Nhìn nhận về vấn đề thống nhất Quốc gia thế kỷ XVII – XVIII
1. Vấn đề thống nhất quốc gia của các chúa Trịnh
Vấn đề thống nhất quốc gia đầu tiên thuộc về các chúa Trịnh, đặc biệt là đời chúa Trịnh Tráng (1623-1657), chúa Trịnh Tạc (1657-1682) và chúa Trịnh Sâm (1767-1782).
Trong thế kỷ XVII chứng kiến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh làm cho một cõi miền Trung của đất nước trở thành chiến trường thời gian 1627 – 1672. Qua bảy lần giáp trận, thì quân Trịnh đến sáu lần Nam tiến 1, chỉ duy nhất một lần chúa Nguyễn cho quân Bắc tiến đánh vào Nghệ An vào năm Ất Mùi (1655) đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687).
Nhìn về mốc thời gian nối tiếp nhau của sáu lần Nam tiến đánh nguyễn, chúng ta nhận thấy các chúa Trịnh (trong đó Trịnh Tráng bốn lần, Trịnh Tạc hai lần) liên tục huy động quân đội chủ yếu vào việc tiêu diệt chúa Nguyễn, thu vén cả đất Đàng Trong mà chúa Trịnh cho là đất đai của vua Lê. Những lần tiến đánh có thể cách nhau ít nhất 6 năm, dài nhất cách nhau 13 năm là nỗ lực liên tiếp của chúa Trịnh khi tổ chức những đợt đánh chủ động vào Đàng Trong, không đơn giản chỉ để trừng phạt tội không nộp thuế 2của chúa Nguyễn mà đó chỉ là cái cớ để tiện đường tiến đánh.
Tuy nhiên quân đội chúa Nguyễn được tổ chức rất tốt đương đầu được với những cuộc tiến công dồn dập của phía Bắc đã dẫn đến việc hai bên phải lấy sông Gianh làm nơi chia cắt hai miền. Sau khi chia cắt thành Đàng Trong – Đàng ngoài, hai bên yên bình trong một thời gian dài. Nhưng trước khi quyền lực chúa Trịnh biến mất khỏi vũ đài chính trị lúc Tây Sơn ra Bắc lần thứ nhất (1786), thì trước đó 8 năm (Giáp Ngọ - 1774) ý định xóa sổ xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn vẫn còn đó với chúa Trịnh, và trên đà suy yếu của chúa Nguyễn, quân Bắc Hà đã dưới sự chỉ huy của Hoàng Ngũ Phúc thời Trịnh Sâm đánh vào Nam trên danh nghĩa trừ Trương Phúc Loan và dẹp loạn Tây Sơn để rồi sau đó chiếm lược Phú Xuân, đuổi Nguyễn Phúc Thuần vào Gia Định.
Đây là cơ hội lớn để chúa Trịnh thâu tóm đất đai Đàng Trong, cũng là để thống nhất quốc gia, như nhận định của học giả Hoàng Xuân Hãn: “Cơ hội thống nhất Đại Việt xem chừng đã đến, nhưng quân triều không thắng nổi quân dân cách mạng Tây Sơn” 3. Lúc này, chúa Trịnh cũng muốn diệt luôn Tây Sơn, nên trong chỉ dụ ngày mùng 5 tháng 5 năm Ất Mùi (1775) gửi cho chưa dẹp yên. Cũng nên thừa binh uy này trừ ngay lũ giặc bẩn thỉu ấy đi, san bằng lũy giặc, bình định miền Hải Nam 4, để đáp ứng ý trừ loạn cứu nguy cho ta” 5. Nhưng sức mạnh không đủ để diệt Tây Sơn, chúa Trịnh phải cho Nguyễn Nhạc làm quan để kìm giữ, lại cộng với cái chết của tướng Hoàng Ngũ Phúc ngay sau đó, chính quyền Đàng Ngoài lúc ấy chỉ vươn được đến Hải Vân quan, trong khi đó “từ đấy đất Thăng Hoa, Điện Bàn lại thuộc về Nguyễn Văn Nhạc chiếm cứ” 6. Công cuộc nhất thống của chúa Trịnh chỉ dừng đến đèo Hải Vân thì dừng.
