Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 30/03/2006 00:15 (GMT+7)

Nhà toán học với chiếc sáo bạc

GS Đặng Đình Áng là người đã đóng góp đúng 46 năm liền không mệt mỏi cho ngành toán học nước nhà, không chỉ căn cứ trên 130 bài báo về nhiều đề tài nghiên cứu trong toán học đăng trên các tạp chí quốc tế và nhiều đầu sách chuyên đề, trong đó có một chuyên đề được xuất bản bởi NXB nổi tiếng Springer (CHLB Đức), mà còn ở ý nghĩa GS là người được giới toán học thế giới công nhận như một nhà toán học uy tín của Việt Nam trong chuyên ngành của mình.

GS Đặng Đình Áng đã từng là khách mời phát biểu ở nhiều hội nghị quốc tế, là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Utah (Mỹ), ĐH Paris, ĐH Orléans (Pháp), Viện nghiên cứu Mauro Picone (Roma), từng được học bổng DFG (Deutsche Forschungsgesellschaft) của Đức làm việc tại Berlin, một học bổng nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu nổi tiếng; học bổng nghiên cứu tại ĐH Tokyo;

GS còn là người kết nối Việt Nam với năm châu, hướng dẫn và cùng hướng dẫn chung với các GS nước ngoài cho nghiên cứu sinh Việt Nam; và qua GS Áng, nhiều GS nước ngoài đã tham dự các hội nghị toán học tại Việt Nam; GS đã đào tạo được rất nhiều nghiên cứu sinh thành đạt đang làm việc trong và ngoài nước (trong đó có ba người con của ông).

Người đầu tiên đưa toán học hiện đại vào miềnNam

Nhìn lại nền toán học non trẻ Việt Nam những năm 1960; ở miền Nam có thể nói nó mới manh nha cũng vào lúc GS Áng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Hoa Kỳ về nước, được giao ngay trọng trách làm trưởng khoa toán của ĐH Khoa học Sài Gòn khi mới 34 tuổi (1960), vào lúc đại học đang cần chuyển ngữ và chuyển quyền.

Ngày ấy, chứng chỉ toán đại cương là cái cửa ải “rùng rợn” nhất đối với hàng trăm SV mới, bởi mỗi năm chỉ có vài người lọt qua được! GS Áng đã giúp thay đổi tình hình thi “thách đố” đó, đưa nó về tình trạng bình thường. GS cũng là người đầu tiên đã mang toán học hiện đại vào miềnNamnhư một luồng gió mới, đào tạo ngay những lớp toán học hiện đại đầu tiên cho SV khoa toán và sư phạm.

Toán học phíaNamđã nhanh chóng có tính chất hiện đại của thế giới, lan dần ra như một đốm lửa nhóm lên xung quanh GS Áng và các học trò. Các SV của GS sau khi tốt nghiệp, khi ra nước ngoài tiếp tục học không bị bỡ ngỡ. Mặt bằng trình độ cũng được nâng cao bằng chứng chỉ toán thâm cứu nhằm đưa SV sau cử nhân đến gần với nghiên cứu và sáng tạo.

Từ đó, có những SV trước khi lên đường du học đã có những bài nghiên cứu đầu tay được đăng trên báo nước ngoài hoặc nhờ đó mà tìm được học bổng du học. “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất.

Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác” và “Tôi rất thích học, học từ thời Pháp, rồi thời gian vào Sài Gòn, lúc ở Trường CalTech, về đây vẫn tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước” - GS khiêm tốn nói. Đó chính là tinh thần kết hợp giảng dạy và nghiên cứu của nhà cải cách đại học Đức Wilhelm Humboldt đầu thế kỷ 19.

Sau 30-4-1975, GS đã chọn con đường ở lại đất nước để tiếp tục đóng góp cho ngành toán học TP.HCM và đào tạo các lớp SV trẻ có năng khiếu, một quyết định cũng không phải là đương nhiên đối với một nhà khoa học được đào tạo theo Tây học từ nhỏ, từng du học, từng sống và từng được mời ở lại nước ngoài giảng dạy.

Trong sự nghiệp của tôi, tình thương là tinh thần dẫn dắt.

GS Đặng Đình Áng

Ông được Nhà nước phong GS trong đợt phong học hàm đầu tiên sau giải phóng (năm 1980). “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, có rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt Nam ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”.

