Những điều ít biết về Thung lũng Silicon
Với 3.500 USD tiền vốn tự đóng góp, Kleiner cùng các đồng sự đã phát triển một phương pháp sản xuất mới: Tích hợp nhiều bóng bán dẫn trên một tấm wafer silicon đơn. Bước đột phá này đã giúp họ thu hút được 1,5 triệu USD đầu tư của 2 hãng Fairchild Camera và Instrument Corp, để từ đó lập ra công ty Fairchild Semiconductor vào tháng 10/1957.
Đây là một trong những công ty phôi thai đầu tiên tạo nên cộng đồng công nghệ tại Thung lũng Silicon. Fairchild Semiconductor đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp sản xuất chip và trở thành cái nôi đầu tiên cho hàng loạt hãng công nghệ khác ra đời và phát triển, trong đó có những tên tuổi lớn như Intel, National Semiconductor và Advanced Micro Devices (AMD)...
Đối với nhiều người, nhất là "dân" công nghệ thông tin, hầu như ai cũng biết đến, hay ít nhất một lần được nghe nói tới "Silicon Valley - Thung lũng Silicon" hay "Thung lũng máy tính". Thực tế, thung lũng Silicon nằm ở phía Nam, cách bang San Francisco, Mỹ 50 km và có tên chính thức là thung lũng Santa Clara. Những địa danh quen thuộc của nơi đây như: Palo Alto, San Jose, Sunnyvale, Mountain View, Cupertino hay Los Altos là những cái tên gắn liền với máy tính và tin học. |
Những tên tuổi nổi tiếng từ Silicon Valley
Rất nhiều những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thông tin đã xuất hiện từ nơi đây. Thung lũng Silicon đã làm nên những tên tuổi này hay chính những tên tuổi này đã khiến cho "thương hiệu Silicon Valley" trở nên nổi tiếng, câu hỏi này dường như không bao giờ có thể trả lời chính xác.
Một trong những cái tên nổi tiếng trên thế giới là Scott McNealy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sun Microsystems. Nếu như vào năm 1982, cái tên Sun Microsystems chẳng mảy may làm người ta quan tâm thì giờ đây, Sun đã trở thành một công ty máy tính hàng đầu thế giới, đối thủ đáng gờm của Microsoft. Tốt nghiệp đại học Havard vào năm 1976, Scott McNealy đã làm việc tại công ty Rockwell International.
Năm 1982, với 15.000USD vay của cha, McNealy cùng 3 đồng nghiệp thành lập hệ thống mạng Đại học Standford SUN (Stanford University Network). Bốn chàng trai cùng ấp ủ chung một ý tưởng tạo ra những WorkStation tốc độ cao với chi phí thấp, sử dụng hệ điều hành UNIX đã ngay lập tức nhận được những sự tán thưởng của các chuyên gia phần mềm.
Năm 1983, Sun kí hợp đồng sản xuất thiết bị nguồn trị giá hàng triệu đôla với ComputerVision Corporation. Đó là hợp đồng đầu tiên trong số rất nhiều hợp đồng sản xuất thiết bị nguồn đã tạo nên tên tuổi cho Sun Microsystem.
Cùng năm đó, công nghệ NFS được giới thiệu và bắt đầu tạo tiếng vang cho Sun. Tiếp theo, đến năm 1996, Java, ngôn ngữ Internet đa hệ thống ra đời tại thung lũng Silicon, đã đưa Sun từ một nhà cung cấp nhỏ trở thành một công ty máy tính hàng đầu thế giới.
Với chiêu thức tiếp thị ấn tượng"Viết một lần, chạy.. mọi nơi", một ứng dụng viết bằng ngôn ngữ Java có thể chạy trên nhiều nền (platform) khác nhau: từ Windows, MacOS cho đến Linux, BeOS... Thương hiệu Sun và cái tên Scott McNealyđã thực sự nổi tiếng không chỉ trong thung lũng Silicon mà còn trên toàn thế giới.Một cái tên nữa cũng thường được nhắc đến trong "Thế giới IT" là Alan Kay, với biệt danh "huyền thoại của Thung lũng Silicon". Alan Kay năm nay 65 tuổi, là một kỹ sư máy tính người Nhật và có một bề dày lịch sử đáng nể trong lĩnh vực CNTT. Từ năm 1996 đến 2001, Alan Kay là chuyên gia dự án truyền thông kỹ thuật số tại hãng Walt Disney.
