Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 10/10/2007 00:55 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đinh Gia Khánh

... Hòa bình lập lại, từ 1955 đến những năm 80 của thế kỷ trước, ông phụ trách bộ môn văn học trung đại Việt Nam và văn học dân gian, đã xây dựng và đào tạo một đội ngũ các nhà khoa học có uy tín của hai lĩnh vực này tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hóa dân gian, là Viện trưởng đầu tiên, Tổng biên tập đầu tiên của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian và Tạp chí Văn hóa dân gian. Ông tiêu biểu cho một típ nhà khoa học của một thời kỳ lịch sử, đã có những cống hiến nổi bật cho sự nghiệp nghiên cứu văn hóa dân gian nước nhà. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình: Văn học dân gian(hai tập, chủ biên 1972-1973) , Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian(1989), Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á(1993) , Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam(1995).

Những ai từng quen biết Giáo sư Đinh Gia Khánh đều nhận thấy ông không chú ý lắm về ăn mặc. Mặc dù đã có 57 năm đứng trên bục giảng, nhưng ông không lợi khẩu. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tại Liên Xô, ông có dịp trao đổi khoa học với GS. Anhikin, Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian của khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva. GS. Anhikin nói tiếng Nga, ông nói tiếng Việt, TS. Đỗ Nam Liên dịch. Vì không quen nghe GS. Đinh Gia Khánh nói, chị Nam Liên có phần lúng túng. Một người học trò cũ của GS. Đinh Gia Khánh có mặt ở đó đã “dịch” tiếng Việt của thầy ra tiếng Việt tiêu chuẩn để chị Liên dịch sang tiếng Nga. Sau một năm làm việc cùng cơ quan, GS. Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984) nói rằng, khi nghe GS. Đinh Gia Khánh, ông chỉ hiểu được 70%. GS. Đinh Gia Khánh không chỉ nói nhanh, mà còn để mất hẳn cả một số âm tiết. Thí dụ, khi ông giảng về “truyện Nôm khuyết danh”, người nghe chỉ nghe thấy “truyện Nôm danh”. Bên cạnh hai hạn chế trên, ông cũng có những lợi thế. Ông có đôi mắt sáng và cái nhún vai rất đẹp.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, GS. Đinh Gia Khánh trau dồi học vấn tại Hà Nội. Từ tháng 12 năm 1946, ông dạy học ở trường Trung học ChuVăn An, Hà Nội. Sau đó từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 9 năm 1951, ông dạy học tại trường Trung học Hàn Thuyên, thị xã Bắc Ninh. Từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 6 năm 1956, ông dạy học ở trường Trung cấp sư phạm tại Khu học xá Trung ương (đóng tại Trung Quốc). Ở các trường cũ, ông dạy Anh văn. Nhưng đến Khu học xá, thiếu thầy dạy văn học Việt Nam , ông được “phân công dạy và nhận dạy không chút đắn đo”(1). Để hoàn thành nhiệm vụ, ông đã phải tự học, tự nghiên cứu rất nhiều. Từ tháng 9 năm 1956 đến năm 1983, ông giảng dạy văn học và Hán Nôm tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó ông chuyển biên chế về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam , tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo. Năm 1999, ông nghỉ hưu.

Đã có hơn 30 năm GS. Đinh Gia Khánh đọc bài giảng về văn học trung đại Việt Nam (thời kỳ từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII) tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Về kết quả nghiên cứu, biên soạn, ông là chủ biên Hợp tuyển thơ văn Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII(xuất bản 1963), chủ biên Văn học cổ Việt Nam(hai tập, 1964), chủ biên Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII(hai tập, 1978-1979), chủ biên Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm(1983). Đặc biệt, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng biên tập bộ Tổng tập văn học Việt Nam . Đây là tổng tập văn học viết, tập 1 được xuất bản năm 1980. Năm 2000, bộ sách này được tái bản có sửa chữa, bổ sung, gồm 42 tập. Xét về quy mô biên soạn và độ dày của bộ sách, đây là bộ tùng thư bề thế nhất thời đại (2).

Trong lĩnh vực phiên dịch Hán Nôm, ông cùng GS. Nguyễn Lương Ngọc phiên âm Thiên Namngữ lục(xuất bản năm 1958); ông khảo cứu văn bản và là đồng dịch giả Lĩnh Nam chích quái(1960, tái bản 1990).

