Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 06/10/2006 17:36 (GMT+7)

Nhân Truyện Kiều được dịch ra tiếng Trung Quốc, bản mới: Có một nhà Việt Nam học như thế

Ðáng kể, năm 2001, NXB Thế giới đã xuất bản cuốn Tuyển tập thơ Hán - Nôm Hồ Xuân Hương do La Trường Sơn chú dịch và bình giải, song có thể nói là còn tương đối ít, chưa thật tương xứng với đóng góp của ông. La Trường Sơn là một dịch giả đáng kính, một nhà khoa học Trung Quốc bình dị, lão thực, hết sức am hiểu và yêu mến nền văn hóa và văn học truyền thống của Việt Nam .

Tác phẩm Truyện Kiều đã được ông dịch lại ra tiếng Trung Quốc đáng được coi là một sự kiện văn hóa của hai nước.

La Trường Sơn (1938 - 2003) còn gọi là La Cảnh Chiếu, nguyên quán tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc, sinh ra tại TP Huế, Việt Nam. Năm 1954, vượt tuyến ra miền bắc, một thời gian ở Nghệ An, Thanh Hóa rồi sau đó về Quế Lâm, Trung Quốc đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10-1955. Tốt nghiệp khoa Trung văn tại Trường ÐH Sư phạm Quảng Tây, dạy học tại một huyện miền núi tỉnh Quảng Tây trong suốt hơn hai mươi năm.

Năm 1987, được chuyển về Học viện Giáo dục tỉnh Quảng Tây rồi nghỉ hưu tại đó. Nhiệm vụ của ông được giao trong những năm dạy học cũng như ở Học viện Giáo dục đều tuyệt không liên quan đến vấn đề nghiên cứu văn hóa và văn học Việt Nam . La Trường Sơn chỉ mới có điều kiện tương đối đầy đủ để nghiên cứu từ năm 1992, tức khoảng 5 năm trước khi nghỉ hưu.

Thế nhưng, thành tựu nghiên cứu về Việt Nam của ông quả là không nhỏ. Khi đã công bố khá nhiều công trình, do bạn bè thúc giục, ông mới tập hợp các công trình nghiên cứu về Việt Nam để đăng ký xin xét phong học hàm và lập tức đã được Nhà nước Trung Quốc phong chức vụ khoa học Phó nghiên cứu viên (tương đương Phó Giáo thụ).

Ra đời tại Việt Nam, thời hoa niên gắn với một địa bàn có nền văn hóa phong phú, lâu đời là cố đô Huế nên về nước từ rất lâu, ông vẫn nhớ Huế, mãi vẫn luôn coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, vẫn giữ những ấn tượng hết sức tốt đẹp về con người Việt Nam, về nền văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Lòng yêu mến, quý trọng cũng như sự am hiểu đất nước - con người - văn hóa Việt Nam của La Trường Sơn đã thể hiện một cách sâu sắc và tập trung trong công trình Văn học dân gian và văn hóa truyền thống Việt Nam đã được xuất bản ở Trung Quốc. Lòng yêu mến, quý trọng cũng như sự am hiểu ấy đã hiện lên một cách sinh động qua Mơ và tỉnh, tập thơ gồm 67 bài viết bằng tiếng Việt.

Hiếm thấy một nhà khoa học nước ngoài nào có những công trình nghiên cứu và dịch phẩm đa dạng như La Trường Sơn. Ông đã dịch rất nhiều bài thơ, truyện ngắn, ký, tùy bút đăng trên tờ tuần báo Văn nghệ của Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1964 đến 1975. Say mê thơ và cả tính cách Hồ Xuân Hương, ông không chỉ đã dịch toàn bộ thơ của "bà chúa thơ Nôm", chú thích tỉ mỉ và bình giải từng bài.

