Nhà sáng chế 'nhí'
Lò đốt rác hạn chế ô nhiễm
Nhật Minh cho biết do xã em ở thuộc diện 135 nên điều kiện sống còn gặp nhiều khó khăn, trong đó vấn đề vệ sinh môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Rác thải sinh hoạt hằng ngày chủ yếu được người dân thu gom, tập kết thành bãi hoặc chôn lấp thủ công sơ sài gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Người dân có sử dụng lò đốt rác lộ thiên nhưng trong quá trình đốt, khí độc vẫn phát sinh ra xung quanh. “Từ những kiến thức được học trên lớp, em muốn vận dụng vào sáng chế lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường để góp phần giải quyết vấn đề rác thải hiện nay ở địa phương”, Nhật Minh nói.
Khi chia sẻ ý tưởng, Nhật Minh đã nhận được sự hưởng ứng và hợp tác của Đỗ Phúc Nhĩ Khang, bạn học cùng trường. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, Minh và Khang đã chọn cách nhóm lò theo kiểu phức hợp, vừa sử dụng nguồn nhiên liệu từ bên ngoài vừa có thể nhóm lò bằng chính các loại rác thải khô. Nhiên liệu được sử dụng trong trường hợp cần là khí biogas, được tạo ra từ rác thải hữu cơ, không gây hại môi trường.
Sau khi ý tưởng hoàn thành, 2 em đã dành dụm tiền mua những vật liệu cần thiết để thực hiện mô hình lò đốt rác, gửi tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh lần thứ 3 (năm 2013 - 2014).
Khi ứng dụng vào thực tế, lò đốt rác cao 2,2 m, dài 1,8 m, rộng 1,4 m, lúc vận hành đạt năng suất 0,2 m3/giờ, độ ẩm 80%. Minh cho biết lò đốt rác này có giá thành khá thấp, chỉ từ 14 - 25 triệu đồng/cái. Nếu phục vụ khu dân cư khoảng 500 hộ thì sau 9 - 15 tháng có thể hoàn vốn; còn các khu chợ khoảng 200 hộ và tiểu thương thì trong 5 - 10 tháng là lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, lò đốt rác sinh hoạt này còn giúp giảm lượng khí thải độc hại; ít tốn công lao động, thời gian, chi phí…
Sáng chế gắn với cuộc sống
Ngoài lò đốt rác sinh hoạt, Nhật Minh còn là tác giả của hàng loạt những ý tưởng khác. Năm học 2012-2013, em đã thiết kế máy tự động gieo hạt bắp, giúp nông dân đỡ tốn sức lao động và rút ngắn thời gian gieo trồng. Máy này khi vận hành sẽ vừa xom lỗ vừa gieo hạt bắp vào ngay lỗ ấy.
Nhật Minh đã đem sáng chế này tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần 2 và đoạt giải khuyến khích. Bên cạnh đó, em còn hoàn thành ý tưởng về máy thu gom hạt tự động, giá thành chỉ từ 7 - 8 triệu đồng, phù hợp với túi tiền của nông dân.
Theo Nhật Minh, giải pháp làm khô hạt nhanh nhất hiện nay là sử dụng lò sấy. Tuy nhiên, dùng lò sấy vừa tốn kém vừa phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nông dân thường chọn giải pháp phơi ngoài tự nhiên. Việc phơi hạt theo cách truyền thống có nhược điểm là tốn thời gian, công lao động, chi phí...
Máy thu gom hạt của Nhật Minh được làm bằng kim loại, hình chữ nhật, sức chứa 150 kg, bao gồm: máng thu gom hạt, ống xoắn ốc đứng đưa hạt lên thùng chứa, hệ thống truyền động dai, một động cơ...
Khi máy vận hành, hạt được đưa vào bao, cột miệng, chuyển vào sàn lăn để bao trượt xuống đất. Máy này chỉ cần 1 người điều khiển, có thể thu gom trên 6 tấn hạt, nhanh gấp 3 lần so với thu gom thủ công.
Thầy Võ Văn Liếng, Hiệu trưởng Trường THCS Huyền Hội, cho biết: “Nhật Minh là một học sinh rất có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên. Nếu có điều kiện đầu tư học tập, chắc chắn con đường nghiên cứu khoa học, sáng chế máy móc của em sẽ còn tiến xa hơn nữa. Tôi hy vọng các đề tài của em sẽ được ứng dụng sâu rộng vào thực tiễn để giúp ích cho xã hội”.