Nhà khoa học áo cà sa
Nhà sư đầu tiên được cấp bằng sáng chế độc quyền
Thượng tọa Thích Huệ Đăng sinh năm 1940 ở Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), năm lên 9 tuổi thì mẹ mất, 3 năm sau cha ông cũng qua đời, do hoàn cảnh khó khăn, ông phải lăn lộn kiếm sống và thường xuyên nương nhờ các chùa, từ đó có duyên với Phật pháp. Đến tuổi thành niên, ông xuất gia, được ban pháp hiệu Huệ Đăng. Năm 1987, ông lên Đà Lạt mở một tịnh thất nhỏ để tu tập. Với quan niệm người tu sĩ phải tự làm để nuôi sống bản thân, ông bắt đầu mở trang trại trồng hoa lan để kiếm sống. Do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên thời gian đầu vườn lan thường bị nấm bệnh rồi chết, bên cạnh đó, việc nhân giống bằng phương pháp thực sinh khiến hoa lan nhanh bị thoái hóa, năng suất, chất lượng không cao. Năm 1994, ông tham gia các khóa học dự thính tại Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Với kiến thức có được sau khóa học, nhà sư đã xây dựng phòng thí nghiệm sản xuất giống theo phương pháp nuôi cấy mô và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, giúp trang trại chủ động nguồn giống và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ vài chục chậu lan ban đầu, hiện nay trang trại do Hòa thượng Huệ Đăng quản lý đã có khoảng 100.000 chậu lan các loại, hằng năm cung ứng cho thị trường gần 1 triệu cành, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Về loài sâm Ngọc Linh, một loài cây lâu nay được đồng bào các dân tộc sống trên dãy Ngọc Linh coi là “thuốc dấu", là thần dược đối với sức khỏe con người. Từ năm 1985, Nhà nước ta đã có chủ trương bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này. Tuy nhiên, rất nhiều công trình nghiên cứu sâm Ngọc Linh đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Từ năm 2009, những nghiên cứu và thử nghiệm của Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất loài dược liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam.
Thượng tọa Huệ Đăng nhớ lại: Năm 2003, do căn bệnh gan hành hạ nên sức khỏe của ông giảm sút, dù đã trải qua nhiều đợt điều trị với các loại thuốc khác nhau nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Một lần, có người quen cho ông vài củ sâm mang về ngâm với một ít mật ong và ngậm trong thời gian ngắn, thì sức khỏe hồi phục trở lại. Qua tìm hiểu ông được biết, lâu nay sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng dưới những tán rừng trên dãy núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Việc trồng đại trà rất khó khăn vì thời gian tạo hạt của loài cây này mất từ 5 đến 7 năm, tỷ lệ hạt nảy mầm và sống rất thấp. Với mong muốn bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý, năm 2009 ông cùng một số đệ tử khăn gói lên vùng núi Ngọc Linh. Qua nhiều ngày đi bộ trèo đèo, lội suối tìm kiếm trên đỉnh núi cao 2.598m, mọi người đã tìm được 10 cây sâm mang về Đà Lạt.
Để chuẩn bị cho việc nhân giống, ông đã sang Hàn Quốc tìm hiểu công nghệ trồng sâm sau đó trở về Đà Lạt đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây phòng thí nghiệm, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông và các cộng sự cũng đã xây dựng thành công quy trình nuôi cấy mô (in vitro) đối với sâm Ngọc Linh. Anh Nguyễn Thanh Tùng, kỹ thuật viên ở đây cho biết: Quy trình trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe và cả những bí quyết riêng, trong đó giai đoạn trong phòng thí nghiệm là kỳ công nhất. Phải mất khoảng 3 năm 4 tháng và phải trải qua 8 công đoạn gồm: Tạo mẫu, tạo phôi, hình thành cây con, cây con phát triển, hình thành cây củ nhỏ, phát triển thành cây, cây đầu mầm dài và cuối cùng là cây giống. Đặc biệt, quá trình nuôi cấy phải điều chế được dung môi phù hợp cho phôi và cây con phát triển. Đây là bí quyết mà chỉ thầy Huệ Đăng nắm được.
Qua 4 năm thực hiện, đến nay đề tài nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô đạt kết quả khả quan, với tỷ lệ sống đạt hơn 70%. Trang trại do thầy Huệ Đăng quản lý hiện có gần 1 triệu cây con phát triển xanh tốt. Một số đã được đưa trở lại nơi quê hương của nó là núi Ngọc Linh để trồng. Quy trình trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô cải tiến đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng sáng chế số 10798 ngày 26-10-2012. Và Thượng tọa Thích Huệ Đăng là nhà sư Việt Nam đầu tiên được cấp Bằng sáng chế khoa học.
Là một tu sĩ, Thượng tọa Thích Huệ Đăng còn nghiên cứu và viết rất nhiều tác phẩm quan trọng về Phật giáo, hiện ông đã xuất bản 37 cuốn sách luận giảng về đạo Phật; là giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu, tham luận khoa học đã công bố hoặc trình bày tại các hội thảo, hội nghị lớn như: “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước trong thế kỷ XXI” (đề tài cấp Nhà nước); tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba tại Hà Nội, tham luận tại hội thảo quốc tế về vua Trần Nhân Tông...
Cộng đồng làm quyến thuộc
Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang do Thượng tọa Thích Huệ Đăng làm giám đốc hiện có khoảng 30 công nhân, một số là đệ tử đã xuất gia nhưng cũng có nhiều người bình thường có hoàn cảnh éo le được sư thầy cưu mang, che chở. Ngoài ăn, ở miễn phí, mỗi tháng họ được nhận mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, 40 tuổi, ở tổ 24, khu phố 4, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tâm sự: “Nếu không có thầy Huệ Đăng, có lẽ hôm nay tôi sẽ không sống trên cõi đời để kể cho anh nghe về quá khứ cuộc đời mình”.
Là con một gia đình khá giả, sau khi tốt nghiệp cấp 3, do ăn chơi, đua đòi, Tùng bị nghiện ma túy. Ma lực “nàng tiên nâu” không chỉ khiến bố mẹ Tùng đau khổ, gia sản khánh kiệt mà còn khiến anh từ một thanh khỏe mạnh, đẹp trai, nặng hơn 80kg trở thành kẻ nghiện ngập gầy gò, ốm yếu. Tất cả 15 người bạn cùng chơi ma túy trong nhóm của Tùng đều đã chết, riêng Tùng đi cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn không dứt được ma túy. Năm 2004, qua giới thiệu của người quen, Tùng vào Đà Lạt tìm gặp thầy Huệ Đăng. Được sự giúp đỡ của sư thầy, Tùng đã đoạn tuyệt với ma túy. Năm 2010, anh kết hôn, hiện hai vợ chồng đã có một cháu bé kháu khỉnh. Dù vợ con đang sống ở Quảng Ninh nhưng Tùng vẫn ở lại Đà Lạt làm kỹ thuật viên trong trang trại của sư thầy. Anh nói: "Vì ân đức của thầy với tôi quá lớn nên tôi muốn ở lại đây để phục vụ thầy. Tôi sợ khi về quê sẽ không cưỡng lại cám dỗ của ma túy, Đà Lạt khí hậu trong lành, mát mẻ rất phù hợp cho sức khỏe của tôi. Ở đây, ngoài niềm vui công việc, tôi còn được nghe thầy giảng về Phật pháp, thấy lòng mình thanh thản bình yên, có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống". Được biết tại công ty, ngoài Tùng ra còn nhiều người có quá khứ bất hạnh, éo le cũng đã được sư thầy cưu mang, giúp đỡ.
Là Giám đốc, Phó chủ tịch Hiệp hội hoa lan Đà Lạt, thành viên Hiệp hội nuôi cấy mô Việt Nam... hầu hết thời gian ban ngày, sư thầy cắm cúi trong phòng thí nghiệm rồi ra vườn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công nhân, giao dịch với khách hàng... Điều này khiến người khác cảm giác ông là một chủ doanh nghiệp, một thương gia hơn là một tu sĩ.
- Thưa thầy, theo lẽ thường, nhà sư thường chọn cách sống ẩn dật để chu toàn Phật sự, mọi công việc trần thế không quan tâm nhiều. Còn thầy thì có vẻ như ngược lại, điều này liệu có mâu thuẫn? - Tôi hỏi.
Ông cười nói:
- Đạo Phật khuyên con người luôn hướng thiện và thực hành nhân ái, mỗi tu sĩ có con đường tu tập riêng để nhập thế. Có người chọn cuộc sống ẩn dật chăm chỉ tụng kinh niệm Phật, còn tôi vừa tu tập vừa kinh doanh, người không hiểu sẽ cho tôi là kẻ "sân si", đã xuất gia còn ham làm giàu. Tôi là nhà sư, danh tiếng, tiền bạc chỉ là phù du, cả ngày tôi chỉ mặc trên người chiếc áo cà sa, dùng hai bữa cơm chay đạm bạc. Tôi làm việc, kinh doanh để kiếm tiền lo Phật sự, khỏi phải nhận cúng đường của Phật tử, tạo công ăn việc làm cho mọi người và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tôi đầu tư tiền bạc, công sức với mong muốn duy nhất là bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý cho đất nước. Tôi luôn quan niệm “Lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ, lấy cộng đồng làm quyến thuộc".