Nhà sư phạm tâm huyết – Nhà triết học uyên bác
Nhưng với nhiều người, ông vẫn là một hình ảnh nhiều ẩn giấu…
Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917, tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình công chức bậc nhỏ. Hồi nhỏ ông học luật ở Hà Nội. Sau đó sang du học tại Pháp. Năm 1939 ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm, Paris .
Năm 26 tuuổi (1943) ông tốt nghiệp thủ khoa, được nhận học vị thạc sĩ triết học với luận văn “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”, và đăng ký làm tiếp luận văn tiến sĩ triết học ở Trường Đại học Sorbonne. Cuốn sách đầu tiên do giáo sư viết “Triết lý đã đi đến đâu?” được Nhà xuất bản Minh Tân ở Pháp xuất bản. Sau đó ông viết tiếp một cuốn sách khác mang tựa đề “Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được xuất bản nhiều thứ tiếng (trong đó có cả bằng tiếng Tây Ban Nha, dành cho độc giả châu Mỹ Latinh).
Vào những năm 1947-1948, giáo sư giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm và Trường Cao đẳng Sư phạm Sèvres. Ông viết bài trên Tạp chí Siêu hình học và đạo đức học, trình bày quan điểm mác-xít về lịch sử, bênh vực những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đây là một trong những tiếng nói đề cao học thuyết Mác được tạp chí giáo khoa cổ điển này đăng tải. Giáo trình “Hiện tượng học về tinh thần của Hegel” của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến nền triết học Pháp ngày ấy.
Giáo sư nghiên cứu trực tiếp một cách sâu sắc tác phẩm “Hiện tượng học về tinh thần” của Hegel và ông đã đi đến kết luận là duy nhất chỉ có phép biện chứng duy vật lịch sử mới giúp hiểu đúng nội dung thực và nhờ dó hiểu đúng tư tưởng của các nhà triết học lớn. Qua các cuộc toạ đàm, bài viết trên các báo và tạp chí ở nước ngoài, ông đấu tranh chống lại các luồng tư tưởng coi thường, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, kiên quyết bảo vệ tư tưởng triết học của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác.
Tháng 8 năm 1951, giáo sư Trần Đức Thảo cho xuất bản tác phẩm “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” (Nhà xuất vản Minh Tân), đánh dấu sự chuyển hoá của ông từ hiện tượng học sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Tuy nhiên sau này, giáo sư vẫn khiêm tốn cho rằng ông mới chỉ bước đến ngưỡng cửa của chủ nghĩa Mác.
Là một nhà khoa học, nhưng giáo sư Trần Đức Thảo đã tham gia nhiều hoạt động xã hội. Cuối năm 1944, ông được cử làm báo cáo viên chính trị trong Đại hội kiều dân Đông Dương họp ở Avignon . Trước đại hội, ông trình bày một dự thảo cương lĩnh đòi thiết lập nền dân chủ Đông Dương, đại hội đã bầu giáo sư làm uỷ viên Ban Tổng đại diện kiều dân Đông Dương ở Pháp, ông phụ trách nghiên cứu các vấn đề chính trị.
Tháng 8 và 9 năm 1945, giáo sư viết nhiều truyền đơn và tổ chức họp báo, vận động ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Hồ Chí Minh. Báo chí Pháp tường thuật cuộc họp báo cho biết, có một phóng viên khi hỏi ông rằng Việt Namsẽ đón tiếp thế nào khi quân viễn chinh Pháp đổ bộ Việt Nam ? Ông trả lời: “Nổ súng”.
Tháng 10 năm 1945, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam vào khám Prison de la Santé cho đến cuối năm, kết tội “Vi phạm an ninh nhà nước Pháp trên lãnh thổ mà nhà nước Pháp đang cai trị”. Từ đó càng củng cố hướng ông đi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhân chuyến Bác Hồ thăm nước Pháp (1946), giáo sư đã báo cáo với Bác về tình hình Việt kiều ở Pháp và bày tỏ nguyện vọng được về nước tham gia cách mạng.
Đầu năm 1952, ngay sau khi về nước, ông được cử làm giáo sư, theo dõi tình hình các trường học ở Việt Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng. Ông tham gia chỉnh huấn cải cách ruộng đất ở Phú Thọ, được cử làm uỷ viên Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của UBKHXH) Hà Nội, đồng thời giảng dạy về lịch sử triết học, làm phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp. Trong thời gian này, giáo sư viết nhiều bài về lịch sử và văn học Việt Nam trên tập san Văn - Sử - Địa, tập san Đai học Sư phạm, tập san Đại học Văn khoa…
Sau năm 1958, khi không còn giữ các chức danh trong biên chế nhà nước, cho dù đời sống có bước ngoặt lớn với nhiều khó khăn cả về mặt tinh thần và vật chất, ông vẫn tập trung nghiên cứu các sách kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thời gian này ông viết nhiều bài và tác phẩm cho báo chí và nhà xuất bản ở Pháp. Những bài viết và sách “Hạt nhân hợp lý của phép biện chứng duy vật của ý thức”, “Biện chứng lôgích trong qúa trình phát sinh tư bản”…, đặc biệt tác phẩm “Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức” và “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” của giáo sư được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Ý, Mỹ, Hà Lan, Hungari, Nhật. Năm 1988 ông xuất bản cuốn “ Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người”. Đây là một tác phẩm triết học đầu tiên nói về con người được xuất bản ở Việt Nam . Giáo sư đã khẳng định, chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học mà Mác và Ănghen sáng lập mới nhằm giải phóng toàn diện con người. Ông phê phán một cách triệt để những khuynh hướng theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội cơ hội, vị kỷ cá nhân, vị kỷ dân tộc…
Những năm sau, dù trong hoàn cảnh nào, làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài, giáo sư đều thể hiện là một nhà khoa học chân chính, tuyên truyền và bảo vệ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, nhất là về triết học mác-xít.
Cuối thập niên 80, đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe giảm sút, ông rời Hà Nội vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tài sản mang theo chỉ độc có sách và tài liệu, bản thảo. Cho đến năm 1990, ông được Bộ Lao dộng và Thương binh Xã hội giải quyết chế độ hưu. Những năm cuối đời, ông sang chữa bệnh tại Pháp. Ông mất ngày 24-4-1993 tại Paris , giữa lúc đang viết dở một công trình cuối đời. Ông được Nhà nước ta truy tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Mới đây, ông được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 3.
Với thế giới, đặc biệt tại Pháp, giáo sư Trần Đức Thảo được đánh giá như một nhà triết học lỗi lạc. Nhưng tại nước ta, các công trình khoa học của ông ít được biết đến. Một phần do những yếu tổ khách quan của một thời đất nước chiến tranh, trong một bối cảnh quốc tế phức tạp… Và một phần do tính chất trừu tượng của các chủ đề mà ông đề cập với một cách tiếp cận và xử lý mang tính tư biện cao và đều viết bằng tiếng Pháp, không có bản gốc tiếng Việt. Song đó lại là cả một di sản khoa học lớn lao của dân tộc, cần sớm tổ chức khai thác và giới thiệu rộng rãi.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng, 14/5/2000