông cũng quan tâm tới các phiến đá núi lửa cổ nhất được tìm thấy tại Isua và Akilia ở Groenland, tồn tại cách đây ít nhất 3,8 tỷ năm bởi vì ông cho rằng đã tìm thấy trong đó những dấu tích của sự sống. Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự sống trên Trái đất xuất hiện cách đây 3,4 tỷ năm.
Nguồn: tintuconline.vietnamnet.vn 25/11/2005