Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 05/11/2013 21:57 (GMT+7)

Nhà khoa học nữ với mơ ước tổng hợp thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam

Nữ tiến sỹ này cũng là người từng bảo vệ luận án Tiến sỹ năm 2003 tại ĐH Tổng hợp Bordeaux I (Pháp), nhận nhiều giải thưởng và học bổng trong quá trình học tập và nghiên cứu, tham gia thực hiện nhiều công trình nghiên cứu tổng hợp thuốc tại Việt Nam trong đó nhiều kết quả được công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc gia, quốc tế… 

“Bén duyên” rồi “say” Hóa học

Từ khi còn nhỏ, TS Thủy đã đặc biệt yêu thích các môn khoa học tự nhiên và thường xuyên tham gia các kì thi học sinh giỏi các cấp. Những bài giảng hấp dẫn của cô giáo dạy Hóa – Nhà giáo ưu tú Đặng Huỳnh Diệp đã hướng chị đến với Hóa học và lựa chọn khoa Hóa, ĐH KHTN Hà nội. Những năm tháng theo học thạc sỹ và làm nghiên cứu sinh tại Pháp – một trong những quốc gia có ngành công nghiệp Hóa dược phát triển nhất thế giới, chị đã nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi những nghiên cứu về lĩnh vực này. Sau khi bảo vệ luận án, về làm việc tại Viện HL KHCN VN, được sự hướng dẫn, khích lệ của nhiều nhà khoa học đầu ngành của Viện với sự tạo điều kiện tối đa của lãnh đạo Viện,  chị Thủy đã dần định hình được hướng nghiên cứu lâu dài của mình.

Chị chia sẻ: “Trong cuộc sống thường ngày tôi gặp rất nhiều người xung quanh và cả người trong gia đình không may bị mắc các bệnh nan y mà không có đủ khả năng tài chính để điều trị. Việc tiếp cận những loại biệt dược có hiệu quả điều trị nhất, ít tác dụng phụ nhất là một điều khó thực hiện đối với đa số bệnh nhân trong nước vì lí do giá thành thuốc ngoại nhập quá cao so với mức sống của họ. Tôi chỉ mong muốn có thể góp sức nhỏ bé của mình cùng với các đồng nghiệp vào việc nghiên cứu chủ động nguồn nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam nhằm làm giảm giá thành của thuốc”.

Khó khăn không thể cản chân người có đam mê

Nói về những khó khăn trong quá trình tổng hợp thuốc, chị giãi bày: “Trên lý thuyết, mình có thể vẽ ra trên giấy các phản ứng để nó “chạy” được nhưng khi làm thực tế thì mọi chuyện không suôn sẻ như thế. Luôn có những phản ứng có thể thực hiện dễ dàng ở các phòng thí nghiệm nước ngoài nhưng với đặc trưng khí hậu của Việt Nam có độ ẩm, nhiệt độ cao thì phản ứng sẽ khó xảy ra hoặc có xảy ra nhưng hiệu suất thấp hơn. Có những phản ứng nguy hiểm vì khả năng gây cháy, nổ hoặc sử dụng các tác nhân có độc tính. Nếu làm ở lượng nhỏ chỉ 1-5 g thì không có vấn đề gì lớn, còn nếu thử nghiệm với lượng lớn chừng 1 – 2kg thì sự khó khăn vất vả còn tăng gấp nhiều lần”.

Cụ thể nhất là lần chị Thủy cùng nhóm nghiên cứu tổng hợp thuốc chống cúm Zanamivir do PGS Nguyễn Quyết Chiến chủ nhiệm đề tài. Khi bắt đầu, chị nghiên cứu kỹ lưỡng các tư liệu có liên quan, đề ra phương án tổng hợp song khi tiến hành làm thực tế, ngay từ bước đầu tiên mọi việc đã không như dự tính. Một phản ứng được coi là cổ điển trong tổng hợp hữu cơ nhưng dù chị miệt mài làm đi làm lại gần 3 tháng mà phản ứng ấy vẫn chưa ra kết quả mong muốn. Về sau, khi tìm ra các điều kiện, tác nhân phù hợp, phản ứng đó đã “chạy” trong niềm vui vỡ òa của nhà nữ khoa học trẻ.

