Nhà sáng chế vì nông dân
Với những ưu điểm: sạ lúa nhanh, không bị lún, tiết kiệm được 30-40% lúa giống, ít sâu bệnh, tiết kiệm thời gian lao động... dụng cụ sạ lúa theo hàng của anh Đoàn Y (ấp Xây Đá A, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) đã vượt qua hàng trăm đối thủ để giành giải ba cuộc thi "ND sáng tạo" của Hội NDVN.
Xem TV, sáng chế máy sạ lúa
Nhà nhiều ruộng, vụ nào công việc sạ lúa cũng làm vợ chồng Đoàn Y tốn nhiều công sức nhất. Anh bảo: "Nhất giống, nhì phân. Làm giống không cẩn thận có khi mất trắng cả vụ". Trước, do thói quen, vợ chồng anh sạ lúa dày, cây lúa yếu, lại tốn nhiều giống. Quan sát, theo dõi, anh đã phát hiện kỹ thuật sạ lúa thưa, mạ vừa nở khoẻ lại ít tốn giống. Cũng từ đó, anh nuôi ý nghĩ sẽ chế tạo một cái máy sạ rải hàng. Ban đầu, anh thiết kế máy cực kỳ thủ công, tận dụng sắt, nhôm, tre trúc sẵn có cho... tiết kiệm. Hì hục tháo, lắp, buộc, anh cũng cho ra đời được cái máy như ý. Theo lý thuyết, cái máy này rất nhiều ưu việt nhưng khi ra thực hành Đoàn Y thất bại hoàn toàn: máy gặp bùn bị lún, không vận hành được. Lúa giống cũng kẹt luôn trong máy. Vợ anh thở dài: "Thiết kế máy làm gì cho tốn công, tốn sức, gieo hạt bằng tay cũng được rồi".
Những tưởng sau lần thất bại ấy, Đoàn Y bỏ hẳn ý định thiết kế máy. Nhưng không, một lần coi TV thấy người ta giới thiệu về máy gieo hạt, anh lại quyết tâm lao vào nghiên cứu. Lần đầu, anh có ý định thiết kế cái máy giống hệt máy người ta giới thiệu, Nhưng do không đủ dụng cụ, lại tốn kém nên anh thiết kế máy sạ với cái tay kéo dài gần 5m. Hoàn thành xong các công đoạn, đưa vào thử nghiệm thì cốt máy bị cong do máy nặng quá. Rút kinh nghiệm, lần thứ 2, anh cắt ngắn tay kéo xuống còn 4m. Nhưng cũng không khá hơn, máy đưa ra sạ thì bị lún không sạ nổi. Thử, thất bại, rồi lại thử nhưng cả chục lần anh vẫn... trắng tay. Quá chán nản, Đoàn Y bỏ dở công việc. Anh kể: "Tôi đã thề không nghĩ đến cái máy sạ lúa nữa. Nhưng rồi tình cờ xem chương trình trượt băng nghệ thuật của nước ngoài, tôi thấy các vận động viên đi trên tấm ván trượt mà không bị lún. Từ đó, tôi nghĩ cải tiến cái máy sạ lúa có ván trượt".
Khác với những lần trước, lần này, anh cẩn thận lên Trung tâm Khuyến nông tỉnh để xem máy sạ lúa theo hàng. Ưu điểm của cái máy này đã rõ: sạ thưa theo hàng, giảm được lượng giống, giảm sâu bệnh và chi phí. Tuy nhiên, nhược điểm của nó cũng không phải nhỏ, đó là chỉ kéo được bằng tay, ống sạ lại nhỏ nên tốn nhiều thời gian. "Tôi tiếp tục điều chỉnh, sửa những nhược điểm và áp dụng công nghệ ván trượt để chống lún và nâng cao năng suất".
"Chỉ muốn giúp bà con đỡ vất vả"
Hì hụi vẽ, thiết kế, hàn, gõ, mất gần 2 năm trời nhưng cái máy cải tiến vẫn không theo ý muốn của Đoàn Y. Tuy nó không bị lún nhưng một số hạt giống khi xuống đất lại bị khô, rồi chết. Cải thiện được hiện tượng này, thì cây lúa lại bị cứng, đất mấp mô không ém được giống. Loay hoay mãi, anh quyết định đặt một túi vải có luồn dây xích vào bộ phận gieo hạt. Sáng kiến này không chỉ giúp anh hạn chế được hiện tượng hạt giống bị khô mà còn tạo cho mặt đất đủ ẩm, hạt lên nhanh đều, nở bụi sớm. Anh cho hay: "Sáng kiến mới nhất của tôi là ứng dụng mô hình ván trượt để làm đất. Tuy đơn giản nhưng nó nâng được ống sạ hàng không bị lún trong khi sạ, lại làm cho đất bằng phẳng, giữ bùn không bị tràn ra hai bên".
Mất công nghiên cứu cũng có ngày thành công. Sau gần 3 năm, thất bại cả chục lần, cuối cùng "đứa con cưng" của Đoàn Y cũng ra đời. Anh phấn khởi: "Máy gọn nhẹ, không bị lún, lại sạ được trên mọi địa hình. Đặc biệt, bộ phận ém giống giúp cho hạt nằm vừa mặt đất, giống không bị khô, lại nảy mầm khoẻ. Trung bình mỗi ngày, máy có thể sạ được 6-8ha. Nhờ "cục cưng" này mà vợ tôi phải "bái phục" cái tính lì lợm của tôi".
Không "giấu nhẹm" phát minh để độc quyền sử dụng, Đoàn Y đưa máy đi phục vụ miễn phí bà con trong làng, trong xã. Anh còn hướng dẫn các hộ trong xã thiết kế máy tương tự như chiếc máy của mình để dễ dàng sử dụng, nâng cao hiệu quả làm việc. Anh tâm sự: "Tôi không hề có ý định bảo vệ thương hiệu, sản xuất hàng loạt máy bán ra thị trường để thu lợi nhuận. Tôi chỉ muốn giúp bà con đỡ vất vả hơn trong công đoạn gieo hạt mà thôi".
Máy sạ lúa cải tiến của anh Đoàn Y tiết kiệm được từ 30-40% lúa giống, giảm chi phí đầu tư từ 300-400 nghìn đồng/ha. Cây lúa ít bị đổ ngã vào mùa mưa, tiện lợi cho việc chăm sóc, phù hợp với chương trình 3 giảm, 3 tăng.
Nguồn: NTNN