Nhà sáng tạo khoa học công nghệ xuất sắc nhất
Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành hoá học năm 1960, bảo vệ luận án tiến sĩ Kỹ thuật tại Cộng hoà dân chủ Đức năm 1969. Năm 1982-1983 ông học tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Được phong hàm phó giáo sư vào năm 1984. Từ đó đến năm 1996, ông làm việc ở Viện Hoá học công nghiệp, Tổng cục Hoá chất, Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam. Ông là cán bộ khoa học đã hoạt động trong ngành công nghiệp hoá chất trên 45 năm và 39 năm tuổi Đảng. Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng và xây dựng chuyên ngành kỹ thuật Vật liệu bôi trơn và Ma sát học ở Việt Nam . Ông đã chỉ đạo nghiên cứu phát triển trên ba mươi công trình hầu hết được áp dụng vào sản xuất kinh doanh, trực tiếp làm chủ nhiệm bảy đề tài, dự án cấp quốc gia và có 18 báo cáo khoa học ở các hội nghị KHCN trong và ngoài nước, nhiều đề tài được tặng các giải thưởng khoa học cao.
Người ta biết đến một thương hiệu APP nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với hàng trăm chủng loại sản phẩm dầu mỡ. Nhưng, ít ai biết được rằng, người sáng lập ra thương hiệu ấy lại chính là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Huy Định và đồng đội của ông, nhà khoa học tưởng như suốt đời chỉ biết say mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Với ông, các công trình khoa học cần phải được đưa vào ứng dụng. Ông đã tình nguyện xin thôi chức Viện trưởng Viện hoá học công nghiệp - một chức vụ mà nhiều người mong muốn - để cùng một số cộng sự cùng chung chí hướng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Ông tâm sự: trải qua hàng chục năm nghiên cứu, cả hợp tác với nước ngoài, đã có hàng chục đề tài xây dựng được công nghệ sản xuất phụ gia, dầu mỡ bôi trơn, chất lỏng thuỷ lực, đưa vào sản xuất nhỏ. Nhưng muốn có tiềm lực nghiên cứu tiếp, cần phải triển khai sản xuất lớn, tạo doanh thu cao mới có lợi nhuận…
Công ty phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) được thành lập tháng 8 năm 1996, trên cơ sở tách Trung tâm phụ gia dầu mỏ thuộc Viện Hoá học công nghiệp, đánh dấu sự chuyển đổi hoạt động từ hành chính sự nghiệp bao cấp sang hạch toán kinh doanh tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động trên cơ sở vốn vay. Có lẽ, đây là đơn vị KHCN đầu tiên ở nước ta chuyển sang mô hình doanh nghiệp đặc thù - Doanh nghiệp khoa học - công nghệ - lấy nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản xuất kinh doanh và từ đó đi lên. Chất xám được coi là đầu vào quan trọng tạo ra sản phẩm mới, kết hợp giữa phát triển KHCN với sản xuất, kinh doanh và đào tạo trong lĩnh vực hoá chất, hoá dầu.
Là người đứng đầu công ty, Giám đốc Đỗ Huy Định luôn có những ý tưởng mới, trăn trở và tìm ra hướng đi cho sản phẩm của mình, để sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Có câu “phải con thuyền to mới chịu được con sóng cả”, phải có người lãnh đạo vững vàng, có tâm lực và trí tuệ, dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, bản lĩnh, đã cùng với đồng nghiệp tâm huyết và hết mình phấn đấu để đưa con thuyền của APP vượt qua được những cơn sóng gió của một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy biến động. Những con số - sự kiện, sự trưởng thành lớn mạnh của APP đã phần nào nói lên tài trí của người giám đốc và đồng nghiệp, những nhà khoa học tài ba này.