Về ngôn ngữ học, ông viết bài Từ cai nghiệt đến cay nghiệt hay là từ tác giả đến công chúng(1973), và Tìm hiểu từ ngữ trong ngôn ngữ cổ(1978-1979).

GS. Đinh Gia Khánh chủ biên hai bộ giáo trình về văn học dân gian, trong đó bộ sách hai tập Văn học dân gian(1972-1973) của hai tác giả Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đó là việc lý giải sâu sắc, toàn diện đặc trưng của văn học dân gian, việc trình bày lịch sử sưu tầm và nghiên cứu folklore ngôn từ ở Việt Nam, việc nghiên cứu văn học dân gian người Việt theo tiến trình lịch sử bên cạnh việc phân tích nó theo thể loại. Cùng với thời gian, những người đi sau có thể điều chỉnh hoặc bàn lại luận điểm này hay nhận xét kia của bộ sách, nhưng nhìn chung giáo trình này là một thành tựu khó vượt qua về tính chất hoàn chỉnh và toàn diện; tính chất này thể hiện ở hệ thống các vấn đề, các chương mục và trong việc phân tích, lý giải từng vấn đề. Sách này được tái bản vào các năm 1977, 1991. Năm 1997, Nhà xuất bản Giáo dục in gộp hai tập này cùng với tập Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (1983) của PGS. Võ Quang Nhơn thành một tập sách khổ lớn với nhan đề Văn học dân gian Việt Nam với tên tác giả là: Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn. Từ đó đến nay, tập sách in gộp này liên tục được tái bản.

Đối với việc nghiên cứu truyện cổ tích, cuốn sách Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyệnTấm Cám” (1968) của GS. Đinh Gia Khánh có tiếng vang một thời. Ra đời vào những năm tháng mà ở Việt Nam khoa nghiên cứu văn học dân gian đang ở những bước đi ban đầu, cuốn sách vừa nêu của GS. Đinh Gia Khánh đã có tác dụng lớn. Đặc biệt, trong cuốn sách vừa nêu, trên cơ sở khối tư liệu phong phú mà tác giả đã giới thiệu một số ở phần phụ lục (86 trang), ông đã nghiên cứu truyện Tấm Cámở nước ta, và do tính chất tiêu biểu của truyện này, qua việc nghiên cứu toàn diện về nó, ông đã đề cập đến những vấn đề quan trọng của chuyên ngành cổ tích học.

Về hướng tiếp cận theo thi pháp học, hai bài viết công phu của ông: Qua việc nghiên cứu các danh từ riêng trong một số truyện cổ tích(1962), Nhận xét về đặc điểm của câu mở đầu trong thơ ca dân gian(1966) là những đóng góp đáng kể.

Hiện nay chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau trong nhận thức về vai trò quan trọng, vai trò làm nền của dòng văn học dân gian trong nền văn học dân tộc. Nhưng cách đây trên ba chục năm, tình hình không phải như vậy, lúc đó ngay cả một vài nhà nghiên cứu văn học có uy tín đáng kính cũng còn xem nhẹ vị trí và tác dụng của văn học dân gian. Bằng các bài giảng, bài viết, chương sách, GS. Đinh Gia Khánh kiên trì khẳng định tầm quan trọng của dòng văn học này, với cách diễn đạt càng ngày càng thể hiện rõ hơn quan điểm của mình. Bài Vai trò chủ đạo của văn học dân gianđăng trên tập san Văn hóa (năm 1970, số 3) là một trong số nhiều bài của Đinh Gia Khánh nhằm giải quyết những vấn đề lớn, có tính chất phương pháp luận, tính chất mở đường.

Thuộc loại những bài có tính phương pháp luận của ông, có thể kể thêm bài Xác định giá trị của truyền thuyết đối với việc tìm hiểu lịch sử thời đại Hùng Vương(1969), bài Để có thể nắm bắt thực chất của văn học dân gian(1977).