Âm nhạc và toán học

“Mỗi lần về thăm làng, tôi lại ra tắm ở cái hồ lớn rồi nhìn về núi Trầm và lại nhớ da diết những ngày còn bé, tôi cùng anh (Đặng Đình) Hưng thường ra đó. Chúng tôi cùng nhìn lên núi, mỗi người theo đuổi một ước mơ. Về sau, tôi thường tự hỏi: có phải chính ngọn núi này đã khơi gợi cho anh em tôi những khát vọng trong đời?”.

“Tôi mê sáo tre từ nhỏ, sang Mỹ thì mua được cây sáo bạc. Âm nhạc có tác dụng rất quan trọng với việc học tập và nghiên cứu toán của tôi. Cũng như âm nhạc, toán là một nghệ thuật”.

Hai câu ấy của GS cho thấy ông đã có một khao khát trong nội tâm từ thuở nhỏ mà ngọn núi Trầm chỉ là cái biểu lộ bên ngoài và cũng là để đánh thức thêm sự định hướng bên trong; còn tiếng sáo tre đánh thức cái sở thích âm nhạc đã tiềm tàng trong GS (ông là chú ruột của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn).

Người ta thường thấy GS với chiếc sáo bạc, cũng giống như người ta thường thấy Einstein với cây đàn vĩ cầm, ngay cả khi vào họp trong viện hàn lâm. “Chơi nhạc là một cách thiền - GS nói - Âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển, như một phép dưỡng sinh giúp tôi thấy thanh thản, tĩnh tâm, yêu đời”. Nhạc của Mozart, như một nhà khoa học Đức nói, “đẹp và tinh khiết” đến độ có thể được xem như “vẻ đẹp nội tâm của vũ trụ”. Đó cũng là âm nhạc GS Đặng Đình Áng thích nhất.

Âm nhạc cộng với sở thích văn học của GS, đó là mảnh đất văn hóa đem lại sức sống và nuôi dưỡng sự sáng tạo, làm cho GS tuy tuổi cao nhưng không già, tuy tóc bạc nhưng tâm hồn vẫn xanh tươi, những ngọn sóng của tư duy và cảm hứng yêu đời vẫn dạt dào trong trái tim như xuất phát từ một đại dương không bờ.  

Triết lý sống của GS Đặng Đình Áng là nhân hậu, vị tha, có trước có sau, là thương yêu xã hội, thương yêu con người. “Phải có tình thương mới làm được việc lớn”. Lời khuyên của GS đối với thanh niên trẻ: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hão huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thật sự”.

Hãy xem căn phòng đơn sơ cũ kỹ của ông ở số 162 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM. Hạnh phúc của GS không nằm ở vật chất mà ở thế giới tinh thần, ở lao động say mê, ở âm nhạc, ở sự hài hòa với vũ trụ, với xã hội, ở mỗi ngày học hỏi thêm và đào tạo học trò.

GS chỉ sống với “đạo làm người”, muốn gieo nhiều cái tốt, cái thiện và tránh cái xấu, cái dữ. Nhưng có lẽ nói như Einstein: “Trong xã hội nhuốm màu vật chất chủ nghĩa phổ biến thì những người nghiên cứu (khoa học) nghiêm túc là những người duy nhất có tín ngưỡng sâu xa”. Họ như những người đi tìm cái “đạo” trong thế giới khoa học.

Tháng 12-2006 sẽ có một hội nghị toán học quốc tế tại TP.HCM để mừng GS Đặng Đình Áng 80 tuổi. Chắc chắn người ta sẽ lại thấy GS với chiếc sáo bạc tại hội nghị. Tiếng sáo của GS sẽ tiếp tục ngân lên hòa quyện với những giai điệu toán học mới. 

Trong một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóngnăm 2000, GS Đặng Đình Áng viết: “Quê hương là dải đất có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy”.

Thưa GS Đặng Đình Áng, quê hương cũng còn được tạo ra bởi những người vẫn còn sống yêu quê hương và miệt mài lao động để cho đất nước mau chóng vươn lên giành một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng các dân tộc. Trong những người còn sống làm nên quê hương đó có GS. 

Nguồn: tuoitre.com.vn19/3/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.