Hiểu thấu tâm sự của Bà Huyện Thanh Quan, ông đã dịch khá thành công toàn bộ thơ bà, bài nào đọc lên nghe cũng dung dị, gần gũi, có cảm giác như dù không biết chữ Hán cũng cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính, u hoài của chúng:

Tạo hóa hà sinh nhất hí trường
Ngật kim dĩ độ kỉ tinh sương
Cựu ngân xa mã hóa thu thảo
Cố chỉ lâu đài ánh tịch dương
Thạch thượng si tâm tùy tuế nguyệt
Thủy nhưng tần xúc đối thương tang
Thiên niên trần cánh cổ kim chiếu
Thử cảnh bỉ nhân uổng đoạn trường

(Thăng Long thành hoài cổ)

Trên các tạp chí Toàn cảnh Ðông - Nam Á, Nghệ thuật dân tộc, Học báo Học viện Giáo dục Quảng Tây... ông đã dịch  hàng chục truyện ngụ ngôn và cổ tích, hàng trăm câu ca dao và tục ngữ của Việt Nam, đã dịch hai chương trong cuốn Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bính, các phần nói về chầu văn, chèo, rối nước và văn hóa lễ hội trong các công trình của Toan Ánh và Lý Khắc Cung, về y phục cổ truyền của các dân tộc Việt Nam  của Ngô Ðức Thịnh, đặc biệt là đã trích dịch một tài liệu công cụ rất quan trọng đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam là Tìm hiểu kho sách Hán - Nôm của Trần Văn Giáp.

Nhờ đọc được nhiều công trình nghiên cứu của Việt Nam và trình độ khoa học cao, La Trường Sơn đã viết được nhiều công trình biên soạn hoặc nghiên cứu có tính tổng hợp, giới thiệu với bạn đọc Trung Quốc gần như mọi mặt về đời sống văn hóa và phong tục Việt Nam như quy luật diễn biến của chữ Nôm, việc thi cử, các vấn đề văn hóa phong tục (kiểu tóc, nhuộm  răng,  trầu  cau,  chè...),  vấn đề thành hoàng và tín ngưỡng thổ công, vấn đề văn hóa vui chơi (đánh cờ người, đánh tổ tôm...).

Ðối với bất cứ hiện tượng văn hóa nào có quan hệ với nước ngoài, La Trường Sơn đều phân tích một cách cặn kẽ, thận trọng, đặc biệt là chú ý nêu cho được cơ sở dân tộc tạo nên sự tiếp xúc, tiếp thu, từ đó chỉ ra những nét riêng biệt của nền văn hóa Việt Nam. Chế độ khoa cử của Việt Nam xưa quả là có mô phỏng phần nào của Trung Quốc song La Trường Sơn chỉ rõ về nội dung thi cử có những điểm khác cơ bản, trong đó việc thi tam giáo (Nho, Phật, Ðạo) trong suốt các triều đại Lý, Trần, Lê là một điểm nổi bật.

Theo ông, hiện tượng đó "chủ yếu là do những điều kiện bên trong của xã hội phong kiến Việt Nam quyết định", vì vậy nó biểu hiện một khuynh hướng "Việt Nam hóa rõ rệt" và đồng thời cũng phản ánh tính khoan dung và năng lực dung hợp của nền văn hóa Việt Nam (NKP nhấn mạnh).

Việc thờ Thành hoàng ở Việt Nam tuy có quan hệ nhất định với việc thờ Thành hoàng ở Trung Quốc song giữa đôi bên có những sự khác biệt không nhỏ. Tán thành và phát triển quan điểm của Nguyễn Hồng Phong, La Trường Sơn chỉ rõ rằng hoàng trong tiếng Trung Quốc cũng có nghĩa là thành, nói chuẩn xác hơn là thành không có nước bao quanh, nên phạm vi bao quát của Thành hoàng Trung Quốc lớn hơn nhiều. Theo quy định cuối cùng của việc thờ Thành hoàng ở Trung Quốc ban hành năm 1370 thì cũng chỉ phải thiết lập Thành hoàng đến cấp châu, huyện, phủ mà thôi; trong khi ở Việt Nam, Thành hoàng chủ yếu là gắn với cơ sở làng xã.

Về tính chất của Thành hoàng, hai bên cũng khác nhau. Ở Trung Quốc, Thành hoàng là những nhân vật có chiến công bảo vệ thành trì còn ở Việt Nam thì rất đa dạng: đó là những bậc tiên liệt sáng nghiệp có công với làng xã, những ông tổ các nghề truyền thống, những nhân vật có đạo cao đức trọng...