Sau đó, ông đầu quân cho HP với vai trò là một nhà khoa học cao cấp vào tháng 11/2002. Trước đó, vào cuối những năm 60, Kay đã tham gia thiết kế mạng ARPAnet, tiền thân của mạng Internet ngày nay. Ông cũng là người chế tạo ra Dynabook, phiên bản đầu tiên của dòng máy tính xách tay hiện nay với màn hình phẳng, mạng không dây và trang bị bút điện tử.
Không những thế, Kay còn là nhà sáng lập phòng nghiên cứu Xerox Palo Alto Research Center (PARC) nổi tiếng tại Thung lũng Silicon. Với những thành tích kể trên, Alan Kay đã vinh dự được nhận một trong những giải thưởng uy tín nhất của ngành công nghệ thế giới - giải thưởng Kyoto Prize for Advanced Technology 2004.
Trang phục công sở: "Mặc quần đùi, đi dép lê"
Mọi người tại Thung lũng Silicon không quan tâm nhiều đến cách ăn mặc. Ai cũng như ai, đi làm trong bộ quần áo mùa hè đơn giản và hầu như ai cũng thích đi dép lê. Tại IBM, trang phục nơi công sở là áo sơ mi trắng và túi áo luôn kẹp vài cái bút chì, bút bi các mầu. Bữa ăn trưa đều do chính công ty cung cấp. Đa số là thức ăn nhanh McDonalds, Burger King... và đồ uống hoa quả các loại, được đặt sẵn trong các máy bán hàng tự động. Nhanh, tiện lợi nhưng luôn đủ chất. Công nhân đi lại trong công sở bằng xe đạp.
Tại các phòng làm việc, danh mục điện thoại được ghi theo tên của nhân viên, chung quanh công sở có bảo vệ cùng chó kiểm soát. Tại nhiều nơi không quy định giờ làm việc một cách cứng nhắc, nhưng ai cũng phải làm việc hết khả năng của mình. Phần lớn sinh viên mới ra trường được nhận vào làm ngay trong những công ty nghiên cứu lớn - đa số họ đều là sinh viên xuất sắc của các trường đại học Stanford, MIT hay Berkeley. Vẫn quen với nếp sống sinh viên, ngay ở nơi công sở, họ cũng không muốn thay đổi những thói quen của mình.
Tình yêu và gia đình theo kiểu Thung lũng Silicon
Buổi tối tại Thung lũng Silicon rất vắng vẻ và yên lặng. Bãi đỗ xe trước các công ty lớn chật cứng ôtô cho đến tận nửa đêm. Hình ảnh đó cũng đủ nói lên rằng, trong cuộc sống: "Không thể có tất cả".
Khi đã là thành viên trong guồng máy điện tử khốc liệt đó, thì ai trong số họ, cũng phải từ bỏ hạnh phúc và những thú vui riêng tư. Chính vì vậy mà tình yêu và hôn nhân của những con người tại thung lũng Silicon cũng thật khác biệt.
Các chàng trai ở Thung lũng Silicon có thời gian kiếm tiền triệu, nhưng hầu như không có thời gian dành cho việc tìm bạn đời, cũng như cho gia đình. Công việc của họ gắn với chiếc máy vi tính, mọi giao tiếp hầu như đều qua mạng Internet.
Vì vậy, họ cũng thường chọn cách này để tìm "nửa kia" của mình. Đây là tình trạng chung của hàng trăm chuyên gia công nghệ thông tin từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ đang làm việc cho tập đoàn Microsoft và hàng nghìn chuyên viên, kỹ thuật viên người ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và thậm chí cả Việt Nam đang làm việc tại các công ty kỹ thuật khác ở Thung lũng Silicon. Không ai có thể thống kê có bao nhiều chàng trai còn độc thân hay bao nhiêu người đã lập gia đình bởi họ đều sống như nhau: chỉ một mình.
www.asiayuan.com là một địa chỉ website của Đài Loan được các chàng trai độc thân ở Thung lũng Silicon xem như địa chỉ "dây tơ hồng" nội bộ. Họ có thể làm quen với các cô gái Đài Loan có trình độ tương đương tại đây . Website này do cô Wendy Suen (người Đài Loan) sáng lập.
