Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 17/08/2007 00:05 (GMT+7)

Nguyễn Xiển - một bậc trí giả của thế kỷ XX

Giáo sư Nguyễn Xiển sinh ngày 27-7-1907, tính đến nay, đã trăm năm tròn

Phải chăng tạo hoá đã có phần hào hiệp để cho ông được hưởng “đại thọ cửu tuần” (1907-1997), khiến cho cuộc đời ông trải dài gần trọn thế kỷ XX, một thế kỷ đầy biến động: hai cuộc chiến tranh thế giới với những tổn thất về người và của khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử loài người, rồi những cuộc cách mạng dữ dội lan từ Âu sang Á rung chuyển cả địa cầu, rồi những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh quả cảm...

Ông là một hình ảnh tiêu biểu của giới trí thức nước ta đã phải trăn trở “nhận đường” trước những khúc ngoặt, lối rẽ của lịch sử, tự mình tìm lời đáp  cho bao câu hỏi khó, hoàn toàn mới của thế kỷ XX.

Giáo sư Nguyễn Xiển (bên phải) cùng kỹ sư Lê Tâm(con rể, giữa) tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Xiển (bên phải) cùng kỹ sư Lê Tâm(con rể, giữa) tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Có nên tiếp tục mải mê theo đòi lối học cử nghiệp, huấn hỗ, từ chương của tổ tiên xưa; hay cố công học hỏi khoa học chính xác, thiết thực và hữu dụng của các nước Âu - Mỹ? Và, khi đã đỗ đạt ởnước ngoài trở về nước mình, có nên nhận lời mời ra làm quan Nam triều “bổng cao lộc hậu”; hay chọn nghề dạy học để cố giữ mình “độc thiện kỳ thân”? Rồi, sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, có nêntham gia chính phủ “Việt Nam độc lập” do nhà học giả Trần Trọng Kim làm thủ tướng để cùng đất nước Phù Tang của “thiên hoàng” xây đắp “khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”; hay tiếp tục náu mình trênĐài Thiên văn Phủ Liễn ở phố nhỏ Kiến An, theo dõi đường bay xa thẳm của các tinh cầu?

Cách mạng Tháng Tám nổ ra tại Hà Nội, có nên “xuống núi” “giúp đời hành đạo”; hay vẫn tiếp tục ở ẩn chốn “thảo lư” để khỏi mang tiếng... “xu thời”?

Tiếng súng kháng chiến rền vang, có dám dấn thân vào chốn hiểm nguy, rời phố phường Hà Nội lên rừng xanh Việt Bắc, mang theo cả một gia đình đông con còn nhỏ?

Bước vào thời kỳ đổi mới, phải can đảm ra sao để có thể từ bỏ lối mòn tư duy cũ kỹ đã “thâm căn cố đế” từ nhiều thập niên trước đấy; nhưng cũng phải thận trọng thúc đẩy xu thế cải cách như thế nào cho khỏi quá đà, lệch hướng, dẫn tới chỗ đổ vỡ tan tành, khiến những người dân thường “vô tội” phải “lĩnh đủ”?

Giờ đây, khi thế kỷ XX đã kết thúc, nhân loại đang sống trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, ta dễ có cảm tưởng không có khó khăn gì lắm trong việc tìm lời giải cho những “bài toán” nói trên. Nhưng, vào thời điểm “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, không ít người đã “chọn nhầm dòng”, hay đành “trùm chăn” mặc cho con nước cuốn trôi...

Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ danh nho xứ Nghệ, ông nội và cha đều đỗ cử nhân nho học, tham gia các phong trào Cần vương và Văn thân chống Pháp, anh ruột là một chiến sĩ Xô-viết Nghệ - Tĩnh, Giáo sư Nguyễn Xiển mang trong mình huyết thống yêu nước và khí tiết kẻ sĩ “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Những năm theo học bậc đại học tại Paris, Toulouse , ông chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cuộc Cách mạng Pháp. Ông khâm phục lòng yêu nước nhiệt thành của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc; quen biết, gần gũi những sinh viên cộng sản trẻ tuổi như Trần Văn Giàu, Phan Tư Nghĩa...

Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, tình hình biến chuyển mau lẹ. Rời Đài Thiên văn Phù Liễn, ông đạp xe một mạch từ Kiến An, qua Hải Phòng, Hải Dương về Hà Nội, đúng vào lúc quần chúng đang bao vây Bắc Bộ phủ. Bọn bảo an binh bên trong đang chờ lệnh nổ súng.

“Tôi liền dựng xe đạp, vượt qua hàng rào sắt - Giáo sư kể lại - vào gặp ông Nguyễn Văn Chữ (người vừa được Nhật đưa lên thay Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã lui về quê ở làng Mông Phụ, Hà Đông) và nói với ông ta: “Nhật đầu hàng rồi, quần chúng đang bao vây Bắc Bộ phủ, các anh chống thế nào được? Để tránh đổ máu, anh nên ra gặp họ đi!” Sau đó, ông Chữ ra, còn tôi lên xe, đạp thẳng về nhà. Vài hôm sau, các ông Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh, Phan Tư Nghĩa đến vận động tôi ra làm việc cho Chính phủ mới. Tôi đến trước cửa Bắc Bộ phủ, thì gặp cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ tươi cười bảo tôi: “Xin chúc mừng ngài! Ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội đầu tiên được mời vào Chính phủ. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế - Xã hội. Đề nghị ngài cũng nên nhận Bộ Giao thông - Công chính.” Sau đó, tôi vào gặp ông Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp cũng đề nghị với tôi đúng như vậy. Nhưng tôi từ chối vì chỉ muốn làm chuyên môn, và đề cử các kỹ sư Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông...”.