Lại nói, thắng lợi đã không thành hiện thực với chúa Trịnh trong thời kỳ phân tranh 50 năm. Nhưng chúng ta đưa ra một logic biện chứng rằng, nếu chúa Trịnh đánh thắng chúa Nguyễn trong thời nội chiến 50 năm, liệu chúa Trịnh có để cho chính quyền chúa Nguyễn tiếp tục tồn tại không khi mà họ Nguyễn đã thành một thế lực đối địch gay gắt với uy quyền thống trị của nhà Trịnh? Và nếu có tiêu diệt được chúa Nguyễn, chúa Trịnh có thay thế chúa Nguyễn cai trị luôn cả dải đất Nam Hà rộng lớn đang trên đường phát triển mạnh mẽ về thương nghiệp với phương Tây và nông nghiệp ở vùng Nam bộ ngày nay. Hẳn, chúa Trịnh không bỏ qua mối lợi lớn ấy để khuếch trương thế lực, sức mạnh của mình nếu như thắng chúa Nguyễn trong thời nội chiến 50 năm để cho Đàng Trong, Đàng Ngoài nằm trong quyền cai quản của mình. Nhưng lịch sử đã không diễn ra như thế, nên chúng ta không thể khẳng định rằng chúa Trịnh có ý định rõ rang trong việc thống nhất quốc gia. Tuy nhiên, ở hành động thực tế của chúa Trịnh, chúng ta nên có một suy nghĩ mang tính gợi mở về vấn đề này.
Còn đối với chúa Nguyễn, ý định ly khai khỏi sự kiềm tỏa của chính quyền vua Lê – chúa Trịnh là rõ ràng. Nhưng trong tác phẩm Việt sử yếu lại có ghi về ý định của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên khi lên ngôi chúa thay cha, theo đó vị chúa thứ hai này từng có ý định ra Bắc đánh Trịnh phò Lê: “Hiếu Văn Đế 7vừa lên nối ngôi chúa thì nghe tin Trịnh Tùng đã chết. Ngài dụ các đình thần rằng: “Ta muốn nhân cơ hội này tiến binh đánh họ Trịnh phù nhà Lê để toại chí Tiên đế (tức Gia Dụ Đế 8). Nhưng cơ sở trong nước chưa được củng cố, chưa nên hành động một cách khinh thường” 9. Nếu dữ liệu được nói tới trong Việt Sử yếulà thực, thì ta thấy chúa Nguyễn cũng từng có ý định diệt Trịnh để thay Trịnh mà ở dưới trướng vua Lê trên cơ sở đất đai sẽ rộng hơn buổi đầu Trung hưng nhà Lê.
2. Vấn đề thống nhất quốc gia của vua Quang Trung
Trong bài viết “Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính Tây Sơn” của Tạ Chí Đại Trường đăng trên tập san Sử Địa, số đặc biệt xuân Mậu Thân: Đặc khảo về Quang Trung, chúng ta thấy được sự phát triển của phong trào Tây Sơn theo chiều hướng từ Nam ra Bắc khi từ đất Tây Sơn xuống Quy Nhơn ở Nam Trung Bộ ra Phú Xuân ở trung tâm miền Trung rồi tiến ra thủ phú xứ Bắc Hà – Đàng Ngoài là Thăng Long. Điều đó cho thấy họ có sự mở rộng tham vọng, thể hiện cả ở việc lập Phượng Hoàng Trung đô ở Nghệ An của vua Quang Trung để dung hòa sự phát triển của hai miền 10.
Dù trong anh em nhà Tây Sơn có ba người, nhưng tài năng kiệt hiệt vẫn là Quang Trung Nguyễn Huệ mà ngay đến cả sử nhà Nguyễn cũng phải ghi nhận. Như trong Tây Sơn thuật lược, tác phẩm khuyết danh ủng hộ nhà Nguyễn, đã viết về Nguyễn Huệ: “Lúc lâm trận thì chế thắng, uy anh hung lẫm liệt, cho nên mới bình định phương Bắc và dẹp yên phương Nam, hướng tới đâu thì không ai hơn được” 11. Hay như trong Đại Nam liệt truyệncủa Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về Nguyễn Huệ, có ghi: “Giảo hoạt khôn ngoan, hay đánh nhau, người đều sợ cả” 12.
