Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 11/04/2007 23:49 (GMT+7)

Nhà ngôn ngữ học - người chiến sĩ (Kỉ niệm về GS.TSKH Nguyễn Hàm Dương)

GS Nguyễn Hàm Dương đi xa đã gần mười lăm năm. Hình ảnh của thầy là hình ảnh của một chiến sĩ cầm súng trở thành trí thức, nhà khoa học. Tôi thuộc thế hệ học trò đầu tiên của thầy.

Hơn bốn mươi năm trước, cuối thu năm 1963, hồi đó khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội toạ lạc gần chùa Láng (nay là khuôn viên của hai trường Đại học Ngoại thương và Học viện Quan hệ Quốc tế). một chiều chúng tôi thấy các thầy trong bộ môn Ngôn ngữ học vừa tan cuộc họp bước ra, trong số đó có một người lạ trông rất “ấn tượng”, to cao dáng rất tây, ăn vận sang trọng, tay dắt một chiếc xe máy Jawa màu đỏ mà thuở đó rất hiếm hoi. Thầy Nguyễn Cao Đàm nói với một nhóm sinh viên năm thứ ba chúng tôi, đó là thầy Nguyễn Hàm Dương, bạn thầy, vừa đỗ PTS Ngôn ngữ học ở Đại học Lomonosov bên Liên Xô về. Chúng tôi thấy giữa các thầy và mình có cả một khoảng cách xa vời về học vấn và nếp sống. Lâu lâu chúng tôi lại thấy bóng thầy trong khoa nhưng không có cơ hội tiếp xúc nên cái khoảng cách ấy dường như lại nhân lên.

Một năm sau, chúng tôi được học với thầy. Lớp chúng tôi sôi nổi hẳn lên khi có hai thầy giáo mới, hai tính cách khác nhau nhưng có chung một lối phát ngôn. Thầy Trần Đình Hượu với cốt cách một nhà nho xứ Nghệ hay nói: “Xưa tôi dạy trung học, nay nhà nước cho đi học về dạy đại học là cả một sự cố gắng lớn”. Khiêm tốn là vậy nhưng thầy truyền đạt cho chúng tôi cả hệ thống nền tư tưởng Trung Quốc cổ đại. Còn thầy Nguyễn Hàm Dương thì hay bảo: “Trước đây rôi là bộ đội, cầm súng đánh Pháp, được đi học, mong nhận được sự cảm thông và hợp tác của các bạn”. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì tác phong giản dị và gần gũi của thấy. Mỗi giờ giải lao thầy chia sẻ với chúng tôi chén nước chè, điếu thuốc, cái kẹo vừng. Tác phong của người lính vẫn được thầy gìn giữ trong giờ giảng: nói rất đơn giản, đi ngay vào đề, bày tỏ chính kiến, phê bình sinh viên thẳng thắn và chân thành, xong việc là cho qua.

Thầy đùa chúng tôi: “Mình là người Việt ở nước Tần”. Chúng tôi không hiểu ý thầy. Thầy giải thích: “Mình họ Nguyễn, chắc chắn là người Việt rồi, còn tên Hàm Dương, đích thị là kinh đô nước Tần”. Chúng tôi đều cười. Khoảng cách thầy trò ngày càng lấp dần rồi trở nên thân thiết. Thầy trao cho chúng tôi những kiến thức đầu tiên về ngôn ngữ đại cương và ứng dụng, mà đến nay, mấy chục năm sau, tôi vẫn tiếp tục. Qua thầy, chúng tôi học được Ngôn ngữ học cấu trúc lúc thịnh thời với các tên tuổi từ Bloomfield đến Harris, từ Hjelmslev đến Jakobson. Lần đầu tiên tôi nghe đến tên N.Chomsky từ bài giảng của thầy từ khi Chomsky mới xuất hiện trước đó 7 năm (1957) với “Các cấu trúc cú pháp” (Syntactic Structures). Thầy cũng là người đầu tiên cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết về ngôn ngư học và thông tin qua công trình của Malmberg, Ngôn ngữ học và điều khiển học với sách của Wiener, Shannon, Esbi… đầy xa lạ. Ngày nay, khi lên lớp cho sinh viên học phần “Ngôn ngữ - truyền thông - tiếp thị xã hội” tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những câu chuyện ngôn ngữ học được nghe từ ngày ấy.

