Nhiều vướng mắc trong quản lý sinh vật ngoại lại
-Bà đánh giá thế nào về công tác quản lý sinh vật ngoại lai nói chung, sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại nói riêng tại Việt Nam hiện nay?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Hiện nay, đã có nhiều quy định đề cập đến một số nội dung có liên quan đến quản lý sinh vật ngoại lai, chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm dịch động, thực vật trong Luật Thủy sản, Pháp lệnh giống cây trồng, Pháp lệnh giống vật nuôi, ... Tuy nhiên, chỉ đến năm 2008, Luật Đa dạng sinh học mới quy định cụ thể về việc kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Nhằm hướng dẫn Luật Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Việc quản lý loài ngoại lai xâm hại cần thực hiện theo nguyên tắc phòng ngừa và cảnh báo sớm.
Trong thời gian qua, do thiếu cảnh báo và cơ chế kiểm soát phù hợp nên vẫn có một số loài ngoại lai xâm hại vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam. Việc ban hành một danh mục loài ngoại lai xâm hại là nhằm mục đích chủ động phòng ngừa và kiểm soát các đối tượng này. Để có thể kiểm soát được loài ngoại lai xâm hại có hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn kiểm soát và đánh giá tính xâm hại của nó theo quy định của Luật Đa dạng sinh học.
Ngoài ra, sinh vật ngoại lai xâm hại cũng có thể vào Việt Nam theo con đường khác ngoài việc nhập khẩu có chủ đích, như theo con đường tiểu ngạch hoặc tự nhiên. Đối với những loài nhập khẩu có chủ đích thì cơ chế kiểm soát thuận lợi hơn. Việc quản lý loài ngoại lai được du nhập theo các con đường khác vẫn đang chưa có giải pháp hữu hiệu.
Việc quản lý loài ngoại lai xâm hại cần sự tham gia của cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, do không hiểu biết, thiếu thông tin mà chúng ta đã vô tình làm phát tán, lây lan các loài ngoại lai xâm hại.
- Thời gian vừa qua đã có những “tranh luận” xung quanh con tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương có phải là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Tại sao lại có sự “tranh luận” đó và kết quả cuối cùng thế nào?
- Thực tế, đây là 02 loài đã được ghi nhận gây hại tại một số nước trên thế giới, là loài ngoại lai thuộc danh mục “xám” cần theo dõi theo nghiên cứu của Bộ Thủy sản (cũ) và được Hội đồng khoa học tư vấn đưa vào danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Tuy nhiên, hai loài này cũng đã du nhập vào Việt Nam được gần 10 năm và chưa bộc lộ tính gây hại tại Việt Nam. Theo Bộ NN-PTNT, đây là loài nuôi chủ lực của ngành thủy sản và hiện nay Bộ cũng đã có những biện pháp để kiểm soát con giống và có thể bảo đảm an toàn đối với việc phát triển hai loài này.
Ngày 22/11/2011, tại trụ sở cơ quan Bộ TN-MT, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu. Trên tinh thần thống nhất, Bộ TN-MT đã ban hành Công văn số 4685/BTNMT-TCMT ngày 12/12/2011 về việc hướng dẫn quản lý đối với tôm thẻ chân trắng và hầu Thái Bình Dương. Trong Công văn này, Bộ TN-MT đề nghị: Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quy hoạch vùng nuôi và chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các loài tôm thẻ chân trắng và hầu Thái Bình Dương được nhập khẩu. Tổng cục Hải quan không áp dụng việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu tôm thẻ chân trắng và hầu Thái Bình Dương phục vụ cho mục đích nuôi trồng, phát triển kinh tế.
- Theo bà, những vướng mắc lớn trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại hiện nay là gì ?
- Một số vướng mắc cần giải quyết trong vấn đề quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại như: Thiếu văn bản hướng dẫn đánh giá khả năng xâm hại của các loài ngoại lai; hệ thống khảo nghiệm đánh giá rủi ro các sinh vật ngoại lai đối với môi trường và đa dạng sinh học chưa được xây dựng và áp dụng; chưa có biện pháp cảnh báo sớm đối với sinh vật ngoại lai xâm hại; nhận thức của người dân đối với việc kiểm soát loài sinh vật ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Ví dụ, người dân vẫn phóng sinh rùa tai đỏ, ốc bươu vàng vào môi trường tự nhiên…
- Được biết, Cục Đa dạng sinh học đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2015. Bà có thể cho biết những nội dung, nhiệm vụ chính của đề án là gì?
- Hiện nay, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2015. Đề án tập trung vào các nhiệm vụ chính sau: Điều tra, thống kê lập danh mục các sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam; tăng cường năng lực kiểm soát các loài ngoại lai; xây dựng năng lực khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai; thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ các sinh vật ngoại lai xâm hại.
- Xin cảm ơn bà.