Thật ra, con một lý do nữa khiến ông từ chối. Ông sợ người đời cho ông... “xu thời”!

Hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân mời ông đến. Nghe ông trình bày về sự do dự của mình, Chủ tịch ôn tồn nói:

- Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Huống chi ngài là người học cao, ngài không làm thì ai làm!

- Nhưng, thưa cụ Chủ tịch, tôi không quen làm quản lý!

- Thì có ai quen đâu! Vì sự nghiệp chung mà người ta gắng sức cả thôi!

Lòng chân thành của Bác đã cảm hoá ông. Bác đề nghị ông đảm đương trọng trách Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha Khí tượng. Ông không dám phụ lòng tin của Bác.

Là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ, ông phải lo ngay việc chống lụt trên toàn vùng lãnh thổ 13 tỉnh. Do có ảnh hưởng trong các kỹ sư công chính và các nhà thầu khoán, ông chân thành mời họ ra làm việc cho cách mạng. Lúc đó là làm không lương. Ông đề đạt lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch sử dụng cả thầu khoán và thợ đấu. Tuy bị một số nhà cách mạng trẻ tuổi coi là kẻ bóc lột, nhưng thầu khoán vừa quen việc, lại vừa có tiền ứng trước - điều này quan trọng lắm, khi ngân khố nhà nước rỗng không. Nghe ông trình bày, Bác Hồ cười hiền hậu: “Thầu khoán giúp dân chống lụt lúc này là yêu nước.”

Tấm lòng bao dung của Bác làm cho ông tin tưởng.       

Chính Bác đã thức tỉnh truyền thống yêu nước âm ỉ trong lòng một người trí thức xứ Nghệ, khiến ông mạnh bước theo cách mạng, kháng chiến...

“Các ụ chiến đấu dựng lên giữa lòng đường, góc phố - ông kể lại. Các nhà đục thông tường sang nhau. Dân nội thành nườm nượp tản cư ra khỏi thành phố. Tôi cũng cho gia đình tản cư về Hưng Giao, Thanh Oai, lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông. Nhà tôi sinh một cháu gái tại đây trong những ngày đầu kháng chiến. Còn tôi ở lại Thủ đô một mình và luôn thay đổi chỗ ở (...). Đêm 19-12-1946, Pháp cho quân đến vây bắt tôi tại nhà riêng ở phố Lý Thái Tổ bây giờ. Anh bảo vệ nhà tôi bị chúng bắn chết! Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện cũng bị Pháp đến nhà vây bắt. Cha con ông kiên quyết chiến đấu và đã hy sinh anh dũng...

Sáng hôm sau, tôi được đi chuyến ô-tô cuối cùng của Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ lên Sơn Tây họp Hội nghị Kháng chiến - Hành chính toàn quốc lần đầu tiên. Sau đó, chuyển sang đi xe đạp và đi bộ gần tám năm trời, cho đến ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954)...”.

Trong những năm giữa thập niên 1980, khi đảm đương chức vụ Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc, tôi gần như thường xuyên được làm việc bên cạnh  Giáo sư Nguyễn Xiển và  Giáo sư Hoàng Minh Giám, lúc đó giữ vai trò Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập của tờ tạp chí. Biết bao điều đáng ghi lại, trong cả một cuốn hồi ký dài. Có lần tôi nghe Giáo sư Nguyễn Xiển tâm sự:

“Bác Hồ bảo tôi làm gì, tôi làm nấy, chẳng dám từ nan. Từ hàn đê, đắp đê, dự báo thời tiết, chống lũ lụt, dạy học, nghiên cứu và phổ biến khoa học - kỹ thuật..., cho đến cứu tế - xã hội, Mặt trận, Quốc hội, đối ngoại...”.

Cuộc đời và sự nghiêp của Giáo sư Nguyễn Xiển đã được sách, báo giới thiệu nhiều. Tôi chỉ muốn nhắc đến một vài sự việc ít ai chú ý.

Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), Giáo sư Nguyễn Xiển đã đề nghị Chính phủ cử một đoàn đại biểu đến bái yết các bậc tiên thánh, tiên hiền ở Văn Miếu, Hà Nội. Bác Hồ hết sức tán thành, liền cử ngay cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn, trong đoàn có các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa... Quyết định của Bác khiến Giáo sư Nguyễn Xiển hết sức xúc động.

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Uỷ ban Hành chính Phú Thọ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử một đoàn đại biểu Chính phủ lên dự Ngày hội đền Hùng đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập. Lần này cũng vậy, Bác cử cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa... 

“Hồi ấy, các cơ sở Quốc dân đảng hoạt động mạnh ở Phú Thọ - Giáo sư Nguyễn Xiển kể lại. Đoàn đi như thế là hết sức mạo hiểm. Nhưng nhờ có cụ Huỳnh, nên bọn họ không dám manh động. Tiếc là lúc bấy giờ Chính phủ không sẵn máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hoạt động tưởng chừng  bình thường nhưng hết sức có ý nghĩa như vậy”.

Xuất thế hay xử thế luôn là câu hỏi khó đối với các bậc sĩ phu thuở trước, cũng như những người trí thức lớn thời nay, nhất là ở những khúc ngoặt của lịch sử.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hoá, Giáo sư Nguyễn Xiển đã chọn xử thế.

Và năm tháng đã chỉ ra rằng đó là sự lựa chọn đúng.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.