Quan niệm và phương pháp nói trên cũng được La Trường Sơn quán triệt trong khi nghiên cứu mối quan hệ giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Không chỉ trích công khai luận điểm sai trái cho rằng, Truyện Kiều "trên thực tế chẳng qua chỉ là dùng thể thơ Việt Nam dịch một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc mà thôi" hay đánh giá "Truyện Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật đều không vượt được trình độ Truyện Kiều Trung Quốc là bản gốc mà nó mô phỏng", bằng sự phân tích khách quan đầy thuyết phục, La Trường Sơn đã khẳng định dứt khoát "Truyện Kiều tuyệt đối không phải là phiên bản của nguyên tác", là "cấu tứ lại nguyên tác, sáng tác lại nguyên tác", và trải qua những xử lý phức tạp và tinh tế, Truyện Kiều đã "làm tăng thêm sức truyền cảm  nghệ thuật ở tác phẩm, khiến cho ngụ ý của tư tưởng chủ đề trở nên phong phú, sâu sắc hơn, mà đồng thời còn nâng cao ở mức độ rất lớn phẩm vị văn hóa tư tưởng của tác phẩm".

Ông đã dùng những từ tốt đẹp nhất của thể dùng được: "Nguyễn Du là một nhà văn kiệt xuất và một đại sư về nghệ thuật ngôn ngữ", đã có những "cống hiến trác tuyệt", qua Truyện Kiều có thể thấy "diện mạo ngôn ngữ thi ca Việt Nam đã được dân tộc hóa tới mức phi thường".

Không kể các bản dịch Truyện Kiều do các học giả Việt Nam , Hoa kiều và Việt kiều đã dịch ra chữ Hán, tại Trung Quốc, cho đến nay mới chỉ có một bản dịch duy nhất của GS Hoàng Dật Cầu do NXB Văn học Nhân dân xuất bản năm 1959 tại Bắc Kinh. Hoàng giáo sư đã dịch với tất cả tâm huyết, công phu song cũng chỉ mới dám coi là "bản dịch sơ bộ" vì nghĩ rằng "còn những chỗ cực vi diệu, khúc chiết của nguyên tác", "đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật được".

Sự khiêm tốn của giáo sư là hoàn toàn có cơ sở. Do một số nguyên nhân, trước hết là do Hoàng giáo sư không thật am hiểu tiếng Việt, nên bên cạnh một số chỗ dịch rất hay, gần đạt tới ước vọng của người dịch là "về cơ bản đạt tới mức có từ ngữ và vần điệu riêng có ở văn học cổ điển", còn không ít chỗ không đạt yêu cầu "tín", nên đã gây ra một số ngộ nhận không đáng có ở một vài nhà nghiên cứu hoặc nghiên cứu sinh làm luận văn về văn học cổ điển Việt Nam.

Ðây chưa phải là lúc đánh giá chất lượng bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Trung Quốc của La Trường Sơn, song với sự tinh thông về tiếng Việt, với sự am hiểu, yêu mến nền văn hóa và văn học truyền thống Việt Nam, đặc biệt với cách nhìn nhận đúng đắn về quan hệ văn hóa và văn học Việt - Trung, trong đó có quan hệ giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và truyền thống văn học ưu tú lâu đời của Trung Quốc, chắc hẳn La tiên sinh sẽ không phụ lòng độc giả hai nước. Dẫu biết rằng "dịch tất phản", một mình dịch một truyện thơ ưu tú dài đến 3.254 câu như Truyện Kiều với thời gian chỉ hơn một năm trong điều kiện sức khỏe suy sụp một cách nhanh chóng, nhanh tới mức tiên sinh chưa viết kịp phần dịch hậu ký, thì thiếu sót là khó tránh khỏi.

Dẫu thế nào mặc lòng, bản dịch Truyện Kiều của La Trường Sơn vẫn đáng coi là mốc son trên con đường hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc, đánh dấu một bước phát triển của môn Kiều học ở Việt Nam, cũng như trên trường quốc tế.

Tôi nghĩ rằng, yêu cầu và cũng là tiêu chuẩn đầu tiên của một nhà Việt Nam học là phải nắm bắt được cái "hồn" của Việt Nam trên một lĩnh vực cơ bản nào đó của đời sống. La Trường Sơn là người không chỉ nắm bắt được  những nét chủ yếu của cái "hồn" đó mà còn là người đã có quá trình thể nghiệm nó, biểu hiện được nó hồn nhiên, sinh động trên từng trang giấy.

Nguồn: nhandan.com.vn26/9/2006

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.