Nhà sư Chau Hắc, hiệp sĩ công nghệ thông tin
Ông học hỏi trên sách báo, đài truyền hình để làm giàu vốn kiến thức của mình. Ông nghe đài, báo nói về vi tính, tin học thấy hay quá. Năm 2000, ông mua bộ vi tính hơn 9 triệu đồng (có cả máy in). Lúc đầu, đêm nào ông cũng thức đến 2 giờ đêm tìm hiểu nâng cao kiến thức sử dụng vi tính. Sau đó, ông tìm mua tài liệu về học thêm. Điều gì không hiểu, ông tìm em Phạm Bảo Trân là sinh viên đại học tin học ở thành phố Hồ Chí Minh nhà gần đó để hỏi. Ông tìm đến Ban dân tộc đài Truyền hình Cần Thơxin tài liệu về nghiên cứu học để cài tiếng Khơ-me vào chương trình. Ông nói: Lúc đầu thấy rất khó vì chữ Khơ-me có “chân”, có “tóc” rất phức tạp. Ông mày mò cài đặt ngôn ngữ bên trong, lúc đầu đánh rất chậm, đánh 3 đến 4 số mới ra chân chữ. Sau 2 tháng trời mày mò ông đã tự cài đặt được ngôn ngữ Khơ-me vào máy.
Ngay sau đó, Chau Hắc đã đến cài tiếng Khơ-me vào máy vi tính cho trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Tri Tôn, đài Phát thanh huyện Tịnh Biên, chùa Sa Lôn; cơ sở dịch vụ sửa chữa vi tính An Hảo huyện Tịnh Biên. Bây giờ, chương trình cài đặt phần cứng tiếng Khơ-me được phổ biến trong vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Con em dân tộc Khơ-me thích học vi tính cứ đến chùa xin học, sư rất sẵn lòng dạy các em đánh vi tính song ngữ: Kinh và Khơ-me, đồng thời học đạo đức làm người tốt.
Hiện nay, sư Chau Hắc sử dụng được ba thứ tiếng trên máy vi tính: Việt Nam, Khơ-me, tiếng Anh. Ông nói: Mình đi tu càng phải cố học hỏi để đừng lạc hậu. Tiếng Anh là tiếng phổ thông trên thế giới, nhất định mình phải học. Ông còn say mê nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt để nghiên cứu kinh kệ, để có trình độ thuyết pháp cho người dân nghe và tin.
Với những cố gắng trên, sư Chau Hắc đã được bình chọn là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin năm 2004 và đang phổ cập sử dụng vi tính cho người dân vùng Bảy Núi.
Nguồn: quandoinhandan.org.vn