Nhà khoa học tài năng, chân chính
Sinh ngày 15-2-1936 tại xã Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình, GS Vũ Đình Cự thuộc thế hệ trí thức đầu tiên được đào tạo và trưởng thành trong chế độ mới. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, ông trở thành sinh viên khóa 1 Trường Đại học Sư phạm. Năm 1956, tốt nghiệp trường sư phạm, ông được phân công về Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên đặt nền móng xây dựng Trường Đại học Bách khoa thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất miền Bắc và cả nước sau này, đặc biệt là trong bộ môn Vật lý. Năm 1960, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp. Trong 7 năm học tập, nghiên cứu tại đây, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) và tiến sĩ toán – lý (nay gọi là tiến sĩ khoa học) chuyên ngành vật lý chất rắn với đề tài về màng mỏng từ tính, trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Trường Lô-mô-nô-xốp, trường đại học lớn nhất và uy tín nhất của Liên Xô. Chính đề tài luận án thành công đó đã trở thành vốn quý để sau này ông ứng dụng thành công vào nhiều công trình nghiên cứu, thực tiễn phục vụ đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và tự động hóa.
Học thành tài về nước giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất, Vũ Đình Cự dồn hết tâm huyết vào công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa, đặc biệt là xây dựng và phát triển bộ môn Vật lý chất rắn. Tháng 8 năm 1972, xảy ra một sự kiện quan trọng đối với Vũ Đình Cự. Ông được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu gọi lên giao một nhiệm vụ quan trọng và tối mật: Biệt phái sang Bộ Giao thông Vận tải làm thành viên của Tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với một số đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa và các cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt của từ Giao thông – Bách khoa) nhằm nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của kẻ thù.
Nhận nhiệm vụ, Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa và Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến. Được sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị thuộc ngành giao thông, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung tâm máy tính điện tử (duy nhất lúc đó ở miền Bắc) của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước và sử dụng cả các thiết bị nghiên cứu mới nhất vừa được Liên Xô viện trợ cho Trường ĐH Bách khoa, trong một thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” một quả bom từ trường loại mới nhất (được quân đội Mỹ gọi là “Kẻ hủy diệt” (DST)) được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm tại Hải Phòng và sân bóng Đại học Bách khoa. Từ đó, GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho các lực lượng rà phá. Thiết bị đó nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong việc phá tan âm mưu phong tỏa miền Bắc của Mỹ những năm 1972 - 1973.
Với những thành tích vừa nêu, Vũ Đình Cự và các thành viên tổ GK1 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học - công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.
Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc đời khoa học của GS Vũ Đình Cự lại đứng trước một bước ngoặt mới. Năm 1977, ông được điều sang làm Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, trung tâm nghiên cứu phát triển về khoa học tự nhiên và kỹ thuật lớn nhất vừa được Chính phủ thành lập (năm 1975). Một lần nữa, Vũ Đình Cự lại trở thành người đi xây nền móng cho một ngôi nhà khoa học. Dưới sự chỉ đạo của GS Trần Đại Nghĩa (Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam), cùng với thế hệ những nhà khoa học đầu ngành được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Viện Khoa học Việt Nam lúc đó: Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Vũ Đình Cự đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Viện Khoa học Việt Nam. Trong thời gian làm lãnh đạo của Viện Khoa học Việt Nam, hoạt động khoa học của Vũ Đình Cự chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ. Ông là người thành lập và trực tiếp làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam) từ 1980 - 1991.
Từ năm 1984, ông được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thành lập Viện Công nghệ quốc gia và trực tiếp làm Viện trưởng cho đến năm 1991 (vẫn kiêm Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam). Đây là thời điểm Việt Nam đang bị Mỹ và các nước phương Tây thực hiện chính sách cấm vận, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao. Vì vậy, nhiệm vụ của Viện Công nghệ quốc gia là vừa tổ chức nghiên cứu phát triển các ngành công nghệ cao, vừa tìm mọi cách “lách”, phá thế bao vây, cấm vận của phương Tây để đưa các phương tiện, các thiết bị công nghệ cao về phục vụ phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trong thời gian này, Viện Công nghệ quốc gia đã cho ra đời một số doanh nghiệp khoa học - công nghệ, trong đó, thành công nhất sau này là Công ty FPT.
Từ năm 1982, Vũ Đình Cự bắt đầu tham gia Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1987, ông là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Năm 1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Vũ Đình Cự đắc cử Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, chính thức bước vào con đường chính khách chuyên nghiệp. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội (khóa IX), kiêm Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), ông tái đắc cử Ủy viên Trung ương Đảng. Năm 1997, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội (khóa X), đồng thời được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam.
