Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 04/07/2005 15:38 (GMT+7)

Nhà khoa học “lang thang”

Từ ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội về dạy ở trường Bổ túc Công - Nông tôi đã ham mê nghiên cứu về những khả năng kỳ diệu của con người, như khả năng ngoại cảm, khả năng chữa bệnh từ xa... Khi được mời về làm việc ở Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, tôi như cá gặp nước. Ngoài công việc ở viện tôi còn lao vào nghiên cứu các hiện tượng lạ như chữa bệnh không dùng thuốc của ông Nguyễn Đức Cần... Nào ngờ, có người không tin những gì tôi nghiên cứu là có thật, họ còn cho tôi là lợi dụng khoa học để tuyên truyền mê tín dị đoan và quyết định cho tôi ra ngoài biên chế nhà nước
- ông Nguyễn Phúc Giác Hải ngậm ngùi nhớ lại.

Đó là ngày 1 tháng 5 năm 1976, ông được lãnh đạo Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước gọi lên bảo: "Nếu nhận mình sai thì được ở lại Viện còn cứ giữ quan điểm của mình thì sẽ thi hành kỷ luật, ra khỏi viện".Sau "lần gặp" ấy, ông phải "về vườn". Mức lương thực từ 13,5 kg hạ xuống còn 11 kg! Cú sốc này không chỉ mình ông gánh chịu, vợ ông và hai con ông cũng vô cùng hoang mang...

"Thời bao cấp, cái lý lịch và biên chế nhà nước như là một "chứng chỉ về đạo đức" nên có người gợi ý với tôi rằng: muốn giữ được lý lịch trong sạch cho vợ con thì chỉ có con đường tốt nhất là... ra toà ly dị! Và vợ chồng tôi đã làm như vậy!?".Giọng ông bùi ngùi, mắt nhìn ra xa xăm trên vầng trán hằn sâu những vết nhăn vã ra những hạt mồ hôi...

Nào ngờ ly hôn giả hoá thật! Năm 1977, bà không chịu đựng nổi nên đã mang con vào Nam sinh sống. Sự xa cách trong vô vọng đã dẫn đến cuộc kết hôn của bà với một người khác là giảng viên đại học... nhưng cuộc hôn nhân lần ấy cũng chỉ kéo dài được 6 tháng!

Là một nhà nghiên cứu, nguồn thu nhập chính của ông là viết báo về lĩnh vực ông say mê, am hiểu là tiềm năng con người, được độc giả đón nhận, nhưng với cái "án" như thế, không báo nào còn dám đăng bài của ông. Không kiếm tiền bằng ngòi bút được ông xoay trần, ngày luyện thi đại học, đêm tay kìm tay búa làm đồ chơi trẻ con bán lấy tiền độ nhật và đóng góp nuôi con.

Đến bây giờ ông còn hóm hỉnh đọc thơ về cái thời đen tối của mình:


"Cũng kìm cũng búa cũng như ai

Khoa học đem ra chế đồ chơi

Con trẻ phen này đà thích thú

Giáo dục mầm non hẳn kịp thời".

Còn nói về luyện thi "chui", viết sách "Lịch thế kỷ 20 thu gọn" phải dùng tên người khác và "gà trống" nuôi con. Ông có thơ tự trào:

"Nhà nước phong người chức giáo sư

Còn ta há chịu kém người ư?

Luyện thi mấy trẻ ta là giáo

Không vợ 10 năm hẳn gần ..."

15 năm đằng đẵng, năm nào ông cũng đâm đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền nhưng đều bặt vô âm tín. Mái tóc của nhà giáo, nhà khoa học ngày càng thưa, càng bạc. Vầng trán rộng của ông ngày càng hằn thêm những vết nhăn...

"Một hạt giống gieo xuống có thể nó không mọc thành cây nhưng anh không gieo thì không bao giờ có hy vọng"- Nguyễn Phúc Giác Hải nhắc lại "cái phao" mà trong những ngày khốn khó nhất của án "chăn dê" ông bấu víu vào nó.

