Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 05/07/2005 15:09 (GMT+7)

Nhà khoa học cứu dừa

Bọ cánh cứng hại dừa được phát hiện ở Bến Tre vào tháng 5-1999 tại phường Phú Khương với 600 cây bị nhiễm. Chỉ sau bảy tháng bọ dừa cánh cứng đã xuất hiện ở tám huyện, thị xã trong tỉnh phát thành dịch trên diện tích 36.000 ha đất trồng dừa. Số liệu thống kê đến tháng 8-2002 tỉnh Bến Tre có 2.379.413 cây dừa bị hại và bọ dừa không chỉ hại cây dừa mà còn gây hại trên các loại cây cau, dừa nước... Cây dừa sẽ không còn là "dáng đứng" của Bến Tre nếu không có những nhà khoa học mày mò tìm ra phương pháp thích hợp nhân nuôi nhanh đàn ong ký sinh ngay tại xứ dừa.

Tìm bí quyết

Sau khi được đi thực tế chứng kiến những vườn dừa ở tỉnh Bình Ðịnh bị bọ dừa xâm hại xơ xác, tàu lá cháy khô, kỹ sư Huỳnh Thanh Hùng, Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre, luôn canh cánh trong lòng nỗi lo: 36.000 ha dừa ở quê mình cũng sẽ xác xơ như ở Bình Ðịnh nếu không tăng nhanh đội quân ong ký sinh diệt bọ hại dừa.

Ngày ấy, 10-3-2004, chi cục bắt tay vào việc nuôi nhân ong ký sinh trong điều kiện kinh phí hạn hẹp: 10 triệu đồng được tỉnh cấp, chi cục phải tính toán làm sao không thiếu mà mang lại hiệu quả cao. Tất cả số kinh phí này được tập trung cho việc nhân nuôi. Dụng cụ sản xuất lúc đầu hoàn toàn chưa có gì. Không có phòng thí nghiệm thích hợp, phải tận dụng cả phòng làm việc giám đốc làm nơi nhân nuôi ong. Phương tiện làm tổ cho ong sinh sản cũng chưa có dụng cụ chuyên dùng, đành ra chợ tìm mua những hộp dùng đựng thức ăn để trong tủ lạnh về tự chế thành tổ ong bằng cách dùng dao khoét ô vuông trên nắp hộp. Việc này rất khó vì nhựa cứng rất khó cắt, nhưng rồi sau đó cũng rút kinh nghiệm và cắt thành thạo nắp hộp bằng cách dùng mỏ hàn điện.

Trước khi bắt tay vào thực hiện, chi cục được các kỹ sư của Trường đại học Nông nghiệp đến hướng dẫn và thao tác trực tiếp quy trình nuôi nhân ong ký sinh. Lứa ong này "mẹ tròn con vuông" nhưng khi các "thầy" về, đợt ong tiếp sau do chi cục cho tiếp xúc, đến ngày thứ 18 là đúng chu kỳ ong nở, nhưng ấu trùng vẫn im lìm đến khô cứng. Thất bại này làm chi cục mất cả con giống, phải đến Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam nài nỉ xin 20 con Mu-my (kén) về nuôi dưỡng và cho tiếp xúc với ấu trùng bọ dừa. Lần này, cũng không có kết quả. Hai lần thất bại, tập thể tổ sản xuất gồm năm kỹ sư buồn rầu đến mất ăn mất ngủ. Vì sao cũng tại nơi này mà các kỹ sư của Trường đại học Nông nghiệp nhân nuôi thành công, còn mình thì thất bại, do đâu? Khí trời mùa hè lúc này oi bức, trời nóng đến 34 - 35 oC, càng làm cho tinh thần các kỹ sư thêm căng thẳng và họ chợt nghĩ ra, phải rồi nhiệt độ cao, ấu trùng ong ký sinh bị chết khô, làm sao nở được. Cái khó ló cái khôn, họ nghĩ ra điều kiện thích hợp để ấu trùng ong nở là nhiệt độ lạnh mát. Việc này có thể tạo nên dễ dàng bằng cách mở máy điều hòa. Và chi cục lại đến Trường đại học Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh xin con giống về ứng dụng thử phương pháp mở máy điều hòa nhiệt độ. Ngày thứ 18 ong nở, cả tập thể reo mừng như mở hội. Từ thành công này và những lần sau, tổ nhân nuôi ong có kinh nghiệm: ở nhiệt độ 28 oC, ong sinh sản tốt và chi cục cho gắn nhiệt kế trong phòng nhân nuôi ong để theo dõi duy trì nhiệt độ.

Tạo ngân hàng ong

Ong nở rồi cũng chưa phải thành công mà khâu tiếp theo là thả nuôi dưỡng, nhân đàn. Công việc này cũng cần phải thực hiện nghiêm túc. Ong nở phải cho ăn bằng cách dán giấy vệ sinh tẩm mật ong vào thành hộp. Ong 2 - 3 ngày tuổi sẽ giao phối và tìm ấu trùng bọ dừa để ký sinh. Ấu trùng bọ dừa khi bị ong tiếp xúc đẻ trứng, vẫn phải cho ăn, thức ăn là đọt dừa non và cứ hai ngày phải thay đọt lá dừa một lần. Nuôi ấu trùng bọ dừa cũng là nuôi trứng ong ký sinh cho đến ngày thứ 18. Công việc này phải thực hiện nghiêm túc, vì bỏ cữ ăn của bọ dừa cũng làm ảnh hưởng đến những thai nhi ong ký sinh. Vì vậy cứ hai ngày thay đọt lá dừa một lần, ngày thay lá nhằm vào ngày nghỉ lễ, chủ nhật, tổ cũng không dám bỏ. Lá dừa làm thức ăn cho bọ dừa trong phòng thí nghiệm lúc đầu dễ tìm, nhà vườn sẵn sàng cho chặt, nhưng do các kỹ sư không kinh nghiệm, đã chặt nguyên đọt dừa thay vì chỉ cần tỉa nhánh lá dừa là đủ. Nhà vườn thấy các kỹ sư chặt nguyên đọt lá dừa, xót ruột, vì như vậy, sẽ làm cho cây dừa mất sức, giảm sản lượng trái, nên chỉ cho một lần không cho nữa. Không xin được đọt lá dừa, công trình nhân nuôi khó có thể tiếp tục, may sao Trung tâm thực nghiệm cây có dầu Ðồng Gò ở tỉnh (cơ sở Nhà nước), nơi này có hàng chục ha dừa sẵn sàng cho chi cục tỉa nhánh lá về nuôi ong.