Vấn đề thống nhất quốc gia ở đây chỉ xét riêng nơi Quang Trung. Sau đây là những chứng cứ thể hiện rõ ý đồ thống nhất quốc gia của vị anh hung áo vải đất Tây Sơn mà theo người viết là có sơ sở để chúng ta xác tín điều đó.
Trước hết, ta xét về con đường chính trị cùng tham vọng của vua Quang Trung. Ban đầu theo anh khởi nghĩa, được phong làm Long Nhương tướng quân 13. Sau được Thái Đức Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương. Đến cuối năm Mậu Thân (1788) trên đường ra Bắc Hà lần hai, ông tự minh lên ngôi hoàng đế. Rõ ràng, con đường chính trị của Nguyễn Huệ theo con đường thẳng tiến lên. Đặc biệt là trong lần ra Bắc đánh Thanh, ông đã lên ngôi đế ngang hang với anh trai của mình một cách chủ động. Hẳn nhiên, cho thấy chí lớn của người anh hùng. Một người có tài trí như thế, tham vọng cũng theo đó mà to lớn chứ không bó hẹp tư tưởng an phận như anh trai.
Thứ hai, về phạm vi cai trị của hoàng đế Quang Trung. Tính đến cuối năm Đinh Mùi (1787), trên cõi đất Đại Việt lúc bấy giờ, có bốn thế lực cơ bản. Một bên là vua Lê Chiêu Thống ở Thăng Long, một bên là Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, một bên là Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn (lúc này anh em Nhạc – Huệ đã hiềm khích, xung đột với nhau sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất), đất Gia Định của Đông Định vương Nguyễn Lữ đã bị Nguyễn Ánh đem quân đánh chiếm.
Sau khi đánh tan 29 vạn quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung làm chủ đất Bắc Hà, có phạm vi cai trị rộng lớn nhất trong những thế lực lúc bấy giờ. Và thế lực quân sự cũng mạnh nhất lúc bấy giờ đến Thanh triều cũng phải nể sợ, tham vọng cũng lớn nhất trong những thế lực hiện có. Đó là cơ sở để vị anh hùng áo vải này tiến tới thống nhất quốc gia.
Thứ ba, ngay trong chiếu lên ngôi công bố cho nhân dân năm Mậu Thân (1788) của vua Quang Trung, có đoạn viết: “…. Trẫm dựng lại nhà Lê, nhưng Lê tự quân (chỉ Lê Chiêu Thống – người dẫn chú) để mất xã tắc, bỏ nước chạy trốn. Sĩ dân Bắc Hà không theo về họ Lê lại dựa vào trẫm. Đại huynh vì khó nhọc mà mỏi mệt, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, khiêm nhường xưng làm Tây Vương. Mấy nghìn dặm đất ở cõi Nam thuộc về trẫm cả. Trẫm tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nhân dân đông đúc như thế, nghĩ đến thống nhất, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa” 14. Ở đây, vua Quang Trung mặc nhiên tự mình công nhận bản than đã nắm giữ đất đai cả nước trong khi đất Bắc Hà đang thuộc về Lê Chiêu Thống, dải Quy Nhơn đang thuộc về anh cả.
Sau sự kiện đầu năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung được hoàng đế Càn Long nhà Thanh phong làm An Nam quốc vương. Đây là danh nghĩa chính thức dành cho Quang Trung chứ không phải Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Ánh. Là sự công nhận mặc nhiên vua Quang Trung trở thành vị vua hợp pháp của đất An Nam.