Chị cho biết, những kinh nghiệm quí giá thu được trong thời gian thực hiện các đề tài nghiên cứu tổng hợp hai thuốc chống cúm H5N1 là Tamiflu và Zanamivir với sự hướng dẫn của PGS Nguyễn Quyết Chiến đã giúp chị tự tin hơn khi theo đuổi hướng nghiên cứu của mình. Cả hai loại thuốc này đều được tổng hợp qua nhiều bước phản ứng (10-14 bước) tương đối phức tạp nhưng chị cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công và có những cải tiến quan trọng nhằm giảm giá thành và  phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiện tại, chị Thủy đang là chủ đề tài “Nghiên cứu phương pháp tổng hợp Erlotinib hydrochloride dùng làm thuốc sinh học thế hệ mới điều trị ung thư và khả năng triển khai ứng dụng”.

Đề án hướng đến mục tiêu tìm ra quy trình tổng hợp Erlonitib - thuốc điều trị ung thư thuộc liệu pháp nhắm trúng đích được chỉ định để điều trị ung thư phổi loại tế bào không nhỏ, ung thư tụy và một số loại ung thư khác – đơn giản, hiệu suất cao, ít sử dụng các hóa chất đắt tiền hoặc độc hại với môi trường và có thể ứng dụng nghiên cứu để bào chế thuốc tại Việt Nam.

T.S Thủy cho biết, điều trị ung thư có nhiều phương pháp khác nhau, tùy từng giai đoạn phát triển của bệnh và tùy theo từng bệnh nhân mà có những phác đồ với các loại thuốc khác nhau. Thông thường các thuốc dùng cho hóa trị liệu gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng do tác dụng cả  trên các tế bào lành tính. Người ta khắc phục điều này bằng cách sử dụng các hệ dẫn thuốc (ví dụ hệ dẫn thuốc nano) khiến thuốc có tính hướng đích và do đó có tác dụng chọn lọc hơn, tuy nhiên như thế lại tốn thêm một bước, chi phí cũng tốn kém hơn. Một bước tiến bộ mới trong nghiên cứu nội khoa điều trị ung thư đó là việc ra đời của các thuốc sinh học có tác dụng đặc hiệu lên các quá trình chi phối sự phát triển và di căn của khối u, nên hiệu quả điều trị cao hơn, tác dụng phụ được giảm thiểu. Các loại thuốc này có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác ở những giai đoạn ung thư khác nhau. Tuy nhiên, giá thành của chúng lại quá cao so với đa số bệnh nhân tại Việt Nam. Đến nay chị Thủy đã khảo sát sơ bộ quá trình tổng hợp và đang thực hiện các nghiên cứu để hoàn thiện quy trình ở qui mô phòng thí nghiệm, đồng thời nghiên cứu khả năng triển khai ở qui mô lớn hơn.

Gia đình luôn kề vai sát cánh

Chị Thủy chia sẻ, khó khăn lớn nhất của những người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học là vấn đề thời gian do yêu cầu của công việc phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức mới, xây dựng ý tưởng, và làm thực nghiệm. Quỹ thời gian của họ tương đối eo hẹp vì còn phải chia sẻ với việc chăm sóc con cái, gia đình nội, ngoại. Đó cũng là lý do để đạt được cùng một kết quả, phụ nữ làm khoa học phải cố gắng gấp 2, 3 lần so với các đồng nghiệp nam.

TS Thủy may mắn nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình

“Tôi có may mắn là chồng tôi cũng làm khoa học, bố chồng tôi trước cũng làm ở một viện nghiên cứu nên gia đình rất hiểu và ủng hộ tôi. Khi hai vợ chồng bận rộn cho những công trình nghiên cứu đang đến giai đoạn nước rút thì bà nội bà ngoại sẽ giúp đỡ việc nhà, trông nom con cái hộ. Những lúc căng thẳng, vất vả, sự động viên của gia đình và nụ cười đáng yêu của con gái đã giúp tôi có thêm nghị lực để hoàn thành tốt công việc của mình”, chị tâm sự.

Theo chị Thủy, phụ nữ làm khoa học hiện nay được sự khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn từ phía xã hội và gia đình so với trước đây. Cũng như những công việc khác, sự đam mê, sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành công và mang lại lợi ích cho xã hội.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.