Trong giai đoạn này, hoạt động của Vũ Đình Cự tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, lý luận và ban hành luật pháp, chính sách và các hoạt động xã hội. Đồng thời, ông vẫn dành thời gian thích đáng cho lĩnh vực KH-CN mà ông gắn bó từ lâu: CNTT, điện tử, viễn thông. Trong nhiều năm liền, ông là Chủ nhiệm Chương trình KHCN cấp nhà nước về điện tử, tin học, viễn thông (Chương trình KHCN - 01). Đây chính là chương trình nghiên cứu phát triển có quy mô lớn, quy tụ một đội ngũ các nhà khoa học của nhiều ngành như: Đỗ Trung Tá, Phạm Thế Long, Nguyễn Thúc Hải…, và đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều thành tựu nghiên cứu phát triển, đào tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh của Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, ngành BC, VT, CNTT, Truyền hình Kỹ thuật số…
Dấu ấn quan trọng nhất của Vũ Đình Cự trong giai đoạn này là ở mảng nghiên cứu lý luận, chiến lược, chính sách về khoa học - công nghệ, trong đó có lý luận về hoạt động nghiên cứu khoa học (khoa học luận), về vai trò, tầm quan trọng, tác động của khoa học - công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội, sự ra đời, vai trò của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là CNTT, internet, sự hình thành và vai trò của kinh tế tri thức và xã hội thông tin…Những công trình nghiên cứu cũng như hoạt động nghị trường của Vũ Đình Cự đã góp một phần quan trọng vào việc ra đời các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo như: Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, Luật Khoa học - Công nghệ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giáo dục, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông cùng những quyết sách về phát triển và ứng dụng CNTT, về mở internet ở Việt Nam…
Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, giai đoạn này Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ. Có thể nói rằng, hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả hai lĩnh vực: Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Vũ Đình Cự. Một vị Bộ trưởng khi trò chuyện với tôi đã gọi ông là “nhà thông thái”.
Tôi còn nhớ, khoảng năm 1995, khi đó tôi là biên tập viên Tạp chí Cộng sản, đọc một số bài báo của ông thấy có nhiều vấn đề hay liên quan đến lĩnh vực tôi đang theo dõi là khoa học và giáo dục, tôi liền gọi điện xin gặp để mời ông cộng tác với Tạp chí. Đầu dây bên kia là một giọng nói vang, khỏe và rất cởi mở, mời tôi đến phòng làm việc của ông ở Văn phòng Quốc hội. Gặp ông, ấn tượng đầu tiên của tôi là đằng sau phong thái lịch lãm của một nhà trí thức với cặp kính cận dày cộp là một con người vui vẻ, cởi mở, dễ gần. Sau cuộc gặp đó, ông có những bài báo công phu và uyên bác cho Tạp chí Cộng sảnvề các vấn đề khoa học công nghệ, công nghệ cao và kinh tế tri thức, gây tiếng vang lớn. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí rất quan tâm và đánh giá cao những bài viết của ông, thường dặn tôi cố gắng giữ mối quan hệ để mời ông thường xuyên cộng tác với Tạp chí. Là người làm khoa học tự nhiên, nhưng ông lại viết báo rất hay. Những bài báo của ông cho Báo Nhân dânvà Tạp chí Cộng sảnđược viết với một văn phong giản dị, khúc triết nhưng không kém phần lôi cuốn, thuyết phục. Ông còn có một khả năng tuyệt vời khi viết và nói là có thể biến những vấn đề khoa học cao siêu, trừu tượng, phức tạp thành những kiến thức đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng không kém phần sâu sắc với tất cả mọi người.
Đầu năm 2000, theo gợi ý của ông, tôi chuyển sang công tác tại Văn phòng Quốc hội, làm thư ký riêng cho ông. Thời gian làm việc bên ông không nhiều (3 năm) nhưng đối với tôi, đó là khoảng thời gian thực sự có ý nghĩa bởi tôi được mở rộng tầm mắt và học được ở ông rất nhiều điều. Những chuyến tháp tùng ông đi giám sát tại các ngành, các địa phương hay đi công tác nước ngoài, lắng nghe các phát biểu của ông, cách ông chỉ đạo viết báo cáo giám sát, cách ông tiếp xúc, trao đổi với các đối tác quốc tế, thực sự đối với tôi là những bài học quý giá. Tôi học được ở ông trước hết là tinh thần trách nhiệm, tính nghiêm túc, cẩn trọng trong công việc, đã định làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn, mọi điều được viết ra, nói ra đều phải được suy nghĩ cẩn thận, chu đáo, chuẩn bị tư liệu đầy đủ theo kiểu “biết mười nói một”. Điều đó, thời gian đầu quả thật không dễ đối với một người làm báo vốn có tính amateur như tôi.