Nhưng công việc nuôi ong đâu phải có vậy. Sau khi ong ký sinh vào ấu trùng dừa và trở thành kén (Mu-my), công việc tiếp theo của tổ nhân nuôi là phải đi tìm bắt bọ dừa ở ngoài đồng về cho ong ký sinh tiếp xúc để tiếp tục có thêm nhiều đàn ong mới, đưa về các địa phương trong tỉnh diệt bọ dừa. Vì vậy cứ 18 ngày, tổ năm người gồm các kỹ sư: Huỳnh Thanh Hùng (giám đốc), Ngô Thị Ngọc Sương, Huỳnh Hữu Phước, Nguyễn Thị Nguyệt và Phùng Thị Lạc đều ra đồng tìm bắt bọ dừa, mỗi lần đi bắt bọ như vậy cũng rất vất vả, phải bắt từ 3.000 đến 4.000 con mới đủ nhân nuôi và cung ứng cho các địa phương đang cần. Mặc dù được tỉnh cấp 10 triệu đồng cho chi phí nhân nuôi ong ký sinh nhưng chi cục luôn tiết kiệm, mọi chi phí đi lại đều thanh toán bằng kinh phí hoạt động thường xuyên của chi cục. Kinh phí tỉnh cấp cho nhân nuôi, dùng vào việc thuê mướn những nông dân chuyên nghiệp leo những cây dừa cao bắt bọ dừa với giá 2.000 đồng/cây. Những cây thấp, năm kỹ sư (cả nam và nữ) đều tập leo để tiết kiệm chi phí cho việc nhân nuôi lâu dài.

Sau một năm nuôi, các kỹ sư đã nhân được 15.928 Mu-my, mỗi Mu-my chứa từ 40 đến 80 con ong ký sinh, số Mu-my này đã được treo thả đều khắp tỉnh. Kỹ sư Phùng Thị Lạc, Trưởng phòng Kiểm dịch của chi cục, cho biết: Kết quả điều tra tháng 11-2004 cho thấy tỷ lệ vườn dừa phục hồi đạt 86%, có nơi đạt 91%. Số cây dừa bị bọ dừa xâm hại giảm 84,4% so năm 2002 và 60% so năm 2003. Giám đốc Chi cục Huỳnh Thanh Hùng nói: Nhờ nuôi ong ký sinh mật độ bọ phá hại dừa đã giảm, nhưng chi cục vẫn còn tiếp tục nhân nuôi ong, bằng cách nhận ấu trùng bọ dừa từ các huyện mang đến. Công việc nhân nuôi ngày nay cũng có thêm kinh nghiệm là chúng tôi tìm bắt những con ong ký sinh ngoài đồng về nuôi nhân vì trong môi trường thiên nhiên, con ong khỏe mạnh hơn là mãi lấy giống ong trong phòng thí nghiệm nhân nuôi. Bây giờ, chi cục đã có "ngân hàng ong", sẵn sàng cung cấp và hướng dẫn cho các nhà vườn cách treo thả để diệt bọ dừa phá hại. Ong ký sinh diệt bọ dừa ở Bến Tre hiệu quả, đã có nhiều đoàn khách của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Lào, Thái-lan, Hiệp Hội dừa châu Á - Thái Bình Dương đến tham quan học hỏi và theo yêu cầu, chi cục đã xuất tặng đoàn Thái-lan từ 500 đến 600 con Mu-my.

Cây dừa là nguồn sống chính của nông dân, ba năm trước bọ cánh cứng xâm hại, làm 36.000 ha dừa (2,4 triệu cây dừa) xơ xác. Sau một năm nhân nuôi thả ong ký sinh, hơn 30 nghìn ha dừa của tỉnh xanh tốt trở lại. Công sức của những người làm công tác bảo vệ thực vật ở Bến Tre đã được bù đắp.

Nguồn: nhandan.com.vn    4/6/2005

Xem Thêm

Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Bộ Chính trị điều động, phân công đồng chí Đỗ Trọng Hưng giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Chiều 5-9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia cuộc họp của Ban Thư ký của tổ chức phổ biến kiến thức khoa học thế giới
Vào ngày 26/8, Ban Trù bị của Tổ chức quốc tế về Phổ biến kiến thức khoa học (WOSL) đã tổ chức buổi họp trực tuyến với sự tham gia của đầy đủ các tổ chức thành viên. Buổi họp do Thạc sĩ Yin Hao, Tổng Thư ký Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc chủ trì.
Thanh Hoá: Phản biện đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh
Sáng ngày 30/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo khoa học phản biện “Đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” với sự tham dự của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội; các cơ quan, đơn vị liên quan.
An Giang: Liên hiệp hội bầu bổ sung nhân sự lãnh đạo
Sáng 27/8, Ban Thường vụ Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ 5, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồng Châu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Châu; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện sở, ngành, hội có liên quan.