Những công trình hữu ích của 2 “nhà phát minh nhí”
Robot sát khuẩn
Qua sách báo và thực tế, thấy cảnh con người phải trực tiếp ra - vào những nơi nguy hiểm, có nhiều chất độc hại để làm việc, em Bùi Phước Lai, học sinh lớp 12/27A trường Phan Chu Trinh đã quyết tâm và chế tạo robot phun thuốc sát khuẩn. Robot của Bùi Phước Lai có thể vào những môi trường có chất hoá học, vào khu vực có vi khuẩn, virut để phun thuốc sát trùng.
Robot còn có thể di chuyển, mang trên mình bình thuốc 20 lít, được điều khiển từ xa phục vụ công việc phun thuốc sát khuẩn cho những trang trại, hoặc làm việc giản dị như tưới cây, hay việc nguy hiểm như chữa cháy… Robot có thể chuyển thuốc từ thể lỏng thành sương để tăng diện tích tiếp xúc giữ thuốc với môi trường và di chuyển một cách linh hoạt.
Robot gồm 3 phần: phần di chuyển, phần phun thuốc và bộ điều khiển. Nó có thể di chuyển ở mọi góc độ với sự chính xác cao nhờ cơ cấu bánh xe tịnh tiến, tiến, lùi, sang trái, sang phải một cách linh hoạt và ít bị các vật cản làm hạn chế. Phần phun thuốc là bộ phận chính của robot, hoạt động dựa trên nguyên tắc áp suất cao và vận tốc chuyển động của dòng chất lỏng để tạo thành sương. Thuốc được đẩy từ bình chứa đến van đóng mở bằng tay nhờ áp suất cao trong bình được tạo ra từ máy bơm nén khí. Qua van đóng mở bằng tay, thuốc tiếp xúc đến van tự động (do con người điều khiển từ xa) để định lượng thuốc cần phun ra môi trường. Thuốc tiếp tục được đẩy mạnh lên vòi phun với áp suất cao và vận tốc lớn.
Tại đây, vòi phun sương có lỗ nhỏ thông với môi trường nhỏ nên tạo thành sương. Trung tâm điều khiển của robot là hai mạch thu phát sóng vô tuyến với 7 lệnh khác nhau gồm: Hai lệnh điều khiển rẽ trái, rẽ phải, tiến về phía trước; một lệnh dùng cho máy bơm nén khí; hai lệnh dùng cho vòi phun quay bán vòng và hai lệnh cuối để đóng mở van tự động. Robot còn được trang bị song song với vòi phun và một cánh quạt gió mạnh dùng cho sương được phun ra xa và chính xác hơn.
Phước Lai cho biết: sắp tới, em sẽ phát triển thêm khả năng chuyển động lên xuống của vòi phun sương và nghiên cứu để điều khiển robot ở khoảng cách trên 100 m, đồng thời lập trình cho robot tự động phun thuốc ở nhiều dạng địa hình. Ngoài ra, robot sẽ được cài đặt thời gian hoàn tất nhiệm vụ.
Ít ai biết được chủ nhân của robot đã phải vất vả thế nào khi cho ra đời sản phẩm ứng dụng cao này. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ba đạp xích lô nuôi 3 anh em ăn học, Bùi Phước Lai đã phải đi làm để có tiền mua nguyên liệu, thiết bị chế tạo robot. Công việc làm thêm của Lai cũng rất đặc biệt: làm phóng viên nhỏ của báo Thiếu niên tiền phong. “Nhờ những bài viết đăng báo mà em có nhuận bút tích góp mua vật liệu làm nên hình hài con robot” - Phước Lai nói.
Mô hình nhật - nguyệt thực
“ Mô hình nghiên cứu về nhật thực, nguyệt thực” là sản phẩm sáng tạo được ấp ủ từ khi “chủ nhân” mới chỉ là học sinh lớp 9. Bây giờ, khi tác giả của nó, em Hồ Duy Thanh đã là học sinh lớp 11/26A trường Phan Chu Trinh, thì mô hình cũng đã được hoàn thiện, nhỏ gọn, bắt mắt và đặc biệt hữu hiệu ở tính năng sử dụng.
Với kinh phí sản xuất khoảng hai trăm ngàn đồng/ chiếc, sáng tạo của Thanh sẽ phù hợp với túi tiền của học sinh thành phố, cũng như phù hợp với điều kiện mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, giảng dạy của các trường tiểu học, trung học thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Mô hình trực quan, đơn giản này có thể giúp học sinh làm quen, tiếp thu nhanh các bài học về địa lý về các hiện tượng nói trên. Ngoài ra, mô hình có thể nghiên cứu quỹ đạo quay của mặt đất quanh mặt trời, hiện tượng các mùa trong năm, hiện tượng ngày, đêm.
Thanh kể, năm lớp 9, khi học địa lý, cô giáo giảng bài về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực chỉ bằng lý thuyết khiến cho em cũng như nhiều học sinh khác tiếp thu kiến thức rất khó khăn. Từ đó, Thanh ôm ấp ước mơ sáng tạo một mô hình trên đó có hệ quĩ đạo, Mặt trăng, Mặt trời, Trái đất, có thể gắn mô tơ chuyển động, trực quan, dễ hiểu để phục vụ việc học tập. Cũng như Lai, gia đình Thanh rất khó khăn, ba đi bán kem, mẹ bán bánh bèo cả ngày cũng chỉ được vài chục ngàn cho gia đình mưu sinh. Vì vậy, vài chục ngàn với Thanh để mua đồ đạc làm mô hình là chuyện ngoài khả năng. Thanh đã giấu cha mẹ để làm thêm kiếm tiền “nuôi” ý tưởng. Mỗi lần rinh được một thứ đồ phù hợp, Thanh gửi nhà hàng xóm. Mô hình cứ được hoàn thành dần từ những đồ phế liệu kiếm được, từ tiền ăn sáng dành dụm đến cả sự hỗ trợ của bạn bè.
Ngày Thanh mang mô hình đi tham dự Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 4, cha Thanh phải mượn bà con hàng xóm 1 triệu đồng. Mô hình của Thanh được giải Khuyến khích, được thưởng 1,5 triệu đồng thì 1 triệu trả nợ, còn 5 trăm ngàn đồng cho em dùng vào việc mua sách, đóng học chuẩn bị cho năm học mới.