Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Triều Ân: "Gừng càng già càng cay"
Bác học - ông già Tày "xịn"
Ông vừa là người của Hội Nhà văn Việt Nam, vừa của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phía nào ông cũng có nhiều thành tựu. Ông thích người ta gọi ông là nhà văn, nhà thơ, hay nhà bác học?
Nghe oách nhỉ? Gọi tôi là "ông già Tày" đi. Tày "xịn" đấy (cười hóm hỉnh). Cụ Tổ dòng họ tôi ở Cao Bằng là cụ Hoàng Triều Hoa, vốn ở Gia Miêu trang, huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hoa (nay là Thanh Hoá) được triều đình cử tiếp lên Cao Bằng cùng Đinh Văn Tả diệt Mạc. Đến đời Triều Ân, ở Cao Bằng đã là 11 đời rồi. Thế không phải là Tày "xịn" sao?
Ai là người đầu tiên gọi ông là nhà bác học?
Sau xuất bản hai công trình nghiên cứu về chữ Nôm Tày và truyện thơ (và thể loại), Trung tâm nghiên cứu Quốc học cùng nhà xuất bản văn học xuất bản tiếp cuốn "Văn học chữ Hán dân tộc Tày". Trong lời giới thiệu, giám đốc trung tâm NCQH, uỷ viên hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương , GS.TS Mai Quốc Liên viết: "... Và ở đây, ông (Triều Ân) là nhà bác học với thao tác làm việc thuần thục và chính xác".
Mọi người quen gọi tôi là bác học từ đó.
Ít người nghiên cứu văn học Nôm Tày quá
Vì ông là người Tày "xịn" nên các tác phẩm sáng tác cũng như nghiên cứu đều mang hơi thở, tâm hồn của tộc người này?
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất vốn có nền văn hiến lâu đời, ngoài phần sáng tác, tôi rất trăn trở, muốn sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu tinh hoa văn học vẫn còn tiềm ẩn của người Tày.
Hiện nay trong hàng ngũ trí thức Tày có bao nhiêu người nghiên cứu văn học chữ Nôm Tày?
Theo tôi biết có khoảng 2 bàn tay. Trong đó gia đình tôi có 3 người là ông nội, bố tôi, và tôi. Ít quá. Vì vậy tôi nghĩ, với văn hoá dân gian Tày, tôi ước ao có một đội ngũ cùng nghiên cứu, giới thiệu. Cũng chính vì thế mà tôi để tâm biên soạn cuốn "Từ điển chữ Nôm Tày" mong nhiều người hôm nay hoặc tiếp sau có cơ sở khảo cứu các tác phẩm di sản viết bằng chữ Nôm Tày.
Chữ Nôm Tày có giống chữ Nôm Kinh? Tại sao chữ Nôm lại "đeo râu" thế?
Văn tự Việt Nam trải qua các hình thức: chữ Khoa Đẩu (chữ nòng nọc), chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Chữ Nôm là thứ chữ chế tác trên nguyên tắc dùng chữ Hán để làm chữ cái viết ra chữ Nôm ghi âm tiếng Việt hoặc tiếng Tày. Chữ Nôm đã có ít nhất là từ thế kỷ II sau CN, khi nước ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Khi ta phải kê khai sổ đinh, sổ địa bạ gặp những chữ thuần Việt hoặc thuần Tày mà chữ Hán không thể hiện được. Lưu truyền, vua Trần cho Nguyễn Thuyên làm bài "văn tế cá sấu", để đuổi con ngạc ngư bỗng xuất hiện ở đoạn sông Nhị Hà. Bài văn tế ấy tương truyền viết bằng chữ Nôm Việt. Việc làm kết quả, vua cho Nguyễn Thuyên đổi họ thành Hàn Thuyên (vì đã như Hàn Dũ bên Trung Quốc có bài văn tế nổi tiếng ấy). Chữ Nôm Kinh viết để ghi tiếng Kinh, chữ Nôm Tày viết ghi tiếng Tày. Cho nên nguyên tắc chế tác giống nhau nhưng khác nhau về tiếng nói. Chữ có râu (dấu nháy) dùng trong trường hợp không thể vận dụng chữ Hán để ghi chép cho cận âm hơn nữa.