Xuất thân là một nhà giáo, nhà khoa học, sau đó trở thành chính khách, nhưng dù ở cương vị nào thì cốt cách sâu thẳm trong con người Vũ Đình Cự vẫn là cốt cách của một nhà giáo. Điều đó thể hiện ở sự mô phạm, mực thước, phong cách nghiêm túc trong công việc, trong giao tiếp, sự quý trọng danh dự, uy tín đến mức hơi thái quá. Trọng danh dự, giữ gìn thanh danh nhưng ông lại rất ghét hư danh, không cố để khoác cho mình những chức danh này nọ mà theo ông là không thực chất.
Trong cuộc sống đời thường, ông sống thanh bạch, giản dị, thậm chí hơi thoát tục. Niềm vui, niềm say mê lớn nhất của ông là công việc, là đọc sách, vào internet tìm tư liệu, nghiên cứu, viết sách, viết báo. Còn những nhu cầu vật chất trần tục, đối với ông, lại không đáng để quan tâm. Cho đến lúc qua đời, ông vẫn sống ở căn hộ tập thể 32m2 ở khu Bách khoa mà ông được phân từ năm 1976. Có lần, ông kể chuyện vui với tôi, trong thời gian ông làm Viện trưởng Viện Công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Có một nhóm doanh nghiệp Mỹ sang làm việc với ông, đến lúc ăn trưa, người trưởng nhóm hỏi ông: “Mr. Cự, ông có thích nhiều tiền không ?”. Ông trả lời: “Nếu kiếm nhiều tiền cho đất nước tôi thì tôi rất thích, nhưng cho cá nhân tôi thì không cần. Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp”. Tay người Mỹ cười: “Nếu thế thì tôi rất khó hợp tác với ngài”.
Có một đức tính rất đáng quý ở Vũ Đình Cự là ông sống khắc kỷ, khắt khe với bản thân mình nhưng không khắt khe với người khác, đặc biệt là những người làm việc gần ông. Ngược lại, ông luôn có sự quan tâm chu đáo, ân cần. Ông sẵn lòng giúp đỡ nếu có ai đó nhờ ông giúp tác động việc nọ việc kia (tất nhiên là chính đáng). Cứ Tết đến, ông đều có quà cho những người giúp việc: Thư ký, lái xe, bác sĩ. Đối với chúng tôi, đó là những món quà không lớn nhưng vô cùng quý giá vì nó thể hiện tình cảm, sự quan tâm ân cần của ông. Tôi còn nhớ gần Tết năm 2002, ông bảo tôi chuẩn bị cho ông về thăm một trại trẻ mồ côi ở Hà Nội, đồng thời, liên hệ mua mấy bộ máy tính để tặng các cháu. Và đó là những chiếc máy tính được mua bằng tiền riêng của ông (tôi còn nhớ gần 50 triệu đồng). Các cháu ở trại trẻ mồ côi ở Tây Mỗ thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã nhận được món quà đầy ý nghĩa từ vị Phó chủ tịch Quốc hội.
Cách đây 3 năm, gặp tôi ông khoe: Tớ vừa dành dụm được 300 triệu đồng từ tiền viết sách, làm đề tài khoa học tặng cho làng tớ xây một nhà văn hóa to đẹp. Tiền xây nhà hết 200 triệu đồng, còn 100 triệu đồng để trang bị nội thất và duy trì, quản lý sau này. Ông còn hứa, dịp nào rỗi sẽ đưa tôi về thăm làng mình ở Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình để xem nhà văn hóa của ông, nhưng bây giờ thì không kịp nữa rồi.
Năm 2002, sau khi thôi Phó chủ tịch Quốc hội, ông vẫn được Trung ương giao nhiều công việc quan trọng. Nhiệt huyết nghiên cứu, sáng tạo trong ông vẫn tràn đầy. Gặp ông, tôi đề nghị: Anh chỉ nên nhận những việc mà anh thích và hứng thú thôi, bây giờ nên nghỉ ngơi là chính, đừng tham việc quá. Ông cười: Cậu yên tâm, tớ biết cách tự điều chỉnh. Vài năm gần đây, mỗi lần gặp ông tôi đều lo lắng xót xa vì thấy thần sắc ông mỗi ngày một xuống. Duy sự lạc quan, ung dung tự tại thì vẫn nguyên vẹn. Đáp lại sự lo lắng của tôi, ông cười, dẫn lời Bác Hồ trong di chúc: Người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp, có gì lạ đâu mà cậu lo lắng. Tớ vẫn ổn. Nhìn phong thái lạc quan của ông, tôi phần nào yên tâm. Nhưng không ngờ ông ra đi nhanh quá, đột ngột quá.
Anh Cự ơi, cả cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho khoa học, anh ra đi thanh thản nhưng nỗi đau đớn, bàng hoàng, khoảng trống mà anh để lại cho giới khoa học, cho bạn bè, đồng nghiệp, người thân thì đến bao giờ mới khỏa lấp được?