Nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Ngọc Phan: Tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho giáo lâu đời. Thuở nhỏ học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Pháp. Năm 1929, Vũ Ngọc Phan đỗ tú tài toàn phần và được Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ bổ làm quan.
Nhưng ông “Tú Phan” chối từ chốn quan trường, chọn nghề dạy học rồi làm báo, viết văn, mặc dù phải cáng đáng gánh nặng một đại gia đình gần 20 người, gồm mẹ già, vợ con và các em cháu họ tộc. Thế mà phong thái bao giờ cũng ung dung tự tại giữa cảnh bần hàn chạy gạo từng bữa.
Năm 1935, mới 33 tuổi, trong ngột ngạt không khí thực dân, phát xít, Vũ Ngọc Phan quả cảm cho xuất bản hai tập sách “Những trận đánh Pháp”, tái hiện những trang sử oai hùng của những cuộc khởi nghĩa người Việt đánh Tây. Mật thám Pháp không bỏ qua việc này và đã tống giam nhà chí sĩ yêu nước vào nhà tù Hà Nội.
Năm 1936 ra tù, ông và người vợ trẻ thân yêu người xứ Quảng - nữ sĩ Hằng Phương đã tự nguyện tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Hội Truyền bá Quốc ngữ đang bùng lên mạnh mẽ khắp xứ giai đoạn 1936-1939..
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, kháng chiến bùng nổ, Vũ Ngọc Phan được giao cương vị Chủ tịch Ủy ban Vận động kháng chiến toàn quốc, đồng thời giữ các trách nhiệm quan trọng trong ngành văn hóa văn nghệ cách mạng.
Ngót 60 năm miệt mài trên văn đàn, Vũ Ngọc Phan đã để lại một khối lượng trước tác và dịch thuật đồ sộ. Đáng kể là bộ sách 5 tập “Nhà văn Việt Nam hiện đại” dày hơn 1.500 trang viết về các thế hệ nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học nước nhà cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đặc biệt cuốn khảo luận, sưu tầm, hệ thống gần 1.000 trang “Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam” vô cùng giá trị.
Trong cuốn sách này Vũ Ngọc Phan lý giải khoa học, khúc chiết về thực chất “ca dao lịch sử”, bản chất của tục ngữ, thành ngữ, ca dao “xuất hiện cùng thời với thần thoại và truyền thuyết”, đó là kho tàng văn hóa truyền miệng qua bao thăng trầm thời gian, biến động thời cuộc của biết bao thế hệ người Việt sinh sống trên khắp các vùng miền đất nước.
Cuộc hôn nhân giữa hàn sĩ Vũ Ngọc Phan, chàng trai đất Quan họ với người đẹp xứ Quảng Lê Hằng Phương (quê Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), một trong những nữ thi sĩ đầu tiên trên thi đàn văn học hiện đại Việt Nam, theo lời con cháu kể lại, cũng như là... huyền thoại, một cơ duyên tiền định, xa xôi cách trở là thế mà nên nghĩa tao khang.
Trong bài “Lòng quê” tặng người tình, nữ sĩ thổ lộ niềm yêu dấu: “ Bình minh buổi ấy gặp anh/Rủ em ra chốn đô thành xa khơi/Yêu anh em hóa yêu đời/Theo anh chắp cánh tung trời bay cao...”.Suốt mấy chục năm trên đường đời, nữ sĩ Hằng Phương và nhà văn Vũ Ngọc Phan dường như chưa bao giờ xa nhau, chung tình gắn bó sự nghiệp văn học, sự nghiệp cách mạng đến giây phút cuối cùng của cuộc đời... Ông bà sinh hạ được 7 người con, 2 gái, 5 trai, tất cả đều tiếp nối truyền thống dòng họ, nền nếp gia phong, đều thành đạt, có trọng trách xã hội.