Nhà khoa học mang thân mình làm thí nghiệm
Có lẽ hiếm nhà khoa học nào tự thử nghiệm khí độc nguy hiểm trên chính bản thân mình ngay tại nhà và nhờ con gái lay cho mình tỉnh dậy trong trường hợp chẳng may bất tỉnh vì tác dụng của khí độc như John Scott Haldane.
Ở thời đại của mình, nhà khoa học John Scott Haldane được coi là một nhà thí nghiệm tự thân vĩ đại. Haldane cho rằng cơ thể của con người là vật thí nghiệm tốt nhất vì nó có thể lưu lại những gì đang trải qua.
Sau khi quân Đức rải khí độc dọc tiền tuyến quanh thành phố Ypres của Bỉ ngày 22/4/1915, binh sĩ quân Đồng minh được khuyến cáo tự chuẩn bị sẵn một phương pháp bảo vệ thô sơ là nhúng bít tất vào nước tiểu của mình rồi quấn quanh mặt. Tuy nhiên, đến khi xảy ra vụ tấn công thứ hai, chiếc mặt nạ nước tiểu này đã không thể giúp gì cho họ.
Binh sĩ đeo khẩu trang chống độc.
Đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Anh Herbert Kitchener đã nhờ nhà khoa học Haldane trợ giúp. Haldane có một kho kinh nghiệm phong phú về các loại khí độc nguy hiểm nhờ từng làm việc trong ngành khai mỏ. Ông đã đến nhiều mỏ than để tìm hiểu các vụ nổ và tai nạn hầm mỏ nhằm xác định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân. Ngoài ra, Haldane còn tham gia tạo ra dụng cụ thở để dùng trong hầm mỏ trong trường hợp hầm mỏ bị nổ.
Sau vụ tấn công ở Ypres, nhà khoa học Haldane và một đồng nghiệp vội vã tới Bỉ để tìm hiểu xem quân Đức đã sử dụng loại khí độc nào. Họ xác định đó là khí clo khi vì nó đã làm bạc màu khuy áo bằng đồng trên quân phục của binh sĩ tử trận.
Chiếc bình thở này hiệu quả hơn nhiều so với khẩu trang.
Quay về phòng thí nghiệm tại nhà, Haldane bắt đầu tìm kiếm một dụng cụ phòng ngừa khí độc nhanh và hiệu quả để trang bị cho binh sĩ. Trong bối cảnh chiến trường đang nóng bỏng, ông không lo ngại đến những phản ứng mà khí độc có thể gây ra cho bản thân khi tự mình làm vật thí nghiệm.
Trong mỗi lần thí nghiệm, ông đều “bố trí” cô con gái Naomi 18 tuổi bên ngoài cửa ra vào và dặn con là nếu thấy ông bất tỉnh thì hãy kéo ông ra càng nhanh càng tốt. Sau nhiều lần thí nghiệm, Haldane đã tìm ra được một phương pháp tân tiến hơn bít tất tẩm nước tiểu hay khăn mùi xoa nhúng nước. Đó là chiếc khẩu trang phòng hơi độc, gồm các miếng lót bằng bông vụn bọc trong miếng gạc tẩm dung dịch thiosunfat natri. Chất này sẽ vô hiệu hóa tác dụng của khí clo. Khẩu trang phòng độc có thể dùng để che lên mặt, mũi và miệng.
Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên này của mặt nạ chống độc lại chưa phát huy được tác dụng. Ngay sau khi được phát mỗi người một chiếc, các binh sĩ thấy rằng khi đeo chiếc khẩu trang vào chỉ vài phút sau là họ cảm thấy không thể thở nổi. Họ đã đẩy nó lên trán và hậu quả là vẫn hít phải khí độc.
Haldane nhanh chóng tìm cách phát triển một loại bình thở hiệu quả hơn nhiều và thiết bị này đã được dùng trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Mặc dù bình thở khiến người dùng không được thoải mái và thở khó khăn nhưng nó lại giúp họ chống lại hầu hết các dạng khí độc, trừ khi khí độc ở nồng độ cực kỳ cao. Cơ chế hoạt động của bình thở là người đeo hít khí độc qua một hộp kim loại nhỏ đựng than củi và các chất hóa học sẽ hấp thu khí độc. Sau đó, không khí đã được lọc sẽ đi qua ống cao su và vào miệng.
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, anh trai của nhà khoa học Haldane là Richard Haldane - Bộ trưởng Bộ Chiến tranh lúc bấy giờ - là nạn nhân của làn sóng chống Đức trên đất Anh. Một số báo chí công kích ông Richard vì ông này từng học ở Đức, nói tiếng Đức rất giỏi và có mối quan hệ thân thiết với nhiều người Đức. Ông Richard đã buộc phải từ chức do sức ép dư luận. Sự việc này cũng đã ảnh hưởng đến cả Haldane. Tuy nhiên, ông vẫn dốc tâm sức giúp đỡ quân đội Anh và tiếp tục công việc suốt cuộc chiến, tất nhiên là vẫn dùng chính bản thân mình, đôi khi là cả con trai, để làm thí nghiệm.
Nhà khoa học Haldane qua đời ở Oxford tháng 3/1936 sau khi trở về từ Ba Tư - nơi ông tham gia điều tra các trường hợp say nắng ở nhà máy lọc dầu.