Nhà sáng chế của nông dân...
Vốn liếng để anh Đại sáng chế máy cắt lúa xếp dãy là những kiến thức tích lũy được khi học ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) và thời gian làm việc tại xưởng cơ khí tỉnh Đồng Tháp. Năm 1995, anh đã mạnh dạn đầu tư vốn thành lập xưởng cơ khí tư nhân mang tên “Đại Lợi” với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại.
Bằng kinh nghiệm sẵn có cộng với lòng say mê học hỏi, anh Đại đã sáng chế và sản xuất thành công nhiều thiết bị như: máy khoan cọc nhồi, máy đóng cừ tràm, máy trộn bêtông, ép cọc bêtông, máy sửa sắt, dàn giáo, dàn tời... Ưu điểm của máy móc do anh Đại chế tạo là ít phụ tùng hơn các loại máy nước ngoài - dễ thay thế, giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân ngành xây dựng nước ta. Tuy nhiên, bước tiến có ý nghĩa nhất phải kể đến là giữa năm 2004, anh Đại chế tạo thành công máy cắt lúa xếp dãy với ưu điểm là cắt lúa trên đất khô lẫn trên đồng có nước xăm xắp, cây lúa đứng và nghiêng không quá 30 độ, thích hợp với vùng đồng bằng Nam Bộ. Bình quân mỗi ngày máy có thể cắt khoảng 4ha lúa, hao tốn 5 lít dầu. Máy gọn, ít bị hư hỏng, cắt lúa bằng lưỡi thép, nên độ hao hụt không đáng kể; rất tiện sử dụng mà giá thành lại rẻ hơn các máy cùng loại từ 500.000 - 600.000 đồng; ngoài ra, máy còn có bộ phận điều chỉnh cắt lúa cao - thấp theo ý muốn. Anh Đại cho biết, hiện nay nhu cầu của nông dân tỉnh Đồng Tháp muốn mua máy cắt lúa xếp dãy là rất lớn, bởi ngoài “nhiệm vụ” chính là cắt lúa bà con còn có thể dùng để xúc đất, xới đất, phát gốc rạ... Hiện cơ sở của anh đã bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 40 máy. Khách hàng muốn mua phải dặt trước một tháng. Hiện cơ sở đã chuyển giao 4 máy cho xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) theo chương trình “Khuyến nông cho hộ nghèo”; bình quân 20 triệu đồng/máy.
Sau khi xem trình diễn thực tế trên ruộng, các nhà khoa học và đông đảo nông dân đã đánh giá cao hiệu quả của máy cắt lúa xếp dãy mang thương hiệu “Đại Lợi”. Ông Hai Phượng, nông dân xã Phú Thành B (Tam Nông) nhận xét: “Máy rất đẹp, cắt sạch sẽ, không bị rụng hạt. So với các loại máy trước thì hiệu quả hơn nhiều vì thời gian cắt nhanh, giá cả hợp lý”. Anh Huỳnh Thanh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Phú Hiệp cho biết: “Chất lượng và hiệu quả của máy cắt xếp dãy so với các loại máy khác có bước tiến vượt trội. Trong khi các máy khác “bó tay” ở những vùng đất sình lầy thì máy của Đại Lợi vẫn chạy khỏe re...”.
Trong những lần tham dự hội chợ thương mại, hội chợ nông - công nghiệp trong và ngoài tỉnh, sản phẩm máy xây dựng và máy nông nghiệp của cơ sở Đại Lợi được nhiều người đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng. Hiện anh Đại đang, nghiên cứu để sáng chế máy gặt đập liên hợp có tính năng vừa cắt vừa suốt cho ra hạt lúa tại ruộng với thời gian nhanh nhất; góp phần giúp nông dân giảm chi phí thuê nhân công, giảm tỷ lệ hao hụt. Được biết, chiếc máy này sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây.
Với niềm say mê sáng tạo, hết lòng phục vụ bà con, anh Đại đã ghi tên vào danh sách những nhà sáng chế “chân đất”. Sản phẩm của anh luôn được bà con đón nhận bởi sự hiệu quả, dễ sử dụng. Tuy nhiên, cho đến giờ, những con người đam mê sáng chế như anh vẫn chưa nhận được một cơ chế đãi ngộ, thậm chí vẫn rất khó khăn khi vay vốn mở rộng sản xuất. Những con người như vậy xứng đáng được vinh danh là nhà khoa học của dân.