Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 30/09/2006 00:43 (GMT+7)

Nguyễn Văn Trương, “ông đồ Nghệ” anh hùng

Đã có những vị cao niên chẳng những sống thượng thọ, đại thọ, mà còn sống vui, sống đẹp, ngoài bảy, tám, chín mươi, vẫn tỉnh táo, tiếp tục có cống hiến cho đời, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố giáo sư Nguyễn Lân, các giáo sư Trần Văn Giàu, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Tuỵ, Hoàng Như Mai, cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, các nhà hoạt động văn hoá Vũ Khiêu, Trần Bạch Đằng...

Giáo sư, tiến sĩ khoa học lâm sinh Nguyễn Văn Trương là một bậc cao niên như thế. Đã vào tuổi "cổ lai hy", ông vẫn lạc quan đứng ra lập Viện Kinh tế sinh thái và được các đồng nghiệp cử làm viện trưởng. Ông còn được mời làm tổng biên tập bộ Từ điển Bách khoa. Đến tuổi 84, ông được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì đã có công sáng lập 12 làng kinh tế sinh thái...

TRỞ THÀNH ANH HÙNG LAO ĐỘNG KHI 84 TUỔI

Một ngày đầu tháng 7 năm nay, đang ngồi làm việc tại nhà, bỗng nghe chuông điện thoại reng reng:

- Thầy Trương đây! Sáng thứ năm 13.7.2006, Viện Kinh tế sinh thái có xe lên làng sinh thái Kim Lư, Na Rì, Bắc Cạn. Cậu có đi cùng bọn mình không?

Giáo sư Trương từng dạy tôi về môn vạn vật học (nay là sinh học) khi tôi còn theo học bậc phổ thông tại Nam Đàn, Nghệ An giữa vùng tự do liên khu IV cũ, trong những năm kháng chiến chống Pháp. Thầy Trương đỗ kỹ sư nông lâm tại Hà Nội năm 1944 (chỉ sau ông Cù Huy Cận vài khoá). Tiếng súng kháng chiến nổ rền, thầy trở về quê cũ ở làng Kim Liên, Nam Đàn, dạy trường Tân Dân, một trường tư mới mở sau cách mạng. Thầy là người cùng làng với Bác Hồ.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, sáng 7.10.2005, ngay sau hôm bế mạc Đại hội thi đua toàn quốc, chúng tôi - những học trò cũ của thầy Trương, tề tựu tại Viện Kinh tế sinh thái ở phố Lạc Trung, Hà Nội, chúc mừng thầy vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng khi thầy đã… 84 tuổi!

Viện Kinh tế sinh thái do thầy sáng lập năm 1990 và làm viện trưởng từ đấy đến nay. Thầy cùng các cán bộ trong Viện đã xây dựng thành công 12 làng sinh thái rải rác khắp miền Bắc và miền Trung, trong đó có làng ở Nghi Xuân - quê hương Nguyễn Du, và làng ở Nam Đàn - quê hương Bác Hồ.

Nhớ lại hồi đầu năm 1990, giáo sư Trương gửi đơn lên Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, đề nghị uỷ ban cho phép thành lập Viện Kinh tế sinh thái, viện dân lập đầu tiên ở nước ta, tập hợp khoảng 20 vị giáo sư, phó giáo sư… đã về hưu! Bộ rất phân vân! Mà phân vân cũng phải. Bởi vì, vào thời điểm đó, viện dân lập là chuyện chưa hề có tiền lệ! Hơn nữa, thầy Trương lại là người... ngoài Đảng! Cuối cùng, nhờ sự quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, viện mới ra đời.

Năm ấy giáo sư Trương ngót nghét "thất thập cổ lai hy"! Có ông cán bộ lãnh đạo cười khẩy: "Liệu các cụ có mơ tưởng viển vông "bán da gấu" không đấy?".

Viện chẳng được bao cấp một xu nào! Mọi thứ đều phải tự... "xoay"! Nhưng không "xoay" một cách nhập nhằng mờ ám, mà bằng tài năng và uy tín của người trí thức.

