Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 16/02/2012 19:25 (GMT+7)

“Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ”

Hội thảo nhằm trao đổi về văn bản kiến nghị Nhà nước xem xét lấy một ngày trong năm để kỷ niệm Chữ viết Quốc gia (chữ Quốc ngữ) và thành lập Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá toàn bộ sự nghiệp văn hóa, vai trò lịch sử và những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), quê gốc Hà Đông, là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Xung quanh sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh có nhiều nhận định khác nhau...

Nhưng một quan điểm nổi lên và được sự đồng thuận từ nhiều phía đó là Nguyễn Văn Vĩnh đã có công rất lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại. Năm 1909, ông dịch toàn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra Quốc ngữ (cùng Phan Kế Bính). Năm 1913, dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ. Năm 1917, ông là Chủ bút báo Trung Bắc tân văn - tờ nhật báo đầu tiên của Báo chí Việt Nam. Từ 1900 - 1920, dịch các tác phẩm văn học Pháp của La Fontaine, V.Hugo, Balzac... ra chữ Quốc ngữ. Năm 1920, là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát Lớn để trình diễn các vở hài kịch của Molière. Năm 1924, cùng người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam (phim câm)...

Sinh thời, học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng khẳng định: "chữ Việt còn thì nước ta còn”. Theo ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh: "Từ 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học, đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các dân tộc trên thế giới”...

Năm 1907, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng cổ Tùng báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ. Ngay trong số báo đầu tiên của Đăng cổ Tùng báo (ra ngày 28-3-1907), Nguyễn Văn Vĩnh đã nói về giá trị của chữ Quốc ngữ: "Thường có kẻ bênh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”. Năm 1913, ông xuất bản tờ Đông Dương tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng chữ Quốc ngữ.

Hiện nay, tại nhà riêng ở ngõ Lương Sử C (Hà Nội), ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn lưu giữ rất nhiều những tư liệu, hiện vật liên quan đến sự nghiệp của ông nội mình, trong đó, đáng chú ý là bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và đặc biệt là bộ ghế tràng kỷ có bút tích cùng chữ ký của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Theo TS. Nguyễn Đình Đăng: "Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hóa phương Tây trong dân Việt, và đưa xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ Quốc ngữ.

Ngày 18-9-1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy ở 3 năm đầu cấp tiểu học. Như vậy là, sau gần 3 thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ. Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam…

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho biết: Tôi đã vẽ bức tranh "Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh”.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.