(Ông đưa tay lên ngực trái, mắt thoáng ướt, vẻ xa xăm. Mái tóc bạc trắng rủ xuống vầng trán đã hằn quá nhiều nếp nhăn như những dấu chấm hỏi. Tám mươi tuổi đến nơi, nhớ lại lúc biên soạn cuốn " Từ điển chữ Nôm Tày", đang ở bệnh viện, ông còn bày la liệt để phân loại và xếp các mục từ chữ Nôm ra sàn bệnh viện, mà sàn bệnh viện cũng không đủ chỗ cho ông bày).
Với các công trình nghiên cứu văn học dân gian Tày, ông tâm đắc nhất cuốn sách nào?
Đến nay sáng tác có 19 tác phẩm, về nghiên cứu cũng có 19 tác phẩm, cộng 3 công trình nghiên cứu sắp xuất bản cuối 2008 sẽ là 22 công trình nghiên cứu. Với các công trình nghiên cứu đã công bố (trên sách), tôi đều quý và tâm đắc. Nhưng kể cả ra 19 công trình đã xuất bản thì khó (cười). Cũng phải có cuốn tâm đắc hơn như: Ca dao Tày Nùng, từ điển thành ngữ tục ngữ dân tộc Tày, từ điển văn hoá dân tộc Tày, chữ Nôm Tày và truyện thơ, Ba áng thơ Nôm Tày và thể loại, từ điển chữ Nôm Tày, văn học chữ Hán dân tộc Tày.
Vậy, văn học dân gian địa phương cơ bản đã được giới thiệu?
Chưa giới thiệu được bao nhiêu đâu so với kho tàng di sản Hán Nôm người Tày đã phát hiện. Năm 1993 tôi cùng nhà nghiên cứu Lục Văn Pảo (Viện Dân tộc học) kiểm kê các văn bản truyện thơ Nôm Tày có gần 60 pho sách.
Chẳng có thì giờ buồn đâu
Ông Ân đang giải thích và viết một số từ Nôm Tày. |
Ông về hưu ở quê có buồn không? Hình như về hưu ông làm được nhiều công trình hơn khi còn công tác?
Đúng. Từ sau khi về hưu, tôi dồn cho nghiên cứu hơn. Xem "sách cùng tác giả", sẽ thấy từ 1993 (về hưu) số lượng sách công bố có nhiều hơn những năm trước đó. Còn buồn thì không có thì giờ nghĩ đến. Lúc nào tôi cũng làm không hết việc, vẫn muốn làm nữa, làm mãi. Có nhiều người đang từng giờ chờ tôi dịch giúp tài liệu văn học Tày để làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Rồi học sinh, người yêu thơ, các biên tập viên, đồng nghiệp thăm hỏi, trao đổi suốt, còn làm thơ, viết truyện, dịch sách, không biết buồn nữa đâu. Thành thật xin lỗi vì những cuộc điện thoại liên tục làm ngắt quãng câu chuyện, nhưng nhất định tôi phải trả lời điện thoại những tri giao.
(Ông nghiêng người xin lỗi, dáng điệu lịch sự như một nhà ngoại giao Pháp, lại mang vẻ chân thành của một ông già Tày, ánh mắt của ông lão 80 tuổi vãn lấp lánh những tia tình yêu nóng hổi, rộn ràng: "Bao mong đợi để có một chiều nay. Em đến với anh như một cơn lốc xoáy. Áp tai nghe trái tim anh đấy. Vó ngựa xa rồi còn nhịp trái tim" (Trái tim - Hoàng Triều Ân).
Đã chứng kiến nhiều cảnh người yêu thơ, người hâm mộ (cả nam lẫn nữ ở nhiều lứa tuổi) vây quanh ông nghe đọc thơ, bình thơ, tôi thấy ai ai cũng muốn "ôm trọn Triều Ân" vào lòng, ông có khổ vì nổi tiếng?
(Cười rất trẻ). Có thể nói gọn cho vui là có nhiều người yêu. Tôi hạnh phúc và giàu có vì điều đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Triều Ân (Họ Hoàng) sinh năm 1931. Quê quán: Cao Bằng. Dân tộc: Tày. Huân chương độc lập hạng 3. Huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam . Huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam . Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam . |