Nhà giáo nhân dân – Giáo sư bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng
- Tôi xem điều này là “sự sáng tạo” của viên chánh lục bộ (viên chức phụ trách việc khai sinh và khai tử trong xã) lúc bấy giờ. Khi tôi mới ra đời, cha tôi đặt tên tôi là Nguyễn Tấn Di Trọng với ý nghĩa chuyển lại đời sau lòng trân trọng của gia thế mình, cha tôi gặp ông chánh lục bộ và nói tên tôi để nhờ ông ấy làm khai sinh, không ngờ ông biết viết chữ Di thế nào, lại nhớ chữ Gi trong chữ “Làm gì?” nên ông ấy viết thành Nguyễn Tấn Gi Trọng. Thế là cái tên này đã theo tôi cho đến nay.
Đúng vậy, tên này đã theo Anh từ tiểu học cho đến trung học và đại học. Mà ở cấp nào Anh cũng học rất giỏi: từ một học sinh ở đồng bằng sông Cửu Long, qua học tập và hôn phối, Anh đã trở thành một trí thức công giáo ở đất Hà Thành.
Trong những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước, Anh đã hành nghề y đồng thời theo nghề làm báo và bắt đầu có tên tuổi. Với lòng rộng mở, cầu tiến và tinh thần yêu nước, Anh đã hưởng ứng nhiệt tình Cách mạng Tháng Tám. Sau khi Cách mạng thành công, Anh được giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền. Anh tâm sự với tôi:
- Lúc ấy tôi lo quá, sợ không làm nổi. Tôi đã khẩn khoản trình bày tình hình đó với Bác Hồ và đã được Bác động viên: chú đã làm báo mấy năm rồi, đã có kinh nghiệp nên nhất định chú sẽ làm được công tác này với sự giúp đỡ của đoàn thể và anh em bè bạn. Nhờ sự động viên của Bác, tôi đã làm được việc.
Sau đó Anh đã được bầu vào Quốc hội khoá I và đảm nhận nhiệm vụ Thư ký Quốc hội. Nhiều việc trước đây Anh chưa từng làm, nhưng với sự chỉ đạo và tin tưởng của Bác, Anh đã cố gắng hết sức làm cho kỳ được và đã có kết quả. Từ đó, Anh liên tiếp được bầu vào bẩy khoá Quốc hội, khoá nào Anh cũng được tín nhiệm bầu vào các ban chuyên trách, Anh cố gắng hết sức làm nhiệm vụ của mình.
Trong thời gian đó Anh có hai điều day dứt mà sau nàu Anh đã thổ lộ với tôi: Về điều thứ nhất, Anh nghĩ rằng, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, cho đất nước, cho cách mạng, nhất thiết người trí thức phải là Đảng viên Đảng Cộng sản. Đắn đo mãi Anh mới dám báo cáo với Bác Hồ và Bác Hồ đã phủ dụ: với nhiệm vụ chú phụ trách hiện nay, chú đã làm rất tốt và như thế là đã là Đảng viên rồi, đó là Đảng viên ngoài Đảng. Như vậy, chú mới đóng góp thiết thực và đắc lực vào công cuộc xây dựng nước nhà, nhất là trong những ngày đầu còn non trẻ của chính quyền Cách mạng. Lẳng lặng tuân theo Bác, Anh yên lòng để làm nhiệm vụ của mình mà lâu lâu cũng cứ băn khoăn. Mãi sau khi đất nước được thống nhất, Anh mới được vào Đảng, điều Anh hết sức mãn nguyện và tự hào là tuy tuổi Đảng chưa cao nhưng lại được công nhận là lão thành cách mạng. Tôi chia sẻ với Anh niềm tự hào đó và nghĩ đó là sự cống hiến tích cực nhất của Anh cho Cách mạng.
Nỗi day dứt thứ hai của Anh: là bác sĩ y khoa mà không được làm chuyên môn thì phí đi 6 – 7 năm học tập tại Đại học y khoa, nhưng vì nhiệm vụ cách mạng mà Anh phải gác sang một bên. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Trường Đại học Y Dược Hà Nội được tiếp quản và phục hồi, phát triển và mở rộng, BS Phạm Ngọc Thạch, vị đàn anh lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế đã xin Anh về tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Y Dược. Anh được giao nhiệm vụ xây dựng và làm chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Sinh lý học của Trường, trọng trách mà Anh đảm nhận trên 20 năm, cho đến mãi sau ngày giải phóng miền Nam. Trong công tác giảng dạy, Anh đã có những bạn bè thân thiết như: GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, GS Nguyễn Xuân Nguyên…
Tôi còn nhớ, trong những năm đó, tôi phải dịch những bài nói chuyện của chuyên gia nước ngoài từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, có điều gì nhầm lẫn, sai sót, Anh đều ôn tồn hướng dẫn chỉ bào, làm cho tôi càng ngày càng nắm được chính xác vấn đề hơn. Có lần, trong buổi họp với BS Phạm Ngọc Thạch mà tôi được tham dự, Anh đã thẳng thắn trình bày nhiều ý kiến mà sau đó BS Phạm Ngọc Thạch phải công nhận là hết sức xác đáng và xem BS Nguyễn Tấn Gi Trọng như một trong những cố vấn của mình.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, như bao nhiêu người dân yêu nước, Anh đã cho đứa con thân yêu vào chiến trường: cô gái xinh đẹp tài hoa 25 tuổi đã ngã xuống như tất cả tấm lòng của Anh đối với miền Nam mà Anh vô cùng thương nhớ sau bao nhiêu năm xa cách,
Song song với công tác chính trị, Anh rất say sưa và hết sức tận tuỵ trong công tác nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho đất nước. Nhiều sinh viên đánh giá rất cao những bài giảng sinh động của Anh và hết sức yêu quí Anh vì sự tận tuỵ hướng dẫn môn sinh đến nơi đến chốn.
Trong những năm đầu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vốn tự biết mình chưa được trang bị đầy đủ về những kiến thức thuộc lĩnh vực Anh giảng dạy, tôi đã tìm đến Anh nhờ hướng dẫn thêm, Anh rất vui lòng tiếp nhận nguyện vọng của tôi và đã dành thời gian hết sức quí báu của mình để hướng dẫn cặn kẽ những vấn đề tôi còn khiếm khuyết. Do đó mà tôi xem Anh không những là người anh mà còn là người thầy hết lòng dìu dắt các bạn trẻ.
Đến ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn, Anh được thu xếp trở về TPHCM. Tại đây, tôi còn được cộng tác với Anh trong Hội Y Dược học Thành phố; nhiều ý kiến mà Anh đóng góp hết sức chí tình làm cho công tác của tôi càng thêm thuận lợi.
Tôi còn nhớ sự suy nghĩ của Anh trong lần cùng Anh đi về Tiền Giang dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Trường trung học Mỹ Tho, nay là trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, nơi tôi và Anh đều cùng là môn sinh, tôi sau anh 11 năm. Khi đi ngang qua cánh đồng xanh mướt của huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang – quê hương của Anh, Anh nhắc lại bao kỷ niệm xa xưa với những ước mơ về tương lai tươi sáng của đất nước. Anh nói với tôi rằng: Hoài bão ngày xưa bây giờ đã hoàn toàn được thực hiện. Điều Anh hết sức vui mừng là nhờ sự nuôi dưỡng giáo dục của gia đùnh, nhờ lòng tin yêu của nhân dân, nhờ sự hướng dẫn chỉ đạo của Đảng và đặc biệt là nhờ sự chỉ dạy ân cần của Bác Hồ, Anh đã có cơ hội cống hiến hết sức mình cho đất nước và trở thành cán bộ cốt cán của cách mạng. Tôi chia sẻ với Anh niềm lãng mạn cách mạng mà tuy tuổi cao Anh vẫn còn giữ được và truyền lại cho đàn em.
Tôi vào bệnh viện sau Anh một tuần, biết Anh nằm ở phòng kế bên, tôi đã kịp thời gởi tín hiệu về sự có mặt của tôi đến Anh trong lúc Anh còn tỉnh táo. NGND GSBS Nguyễn Tấn Gi Trọng đã ra đi sau đó vài ngày (ngày 6/12/2006), tôi đã đốt nén hương lòng tiễn đưa người thầy, người anh, người bạn đi về cõi vĩnh hằng, tôi chắc rằng nơi đó Anh đã toại nguyện với cuộc đời phong phú của Anh.
Quả thật cuộc đời của Anh: khi Anh cất tiếng khóc chào đời, mọi người trong gia tộc vui cười, đến khi Anh từ giã cuộc đời với nụ cười mãn nguyện vì đã cống hiến hết sức mình cho đất nước thì mọi người khóc thương.