Nhà thiên văn Việt kiều Nguyễn Quang Riệu tâm huyết với đất nước
Tận tình với sinh viên trong nước
Ông là GS-TS Nguyễn Quang Riệu, đang sống và làm việc tại Pháp. Trở về nước, ông bày tỏ trong tương lai nước ta muốn tham gia vào công trình chinh phục vũ trụ cùng cộng đồng các nhà thiên văn thế giới, “điều cần thiết là phải đào tạo một đội ngũ chuyên gia để tiếp cận với những kỹ thuật thiên văn hiện đại”. Xuất phát từ quan điểm này, để giúp đỡ những người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về thiên văn, không chỉ thường xuyên tìm kiếm các nguồn kinh phí cho sinh viên Việt Nam, ông còn trực tiếp hướng dẫn các học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đài Thiên văn Paris.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, dù sức khoẻ không được tốt, nhưng mỗi khi có thể, ông đều bay về Việt Nam giảng dạy cho các sinh viên theo chương trình hợp tác trong lĩnh vực khoa học vũ trụ và môi trường giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Đài Thiên văn Paris và Đại học Pierre và Marie Curie (Paris 6) mà ông là người khởi xướng. “Đây là những lớp học giới thiệu một số vấn đề liên quan đến sự quan sát bầu trời và kỹ thuật xử lý hình bằng máy tính và làm máy điện tử thu tín hiệu cùng những biện pháp bảo vệ môi trường trái đất đang bị đe doạ. Chúng tôi đã mời những nhà khoa học có uy tín ở Pháp về giảng, trong đó có cả Giáo sư - Viện sĩ (GS-VS) Chủ tịch Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) và một số viện sĩ khác của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, ông cho biết.
…Góp phần phát triển nền thiên văn Việt Nam
Tới nay, sau những nỗ lực của ông và nhiều đồng nghiệp cả trong và ngoài nước, Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam đã ra đời (có trụ sở đặt tại Phòng Thiên văn, Khoa Vật lý, Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội. Không chỉ có vậy, những câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư cũng đã được thành lập, đủ để hoạt động, nhằm tiến hành những chương trình quan sát thông thường. Bên cạnh đó, thiên văn cũng đã được đưa vào giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo bậc đại học và trên đại học trong cả nước như: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Quy Nhơn, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên…
Chúng ta cũng đã có Đài Thiên văn dùng để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu thiên văn như Đài Thiên văn thuộc Khoa Vật lý - ĐHSP Hà Nội, nhà chiếu hình vũ trụ tại TP Vinh… Các sách báo, tài liệu và thông tin thiên văn quốc tế được trang bị và cập nhật thường xuyên. Đặc biệt, chúng ta đã tham gia vào các hoạt động do Hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union - IAU) tổ chức như các cuộc họp, khoá học, chuyên ngành.
Điều đáng mừng là “IAU hiện rất quan tâm đến sự phát triển ngành thiên văn nước ta và hỗ trợ tổ chức những lớp bổ sung kiến thức thiên văn cho cán bộ của các trường ĐHSP. IAU đã đề nghị tôi điều phối chương trình giảng dạy. Cùng các GS thiên văn trong nước, các GS Phạm Viết Trinh, Nguyễn Đình Noãn, Nguyễn Đình Huân và các GS Mỹ: Donat Wentzel và Jay White, chúng tôi hoạt động tích cực để duy trì sự hỗ trợ của IAU. Theo đó, chương trình quốc tế có tên là HOU (Hands On Universe) đã được thành lập để tạo điều kiện cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học toàn cầu sử dụng qua Internet, một mạng kính thiên văn cỡ nhỏ. Học sinh và sinh viên Việt Nam có thể tham gia để điều khiển những kính thiên văn của họ cùng những kính thiên văn khác trong mạng hoặc sử dụng số liệu và hình của các thiên thể…”, ông nói trong sự tự hào.
GS-TS Nguyễn Quang Riệu - chân dung nhà khoa học
Sinh năm 1932 tại Hải Phòng, 18 tuổi ông Nguyễn Quang Riệu sang Pháp học tại Đại học Sorbonne. Tốt nghiệp đại học, ông ở lại Pháp làm việc. Tuy nhiên, ngay từ năm 1976, ông thường xuyên về nước để tham gia phát triển ngành thiên văn. Ông nhớ lại: “Nhật thực toàn phần ngày 24-10-1995 là dịp để phổ biến rộng rãi thiên văn học trong quần chúng. Tôi đã vận động để có kinh phí của Bộ Ngoại giao Pháp và làm một kính thiên văn vô tuyến mang về nước cùng một số kinh quang học. Sau khi dùng kính để hướng dẫn nhân dân quan sát nhật thực ở chân núi Tà Dôn tại Phan Thiết, tôi đã đề nghị tặng Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài Phú Liễn (Kiến An - Hải Phòng) tất cả thiết bị để sinh viên thực tập quan sát bầu trời”.
Ông kể tiếp: “Là một nhà thiên văn công tác tại Đài Thiên văn Paris, cái nôi của nền văn minh khoa học Pháp, tôi đã tham gia vào công trình nghiên cứu vũ trụ cùng cộng đồng các nhà thiên văn trên thế giới… Công trình khoa học của tôi là nghiên cứu những bức xã vũ trụ và phát hiện những nguyên tố hoá học có khả năng dẫn đến sự sống trong dải ngân hà và trên trái đất. Sử dụng những kính thiên văn đặt trên mặt đất và phóng vào không gian hoạt động trên những bước sóng vô tuyến và hồng ngoại, cùng những mô hình lý thuyết, tôi đã nghiên cứu điều kiện lý - hoá trong những thiên hà và quá trình sinh tử của những ngôi sao trong dải ngân hà”.
Tính đến nay, GS-TS Nguyễn Quang Riệu đã cho công bố trên 150 công trình nghiên cứu tại nhiều hội nghị khoa học lớn cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới và trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín về bức xạ vô tuyến, hồng ngoại trong vũ trụ và sự tìm kiếm chất hữu cơ trong những thiên hà… Đặc biệt, năm 1972, khi ở vào tuổi 40, ông đã xác định được vụ nổ trên chòm sao Thiên nga. Phát hiện này của ông sau đó đã được tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới Nature dành toàn bộ một số để giới thiệu. Ngoài ra, ông còn là tác giả của không ít cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Việt như: “Vũ trụ - phòng thí nghiệm”, “Thiên nhiên vĩ đại”, “Lang thang trên dải ngân hà”; “Thiên văn Vật lý - Astrophysics” (sách giáo khoa song ngữ Việt - Anh, viết chung với Donat G. Wentzel, Phạm Viết Trinh, Nguyên Đình Noãn, Nguyễn Đình Huân)… Đó là chưa kể đến việc ông cùng với các đồng nghiệp Phan Văn Đồng, Nguyễn Quỳnh Lan, Nguyễn Đức Phường, biên soạn cuốn tài liệu “Định hướng và chương trình hành động trong việc phổ biến, quảng bá và phát triển thiên văn ở Việt Nam”.
Bằng nỗ lực và tài năng của mình, ông đã giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Nghiên cứu Danh dự CNRS; Hội viên IAU; thành viên Uỷ ban Quốc tế tham gia thực hiện đề án của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency) để phóng vệ tinh hồng ngoại ISO (Infrared Space Observatory). Đặc biệt, năm 1973, với những phát hiện mang tính khám phá của mình, ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng giải thưởng danh giá A. Janssen.
Nguồn: An ninh thế giới, số 617, 27/12/2006.