Nhà khoa học mang tâm hồn nghệ sĩ
Chiều mồng một tết, tôi gọi điện thoại cho GS-VS Vũ Tuyên Hoàng để hẹn giờ đến nhà chúc tết ông. Từ đầu bên kia, ông vui vẻ nói: “Mình đang ngồi ở sân bay, chờ bay vào Tp Hồ Chí Minh đây. Chúc anh và gia đình ăn tết thật vui, hẹn sau tết gặp nhau ở Hà Nội”. Khoảng 7 giờ tối mồng một, tôi cử nhà nhiếp ảnh Hồ Bá Minh thay mặt cơ quan đến chúc tết GS Vũ Tuyên Hoàng tại Tp HCM. Ông rất vui và nòi: “Tôi vừa đàm thoại với GS Hoàng Chương ở sân bay, bây giờ anh ấy lại cử người đến chúc tết tôi, thật quý hoá quá…”
Mồng 5 rồi mồng 6 tết, tôi gọi điện thoại tới nhà riêng của GS Hoàng nhưng vẫn không thấy ai trả lời, mãi đến chiều mồng 9 (ngày 15 tháng 2) mới gặp được ông và tôi hẹn tối hôm ấy sẽ đến chúc tết ông. Bằng giọng nhẹ nhàng và vui vẻ ông hỏi: “Mấy giờ tới và có mấy người, có nghệ sĩ nào tới hát cho vui không?”. Tôi trả lời: bốn người và có cả nghệ sĩ.
Đúng 8 giờ tối, tôi và nhà báo Trần Trung đến trước, tiếp theo là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Bá Minh. GS Hoàng rất vui, nồng nhiệt tiếp chúng tôi. Ông mở một chai rượu Tây rất ngon, nhưng chúng tôi và cả ông đều không biết uống, nên chỉ nhấm nháp chút chút gọi là… Tôi bảo Mai Tuyết Hoa hát Xẩm cho GS Hoàng nghê. Sau khi nghe Mai Tuyết Hoa, cô học trò “chân truyền của nghệ sĩ hát Xẩm kiệt xuất Hà Thị Cầu hát Ơn mẹvà Giăng sáng vườn chè, GS nói rằng bây giờ ông mới thấy hát Xẩm thật hay. Ông liền đi lấy giấy bút vẽ chân dung cô gái trẻ hát Xẩm này.
Tôi hỏi GS Hoàng có thích hạt bội (tuồng) không? Ông nói rằng ông chưa thật hiểu hết cái hay của tuồng, nếu có thể GS Hoàng Chương chỉ giáo thêm về tuồng. Tôi đứng dậy cởi áo khoác, rút một bông hoa lay ơn dài đang cắm trong lọ, làm chiếc roi ngựa, rồi vừa nói vừa làm động tác đi ngựa và hát một sắp Nam Xuân, GS Hoàng chú ý xem và tỏ ra thích thú. Buổi “chúc tết muộn” của chúng tôi với GS.VS Vũ Tuyên Hoàng thật vui, thật đầm ấm. Tôi luôn cảm nhận được ở nhà khoa học lớn của đất nước này tình yêu và niềm say mê vô tận với truyền thống văn hoá nghệ thuật của đất nước. Chính ông đã đặt hàng cho Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hoá Dân tộc (NCBT&PTVHDT) chúng tôi các công trình nghiên cứu khoa học về Múa Rối nước, Quan họ, danh nhân văn hoá Đào Tấn và nghệ thuật ca trù. Điều băn khoăn lớn của ông là làm sao cho các di sản quý báu của văn hoá nghệ thuật dân tộc được giữ gìn và phát huy tốt nhất trong hôm nay và tương lai.
Nhân câu chuyện đầu xuân, nhạc sĩ Mai Tuyến Hoa đề nghị Chủ tịch Vũ Tuyên Hoàng cho thành lập Trung tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Không cần suy nghĩ nhiều, ông đồng ý ngay và bảo về làm công văn đưa tới cơ quan để ông giải quyết.
Sau khi nhận đơn của Mai Tuyết Hoa, ông gọi điện thoại cho tôi và hỏi: - Tôi đồng ý cho lập Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc Dân tộc Việt Nam và chắc chắn GS Hoàng Chương sẽ phải kiêm làm giám đốc, liệu có ổn không?. Tôi trả lời: Thưa Chủ tịch, lập một cơ quan nghiên cứu độc lập, trực thuộc Liên hiệp hội tuy khó, nhưng lại dễ vì cái khó nhất là phải có một đội ngũ nghiên cứu âm nhạc dân tộc có khả năng, có tâm huyết và làm việc một cách tự nguyện. Thứ hai là phải có kinh phí mới hoạt động được. Riêng tôi thì quá bận với công việc của Trung tâm lớn và Tạp chí Văn hiến Việt Nam , sợ khó làm tốt được. GS Hoàng nói: Tôi cũng nghĩ như vậy. Lập nên một tổ chức mà không hoạt động tốt sẽ mang tiếng. Có lẽ trước mắt nên lập Trung tâm con nằm trong Trung tâm mẹ để dựa vào đấy mà phát triển dần.
Tôi đồng ý và cảm ơn sự quan tâm của GS Hoàng. Liền sau đấy, ông gọi Mai Tuyết Hoa tới để truyền đạt ý kiến của mình, rồi phê chữ “đồng ý trên công văn xin thành lập Trung tâm nghiên cứu Âm nhạc Dân tộc. Cũng tại lần gặp này, GS Hoàng còn phỏng vấn nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa về hát Xẩm để viết bài cho báo. Phỏng vấn xong ông lại vẽ chân dung Mai Tuyết Hoa lần nữa với lý do lần trước vẽ hơi vội nên chưa đạt lắm. Vẽ xong ông dặn Mai Tuyết Hoa về phô tô rồi đưa lại cho ông một bản để ông làm collection cũng như những người ông đã vẽ trước đó. Nhưng Mai Tuyết Hoa chưa kịp quay lại thì ông đã lặng lẽ ra đi vào tối 26 tháng 2 năm 2008. Một cuộc ra đi đột ngột đến ngoài tưởng tượng của những ai quen biết và mến phục GS.VS Vũ Tuyên Hoàng.
Tôi cứ thầm trách ông trời đầy quyền uy và sức mạnh sao không cứu sống một con người tài đức vẹn toàn như GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, một đại trí thức, một nhà bác học nông nghiệp lừng danh, một nghệ sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm trước cuộc sống. Nhiều người chưa biết rằng trong khối di sản đồ sộ ông để lại cho cuộc đời, bên cạnh những công trình khoa học lừng danh đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, cho người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam còn có hàng trăm bài tản văn giàu phát hiện và đầy cảm xúc, hàng trăm bài thơ chân thành và tài hoa, hàng trăm bức sơn dầu, màu nước và ký hoạ sống động về những cảnh sắc và con người ông từng gặp từng yêu mến.
Là một nhà khoa học chó nhiều học hàm, học vị nhất ở Việt Nam, đã từng bảo vệ song song hai danh hiệu tiến sĩ khoa học, được phong học hàm Giáo sư Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô, Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ Ba, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII. Đại Biểu Quốc hội khoá VIII, XI, XII, Uỷ viên Uỷ ban KHCN và MT của Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ, giải thưởng Lúa thế giới lần thứ nhất, giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ VIFOTEC (1997) và nhiều huân chương cao quý của Nhà nước trao tặng, nhưng ông rất khiêm nhường, rất dân chủ và bình đẳng trong quan hệ với mọi người. Khi có ai gọi ông là Thủ trưởng, là Chủ tịch (Liên hiệp hội) thì ông đều nhỏ nhẹ nói “mình chỉ là người phục vụ các bạn, tạo điều kiện cho các bạn hoạt động tốt phục vụ đất nước phục vụ nhân dân”. Tuy vậy, ông cũng là một con người nghiêm khắc và giữ nguyên tắc. Ông thích phản biện đồng thời ông cũng khuyên những người làm nghiên cứu nên tăng cường phản biện, vì có phản biện mới có chân lý. Ông thường lấy ví dụ “Dự án thuỷ điện Sơn La”, nếu không có phản biện của ông và tập thể khoa học ở Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thì không có một dự án khả thi được Quốc hội thông qua cách đây ba năm.
Là nhà khoa học mang tâm hồn nghệ sĩ, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng không chỉ quan tâm tới khoa học tự nhiên, mà còn quan tâm tới khoa học xã hội nhân văn vì thế mà ông vui vẻ tiếp nhận Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc Việt Nam trong đó có Tạp chí Văn hiến Việt Nam(1) từ sự chuyển giao của nhạc sĩ Trần Hoàn - Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam giữa năm 2003 được ông vui vẻ tiếp nhận về Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Suốt mấy năm qua, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Trung tâm và tạp chí, từ việc đặt hàng và cấp kinh phí cho làm những công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đến việc ông dành thời gian tham dự các Hội thảo khoa học về văn hoá nghệ thuật do Trung tâm tổ chức và viết bài cho tạp chí Văn Hiến Việt Nam. Nói chung hầu hết những đề xuất của chúng tôi về hoạt động nghiên cứu văn hoá dân tộc đều được ông quan tâm ủng hộ.
Hiếm ai lại được sinh ra trong một gia đình văn nghệ lớn như GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Cha là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Vũ Ngọc Phan – quê ở nôi văn hoá đất Kinh Bắc. Mẹ là nữ sĩ Hằng Phương quê ở miền văn hoá đất Quảng và chị là Vũ Giáng Hương cũng là một nữ kiệt trong làng văn nghệ Việt Nam hiện là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Đúng là “danh gia vọng tộc” chỉ khác một chút, nếu không nói là sự vượt trội của một con người tài năng mang nhiều tố chất khác nên đã thành công trên nhiều mặt chính trị, khoa học và văn học nghệ thuật. Chỉ riêng về nông nghiệp với những phát minh sáng tạo ra nhiều giống lúa mới cho đất nước, ông đã đứng ngang với anh hùng Lương Đình Của. Ông rất xứng đáng được coi là một người anh hùng của ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam . Làm sao nói hết được tài, đức và công lao to lớn của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng trong những trang giấy ngắn ngủi. Mong sao ở chốn vĩnh hằng ông hiểu được tấm lòng kính phục và ngưỡng mộ của chúng tôi của người đời đối với ông.
_________
(1) Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên UVBCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW có công văn đề nghị LHVHNTVN tiếp nhận Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc thành tổ chức thành viên, nhưng nhạc sĩ Trần Hoàn và hoạ sĩ Vũ Giáng Hương đề nghị chuyển sang Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Nguồn: Văn nghệ thứ bảy, số 11, 15/3/2008, tr 15