Không có tiền mua sách, tài liệu để tự nghiên cứu thì ông tìm đến hàng đồng nát. Rồi tình cờ một lần ông đọc trong tờ Tuần tin tức Mat-xcơ-va (Les Nouvelles de Moscow) có đăng tin về Cuộc thi Tìm hiểu về nước Nga. Khi đến tay ông kỳ thi chỉ còn hạn 15 ngày và 6 trong 8 câu hỏi đã được đăng tải. Đó là năm 1983, ông vừa tìm tiếp các câu hỏi còn lại và vừa ngồi gõ thẳng bằng tiếng Pháp bài dự thi vào chiếc máy chữ cũ kỹ...

Ngày 7/11/1983 ông đang lang thang ở hàng sách cũ thì nghe thấy tiếng một người bạn: Hải ơi! mày được giải của Liên Xô rồi! Lần ấy ông đã vượt qua thí sinh của 94 nước tham dự cuộc thi và giành giải Nhất. Ông vinh dự được mời sang thăm nước Nga. Chuyến đi ngắn ngủi ấy ông đã mang những bông sen tươi thắm sang viếng người sáng lập ra liên bang Xô - viết, để lại ấn tượng tốt đẹp về con người và đất nước Việt Nam trong lòng người dân Xô - viết...

Trong hành trình của cuộc viếng thăm ông đã đến trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop, ở đó ông gặp lại những người bạn cùng làm ở Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (sau đổi tên thành Viện Khoa học Việt Nam) ngày nào, nay đang làm luận án tiến sĩ... Họ bảo với ông rằng: "Nếu anh còn ở trong biên chế thì bây giờ cũng đi làm tiến sĩ như chúng tôi..."

Từ lưu bút của Nguyễn Phúc Giác Hải ở Nghĩa trang các liệt sĩ vô danh, ông lại "chiến thắng" trong Kỳ thi nhân ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít của Đài PT&TH TASKEN. Lần ấy bài của ông với nhan đề "Tasken qua các đại bách khoa toàn thư trên thế giới" giành giải Nhất.

Năm1985, ông lại được mời sang thăm nước Nga và phát biểu trên truyền hình. Dòng lưu bút "Nhân danh sự sống trên trái đất" của ông ngày nào tại nghĩa trang các liệt sĩ vô danh, được lấy làm tít cho các bài báo xuất bản ở Nga bằng nhiều thứ tiếng...

Thời gian vẫn nặng nề trôi, đến năm 1990 "cái cây ấy đã vươn lên tươi tốt" theo cách nói ví von của Nguyễn Phúc Giác Hải. "Đơn khiếu nại của tôi đã đến được tay Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và tôi được phục hồi về nghiên cứu khoa học ở Viện".


Nguyễn Phúc Giác Hải vui vẻ kể lại: Trong cuộc điều đình để tôi lại được làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam, tôi vô cùng cảm động vì cuối cùng công việc nghiên cứu về tiềm năng con người của tôi đã không vô ích và có người hiểu. Điều ấy là quan trọng nhất!

Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói: “Nếu có một trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thì người đầu tiên tôi mời tham gia nghiên cứu là Nguyễn Phúc Giác Hải!” Tôi đứng bật dậy phát biểu: “Tôi vô cùng sung sướng được tham gia cùng các đồng chí... Và không đặt ra một điều kiện gì về án kỷ luật 15 năm của tôi!”


Kể đến đoạn này bỗng nhiên ông trầm tư: Người ta sống ở trên đời là phải có niềm tin cho dù ngày hôm nay có đen tối với cá nhân anh như thế nào đi chăng nữa. Làm khoa học thì càng phải có bản lĩnh!


Ông Hải tâm sự: "Đã từ lâu trong sách giáo khoa của ta không hề nhắc gì đến sự ra đời của quốc hiệu Việt Nam. Tên Việt Nam có từ bao giờ. Trong khi đó "Đại bách khoa toàn thư Anh" (Encyclopaedia Britannica, 1992 đã viết như sau: "Năm 1802, một triều đại mới đã hình thành ở Việt Nam (Đại Việt), do Nguyễn Phúc Ánh, một thành viên của hoàng tộc nhà Nguyễn ở Huế. Ông đã xoá bỏ được nhà Tây Sơn và thống nhất được đất nước. Nhà Thanh lúc bấy giờ là thời của Gia Khánh Hoàng đế, đã nhìn nhận vấn đề này như một việc đã rồi, nhưng một cuộc tranh cãi đã nảy ra về tên gọi của đất nước mới này. Nguyễn Phúc Ánh đề nghị gọi tên là Nam Việt, nhưng nhà Thanh đã đảo ngược hai chữ và đề nghị là Việt Nam. Cuối cùng hai bên đã nhất trí và Nguyễn Phúc Ánh trở thành vua của Việt Nam". Một số sử liệu khác cũng nói vậy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (người đội mũ) bên tấm bia cổ co tên nước Việt Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (người đội mũ) bên tấm bia cổ co tên nước Việt Nam

Một lần, khi nghiên cứu các tư liệu về nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi thấy hai chữ Việt Nam đã có trong tư liệu này. Điều đó làm tôi băn khoăn: Liệu Đại bách khoa toàn thư Anh và các sử liệukhác ghi như vậy có đúng không? Đó chính là lý do để tôi từ năm 1991 là một người "ngoại đạo" "nhảy sang" nghiên cứu lịch sử".


Với sự nghi ngờ của người nghiên cứu khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải đã lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm những cứ liệu lịch sử. Điều ông rất tâm đắc là tới nay ông đã tìm thấy trên những bia đá có khắc hai chữ Việt Nam trước năm 1802. Đó là những tấm bia ở Chùa Bảo Lâm (1559); Chùa Phúc Thánh (1604); Thuỷ Môn Đình (1670)... Những cứ liệu này vô cùng quan trọng để tìm ra nguồn gốc tên gọi Việt Nam có từ bao giờ và ai đặt tên? Đây là cả một vấn đề lớn của lịch sử.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nói: “Cách đây hơn 10 năm, nhà sinh vật học Nguyễn Phúc Giác Hải đã có một phát hiện thú vị khi tìm thấy một số bia cổ thế kỷ XVI- XVII có ghi tên nước Việt Nam, trong đó đặc biệt có giá trị là tấm bia Thuỷ Môn Đình ở vùng biên ải Lạng Sơn. Chính tác giả cho tôi biết những phát hiện này trước khi công bố và tôi cũng như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao phát hiện đó. Chúng ta có nhiều cứ liệu để khẳng định tên nước Việt Nam có từ lâu đời”.

Sau những chuyến đi thu thập cứ liệu, ông Hải lại về sống âm thầm lẻ bóng bầu bạn với sách vở trong căn nhà ngoài đê sát mép sông Hồng, ở đường Bạch Đằng, Hà Nội. Ông thường nói đùa với bạn bè "ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó...".


Đó là căn nhà ba tầng nhìn chỗ nào cũng thấy sách. Sách lèn chặt những giá, những hòm, những tủ, từ chân cầu thang, lối đi, lên đến sân thượng. Sách lấn cả đất kê giường ngủ, tràn vào cả bếp, nhà vệ sinh...

Ở trong căn nhà ấy bất cứ lúc nào, và ở tư thế nào ông cũng có thể đọc được...


Ông bảo, sắp tới, khi vay mượn đủ tiền ông sẽ bay sang thư viện Hoàng gia Anh, theo ông, ở đó còn lưu giữ được tấm bản đồ của một người Hoa trong đó có rất nhiều tư liệu quý để tiếp tục hành trình tìm danh xưng, quốc hiệu của dân tộc!

Nhìn vào đôi mắt ông, dù đã hơn 70 tuổi, trải bao thăng trầm mất mát trong cuộc đời mà vẫn thấy ngời sáng! Ánh sáng của niềm tin và khoa học!

Nguồn: Vietnamnet 28/6/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới