Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chiều 5-8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam – LHHVN)) đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng; Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN Phùng Khánh Tài; Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Quang Thao tham gia chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng, cho biết: Trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam) tại Công văn số 4204/MTTW-BBT ngày 14 tháng 7 năm 2022 về việc đề nghị góp ý phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó làm rõ nội dung: “Định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; góp ý làm rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển các ngành kỹ thuật”. Liên hiệp Hội Việt Nam coi đây là niềm vinh dự của đội ngũ trí thức được đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và làm tốt vai trò thành viên tích cực của Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Theo Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng: Cùng với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ năm 2019, thì Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở quan trọng để tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp vùng và cấp tỉnh, quy hoạch ngành và lĩnh vực, do đó, việc đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch là nội dung được giới trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hết sức quan tâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, các hội thành viên như Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Hội Khoa học công nghệ Hàng không Việt Nam, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và rất nhiều chuyên gia đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến tham gia hoàn thiện dự thảo.
Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN Phùng Khánh Tài phát biểu chào mừng hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu là các nhà khoa học đầu ngành của LHHVN đã tập trung đóng góp ý kiến về bản “Định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật” bao gồm 8 lĩnh vực: Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; Hạ tầng năng lượng; Hạ tầng thông tin và truyền thông; Hệ thống công trình phòng chống thiên tài và hệ thống thủy lợi; Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường; Quy hoạch vùng trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; Hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng...
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm tham luận tại hội thảo
Chuyên gia GTVT Doãn Minh Tâm đóng góp ý kiến làm rõ nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia
Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam Lưu Đức Hải phát biểu
Kết luận hội thảo, Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Tại hội thảo này các chuyên gia, nhà khoa học LHHVN đã chỉ ra Dự thảo dường như chưa chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành; chưa đề cập tới điều kiện để thực hiện Quy hoạch, như: chưa dự kiến nhu cầu sử dụng quỹ đất, nhu cầu về vốn cho từng giai đoạn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực hay các giải pháp về chính sách phù hợp với trình độ phát triển KT-XH và khả năng đáp ứng của Việt Nam là những yếu tố hết sức quan trọng quyết định tính khả thi của quy hoạch. Hoặc một số nội dung thiếu sự thống nhất về bố cục trong toàn bộ dự thảo, dường như còn thiếu triết lý quy hoạch, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi và xuyên suốt, làm kim chỉ nam trong toàn bộ quy hoạch, vv..
Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho biết thêm: Hội thảo được tổ chức để lắng nghe ý kiến đóng góp của các hội thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học. đã thảo luận, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, khách quan đã góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi Dự thảo được phê duyệt.