Thứ tư, về tổ chức chính quyền của vua Quang Trung. Sau khi thắng Thanh và trở về đất Phú Xuân, Quang Trung tổ chức chính quyền quy củ như một triều đình riêng. Trong bài Vua Quang Trung với vấn đề nội trị 15, tác giả Quách Tấn và Quách Giao khái lược cho chúng ta rõ về chính quyền của vua Quang Trung khi chọn kinh đô ở đất Nghệ An (Phượng Hoàng trung đô, do lúc đó chưa xây dựng xong nên vẫn ở Phú Xuân); tổ chức chính quyền trung ương theo quan chế của triều đại trước; tổ chức hành chính địa phương được chia làm 13 trấn (lúc này mới tính địa giới từ ngoài Bắc vào Quảng Nam)… bên cạnh đó vua Quang Trung cho phát hành loại tiền mang niên hiệu của mình, thực hiện chế độ thuế khóa độc lập, mở viện Sùng chính trong lĩnh vực giáo dục đồng thời đề cao chữ Nôm, lại chọn nhân tài để kiến thiết quốc gia, dẹp phiến loạn ở phía Bắc.
Những việc làm trên chứng tỏ, ý thức tạo lập một thể chế chính trị riêng do mình cầm quyền rất rõ ràng ở vua Quang Trung. Trong khi đó thì đối với Nguyễn Ánh hay Nguyễn Nhạc, vấn đề này còn rất mờ nhạt.
Thứ năm, về vấn đề đối ngoại với nhà Thanh. Hiếm có ông vua nào ở nước Nam có được tư thế kẻ chiến thắng và được sự nể sợ từ phương Bắc như vua Quang Trung. Dù được nhà Thanh phong làm An Nam quốc vương để cai trị Đại Việt, nhưng ý thức về uy thế, sức mạnh quân sự của bản thân cùng với dư âm của chiến thắng Tết Kỷ Dậu (1789) áp đặt lên nhà Thanh, vua Quang Trung còn thể hiện tham vọng cao hơn thế khi “trước kia, 6 châu ở Hưng Hóa, 3 động ở Tuyên Quang, cuối nhà Lê bị thổ ty nước Thanh xâm chiếm, nhiều lần biện bạch mà không thể lấy lại được. Huệ đưa thư cho Tổng đốc Lưỡng Quang xin định rõ về cương giới cũ. Tổng đốc Lưỡng Quảng cho là cương giới đã định, trả lại thư. Huệ bởi thế hơi không bằng long, luyện tập Lưỡng Quảng. Từng bảo với tướng hiệu rằng: Để ta sống vài năm nữa, chứa uy thế, nuôi khí mạn, thì ta có sợ gì kẻ kia”. Ngay như ở đoạn trên do Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi, cũng phải công nhận cái ý định của Quang Trung. Một người có cả ý định và sự chuẩn bị để đòi lại đất đai, cương vực của tiền nhân đã mất về tay một kẻ lớn mạnh như nhà Thanh, thì há gì lại không có tham vọng, có tiềm lực thống nhất lãnh thổ quốc gia mình?
Bên cạnh ý định đó, ta còn biết năm Nhâm Tý (1792), trước khi mất đột ngột, vua Quang Trung xin với Càn Long để được cưới một công chúa nhà Thanh. Điều này chưa từng có vị vua nước Nam nào làm thế. Và cũng theo như Đại Nam liệt truyện chép lại, thì lý do chính cho việc cầu hôn ấy là “để do thám ý vua Thanh, cũng muốn mượn cớ ấy để gây mối binh nhưng gặp khi ốm không đi được”.
