Nhà khoa học trẻ mê cây cỏ
Sinh ra ở miền quê Thái Bình, nơi không có rừng nhưng anh lại yêu thiên nhiên cây cỏ. Ở ĐH, anh đã rất yêu thích và muốn được đi tìm hiểu và khám phá những cánh rừng đất nước. Và nhà sinh vật học trẻ này nay đã được đặt chân đến hầu hết các cánh rừng ở Việt Nam, chỉ rừng Tây Nam Bộ anh chưa tới. Anh cũng giữ kỉ lục của Viện Địa lý với 6 chuyến đi khảo sát trên đỉnh Fansipan (Lào Cai). Ở đó anh đã phát hiện ra chi hai thực vật mới thuộc họ Bấc và họ Cà phê cho hệ thực vật Việt Nam, chủ yếu phân bố trên dãy Hoàng Liên Sơn, tập trung tại vùng phụ cận đỉnh Fansipan. Phát hiện này ý nghĩa khoa học rất lớn, chỉ ra tính liên tục và kế thừa của dãy Hoàng Liên Sơn và hệ thực vật Bắc Việt Nam. Hai cây mới này còn có ý nghĩa kinh tế được ứng dụng trong công nghệ nhuộm và đánh bóng kim loại, làm thuốc… nhưng chưa được sử dụng ở nước ta. Anh là người đầu tiên khám phá các giông núi dốc đứng ở gần Fansipan đều có độ cao trên 3.000m, tìm ra loài cây gỗ mới có tên là Vót lá tim thuộc họ Kim ngân cho hệ thực vật Việt Nam. Thôi thúc về việc thám hiểm khu "vườn địa đàng” trong hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), sau đoàn địa chất của Hoàng gia Anh, đoàn thám hiểm của anh Tài là đoàn thứ 2 và anh là nhà sinh vật học VN đầu tiên 2 lần khám phá hang động lớn nhất thế giới này (tháng 10-2009 và tháng 3- 2010).
Anh Tài chia sẻ, hang Sơn Đoòng rất đẹp và hùng vĩ. Điều thú vị đó là ở trong hang có rất nhiều cây môn thục, cùng họ với cây ráy. Đây cũng là thực phầm dùng thay rau của đoàn thám hiểm những ngày ở trong hang. Khi khảo sát trong hang, anh Tài đã giải đáp được những câu hỏi của các nhà sinh vật học, đoàn làm phim nước ngoài về hiện tượng "cây gầy”, không có cây nắp ấm ăn thịt… Là chủ nhiệm hoặc cùng đứng tên 35 đề tài các cấp, anh cho biết có những đề tài đến giờ chưa áp dụng vào thực tiễn được. Theo anh làm khoa học phải gắn với thực tiễn mới có thể kiếm được tiền và vẫn nuôi dưỡng được đam mê. Nghiên cứu gắn với thực tế có thể được bạn bè quốc tế quan tâm giúp đỡ về kinh phí, đào tạo.
Anh Tài cho rằng, việc nghiên cứu khoa học kiểu phong trào hiện dần phổ biển. Để sinh viên nghiên cứu khoa học không theo phong trào, trước hết thầy hướng dẫn phải không làm nghiên cứu kiểu đó. Mặt khác, làm khoa học khi mới ra trường không mang lại tiền bạc ngay như các ngành nghề khác mà cần một quá trình tích lũy, đạt được đủ tầm sẽ được xã hội trả công xứng đáng.