Năm 1965, chúng tôi ra trường giữa lúc chiến tranh ác liệt. Ngày 10-10-1965 là một giáo viên trẻ vừa ở lại khoa, tôi theo đoàn quân của Khoa Ngữ Văn trở lại chiến khu Việt Bắc. Lên một chuyến xe nguỵ trang, rời thành phố lúc tinh mơ, tôi tình cờ ngồi cạnh thầy Hàm Dương. Thầy đã trở lại nguyên mẫu một anh bộ đội cụ Hồ, áo quần màu cỏ úa, dép cao su, ba lô, bi tông nước, bao gạo. Xe chạy qua cầu Long Biên, thầy ngậm ngùi nói: “Mười chín năm trước, Trung đoàn thủ đô rút khỏi đây, hôm nay tớ với cậu lại ra đi. Tạm biệt Hà Nội, tạm thời thôi, ta phải sớm trở về. Nói thế nhưng vẫn phải lo trường kỳ đấy”. Đúng là nhận xét của một người lính qua trận mạc.

Ở rừng núi huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tôi cùng thầy Hàm Dương và thầy Đoàn Thiện Thuật được xếp ở chung với nhau. Chúng tôi được một bác chủ nhà tốt bụng dành cho hai gian nhà tre, có điều bốn bề trống trải, nhà mới làm, còn chưa có tường vách. Tôi chưa kịp băn khoăn sẽ sống ra sao thì tối hôm đó thầy Dương họp ba anh em và nói: Ta bắt đầu cuộc sống mới, có lẽ lâu dài nên không được tạm bợ, phải tổ chức như quân sự để hợp với thời chiến và phải nhanh chóng để làm việc. Tôi đề nghị lập một tổ ba người để tiện sinh hoạt”. Thế là ra đời một nhóm lấy tên chung là Dương Đức Thuật mà mơi nghe qua cứ như tên một người. Cái tên đó tồn tại suốt bốn năm ở rừng.

Mờ sáng hôm sau, tôi còn mơ ngủ thì thầy Dương đã dựng dậy, mượn về cho mỗi người một con dao quắm. Thầy nai nịt theo chủ nhà dẫn chúng tôi leo lên núi cao rồi chui vào rừng cách nơi ở khoảng 7 cây số. Tôi mới nghe rừng chứ chưa vào bao giờ, nay leo lên núi dốc rồi luồn rừng chưa đến nơi đã thấy mệt và dù đang tuổi thanh niên. Thầy đi thản nhiên, vừa hút thuốc, vừa tán chuyện. Thầy dạy tôi đẵn tre, chặt nứa, chặt cây, bó thế nào cho chặt. Xế trưa, chúng tôi đói mệt trở về, thầy đi trước, vác bó cây dài, luồn rừng, dốc nhanh thoăn thoắt, chả mấy chốc thầy đã bỏ tôi khá xa, đến cái dốc gần nhà tôi đã thấy thầy ngồi nghỉ đợi chúng tôi thản nhiên, vui vẻ ngồi ăn trái bứa vừa trèo hái được.

Trong một tháng liền, thầy chỉ huy chúng tôi làm nhà, trát vách, đóng giường, bàn ghế, đi kiếm củi và nấu lấy ăn. Theo thầy, tuy thời chiến nhưng vẫn phải gắng theo nếp chính quy.

Rồi thầy bảo phải tăng gia sản xuất. Thầy mượn đất của dân, tổ chức cuốc đất trồng rau. Khó khăn nhất là phân bón. Tôi lại băn khoăn. Thầy bảo: Ở đây trâu bò chăn thả ở ven núi khá nhiều, đó là nguồn phân cho ta. Nói rồi thầy làm ba bộ quang gánh và giao hẹn, mỗi người phải nhặt được năm gánh phân. Thầy làm trước. Chiều chiều tôi quẩy quang gánh theo thầy dọc triền núi, để nhặt phân bò, thầy trò mỗi người một gánh. Thấy tôi trẻ nên hay ngượng, thầy hiểu và bảo: Cậu đừng ngại, không phải vì đi nhặt phân bò với tớ mà sau này không lấy được vợ đâu!

Ít lâu sau, mảnh vườn của nhóm chúng tôi xanh tốt, rau rất nhiều, dân cũng ngạc nhiên, thấy các thầy miền xuôi có đủ rau ăn, có vịt, có trứng. Cuộc sống của chúng tôi thế là khá ổn định, có thể ngồi yên để đọc sách và giảng dạy.

Gần thầy, “thong dong mới kể sự ngày hàn vi”, tôi mới được biết cuộc đời chiến sĩ của thầy qua từng đoạn thầy kể trong ba năm ở chung nhà cùng thầy.