Thứ sáu, có hai điều để nói trước khi vua Quang Trung băng hà ở tuổi 40. Đó là trước khi mất, chúng ta được biết vua Quang Trung có ý định đánh vào đất Gia Định tiêu diệt chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Trước khi trở thành hoàng đế, trong thời gian cùng anh lãnh đạo phong trào Tây Sơn, Nguyễn Huệ từng bốn lần đem quân đánh Nguyễn Ánh vào các năm Đinh Dậu (1777), Nhâm Dần (1782), Quý Mão (1738) và Giáp Thìn (1784). Cả bốn lần ấy Nguyễn Ánh đều đại bại phải bôn ba khắp nơi. Đến năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung lại chuẩn bị đội quân đánh ở phía Nam, nhằm thống nhất đất nước. Trong chiếu dụ của vua Quang Trung gửi quân dân Quảng Ngãi và Quy Nhơn có đoạn viết: “Nay vâng mệnh vua anh, Trẫn đang chuẩn bị một đạo quân thủy bộ lớn lao. Trẫm sẽ tiêu diệt bạn nghịch họ Trẫm dễ dàng như vò gỗ khô củi mục. Còn các ngươi, chớ kể gì bọn giặc ấy. Đừng sợ chúng. Hãy mở mắt trương tai mà coi, mà nghe việc Trẫm sắp làm. Các ngươi sẽ thấy rằng các xứ Bình Khang (Ninh Hòa), Nha Trang hai mảnh sót của Gia Định, xứ Phú Yên trung tâm chiến địa và xứ cuối từ Bình Thuận đến Cao Miên, tất cả đất ấy sẽ đều quy phục về chính quyền ta; để mọi người biết rằng chúng ta là anh em thật và Trẫm không bao giờ quên rằng chúng ta cùng một máu mủ” 16.
Đoạn chiếu trên được giáo sĩ De la Bissachère in bản dịch Pháp ngữ năm 1821 trong sách Etat actuel du Tonkin et de la Cochinchine, học giả Hoàng Xuân Hãn dịch ra tiếng Việt. Qua văn bản trên, chúng ta thấy có vẻ như anh em vua Quang Trung đã giải mối bất hòa, (hoặc giả như là vua Quang Trung đã mượn tiếng ấy). Chỉ có điều, việc chưa kịp thực hiện thì không lâu sau vua Quang Trung mất đột ngột, nên ý định lấy đất đai phái Nam Quảng Ngãi thu về “chính quyền ta” của ông không thành.
Thêm một điều nữa cần đề cập trước khi Quang Trung băng hà. Đó là trước khi mất ông có “Triệu bọn Diệu 17rằng: Ta mở mang cõi đất, cả cõi nước Nam, nay bệnh tất không khỏi, Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi hãy còn nhỏ, ngoài có thù ở nước Gia Định. Thái Đức (tức Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, nhàn rỗi vui chơi cầu yên, không mưu tính đến lo sau. Khi ta chết rồi, nên trong một tháng, làm lạo khảo để chôn táng thôi. Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đến Vĩnh Đô 18, để khống chế thiên hạ. Không thế thì quân ở Gia Định lại, bọn ngươi chết không có đất chôn đấy” 19.
Vậy là ngay ở lời dặn dò trước khi băng hà, vị vua một đời trận mạc này đã chỉ rõ cho quần thần thấy cái tham vọng bấy lâu của bản thân là “mở mang cõi đất, cả cõi nước Nam”. Nhưng hiềm vì bệnh mà nghiệp mở cõi, hoàn tất việc thống nhất quốc gia không thành. Đồng thời, ông cũng biết đến tương lai rằng kẻ thù lớn nhất của triệu đại mình và kẻ có thể thống nhất đất nước, cũng đồng thời là kẻ sẽ tiêu diệt cơ nghiệp bản thân ông gây dựng không ai khác chính là đội quân của chúa Nguyễn Ánh, người mà 14 năm sau đó trở thành Gia Long hoàng đế, lập nên nước Việt Nam kéo dài một dải hình chữ S, thống nhất toàn bộ cương vực quốc gia cùng với cõi Nam Hà mà cha ông của ông đã di dân, lập ấp tạo thành.
