Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 29/08/2005 14:23 (GMT+7)

Những chuyện mới và độc đáo về Vương quốc Đàng Ngoài (trích)

Chương V: Lực lượng trên biển cũng như trên bộ của Vương quốc Đàng ngoài

Những cái người ta viết trước tôi về Vương quốc Đàng Ngoài thường nói quá cao cả về sức mạnh trên bộ cũng như trên biển và gán cho nó một số lượng phi thường về binh sỹ và tàu thuyền. Có người đã viết rằng quân đội thường xuyên có mặt lên đến 12 nghìn ngựa, 2 nghìn con voi, vừa để xung trận vừa để chở lều trại và hành lý của Hoàng gia và các Vương công, ba trăm nghìn lính bộ và ba trăm chiến thuyền. Và vì Vương quốc rất hùng mạnh cả về phương tiện chiến đấu lẫn quân số nên khi có chiến tranh, quân đội lên đến năm trăm nghìn người, nhưng những điều người ta viết cần phải xem lại. Đây là số lượng mà em tôi đã nhìn thấy năm 1643, khi nhà vua (2)muốn mở cuộc triến tranh với xứ Đàng Trong vì dân của họ đã bắt giữ vài chiếc tàu của Đàng Ngoài. Nhưng việc đó đã được các sứ thần của Đàng Trong cử đến gặp Vua Đàng Ngoài làm êm dịu và nhà Vua tỏ ra hài lòng (3).

Quân đội của Vua Đàng Ngoài khi hành quân gồm có 8 nghìn ngựa, 4 nghìn bộ binh, 722 thớt voi, trong đó 130 để lâm chiến và những con khác để chở hành lý của nhà Vua và vài vị Hoàng thân, và 318 vừa tàu vừa thuyền có hình dáng khá dài và hẹp chạy bằng chèo và buồm. Đấy là những điều mà em tôi đã nhận xét. Điều kiện của binh lính rất vất vả, rất thấp kém ở xứ Đàng Ngoài vì họ phải gắn suốt đời với công việc chiến tranh, dù cho họ có khả năng làm một vài việc khác để có thể giúp đỡ gia đình, người ta vẫn không cho phép họ làm. Những ngày không phải phiên trực, họ buộc phải tháp tùng các vị chỉ huy đến những nơi các vị đó muốn, và họ phải tập bắn cung hai lần trong tuần trước mặt các vị chỉ huy. Các Đại đội thường có từ 100 đến 130 người, và những người trong mỗi Đại đội bắn được hai mũi tên khá nhất sẽ được thưởng, một người được hai tháng lương và người kia được một tháng, trả bằng gạo. Kẻ nào bắn kém nhất thì lần đầu tiên phải đứng gác gấp đôi thời gian. Tất cả các vị chỉ huy đều yêu cầu vũ khí của binh sỹ phải luôn luôn sạch sẽ và bóng như bạc. Nếu họ phát hiện vài vết rỉ, thì sẽ phạt người lính 8 ngày lương nếu là lần đầu, và lần thứ hai thì bị phạt rất nặng. Đối với những người phục vụ trên tàu thì được đối xử tuỳ mức. Các vị chỉ huy trên bộ cũng cho binh lính lên tàu trong một số ngày nào đấy, để cho họ học chèo thuyền. Lý do là vì trong mọi lúc, vua xứ Đàng Ngoài và các vị Vương công đều luôn luôn thích và lấy làm hứng thú hơn bất cứ thứ gì là được xem cảnh thuỷ chiến của tàu thuyền. Để giải trí như vậy, Vua cùng một phần Triều đình đến ở vài ngày trên những ngôi nhà đẹp xây dựng cạnh bờ con sông lớn của Vương quốc, và thật là vinh dự cho những vị chỉ huy khi trong cuộc gặp đó binh sỹ của ông ta giành chiến thắng. Vì phải chèo cật lực, có những người lính cố sức đến nỗi chết trong khi đang chèo, và Vua là người duy nhất đánh giá kết quả của trận đánh. Vì ngài rất thích thú nên đã thưởng cho vị chỉ huy thắng trận một con voi và cho thêm ba tháng lương. Khi một người lính chết trong những cuộc tập trận đó, vợ và con cái họ được hưởng hai năm lương. Nhưng với tất cả khó khăn nhọc nhằn trong công việc, tiền lương của binh sỹ rất ít ỏi, không đủ để nuôi vợ con. Nhưng vì ở đất nước này, người ta kết hôn khi còn rất trẻ, những người vợ lính cũng như những người khác trong hoàn cảnh thấp kém thường ham mê công việc, họ đã học một vài nghề từ rất sớm để giúp đỡ gia đình. Về phía các vị chỉ huy họ cũng có công việc phải lo như bắt lính phải dạy voi để tham gia chiến trận... Tất cả các vị chỉ huy và đình thần của nhà Vua và các vị Vương công của Triều đình đều được gọi bằng một tên chung là Quan, họ chỉ có bốn ngày trong một tuần trăng để nghỉ ngơi giải trí, hai ngày đầu tuần trăng và hai ngày khi trăng tròn. Đấy là lược qua vài lời mô tả tinh thần và phong tục tập quán của cư dân.

Chương VI: Phong tục và tập quán của dân chúng Vương quốc Đàng Ngoài

Dân chúng Đàng Ngoài có bản tính hiền lành và hoà bình, rất chịu theo lẽ phải và lên án mọi sự tức giận. Họ đánh giá cao công trình của nước ngoài coi như là của họ, dù cho họ chưa có nhiều tò mò để đến xem các đất nước khác ngoài nơi họ sinh ra, và là nơi họ nói là phải ở luôn đấy để nhớ đến tổ tiên. Họ có tiếng nói tự nhiên êm dịu và dễ nghe, có trí nhớ tốt, và trong ngôn ngữ hoa mỹ, họ luôn dùng những hình ảnh so sánh đẹp.

Họ có những nhà thơ giỏi và những người theo học khoa học, và về điểm này họ không thua kém gì người Trung Quốc láng giềng.

Người Đàng Ngoài dù là đàn ông hay đàn bà phần đông đều có thân hình đẹp, màu da hơi ngăm ngăm. Họ rất thích khen ngợi màu da trắng của người châu Âu. Họ không có mũi dài và mặt rất tẹt như người Trung Quốc, và nói chung họ có dáng khá hơn. Tóc họ rất đen và họ để càng dài càng tốt, lo chải cẩn thận. Người dân thường tết tóc và búi lại thành một cuộn tròn trên đầu, nhưng những người quý tộc, các quan toà và binh lính thì quấn xung quanh cổ, để cho tóc không đập vào mặt (4). Không thể tin rằng họ có răng đẹp, vì họ làm cho đen tuyền như hạt huyền, họ để móng tay dài, càng dài thì càng đẹp.

Áo quần của họ nghiêm trang và giản dị, gồm một cái áo dài chấm gót, gần giống như người Nhật Bản, và không phân biệt cách ăn mặc giữa đàn ông và đàn bà. Cái áo đó được thắt ở giữa thân bằng một cái thắt lưng lụa hay xen lẫn vàng bạc, thắt lưng của nam và nữ đều đẹp như nhau. Nhưng với binh lính thì cái áo không dài quá gối và quần thì ngắn đến giữa bắp chân, không có bít tất lẫn giày.

Người dân thường phải làm nô tì một phần thời gian trong năm, vì trong khu vực sản xuất của các nhà quyền quý (5)tại kinh đô nơi nhà vua thiết triều, tất cả những người thợ dù làm nghề gì, thợ mộc, thợ làm nhà, thợ khoá, thợ nề và các thợ khác đều phải làm việc mỗi năm ba tuần trăng cho Hoàng gia và suốt hai tuần trăng khác cho các quan hay các đại vương công (vì người Đàng Ngoài tính tháng theo tuần trăng), phần còn lại trong năm mới thuộc về họ và họ đi làm cho những ai trả công để nuôi gia đình. Nói theo tiếng của họ là làm Viecquan( theo nguyên văn), nghĩa là trong điều kiện nô tì. Nhưng họ còn có những ràng buộc khác đáng sợ hơn việc đó, đấy là đi chặt cành cây để nuôi voi. Đó là một việc khổ sai cực nhọc mà họ bị cụ cố (6)của nhà vua đang trị vì bắt đi làm, sau khi ngài đã dẹp yên được cuộc nội chiến làm rối loạn Vương quốc và bắt các thần dân nổi loạn phải quy phục. Vì ngài phải rất vất vả và chỉ khuất phục được chúng sau nhiều tổn thất của quân đội. Hội đồng của ngài chủ trương phải kết án tử hình một bộ phận, nhưng ngài muốn cho tất cả đều được sống nhưng trói buộc chúng cùng con cháu suốt đời vào công việc cực nhọc đó, để ngài có thể thu lợi được.

Tôi đã nói rằng người Đàng Ngoài rất thích sống gần sông, họ làm cho đất nước của họ không có cá sấu và những con vật nguy hại khác, như ta đã thấy vô số trên trông Nil và sông Hằng. Về việc này phải nhận rằng những con sông đó năm nào cũng tràn ngập sau những cơn mưa và gây ngập lụt kéo dài 15 ngày hay ba tuần hơn, những trận lụt đó rất khủng khiếp vì thường cuốn trôi toàn bộ xóm làng. Một phần vương quốc này đối diện với biển như vùng Ai Cập khi sông Nil dâng nước lụt.

Đào Hùng dịch và chú thích

  1. Tác giả viết bằng chữ Pháp cổ hơi khó đọc. Những chữ viết hoa hơi nhiều là do tác giả viết theo thói quen thời đó
  2. Đây là thời kỳ cai trị của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) ở Đàng Ngoài, những chỗ tác giả viết là Vua không biết có đúng không hay chỉ là Chúa. Tương đương với thời gian trị vì của vua Lê Chân Tông (1643-1649)
  3. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch của Viện sử học) thì năm 1643 Chúa Trịnh cử đại binh đi đánh Nguyễn Phúc Lan ở Thuận Hoá, bắt được tướng giặc, tiến quân đến cửa biển Nhật Lệ. Sau đó Chúa hộ vệ xa giá tiến đến châu Bố Chính nhưng ít lâu sau cho là phương Nam khí hậu nóng nực khó ở lâu bèn đem quân về. Như vậy lời thuật của tác giả trên đây không đúng với lịch sử. Có lẽ tác giả chỉ ghi lại sự việc sau khi quân Đàng Ngoài quyết định rút về
  4. Đoạn mô tả này hơi khó hiểu, không biết mức độ chính xác như thế nào
  5. Tác giả dùng chữ “bourgeois” để chỉ các nhà giàu hay quyền quý, chắc đây là tác giả mô tả chế độ công tượng, buộc các thợ thủ công phải vào phục dịch trong các công xưởng của nhà nước.
  6. Có lẽ tác giả nói đến sự kiện xảy ra năm 1553 sau khi Trịnh Tùng bắt được Mạc Mậu Hợp và tiến quân vào Thăng Long, rước xa giá vua Lê về kinh đô. Sau sự kiện này triều đình có hạ lệnh đại xá cho binh sĩ thua trận. Như vậy thì người làm nên sự kiện này là Lê Thế Tông (1573-1599), đúng là người trị vì 4 đời trước Lê Chân Tông.

Nguồn: Xưa&Nay, số 239, 7/2005, tr. 16-20

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.