Để đưa được kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thành sản phẩm hàng hoá. APP đã vay gần 50 tỷ đồng để đầu tư các xưởng sản xuất. Đến nay công tay đã có xưởng sản xuất dầu bôi trơn công suất 10.000 tấn/năm ở Hải Phòng; 5.000 tấn/năm ở Hà Nội và 3.000 tấn/năm ở Quảng Ninh; xưởng pha chế phụ gia công suất 500 tấn/năm; xưởng sản xuất dầu phanh, chất lỏng chuyên dụng 1.000 tấn/năm; xưởng sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao công suất 1000 tấn/năm; kho dầu sức chứa 2.000 m 3, có năng lực luân chuyển tiếp nhận 10.000 m 3/năm ở Hải Phòng. APP còn đầu tư mới các thiết bị nghiên cứu, phân tích hiện đại tại Trung tâm R&D của công ty và còn đầu tư ra ngoài công ty dưới hình thức hợp tác, liên doanh liên kết với Công ty MTS (Tổng công ty Than Việt Nam) và Công ty dầu nhờn Caltex - Mỹ. Đến nay, APP đã sản xuất và cung cấp gần 100 chủng loại sản phẩm với chất lượng theo quy định quốc tế. Cung cấp cho trên 350 khách hàng thuộc các ngành kinh tế quan trọng như: điện, than, hoá chất vật liệu, cơ khí luyện kim, giao thông vận tải, quốc phòng… Doanh thu bán các sản phẩm mang thương hiện APP hàng năm khoảng 100 tỷ đồng, 7 năm nộp ngân sách Nhà nước trên 400 tỷ đồng, làm tăng vốn nhà nước trên 12 tỷ… Song, có lẽ cái “được” hơn cả, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Huy Định là việc ra đời và phát triển của APP đã góp phần xây dựng một mô hình hoạt động mới: mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất và đào tạo để đi lên. Từ kinh nghiệm của APP và một số cơ quan khác, Nhà nước đang khuyến khích các tổ chức khoa học và phát triển chuyển sang mô hình doanh nghiệp KHCN hoặc chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong đầu xuân Nhâm Ngọ 2002 cùng đi với đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá TW đến thăm một số nhà khoa học trong đó có PGS Đỗ Huy Định tại nhà riêng đã nói “Phát triển của APP thể hiện khát vọng, ý chí, năng động, sáng tạo…”.
Trong suốt quá trình công tác, bằng sự phấn đầu không mệt mỏi của một nhà khoa học – nhà doanh nghiệp, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Huy Định đã được phong tặng Huy chương vì sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ (năm 1994); Huy chương vì sự nghiệp phát triển công nghiệp (năm 2000); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (các năm 1997 và 2002); Huân chương Lao động hạng Ba (1999) và hạng Nhì (2003); Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2000); Giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (1998 và 2002); Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (2000); Giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ WIPO cho công trình sáng tạo nhất trong năm 2002; Năm 2003, ông được Hội Hoá học Việt Nam đề cử để Hội Hoá học Châu Á xét chọn là Nhà Hoá học có đóng góp phát triển KHCN và kinh tế của đất nước.
Hiện nay, APP đã chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần và Phó giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Huy Định đã đến tuổi nghỉ chế độ. Ông được mời làm Uỷ viên hội đồng quản trị doanh nghiệp. Tuy không trực tiếp quản lý như trước nhưng ông vẫn tích cực làm việc đóng góp vào hoạt động của công ty. Ông vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học, tham gia đóng góp ý kiến về quản lý khoa học, về các dự án phát triển KH&CN cấp quốc gia… Là Uỷ viên Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia. Ông còn là Uỷ viên Ban chấp hành trung ương các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam: Hội Hoá học, Hội Cơ khí, Hội Kỹ sư ôtô, Hội Ma sát học; Là hội viên Hội Ma sát học quốc tế và Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Và có lẽ, lúc này, khi tôi đang viết về ông thì ông đang mải mê với đề tài nghiên cứu về dầu mỡ bôi trơn và nhiên liệu thân thiện môi trường, về nhiên liệu sinh học “Nguồn nguyên liệu sạch của tương lai”. Ông kể cho tôi nghe đầy tâm huyết về lý do vì sao phải tìm kiếm năng lượng – nhiên liệu mới, sạch và tái tạo được. Năng lượng và nhiên liệu (NL) luôn được coi là đầu tầu cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Sử dụng hiệu quả và đảm bảo an ninh năng lượng đi liền với bảo vệ môi trường sống, ngôi nhà chung của chúng ta luôn là sự quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển bền vững. Các mô hình sản xuất và sử dụng năng lượng hiện nay không bền vững, gây ra ô nhiễm môi trường nhất là làm tăng hiệu ứng khí nhà kính, trong khi dân số tăng nhanh đòi hỏi tiêu chuẩn sống cao hơn. Ông nghĩ, việc khai thác và sử dụng năng lượng sạch tái tạo mà nước ta có tiềm năng là một xu thế tích cực trong chính sách khí hậu và chính sách năng lượng của nhiều quốc gia. Ông đã cùng một số các nhà khoa học lập đề án phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học - Bio fuel ở Việt Nam để kiến nghị Chính phủ cho thực hiện từ nay đến năm 2020. Đề án đã được các bộ ngành, các tổ chức KHCN, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước ủng hộ. Ông đã đi nhiều nơi, nghiên cứu và tìm hiểu các chính sách của các nước để phát triển nguồn năng lượng sạch để đề xuất với Chính phủ.
Dường như nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phục vụ đời sống là niềm đam mê của nhà khoa học này. Ông đã không chỉ làm khoa học vì hôm nay, mà còn vì một tương lai ổn định và phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sống… Chỉ có nhà khoa học tâm huyết nghiên cứu và tận tâm với công việc mới có thể có những ý tưởng và những công trình khoa học gắn liền với thực tế như vậy. Phó giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Huy Định là một nhà khoa học như thế.
Nguồn: Pháp lý, số 1&2, 2005, tr 47