Nhà khoa học Ngô Kim Tuyến: Tuổi già “gặt hái”
Chàng công tử trở thành thợ hàn, thợ gò vì ham bay nhảy
Nghe nói quá khứ của ông cũng... lẫy lừng lắm?
Nói thật là tôi nghỉ học từ khi còn rất trẻ. Tôi lớn lên ở Tuyên Quang. Hồi đó, gia đình tôi cũng khá nhưng tuổi trẻ nông nổi, thích bay nhảy nên 18 tuổi, tôi theo bạn bè đi trục vớt một con tàu của Pháp bị ta đánh đắm trên sông Gấm (Tuyên Quang). Từ một công tử tôi thành một anh thợ làm đủ việc từ thợ rèn, thợ máy, hàn...
Có nghĩa là việc "mày mò" bắt đầu từ hồi đi vớt thuyền đó?
Đúng thế. Năm 1953, từ con tàu chết của Pháp, chúng tôi tạo thành một con tàu mới đặt tên là Đại Đồng. Chúng tôi căng buồm và rong ruổi cùng Đại Đồng suốt khu vực từ Tuyên Quang đến bến Then (Việt Trì, Phú Thọ). Năm 1956, chúng tôi lại trục vớt được một con tàu lớn hơn ở Hải Phòng. Tôi nhớ đấy là vào những ngày sát Noel. Trời rét căm căm, chúng tôi lặn xuống sâu, nhét hàng nghìn thân tre vào bên trong tàu để tàu nổi lên. Con tàu được đặt tên là Long Hải.
Long Hải chạy được vài năm, đến năm 1959, thì sát nhập vào Công tư Hợp doanh Cano Hà Nội (Xí nghiệp Cano Hà Nội).
Ông cán bộ kiểm tra hợp tác xã đường sông dễ chán
Từ một người tự do trở thành "người nhà nước". Thế rồi tại sao ông lại chia tay nghề "cán bộ" sớm để làm "ông già sáng chế"?
Ban đầu được vào làm Nhà nước, tôi cũng cố gắng phấn đấu. Ngày đi làm tối tôi đi học thêm. Ròng rã 6 năm trời, tôi cũng lấy được cái bằng trung cấp. Vào khoảng những năm 1980, tôi thường nằm trong ban kiểm tra các hợp tác xã đường sông. Lúc ấy, Hà Nội có khoảng 400 hợp tác xã. Mỗi ngày chỉ cần đi kiểm tra 1 hợp tác xã là hết cả năm. Mà mỗi lần đi kiểm tra, chứng kiến những cảnh "chướng tai gai mắt", tôi nản quá thế là xin nghỉ hưu non. Nghỉ hưu rồi, hàng tháng có vợ con nuôi...
Nhiều người bảo tôi hâm
An nhàn thế rồi, tại sao ông lại thích bày việc ra cho mệt?
Nhiều người bảo tôi viển vông. Một vài người bảo tôi già rồi còn bày đặt sáng chế này nọ. Họ bảo tôi có tiền thì đi chơi, đi du lịch, có thời gian thì nghỉ ngơi, vướng vào mấy việc này làm gì cho mệt người, nhức óc.
Nhưng tôi nghĩ cuộc đời là phải biết cho và nhận. Tôi thấy cuộc sống đã ưu ái cho mình nhiều, đã tạo cho mình những cơ hội để mình vươn lên. Vì thế, tôi cũng cần phải trả lại cho đời một cái gì đó. Thế là tôi dành thời gian đọc tài liệu, trau dồi kiến thức. Những sản phẩm của tôi đều xuất phát từ những gì tôi đã gặp ở trường đời. Kiến thức giúp tôi hoàn thiện những sản phẩm đó.
Thế còn gia đình ông? Khi ông bắt tay làm, có ai phản đối không?
Các con tôi mới đầu cũng phản đối. Giờ thì mọi người mặc tôi. Con trai của tôi bảo: "Nếu bố thấy vui thì bố cứ làm. Chúng con không phản đối. Nhưng ủng hộ thì nhất quyết không".
Tại sao?
Vì chúng nó xót tôi. Tôi năm nay 76 tuổi rồi. Mắt kém, bụng lại to. Nhiều khi ngồi xuống là không đứng dậy nổi. Thấy tôi hì hục đục đục đẽo đẽo, các con cũng thương. Nhưng được cái tôi quan niệm, mình làm gì thì làm nhưng vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha, người ông. Ngày xưa, tôi nào biết nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Vậy mà giờ tôi không nề hà việc gì cả. Tôi nghĩ mình nghỉ hưu cũng nên giúp đỡ vợ con. Có lần, buổi tối, đợi cả nhà đi ngủ hết rồi, tôi rón rén xuống bếp rửa bát. Nói chung, tôi chỉ "thực hiện những ước mơ trong đời" vào những thời gian rảnh rỗi và không gây ra xáo trộn nào cho vợ con.
Phải biết dùng tiền vào những việc đúng
Không được gia đình ủng hộ, vậy ông lấy tiền đâu để thực hiện mơ ước của mình?
Lương hưu của tôi đâu được khoảng gần 2 triệu đồng. Tôi cũng chả nhớ vì đưa vợ hết. Về hưu gần 20 năm thì tôi để dành được 20 triệu đồng. Đấy là tiền lẽ ra uống bia nhưng tôi đút lợn. Mấy năm trước tôi có về một trường THPT ở Tuyên Quang. Tôi nhận thấy các cháu đều đã lớn tướng mà nhiều việc đơn giản như mắc cái bóng điện, sửa cái quạt... trong gia đình cũng không biết làm. Tôi có ý định đầu tư tiền để mở một lớp học nghề. Tôi sẽ đích thân đứng lớp. Tôi nghĩ các cháu nên biết những thứ "lặt vặt" đó để giúp gia đình. Xa hơn, tốt nghiệp THPT, cháu nào không thi đỗ đại học, cũng có chút ít vốn để vào nghề. Nhưng rồi ý tưởng này không thực hiện được. Vậy là tôi dành tiền để đầu tư cho những ước mơ của mình. Nhiều người thấy thế cứ bảo tôi hâm, có tiền không biết hưởng thụ. Nhưng tôi nghĩ không uống bia mỗi ngày thì cũng chẳng sao. Dù là ít ỏi, nhưng nếu mình biết dùng đúng cách thì số tiền đó sẽ được nhân lên nhiều.
Tôi hỏi thật, nhà ông ở phố, trong nhà cũng đồ này đạc nọ, ông còn sáng chế làm gì?
(Thoáng vẻ bực mình và thất vọng). Chị hiểu lầm rồi, tôi mày mò làm khoa học hoàn toàn không phải vì tiền hay vì danh vọng. Tôi không đòi hỏi gì cả. Ở cái tuổi gần đất xa trời như tôi, hư danh là cái thứ phù phiếm. Còn tiền, nói thật là tôi cũng đâu có thiếu. Hơn nữa, tôi già rồi, ăn được mấy, tiêu được mấy mà tham tiền.
Vậy vì cái gì khiến cho niềm đam mê của ông lúc nào cũng ngùn ngụt thế?
Tôi luôn tâm niệm rằng làm khoa học mà tính toán thì không thể được việc. Tôi làm trước hết để chống lại tuổi già. Tuổi già mà cứ nghỉ ngơi là hỏng. Không vận động, cơ thể sẽ mệt mỏi, trí não sẽ trở lên trì trệ, cuộc sống cũng trở lên vô nghĩa, nhạt nhẽo. Tôi nghĩ, dù già thì cũng phải hoạt động. Tôi ngần này tuổi, mắt đã kém, nhưng vẫn tự mình làm hết đấy chứ. Cũng có lúc tôi thuê thợ đến cùng làm. Nhưng rồi thợ đến cũng phập phù, rồi làm việc thì chểnh mảng, bảo đi mua cái đinh cũng mất nửa ngày. Thế là tôi làm hết từ mua cái đinh, cái ốc vít đến việc đục, việc đẽo. Làm việc tôi thấy mình khoẻ ra, dẻo dai hơn, sống cũng có mục đích hơn, ý nghĩa hơn.
Cuộc sống cần phải có niềm tin và biết kiên trì
Nhưng hình như sản phẩm của ông chưa được ứng dụng?
(Thoáng buồn). Đấy là nỗi buồn lớn của tôi. Những sản phẩm của tôi, nhiều người là dân trí thức có bằng cấp đều khen và đánh giá cao. Nhưng họ thì cũng chỉ là những nhà khoa học. Muốn ứng dụng thì phải có doanh nghiệp, có các nhà đầu tư nhảy vào thử nghiệm thì mới mong thành hiện thực. Nói thật, cái máy tách lạc, xe cải tiến trong nông nghiệp tôi làm xong, cũng được khen nhưng rồi vẫn xếp xó. Tôi phải mang ra vứt bãi rác. Đau lắm.
Vậy thì ông cố làm gì?
Tôi nghĩ sống là phải có niềm tin và biết kiên trì. Nhiều bạn trẻ ngày nay vừa làm việc này chưa thành công đã nản mà bỏ cuộc. Nhưng tôi thì luôn tin rằng, rồi một lúc nào đó sản phẩm của mình sẽ được ứng dụng ngoài thực tế. Hôm vừa rồi tôi đã hoàn thành xong 2 chiếc "Con đò nhỏ", một chiếc chạy bằng chân, một chiếc đạp bằng xe. Tôi đầu tư cả một chiếc xe máy gắn trên thuyền. Hiện sản phẩm này đang để ở đình Ái Mộ, phố Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, để mọi người đến thăm quan. Đợt trước, mưa lũ nhiều, có người trêu tôi: "Giá ông Tuyến mà sản xuất được vài trăm con đò nhỏ này thì lãi to". Tôi đâu mong lời lãi gì. Tôi chỉ mong sản phẩm của mình đến được tay người dân, giúp được cho người dân là tôi mừng.
Nói thế, nghĩa là ông sẵn sàng cho không ý tưởng của mình?
Tôi nói rồi, tôi làm không phải vì tiền hay danh tiếng. Vì thế, người dân nghèo mà có mong muốn tôi sẵn sàng hướng dẫn họ làm. Nhưng nếu như doanh nghiệp, công ty nào mà định sản xuất thì phải trả tiền sáng chế cho tôi. Ăn cắp là tôi kiện ngay?
Nhưng ông vừa bảo, ông không cần tiền mà?
Đúng. Tôi không cần tiền. Nhưng nếu dùng ý tưởng của tôi để "tư lợi" cho một vài đối tượng nào đó thì không được. Tiền bán ý tưởng, tôi sẽ dành để làm những việc khác có ý nghĩa hơn và hợp lý hơn rất nhiều.
Ví dụ?
Tôi sẽ đầu tư tiền để làm những sản phẩm mới hoặc để làm việc thiện, việc nghĩa. Cuộc sống này thiếu gì việc cần phải làm.
Xin cảm ơn ông!
Tôi nghĩ ngay cả khi những sản phẩm của tôi không thể giúp ích được gì thì những cái tôi đang làm cũng có một chút ý nghĩa nào đó cho các cháu trẻ học tập. Đó là đã sống thì phải biết cố gắng, biết kiên trì và luôn vươn lên. |