Nhà nghiên cứu khoa cử Việt Nam
Từng tốt nghiệp trường Cao đẳng kỹ nghệ dệt Lyon, giảng dạy bộ môn tiếng Anh tại trường đại học, rồi lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Paris - Sorbonne IV, song là một người đam mê lịch sử, bà vẫn dành tâm sức để hoàn thành những công trình nghiên cứu rất có giá trị về truyền thống khoa cử Việt Nam...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Chân Quỳnh tâm sự, thời điểm bà bắt đầu đi theo con đường nghiên cứu khoa cử Việt Nam là năm 1985, lúc bà có trong tay cuốn sách “Khi người Pháp tìm ra Đông Dương” của Charles Daney. Trong tác phẩm này, bà đặc biệt thích thú các bức ảnh chụp cảnh Lễ xướng danh trường Hà Nam, khoa thi Đinh Dậu năm 1897, và đến lúc bấy giờ, bà mới biết thế nào là quang cảnh trường thi, các khảo quan, lính hầu, tân khoa ăn mặc ra sao... Từ những bức ảnh đó, bà muốn sưu tập thật nhiều ảnh tư liệu về khoa cử, biên soạn một cuốn sách ảnh giới thiệu truyền thống khoa cử cùng với văn hoá Việt Nam cho người Việt xa xứ, nhất là những thế hệ sau, và những người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hoá Việt Nam.
Sự thật lịch sử là cái khó ngay cả với người đương thời, còn đối với các thế hệ sau, điều đó lại càng khó hơn, nhất là với bà, một người “ngoại đạo”, thuộc “dân kỹ thuật” và không biết chữ Hán, chữ Nôm để có thể tiếp cận trực tiếp với văn bản gốc. “Tôi đã mất không ít thì giờ, công sức tìm kiếm ảnh khoa cử Việt Nam trong nhiều thư viện ở Pháp, thậm chí, còn một mình dưới những tầng hầm, trong kho tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp để lục tìm ảnh”- bà tâm sự. Khi tìm tư liệu viết bà cũng gặp rất nhiều trở ngại. Cùng một vấn đề về khoa cử Việt Nam nhưng có nhiều nguồn tư liệu viết và mỗi nguồn lại viết một cách khác nhau. Bà muốn thẩm định lại đâu là nguồn tư liệu đúng, đâu là vấn đề các nhà nghiên cứu đi trước chưa tìm hiểu ra. Cái khó ở chỗ những người hiểu biết rõ về vấn đề khoa cử Việt Nam thì đã qua đời, còn một số người lại không trả lời được.
Sách sử Việt Nam viết về khoa cử chỉ chú trọng về tên tuổi, quê quán, cấp bậc người đỗ, còn những mặt khác lại khá sơ sài. Khoảng trống đó đã được bà bổ sung bằng các bài tường thuật của người Pháp với các chi tiết cụ thể như: ngày khai khoa, ngày bế mạc, số người dự thi, số người thi đỗ mỗi kỳ, các đề mục của mỗi kỳ thi... Sự kết hợp giữa nguồn tư liệu Việt Namvà Pháp đã giúp bà có cái nhìn khách quan và cụ thể hơn về khoa cử Việt Nam cuối thời nhà Nguyễn. Song, do nền văn hoá hai nước Việt, Pháp khác nhau nên một số chi tiết trong sách viết của người Pháp khi đề cập đến khoa cử Việt Nam cũng chưa được chính xác, bà lại bỏ công nghiên cứu, tìm lời giải đáp và đính chính lại những quan điểm chưa đúng trong một số sách báo đã in. Quá trình nghiên cứu này giúp bà có thêm nhiều kiến thức, đồng thời khẳng định tên tuổi mình qua việc công bố các công trình nghiên cứu về khoa cử Việt Nam .
Năm 1989, Tiến sĩ Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã hoàn thành cuốn sách phổ thông S ong ngữ Việt- Phápđầu tiên về khoa cử Việt Nam ở Pháp. Năm 1995, sau khi đăng hàng loạt bài báo viết về khoa cử Việt Nam trên các tạp chí Việt ngữ, bà đã bổ sung và tập hợp in thành cuốn Lối xưa xe ngựa(Hai tập, Nhà in An Tiêm, Paris) tiếp theo là Khoa cử Việt Nam(Hai tập, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học in chung), cung cấp cụ thể hơn, giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về khoa cử Việt Nam. Có thể ví mỗi cuốn sách về khoa cử Việt Nam của bà là một công trình nghiên cứu. Và mỗi công trình đều được giới sử học đánh giá cao vì tính lập luận chặt chẽ và khoa học.
Mang cốt cách của người Á Đông, những năm cuối đời, bà đã trở về quê hương, sống sum vầy bên con cháu, tiếp tục đóng góp cho đời những công trình nghiên cứu lịch sử khoa cử Việt Nam có giá trị…