Tóm lại, chúng ta thấy rằng, thế kỷ XVII – XVIII là một thế kỷ đầy những biến động đối với lịch sử nước Nam. Quãng thời gian này không chỉ chứng kiến sự năng động của kinh tế Đại Việt, đặc biệt là ở khu vực Đàng Trong với sự giao thương cùng phương Tây hiện đại thời bấy giờ. Cùng với đó là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Đông – Tây… Nhưng, một vấn đề nổi cộm nhất trong lịch sử nước ta thời gian này chính là sự phân liệt quốc gia, và chúng tôi thấy rằng vấn đề thống nhất quốc gia thế kỷ XVII – XVIII đã được nhiều thế lực phong kiến thực hiện, đặc biệt là ở tư tưởng, hành động của chúa Trịnh và vua Quang Trung. Nhưng thế kỷ XVIII đầy biến động, công cuộc nhất thống không thành. Lịch sử sẽ gọi tên Nguyễn Ánh trong việc hoàn toàn công cuộc ấy.
Chú thích:
1. Sáu lần quân Trịnh đem quân vào Nam đánh quân chúa Nguyễn là Đinh Mão (1627), Quý Dậu (1633), Quý Mùi (1643), Mậu Tý (1648), Tân Sửu (1661), Nhâm Tý (1672).
2. Trong Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm có ghi: “Thái sư (chỉ Trịnh Kiểm – người dẫn chú) tâu vua phong cho Nguyễn Hoàng làm thái úy Đoan quốc công, giữ chức trấn thủ tổng quản binh dân hai xứ Thuận, Quảng hang năm theo thể lệ thu thuế mà dâng nộp”.
3. Hoàng Xuân Hãn (1998), La Sơn Yên Hồ, tập 2, trước tác Lịch sử, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr.1374.
4. Ở đây chỉ đất Đàng Trong.
5. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2011), Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.394
6. Đại Việt sử ký tục biên, sđd, tr.400
7. Thụy hiệu của Nguyễn Phúc Nguyên.
8. Chỉ Nguyễn Hoàng.
9. Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải (2007), Việt sử yếu, Nxb. Nghệ An, Nghệ An, tr.314.
10. Tham khảo them bài viết “Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính Tây Sơn” (Tạ Chí Đại Trường), tập san Sử Địa số 9&10, số đặc biệt xuân Mậu Thân: Đặc khảo về Quang Trung, tr.33-47.
11. Vô danh thị (1971), Tây Sơn thuật lược, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, tr.17
12. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, tr.568
13. J. Barrow trong tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 – 1793) gọi Nguyễn Huệ là Long-niang, tức Long Nhương, phiên âm Hán Việt.
14. Xem them Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2001, tr.172-173.
15. Tham khảo bài viết “Vua Quang Trung và vấn đề nội trị” in trong Nhà Tây Sơn (Quách Tấn, Quách Giao), Nxb. Trẻ, Tp.HCM, 2000, tr.142-151.
16. La Sơn Yên Hồ, tập 2, sđd, tr.1378
17. Tức tướng Trần Quang Diệu.
18. Vĩnh Đô: thuộc về Nghệ An.
19. Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr.596
Tài liệu tham khảo
1. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, Tp.HCM
2. Hoàng Xuân Hãn (1998), La Sơn Yên hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II – Trước tác phần II: Lịch sử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
3. Ngô Sĩ Liên và sử quan nhà Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Bá Trác (1963), Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn.
5. Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
6. Nguyễn Thanh Nhã (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Tri Thức, Hà Nội.
7. Phan Khoang (1970), Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
8. J.Barrow (2008), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
9. Quách Tấn, Quách Giao (2000), Nhà Tây Sơn, Nxb. Trẻ, TP. HCM
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
12. Tạ Chí Đại Trường (1968), “Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính Tây Sơn”, tập san Sử Địa số 9&10, số đặc biệt xuân Mậu Thân: Đặc khảo về Quang Trung.
13. Tạ Chí Đại Trường (2012), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Dân Trí, Hà Nội.
14. Thái hà Diên mậu Hoàng Cao Khải (2007), Việt sử yếu, Nxb. Nghệ An, Nghệ An.
15. Thành ủy Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (2010), Thanh thực lục – Quan hệ Thanh – Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII – Đầu thế kỷ XIX, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
16. Trung tâm Nghiên cứu quốc học (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, Nxb. Văn Học, Hà Nội.
17. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2008), Kỷ yếu hội thảo: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
18. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2011), Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
19. Vô danh thị (1971), Tây Sơn thuật lược, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn.