Nhớ “cây đại thụ” của nền y học dân tộc
1. “Chính khí suy thì tà mới nhập được”. Tôi nhớ như in câu nói của BS Trương Thìn vào ngày 28/6/2012 tại hội nghị của các lão Đông y trước vấn đề bác sĩ Trung Quốc “dỏm” hoành hành. Ông đặt thẳng vấn đề vì sao chúng ta có nền y học dân tộc 4.000 năm, có thế mạnh đặc biệt nhưng lại làm cho người Việt Nam có mặc cảm là y học mình yếu. Trong khi đó, thầy thuốc “dỏm” Trung Quốc lại tung hoành, lấy tiền người bệnh.
“Nếu Sở Y tế không mạnh dạn trong việc này là làm tổn thương giới Đông y trong nước. Mình phục vụ nhân dân chân thực nhưng lại thiệt thòi vì chân chất” - ông bộc bạch.
Có lẽ lời nói ấy là những điều răn dạy cuối cùng của cây đại thụ nền y học cổ truyền (YHCT) nước nhà với tư cách là chủ tịch Hội Đông y và Châm cứu TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM). Nay ông đã không còn nữa nhưng những thành quả y học, y đức mà ông để lại cho đời sau thật lớn lao. “BS Trương Thìn đã đúc kết tư tưởng Hải Thượng Lãn Ông về cấu trúc nền YHCT qua năm chữ “y đạo, y lý, y thuật, y nghệ thuật, y đức”. Suốt cuộc đời sống thật, ông đúng là người thầy thuốc YHCT theo lẽ đó” - BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Y Dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ.
2. ThS.BS Nguyễn Mạnh Trí, Phó Chủ nhiệm bộ môn YHCT Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tâm sự: “Thầy Trương Thìn là người thầy đầu tiên làm cho tôi - một bác sĩ đa khoa Tây y rung động và yêu mến vẻ đẹp của YHCT dân tộc, để rồi từ đó quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Thầy không chỉ hướng dẫn cho chúng tôi về y lý, y thuật mà còn chỉ dạy chúng tôi về y đức, y đạo. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những buổi học rất đặc biệt với thầy: Không khô khan lý thuyết mà lại rất thú vị, sinh động với thơ ca, nhạc, họa,... YHCT là sự kết hợp tuyệt vời và thăng hoa rực rỡ của khoa học sức khỏe và bản sắc văn hóa dân tộc. Thầy tôi chính là biểu tượng của những giá trị cao quý đó”.
Không kìm được cảm xúc khi hay tin thầy mất, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bày tỏ: “Thầy ra đi mang theo những hoài bão mong muốn còn dang dở. Thầy còn băn khoăn là làm sao để kế thừa và phát triển được lực lượng Đông y bởi hiện nó đang rất khó khăn và mai một đi. Thầy băn khoăn về chất lượng thuốc YHCT và dược liệu không đảm bảo. Thầy cũng gửi gắm, cuộc sống này chỉ làm cõi tạm, còn gặp nhau thì ta cứ vui và làm tất cả những gì có thể để tốt cho đời, cho đồng bào, cho nhân dân. Những tâm nguyện của thầy chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện cho tốt, có như vậy mới không phụ lòng thầy.
3. BS Trương Thìn mất đúng vào dịp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Xây dựng cơ chế thí điểm cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa, bởi một trong những băn khoăn của ông mà cả đời chưa thực hiện được thì đúng dịp này, Bộ Y tế xin ý kiến của các chuyên gia để cụ thể hóa và đưa vào thực hiện.
Cõi tạm này ông đã chia tay để về cõi vĩnh hằng. Hy vọng những con người ở lại là đồng nghiệp, học trò của ông tiếp tục những cống hiến thầm lặng, thiết thực để tiến tới xây dựng một nền YHCT dân tộc khoa học và đại chúng.
BS Lê Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh cho biết: “BS Trương Thìn sinh năm 1940 tại Huế. Ông bắt đầu lập nghiệp tại Sài Gòn từ năm 1961 đến nay. Tôi biết ông từng là trưởng đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn với các phong trào đấu tranh Hát cho dân tôi nghe, Hát cho đồng bào tôi nghe từ năm 1966 đến 1975.
BS Trương Thìn đóng góp rất nhiều vào nền YHCT với những tác phẩm: Lý luận cơ bản Đông y hiện đại, Phát triển phương pháp luận Đông y và châm cứu, Biện chứng y dịch và siêu thức siêu cảm, Từ kỹ thuật đến nghệ thuật châm cứu, Đông dược thiết yếu…
Ông là người đầu tiên áp dụng Đông y vào cai nghiện ma túy và cũng là người đầu tiên trình luận án tiến sĩ y khoa về châm cứu của ĐH Y khoa Saigon từ năm 1971, tác giả của một trường phái châm cứu đặc biệt được truyền bá trong và ngoài nước từ 30 năm qua.
Từ năm 1985 đến nay, ông luôn đi tìm thuốc trong âm nhạc, thi ca, hội họa. Ông được xem như là người tiên phong trong việc đưa nghệ thuật thơ ca, nhạc, họa vào y học qua nhiều tác phẩm. Ông cũng là người sáng tác và phổ thơ nhiều tác phẩm như: Y đạo ca Lãn Ông trở về quê hương yêu dấu, Bi tráng ca Chinh phụ ngâm (thơ Đặng Trần Côn), Kiều ca Một xe trong cõi hồng trần (thơ Nguyễn Du), Kiều ca Đoạn trường vô thanh (thơ Phạm Thiên Thư), Kiều ca Bên bờ khát vọng (thơ Nguyễn Du), Rong ca Bùi Giáng,…
Tuy đã bước qua tuổi 73 nhưng ông vẫn trẻ trung như độ nào. Hằng ngày vẫn chữa bệnh, vẫn ca hát, vẫn sáng tác cho cuộc đời thêm vui. “Thêm một tuổi lại trẻ hơn một tuổi, Đã một đời như thể vẫn xuân xanh…”.
Trước năm 1975 ông là giảng viên YHCT 2, Trường ĐH Y khoa Huế và Minh Đức. Sau năm 1975 đến nay, ông đã trải qua các chức vụ: phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM; trưởng Trạm Cai nghiện ma túy; trưởng Phòng Y học dân tộc Sở Y tế; viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM; chủ tịch Hội Đông y và Châm cứu TP.HCM.
Tang lễ của BS Trương Thìn tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3) từ lúc 14 giờ ngày 21-12-2012 (nhằm ngày 9-11 năm Nhâm Thìn). Lễ động quan lúc 6 giờ 30 ngày 24-12 -2012. Linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.