Quê ở ngoại thành Nam Định trong một gia đình nghèo, thầy đang học năm cuối Thành chung thì Cách mạng Tháng Tám thành công. Hai tháng sau, mới 16 tuổi, thầy bỏ học xung phong vào đoàn quân Namtiến của tỉnh để vào Nam đánh giặc. Đại đội của thầy tham chiến ở Nam Trung Bộ. Khi mặt trận bị vỡ, tiểu đội thầy dạt sang Lào chiến đấu cùng bộ đội Lào. Tháng 3 năm 46, mặt trận Lào lại bị vỡ, trong vòng vây thầy cùng các chiến sĩ Lào bơi qua sông Cửu Long theo đoàn quân của Hoàng thân Xuphanuvông. Đói rét trên đất Thái Lan, thầy tìm cách bắt liên lạc được với bộ phận hoạt động Hải ngoại của Đảng do nhà cách mạng Nguyễn Đức Quỳ phụ trách. Thầy được giao đóng vai thương nhân để tìm mua vũ khí cho cách mạng. Thầy kể: Mình biết ăn vận đúng mốt là nhờ công việc này ở Bangkok . Năm 1947, phái hữu Thái lên cầm quyền, đàn áp cách mạng. Thầy bị bắt và tù đày. Bốn tháng sau, tổ chức lại cứu thoát và đưa vào hoạt động bí mật. Thầy rời khỏi Thái Lan bắt đầu cuộc hành trình nguy hiểm mới: tham gia vận chuyển trên biển vũ khí mua được ở Thái Lan về rừng U Minh ở Cà Mau. Hai năm liền đi biển trên những chiếc thuyền không số, lúc giả đánh cá, lúc giả đi buôn để vận chuyển súng đạn. Thầy bao lần đối mặt với gian nguy trên biển, với giặc, nhiều lúc tưởng khó thoát hiểm. Năm 1949, thầy được kết nạp vào Đảng và điều về Khu Chín chiến đấu trong đoàn quân của đồng chí Phan Trọng Tuệ. Lặn lội bưng biền suốt ba năm, đến năm 1952 thầy được điều động lên miền Đông Nam Bộ. Khác với bưng biền, rừng miền Đông thiếu gạo, thiếu thuốc, bệnh sốt rét liên miên, đói khát, phải ăn củ rừng ngày tháng. Thầy Hàm Dương rất thích bài hát NamBộ kháng chiếnvà bài Nhạc rừng, theo thầy đúng là “Miền đông gian lao mà anh dũng”. Ở miền Đông, thầy có một tình bạn rất thân thiết với hai người bạn là nhà viết kịch, đạo diễn Ngô Y Linh và nhà thơ Xuân Miễn.

Rồi ta ký hiệp định Genève. Thầy rời rừng miền Đông về Ban Liên hiệp đình chiến ở Phụng Hiệp và Sa Đéc. Có tiếng Pháp, thầy tham gia đấu tranh thi hành hiệp định với Tây. Thầy xin ở lại miền Nam chiến đấu, nhưng trên quyết định thầy phải đi tập kết vì đã bị lộ.

Từ chiến trường về, thầy được cử đi học ở Liên Xô. Vì chưa tốt nghiệp phổ thông, thầy phải học lại chương trình cấp ba ở Nga, rồi mới được vào đại học.

Từ một người lính, thầy Hàm Dương đã trở thành một PTS Ngữ âm học thực nghiệm đầu tiên ở nước ta dưới sự hướng dẫn của GS Reformatski nổi tiếng, tư liệu được thực hiện ở phòng thí nghiệm của GS Arutjumova. Là người mạnh dạn đi vào cái mới, thầy là người đã sớm đi vào ngôn học ứng dụng với chuyên đề về bệnh thất ngôn (Aphasia), phát triển chuyên môn Ngôn ngữ học thần kinh (Neurolinguistics) và đã bảo vệ thành công luận án TSKH từ tư liệu làm việc tại Phòng thí nghiệm của GS nổi tiếng V.Ivanov (MGU). Thầy trở lại miền Nam với lòng yêu mến Nam Bộ và người lính mang huy hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

Nét nổi bật của thầy là tính thẳng thắn và quyết tâm cao trong mọi việc, từ nhỏ đến lớn. Đã quyết là làm kì xong. Thầy đã để lại ở nhiều thế hệ học trò niềm kính trọng sâu sắc.

Với tôi hình ảnh thầy luôn luôn đọng lại là một trí thức rất hiện đại, sang trọng và đồng thời là một người lính “đầu súng trăng treo”.

Và tôi nhớ nhất lời thầy: “Tớ là người lính đã trở thành trí thức thì bây giờ phải trở thành người lính (1965)”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.