Nhà sáng chế không bằng cấp
Có cha làm thầy giáo nhưng vì thời điểm những năm 1990, ở Thanh Hóa còn khó khăn nên Du theo anh trai vào Bình Phước, tưởng được ăn học đến nơi đến chốn nhưng hoàn cảnh đưa đẩy nên chỉ học hết lớp 5, Du đã phải dừng việc đèn sách để đi ở đợ tận thành phố Hồ Chí Minh. Du kể, đi chăn trâu, chăn vịt nên nhiều lần phải ăn chuối xanh trừ cơm, ngủ bờ ruộng để canh vịt. Mười năm thui thủi cảnh ở đợ, nhiều lần, nhìn bóng chiều về, chỉ biết ngồi khóc vì nhớ cha mẹ nhưng không biết làm cách nào để gặp họ. Đến khi tự lập được, Du quay lại Bình Phước và bắt đầu tự hoạch định cho cuộc đời mình. Từ khu vực Thuận Phú, ngày Du đi làm thuê, làm mướn, tối lại đi bộ cả chục cây số về Đồng Xoài học bổ túc.
Năm 1999, Du xin đi học nghề thợ sửa xe máy. Du học rất khá, hơn thế, anh còn tự trao dồi thêm về sửa chữa các thiết bị điện dân dụng. Để kiếm thêm thu nhập, vừa đi học Du còn nhận sửa chữa các loại máy móc cho bà con trong vùng. Năm 2000, anh ra nghề và mở tiệm kiếm sống. Taynghề cao và nhiệt tình trong công việc nên ngày càng có nhiều người biết đến cửa hàng của anh. Không những dân trong vùng mà cả những người của khu vực khác cũng mang máy đến nhờ anh sửa. Nhiều trường hợp không có điều kiện đi lại, anh vào tận nhà để sửa. Từ những chuyến đi này, Du nhận ra, cuộc sống sinh hoạt thường nhật của những người dân vùng sâu, vùng xa, vùng không có điện đa số quá nghèo khổ. Một số gia đình khá giả mua máy phát điện cũng chỉ xài hạn chế vì tiêu hao nhiên liện rất lớn. Là một thợ điện với 10 năm kinh nghiệm, anh nghĩ mình phải làm gì đó để giúp bà con nơi đây.
Nghĩ là làm, về nhà Du vùi đầu thử nghiệm cải tiến máy bơm nước hỏng thành đi-mô phát điện. Sau một tháng mày mò, anh mang sản phẩm đầu tiên thử nghiệm tại nhà một nhà hàng xóm. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, cái ti vi trùm mền lâu ngày bỗng nhiên phát sóng và nhiều bóng đèn trong nhà cũng sáng rực. Điều đặc biệt là máy có thể chuyển đổi nhanh giữa 2 dòng điện, rất tiện cho người dân dùng vào các công việc khác nhau. Thuận lợi nhất là vào mùa khô, người dân luôn có nguồn điện ổn định mà không bao giờ lo cúp điện. Chiếc máy do anh làm ra được bán với giá khoảng 500 ngàn đồng, chỉ với 2 lít dầu diezel có thể thấp sáng cho 3 gia đình suốt cả đêm. Ông Điểu Lết, một trong những khách hàng đã sử dụng qua đi-mô phát điện của anh nhận xét: nguồn điện ổn định, tiêu hao nhiên liệu rất ít, không hư hại tới thiết bị gia đình. Đến nay, nhiều người dùng còn gắn đi-mô này vào các loại máy nổ khác để sử dụng bơm nước, thái củ mì…
Không chỉ nổi tiếng với việc cải tiến thành công máy bơm nước hỏng thành đi-mô phát điện, anh còn được mọi người biết đến với khả năng biến động cơ của xe máy thành máy phát điện.Những chiếc xe có gắn động cơthườnglắp đặt các máy phát điện một chiều, công suất của hệ thống điện này trên xe sẽ nạp lại cho các bình ắc quy sau khi khởi động. Ngõ ra định mức của nó thường trong khoảng 50-100 A ở điện thế 12 V. Du đã cải tạo lại bánh mâm của động cơ xe để phát ra nguồn điện 220V. Một ổ cấm điện được nối ra ngoài, định vị trên thân máy. Khi cần sử dụng, có thể dựng xe lên rồi cho nổ máy, tức thì dòng điện phát ra sẽ là dòng điện xoay chiều 220V. Mọi người có thể nối dòng điện này cho tất cả các bóng đèn, thiết bị dân dụng thông qua ổ cắm trên xe. Khi không sử dụng nữa, xe tự động trở lại trạng thái dòng điện ban đầu. Điều này này không hề làm ảnh hưởng gì tới động cơ máy hoặc giảm tuổi thọ xe. Việc làm sáng tạo này sẽ giúp ích cho các cuộc dã ngoại về đêm… Du cho biết thêm, một chiếc xe máy hỏng hoàn toàn, anh cũng sẽ biến nó thành máy phát điện. Chỉnh ga Angty ở chế độ nhỏ thì một lít xăng có thể thắp sáng cho bóng đèn trong 10 tiếng.
Điểm đặc biệt của máy phát điện làm từ máy bơm nước, động cơ xe máy do Du làm là đều được tận dụng từ phế thải giúp cho giá thành sản phẩm Du tạo ra rất rẻ, phù hợp với nghười nghèo nhưng chất lượng thì không thua kém bất kỳ các loại máy có trên thị trường. Du chia sẻ: ““Những cải tiến của em chỉ dựa vào những nhu cầu cần thiết hằng ngày. Em đã từng phải sống khổ nên rất thương người có hoàn cảnh giống mình, giúp được gì là em sẵn lòng ngay. Mục đích sáng chế của em là phục vụ, đem lại lợi ích cho người nghèo”.
Vài năm trở lại đây, đã có rất người dân đến đặt mua máy phát điện của Du. Mỗi ngày anh cũng bán được 2 - 3 cái, còn những ngày giáp Tết thì 20 - 30 cái. Hiện anh vừa thử nghiệm xong một thiết bị phát điện dựa vào sức gió tác động vào cánh quạt.Thiết bị này sẽ là một sự lựa chọn khác giúp thắp sáng những vùng quê nghèo chưa có điện.
Với một con người luôn biết vượt lên số phận không may mắn, hiện Du đã có cuộc sống khá ổn định bên vợ con. Anh đang vừa làm vừa hoàn thành khóa học Trung cấp kế toán ở Trường Trung cấp kinh tế- kỹ thuật Bình Phước để có thêm kiến thức. Du cho biết, quan niệm sống của anh là luôn phải vươn lên, không được bằng lòng với thực tại nhưng cũng không được nản lòng trước những thất bại. Ghi nhận tấm lòng và sự nỗ lực của Du, Đoàn viên, thanh niên ở xã Thuận Phú đã tín nhiệm bầu anh làm Bí thư xã Đoàn. Một công việc giúp Du thêm tự tin và phấn đấu nhiều hơn.