Đã rất nhiều chàng trai cô gái nên duyên chồng vợ qua website này. Shing Shen, một kỹ sư CNTT gốc Thượng Hải, 30 tuổi, đã có thâm niên làm việc tại Thung lũng Silicon 8 năm trời. Cô chỉ biết làm bạn với chiếc máy tính, online cả ngày, không có một chút thời gian rãnh rỗi nào dành cho bản thân.
Biết đến website này qua một người bạn, Shing Shen thử truy cập và trao đổi email với một chàng trai Đài Loan kém mình 2 tuổi, cũng là kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon. Sau một thời gian trao đổi email và vài lần hẹn hò ít ỏi, họ đã nên vợ nên chồng. Cho đến nay, 2 thành viên của Thung lũng Silicon này đã có 2 con trai và vẫn duy trì được hình mẫu gia đình hạnh phúc theo kiểu "Thung lũng Silicon". Một gia đình khác, cả 2 vợ chồng đều làm việc tại Thung lũng Silicon, được mệnh danh là "Gia đình lý tưởng". Người chồng là Jonh Rockhold, chuyên viên lập trình cao cấp của Microsoft: còn vợ - Hellen Mauld, làm việc cho tập đoàn Apple. Hai người luôn luôn rời nhà từ sáng sớm và chỉ trở về khi đã quá nửa đêm.
Hai đứa con 14 và 12 tuổi hầu như phải tự lo cho bản thân. Các con gửi email cho bố mẹ hàng ngày. Nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh hoàn toàn qua email. Chúng có thể gọi điện thoại di động cho bố mẹ bất cứ lúc nào để tâm sự nhờ giải đáp những vấn đề đang thắc mắc. Cả gia đình thường gặp nhau qua video hội thoại và điều đó giúp cho họ có cảm giác như đang được ở cạnh nhau, dù khoảng cách thực sự là hàng trăm cây số. Để duy trì được một gia đình như vậy, sự nỗ lực và tính độc lập của mỗi thành viên trong gia đình đều phải được phát huy tới mức cao nhất.
Làm việc cả ngày với mạng và tìm người yêu, chăm sóc gia đình cũng qua mạng. Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao như máy vi tính nối mạng, điện thoại di động hoặc nhờ kỹ thuật hội thoại qua video, các chuyên viên có thể thường xuyên liên lạc với người thân như thể họ đang ở nhà vậy.
Theo các chuyên gia, đây là một giải pháp tích cực giúp hạn chế tình trạng gia đình đổ vỡ do các ông bố, bà mẹ làm việc cả đêm ngày, sống ở những thành phố khác nhau gần trọn cả tuần lễ và có quá ít thời gian chăm sóc nhau cũng như dạy dỗ con cái.
Tuy rằng, nhiều việc - máy móc kỹ thuật cao có thể làm tốt, nhưng có những việc - máy móc không thể thay thế con người. Có lẽ đó là cái giá phải trả đối với những người làm việc tại Thung lũng Silicon.
Lời kết:
Gần đây, hoạt động của thung lũng Silicon chuyển mạnh sang lĩnh vực thông tin vô tuyến điện, lĩnh vực này cũng có sức hút giống như máy tính cá nhân vào thập niên 70 và Internet vào thập niên 80 của thế kỷ 20.
Ngày nay, máy cầm tay di động có thể chuyển nhận thư điện tử, duyệt web, hiển thị hình ảnh màu có độ phân giải cao, thu hình thị tần, nghe nhạc nén đa sắc, chơi nhiều loại games phức tạp..Hướng phát triển các sản phẩm công nghệ cao của thị trường thông tin vô tuyến điện đang là hướng nghiên cứu trọng điểm của thung lũng Silicon giai đoạn hiện nay.
Cho dù hiện nay, thời vàng son của Thung lũng Silicon đã qua, nhưng Silicon Valley vẫn là biểu tượng thành đạt của lĩnh vực đã tạo nên những bước đột phá kỳ diệu cho xã hội: Lĩnh vực CNTT. Với nhiều người, được sống tại Thung lũng vẫn là một niềm tự hào. Họ luôn tin rằng: Thời điểm hiện tại chỉ là bước lùi tạm thời, cũng giống như những lần thăng trầm trước đây mà thôi. Silicon Valley rồi sẽ tìm ra được hướng phát triển mới.
Nguồn: Tạp chí Sức mạnh số,http://www.xahoithongtin.com.vn