GS. Đinh Gia Khánh thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, biết Hán Nôm (sự hiểu biết này chủ yếu do tự học). Ông bao quát cả văn học viết và văn học dân gian, nhiều năm là tổ trưởng tổ văn học viết trung đại và văn học dân gian, đã định hướng nghiên cứu và có ảnh hưởng tích cực đến một đội ngũ những người nghiên cứu và giảng dạy văn học viết, văn học dân gian. Trong số đó hôm nay không ít người đã thành công hoặc thành danh như Bùi Duy Tân, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Lê Chí Quế,... Ông không phải là một hiện tượng cá biệt, mà là người tiêu biểu cho một “típ” nhà trí thức, nhà khoa học của một thời kỳ mà có lẽ lịch sử sẽ không lặp lại. Ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS. Bùi Văn Nguyên là người am hiểu Hán học, biết tiếng Pháp, cũng rất nhiều năm là tổ trưởng chuyên môn tổ văn học viết trung đại và văn học dân gian, cũng để lại nhiều cuốn sách, bài viết về cả hai lĩnh vực văn học viết và sáng tác ngôn từ truyền miệng, cũng từng một thời gian giữ trọng trách Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đó là hai nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu cho lớp người của một thời kỳ lịch sử nhất định. Ngày nay với sự phân ngành và phát triển của khoa học, các chuyên gia thường thể hiện mình trong lĩnh vực chuyên môn sâu và hẹp hơn; tất nhiên cũng có xu hướng nghiên cứu liên ngành hoặc tổng hợp.

Có nguyên nhân dẫn đến những hạt sạn trong di sản quý báu của GS. Đinh Gia Khánh thuộc về hạn chế của cả giới nghiên cứu lúc đương thời, thí dụ việc đánh giá chưa công bằng và chưa chính xác đối với nhà Mạc, việc đánh giá cuộc đời và sáng tác thơ văn của Nguyễn Công Trứ chưa đúng tầm như cách nhìn nhận hiện nay, thí dụ như việc nhận thức chưa đúng về vấn đề niềm tin của người nghe khi nghe kể truyện cổ tích,...

Tháng 12 năm 1979, GS. Đinh Gia Khánh được cử làm Trưởng ban Ban Văn hóa dân gian. Năm 1983, Ban này được nâng lên thành Viện, ông được cử làm Viện trưởng (3). Ông cũng là Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn hóa dân gian (thành lập từ năm 1983).

Sau 10 năm ra đời của Ban Văn hóa dân gian, chuyên luận Trên đường tìm hiểu văn hóa dân giancủa ông được xuất bản. Trong mười năm ấy, giới nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã đạt những thành tựu bước đầu trong việc sưu tầm tư liệu và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, giới nghiên cứu văn hóa dân gian đã có bước tiến với một trình độ nhất định về lý luận và phương pháp luận. Yêu cầu khách quan của khoa học cũng như sự chín muồi của nó đòi hỏi và cho phép ra đời những công trình có giá trị tổng kết. Tuy với nhan đề khiêm tốn, nhưng về thực chất, cuốn sách của GS. Đinh Gia Khánh đã vươn tới sự khái quát cao, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành folklore học Việt Nam sau này.

Một trong những đóng góp quan trọng của cuốn sách là việc giới thuyết khái niệm “văn hóa dân gian”. Theo tác giả, văn hóa là tiến trình trong đó con người không ngừng phấn đấu nhằm mục đích cải tạo và khai thác tự nhiên ngày càng có hiệu quả hơn và xây dựng những mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà đồng thời cũng là tổng thể những thành tựu đã đạt tới và những kinh nghiệm đã thu được trong tiến trình ấy. Xét cho kỹ, văn hóa chính là tiến trình loài người tạo ra bản thân mình (tr.17-18). Tác giả hiểu “văn hóa dân gian” theo hai nghĩa rộng, hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa dân gian (folk culture) bao gồm toàn bộ văn hóa vật chất và tinh thần của dân chúng, liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống dân chúng. Còn văn hóa dân gian với nghĩa hẹp (folklore) chính là văn hóa dân gian với nghĩa rộng (folk culture) được tiếp cận từ góc độ thẩm mỹ. Khi nói rằng folklore là folk culture được tiếp cận dưới góc độ thẩm mỹ là muốn nói rằng folklore là cái phần, cái mặt có tính chất thẩm mỹ của folk culture, rằng folklore là một nghệ thuật. Như vậy văn hóa dân gian (folklore) là đối tượng nghiên cứu của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian (folkloristique).

Sự phân tích của GS. Đinh Gia Khánh là thoả đáng. Nhân đây, cần nói thêm rằng tác giả là người đầu tiên đưa khái niệm “tính chất nguyên hợp” vào khoa nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. Từ những năm 1972-1973, người đọc thấy khái niệm này xuất hiện trong bộ giáo trình Văn học dân gian(hai tập) do ông chủ biên.

