Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 19/07/2005 14:24 (GMT+7)

Nhà khoa học của nông dân

Ðể tìm nhà sinh học Nguyễn Lân Hùng, con trai thứ năm của cố giáo sư, NGND Nguyễn Lân, những ngày này thật khó. Căn nhà của anh tại khu tập thể Trường ÐH Sư phạm luôn im ỉm khóa. Truy lùng mãi mới biết anh đang ở tận một xã vùng sâu Tây Nguyên. Gọi điện, ông phân trần: "Chắc tôi còn ở lại đến hết tháng. Bạn bè vẫn gọi đùa, tôi là nhà khoa học của nông dân mà".

Nhà giáo Nguyễn Lân Hùng nung nấu việc nghiên cứu phục vụ cho sản xuất của nông dân ngay từ khi còn là sinh viên. Ông đã cùng thầy học của mình là GS.TSKH Phạm Ðình Thái nghiên cứu sâu về phân vi lượng. Chính ông là người đầu tiên đưa ra phương án "Chế phẩm hóa" các loại phân vi lượng, để rồi từ đó đã hình thành các chế phẩm ÐT-81, loại phân vi lượng dùng cho đậu tương, Vilato- phân vi lượng dùng cho tỏi, Dulevi - phân vi lượng dùng cho các loại dưa...

Cách làm của ông đã được các đồng nghiệp ở Trường đại học Nông nghiệp I  hưởng ứng. Thế rồi, khắp nơi đã làm theo. Chúng ta đã có hàng loạt các loại chế phẩm phân bón dùng trực tiếp cho từng loại cây trồng.

Không dừng ở đó, Nguyễn Lân Hùng đã tiếp tục nghiên cứu và phổ  biến rộng rãi cho nông dân nhiều quy trình ứng dụng như: Phương pháp giâm cành, phương pháp trồng nấm ăn, phương pháp trồng các loại cây quý hiếm, cây dược liệu, kỹ thuật trồng các loại cây lâm nghiệp đa tác dụng, kỹ thuật nuôi giun đất, nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi cua biển... Chính ngành thủy sản đã xác nhận: hướng phát triển nuôi thủy đặc sản là do nhà khoa học Nguyễn Lân Hùng khởi xướng.

Tới nay, hàng vạn người nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi cua biển, trồng cây ăn quả, trồng nấm ăn... đã trở nên giàu có nhờ các nghiên cứu và hướng dẫn ban đầu của ông. Ông đã viết hàng loại sách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Cách viết của ông được nông dân rất thích vì nó ngắn, gọn, hấp dẫn, dễ hiểu và dễ làm theo.

Nhà sinh học Nguyễn Lân Hùng còn là người đã đề xuất với đài Truyền hình Việt Nam để hình thành riêng chuyên mục phổ biến khoa học kỹ thuật cho nông dân. Lúc đầu, chuyên mục đó được đặt tên là "Nông dân cần biết". Ông đã trực tiếp xây dựng hàng loạt chương trình để phục vụ cho bà con. Sau này, chuyên mục đó đổi thành "Bạn của nhà nông". Ông lại tiếp tục đề xuất một chuyên mục mới là "Cùng với nông dân bàn cách làm giàu". Chuyên mục này cũng được nông dân hết sức hoan nghênh. Ðây là nơi để các nhà khoa học gặp gỡ và trao đổi với nông dân những cách làm ăn có hiệu quả. Hàng triệu nông dân đã thường xuyên theo dõi để học tập. Ðây cũng là chuyên mục đầu tiên của đài Truyền hình Việt Nam được Chủ tịch nước Trần Ðức Lương gửi thư khen ngợi vì nó thiết thực phục vụ cho nông dân.

Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Hội Nông dân Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Lân Hùng đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội. Ông là vị cán bộ giảng dạy duy nhất của hơn 100 trường đại học được bầu vào ban chấp hành. Cương vị mới như tiếp thêm nguồn sức lực cho ông. Ông đã tham gia hướng dẫn cho hàng trăm lớp tập huấn của nông dân suốt từ bắc vào nam. Ở đâu ông cũng giúp được cho bà con những điều bổ ích. Ông có mặt ở khắp mọi miền. Những nơi khó khăn như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, rồi suốt dọc Tây Nguyên nhà khoa học đều tới để trao đổi cách làm ăn với nông dân. Hiện nay, ông đang trăn trở để hình thành được bộ tài liệu dạy 100 nghề cho nông dân. Nguyễn Lân Hùng vẫn nói vui rằng, đó là cái mốc cố đạt được trước khi nhắm mắt, xuôi tay và ra sức kêu gọi mọi ngành, mọi giới cùng tham gia.

Chính ông đã đề xuất xây dựng bộ môn "Ứng dụng tiến bộ sinh học" để dạy cho sinh viên khoa sinh - kỹ thuật nông nghiệp của các trường đại học sư phạm. Riêng đại học Sư phạm Hà Nội đã chấp nhận. Ông trực tiếp giảng dạy bộ môn này. Nhiều sinh viên đã đánh giá đó là một trong những môn lý thú và có tính thiết thực, ra đời có thể phục vụ được ngay.

Với hoạt động của mình, ông đã được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Huy chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam, được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp các hội khoa học và kỹ thuật, được Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen, được nhận giải thưởng "Bông lúa vàng" và Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam...

Nguồn: nhandan.com.vn   28/6/2005

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).