16 năm qua, viện đã giúp nông dân ta xây dựng 12 làng sinh thái ở nhiều vùng thiên nhiên khắc nghiệt khác nhau: vùng đồi, vùng cát, vùng úng ngập nước mặn, vùng úng ngập nước ngọt; cho nhiều tộc người khác nhau: Kinh, Tày, Mường, Dao...

"ÔNG ĐỒ NGHỆ" HIẾU HỌC LẠ LÙNG

Thầy Trương là một tấm gương hiếu học lạ lùng, theo cung cách "ông đồ Nghệ", hiếu học đến mức đôi khi bị coi là... gàn!

Năm 1941, thầy đỗ loại ưu tú tài toán, rồi tú tài triết tại Huế.

Năm 1944, đỗ kỹ sư canh nông tại Hà Nội.

Sắp đến tuổi về hưu, thầy vẫn cặm cụi ngồi viết bản luận án tiến sĩ, rồi bảo vệ thành công tại Hà Nội năm 1976.

Không dừng lại ở học vị tiến sĩ - cái học vị nghe đã "oách" lắm rồi - thầy bắt tay viết một công trình khác, với chất lượng cao hơn, luận án tiến sĩ khoa học, về chuyên ngành lâm sinh tại Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden (CHDC Đức cũ). Thời gian dành cho việc học tiếng Đức, rồi viết luận án, được Nhà nước ta cho phép là 4 năm rưỡi. Thầy nghĩ, nếu lâu thế, thì đến khi bảo vệ xong luận án trở về nước, tuổi thầy đã quá lục tuần! Chỉ còn mỗi một việc là... nhận quyết định... về hưu!

Với ý chí "đồ Nghệ" và trí thông minh vượt trội, chỉ sau 2 năm, vào ngày 4.7.1978, Nguyễn Văn Trương bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học nghiên cứu cấu trúc ba chiều của rừng nhiệt đới miền Bắc Việt Nam. Lần đầu tiên trên thế giới, Nguyễn Văn Trương nghiên cứu định lượng cấu trúc rừng bằng các hàm phân bố xác suất, sử dụng các thành quả mới của sinh trắc học (biometrics) - một ngành sinh học liên quan chặt chẽ với toán học - để giải quyết nhiều vấn đề về rừng.

Thầy nắm vững lâm học cũng như toán học, lại quen dùng các thứ tiếng Đức, Anh, Nga, Hán, và đặc biệt từ thời trẻ đã thông thạo tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ.

Nhiều năm sau, khi đã làm viện trưởng, thầy thường phải trả lời bằng văn bản 25 câu hỏi, có đoạn trả lời dài tới 4 - 5 trang, với thứ tiếng Pháp chính xác, nhuần nhị, thầy mới thuyết phục được Uỷ ban Công giáo chống đói nghèo và vì phát triển (CCFD) của Pháp cấp cho một dự án 25.000 đôla Mỹ. Viện chỉ giữ lại 30% làm kinh phí hoạt động, còn 70% - một tỷ lệ cao hơn CCFD mong đợi - đưa về làng, công khai trao tận tay từng hộ nông dân tham gia dự án. Dự án đầu tiên được thực thi. CCFD cử người sang tận nơi kiểm tra, thấy kết quả rất tốt. Thế là từ đấy, các dự án khác do viện đề xuất, đều được họ tin cậy đáp ứng rất nhanh.

Viện cũng bắt đầu nhận được tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ khác như: IUCN, IFOAM, v.v...

Đảm đương trọng trách, thế nhưng, suốt 16 năm qua, viện trưởng Trương chưa hề nhận… một đồng xu lương nào… của viện! "Ông đồ Nghệ" quê hương "cá gỗ" này quen sống tằn tiện bằng đồng lương hưu ít ỏi.

NHỮNG CHUYẾN ĐI THỰC ĐỊA

Trên đồng cát Thạch Văn

Trên đồng cát Thạch Văn

Một ngày đầu đông 2005, tôi theo bước giáo sư Trương về Nam Thượng, một xã vùng đồi ở Nam Đàn, Nghệ An, giúp xây dựng làng sinh thái tại thôn Thượng Cồn. Viện vừa được CCFD giải ngân cho mộtdự án 30.000 euro.

Nam Thượng nằm phía bắc thị trấn Sa Nam. Quê thầy Trương cũng như quê tôi đều ở Nam Đàn (tên xưa là Nam Đường). Thuở nhỏ, tôi từng nghe câu hát phường vải: "Sa Nam trên chợ dưới đò/Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên...".

Cảnh sắc thiên nhiên thật hùng vĩ. Con sông Lam xanh biếc chảy giữa hai bờ phù sa, ngô, khoai xanh ngắt. Rú Đụn sừng sững bên bờ bắc. Dãy Thiên Nhẫn tím mờ phía bờ nam. Thôn Thượng Cồn nép mình bên sườn dốc rú Đụn. Chính tại đây, năm 722, Mai Thúc Loan phất cao cờ nghĩa, lật đổ ách đô hộ của hoàng đế Huyền Tông nhà Đường.

"Con ơi, con ngủ cho lành/Vua Mai nay đã xây thành Vạn An...". Gần 13 thế kỷ đã trôi qua nhưng câu ca dao xưa vẫn còn âm vang trong lòng chúng tôi. Thành Vạn An, quốc đô của Mai triều, giờ là thị trấn Sa Nam "trên chợ dưới đò" bên dòng Lam nghìn năm cuộn chảy... Đến thế kỷ 20, cũng chính từ mảnh đất này đã sinh ra hai bậc vĩ nhân: Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh.

Nam Đàn thay đổi khá nhanh. Nhưng vẫn còn nghèo lắm! Xóm núi Thượng Cồn lại càng nghèo. Các giáo sư, tiến sĩ của viện lần này về Thượng Cồn là để giảng cách xây dựng làng sinh thái, vừa giúp người dân làm giàu, vừa tạo cảnh quan tươi đẹp cho một vùng "địa linh, nhân kiệt".

Ngay tại quê hương Nguyễn Du ở thôn Tiên An, Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng đang hình thành một làng sinh thái khác. Thế là tôi được về thăm chốn "lễ nhạc bách niên văn hiến địa", dạo bước trên con đường xưa Tố Như từng đi qua trong những năm ly loạn khi nhà thơ âm thầm tự hỏi: “Một phen thay đổi sơn hà/Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?".

Đất Tiên An là đất cát biển, "cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia". Nhiều mảnh bỏ hoang, mọc đủ thứ cỏ dại "một vùng cỏ ấy bóng tà". Cát chiếm 95 - 98% trong đất, hạt cát lại rời rạc, nên dễ "cuốn theo chiều gió" tạo thành những trận cát bay làm giập nát ngọn cây non, lắm khi còn vùi lấp cả một đám ruộng. Ngày nắng gắt, lớp cát trên mặt nóng 60 - 65 độ C, nghe nói có thể nướng chín quả trứng gà!...

Các giáo sư, tiến sĩ của viện đến tận thôn giảng giải cho nông dân về cách thoát khỏi đói nghèo.

GS Nguyễn Văn Trương trở về thăm làng sinh thái Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh)

GS Nguyễn Văn Trương trở về thăm làng sinh thái Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Giáo sư Trương thường được các bạn đồng nghiệp gọi vui là "nhà lâm học Truyện Kiều" bởi lẽ "ông nghè Nghệ" này thuộc làu làu kiệt tác của Nguyễn Du. Thầy gợi ý: Trong thửa vườn nhà, trướchết, phải trồng nhiều loại cây "xoá đói giảm nghèo"... Nhưng, vì đây là "văn hiến địa", nên đừng quên điểm xuyết những cây "gieo mỹ cảm" được Tố Như nhắc tới trong Truyện Kiều như đào, mận, lựu,lê... Chỉ cần trông thấy hoa đào, quả đào là khách phương xa đến Tiên Điền ắt nhớ tới những câu Kiều tuyệt hay có chữ đào, như "Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non", "Đào nguyên lạc lối đâu mà đếnđây", "Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh"...

12 làng sinh thái, con số chưa nhiều. Nhưng kinh nghiệm từ đấy có thể nhân rộng ra hàng trăm làng khác trên cả nước.

Sẽ là một hình ảnh đất nước xanh ngát...

Nguồn: sgtt.com.vn, 07/08/2006

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.