Trong sách Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian,tác giả cũng phân tích các thành tố cơ bản của văn hóa dân gian và viết về sinh hoạt văn hóa dân gian. Cuốn sách vừa đúc kết những vấn đề cơ bản, vừa gợi mở để chúng ta tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề mà tác giả chưa có điều kiện đi sâu hoặc chưa phân tích hết tất cả các khía cạnh tinh vi, cụ thể của chúng.

Với tư cách là người quản lý, GS. Đinh Gia Khánh đề xuất nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh trong việc biên soạn địa chí văn hóa dân gian: Địa chí Vĩnh Phú. Văn hóa dân gian vùng Đất Tổ(1986) do Xuân Thiêm, Ngô Quang Nam chủ biên, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh(1995) do GS. Nguyễn Đổng Chi chủ biên,... Với tư cách là nhà khoa học, GS. Đinh Gia Khánh là chủ biên Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội(1991).

Ông còn là tác giả Văn hóa dân gian Việt Namtrong bối cảnh văn hóa Đông NamÁ(1993), Văn hóa dân gian với sự phát triển của xã hội Việt Nam (1995) và nhiều cuốn sách khác.

Với trách nhiệm của người quản lý, GS. Đinh Gia Khánh đã tích cực xây dựng Ban Văn hóa dân gian và Tạp chí Văn hóa dân gian ngay từ những ngày hai tổ chức này còn trứng nước, gặp không biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn. Xuất phát từ sự khởi động ban đầu bởi uy tín khoa học và khả năng tập hợp đội ngũ của ông cùng với sự nỗ lực của nhiều người khác, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian mới đây và Tạp chí Văn hóa dân gian hôm nay đã có những đóng góp đáng kể đối với khoa folklore học Việt Nam.

Trong cuộc sống riêng, từ lúc kinh tế đất nước còn khó khăn cho đến thời mở cửa, GS. Đinh Gia Khánh hết lòng vì vợ con. Dù bận mải, ông cũng dành thời gian quan tâm thích đáng đến việc học tập và sự phát triển của các con. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi người con gái hết hạn nghỉ đẻ, phải đến cơ quan làm việc, ông đã đi xe đạp từ phố Trương Hán Siêu đến khu tập thể Giảng Võ trông cháu. Ông làm việc này một cách tự nguyên, vui vẻ (lúc đó ở Hà Nội chưa phổ biến hình thức có người giúp việc như hiện nay). Với tư cách là một nhà khoa học, ông say mê làm việc, cặm cụi đọc và viết. Những trang sách, bài báo của ông bao giờ cũng được viết rất kỹ lưỡng. Ông tâm sự cùng học trò cũ: “Những ham muốn về vật chất thì hữu hạn, còn những khát vọng về những giá trị tinh thần thì vô hạn. Có khi mày mò, tra cứu tìm hiểu về một vấn đề nào đó hay một chữ nghĩa, điển tích nào đó, chưa chắc đã giúp ích được gì một cách trực tiếp, tức thời cho đất nước, nhưng sau khi đã hiểu được những điều chưa biết thì nhà chuyên môn thấy sung sướng vì đã có được hiểu biết mới”. Một thời gian dài được học và sau đó được làm việc ở cơ quan do ông đứng đầu, tôi chưa bao giờ nghe thấy ông nói về những cái xấu, mặt hạn chế của ai khi họ vắng mặt. Chính niềm vui trong chuyên môn đã giúp ông vượt lên được những nỗi trăn trở thường tình, đứng ngoài những cuộc “đấu tranh nội bộ” lẽ ra không nên có vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Thầy Bùi Duy Tân nói với tôi: “Từ lúc trẻ cho đến khi mất, chưa bao giờ Giáo sư Đinh Gia Khánh bị đau đầu”.

_______________

1. Hoàng Như Mai, Lời hoài niệm một thế hệ, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 6, 2003, tr.14.

2. Bùi Duy Tân , Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập II, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.304.
3. Tháng 9 năm 1983, Viện Văn hóa dân gian (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ) được thành lập. Tháng 5 năm 1993, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia được thành lập, Viện Văn hóa dân gian (một đơn vị trực thuộc Trung tâm...) đổi thành Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. Tháng 1 năm 2004, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia đổi thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian chuyển thành Viện Nghiên cứu văn hóa.

Nguồn : hoidantochoc.org.vn

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.