Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 26/05/2006 00:20 (GMT+7)

Nguyễn Văn Hiệu & những chân trời vật lý bí mật

Viện sĩ N. N. Bogolyubov, viện trưởng Viện Dubna, chúc mừng nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu sau khi bảo vệ thành công luận án Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu là người "trẻ" nhất trong số các nhà khoa học Việt Nam được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, khi ông 58 tuổi. Trước đó 10 năm, ông được tặng Giải thưởng Lênin về khoa học vì đã cùng một số nhà bác học Liên Xô (cũ) khám phá ra quy luật bất biến kích thước các quá trình sinh hạt trong vật lý năng lượng cao. Tài năng của ông nở rộ ngay khi còn trẻ: 18 tuổi đỗ cử nhân vật lý, làm cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội, 25 tuổi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 26 tuổi trở thành tiến sĩ khoa học, 30 tuổi được công nhận chức danh giáo sư của Viện Dubna và Đại học Lomonosov ở Liên Xô (cũ), rồi trở về Việt Nam làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Vật lý...

Thời đi học

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21.7.1938 tại làng Cầu Đơ, nay thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây trong một gia đình viên chức nhỏ. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu bé Hiệu bảy tuổi, vào lớp đồng ấu (lớp 1 hiện nay). Tiếng súng kháng chiến toàn quốc nổ rền năm cậu đang học lớp dự bị (lớp 2), phải cùng mẹ dắt díu các em nhỏ tản cư vào mạn Bến Đục, chùa Hương. Chiến tranh lan rộng, gia đình trôi giạt vào tận làng Lam Vĩ, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Bên kia con sông Chu là làng Ngò, nơi mở trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Nhờ vậy anh Hiệu được học lên bậc trung học. Tiền lương của cha quá ít, ngoài giờ học, anh và ba người em lớn phải kéo sợi, xe chỉ tơ kiếm sống. Một lần đi hái lá sim trên núi Mật đem về nhà băm nhỏ, nấu lấy nước để nhuộm chỉ tơ, anh vô ý chặt đứt một đốt ngón tay trỏ bên trái, mãi mới cầm được máu!

Thời học sinh kham khổ, đầy buồn lo đã hun đúc nên lòng hiếu học hiếm thấy ở Nguyễn Văn Hiệu. Năm 1954, trở về Hà Nội, Nguyễn Văn Hiệu vào học Đại học Sư phạm. Do phải đáp ứng nhanh đòi hỏi của xã hội về số lượng giáo viên, khoá học rút ngắn, chỉ còn hai năm. Mùa thu 1956, mới 18 tuổi, anh Hiệu tốt nghiệp cử nhân vật lý loại xuất sắc và trở thành một trong hai cán bộ giảng dạy trẻ tuổi nhất (người kia là anh Nguyễn Lân Dũng, cử nhân sinh học, con trai giáo sư Nguyễn Lân). Tự nhận thấy, do được đào tạo cấp tốc, kiến thức còn mỏng, có nhiều lỗ hổng, anh Hiệu đề ra kế hoạch tự học theo chương trình 5 năm hoàn chỉnh của Đại học Lomonossov, Matxcơva.

Năm 1960, 22 tuổi, anh được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ), một trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ, cách Matxcơva không xa, nằm ngay bên bờ sông Volga bao la xanh biếc, giữa những cánh rừng thông, sồi, bạch dương mênh mông thanh vắng. Lúc bấy giờ vật lý năng lượng cao đang phát triển mạnh theo hai hướng: vật lý neutrino và tương tác mạnh giữa các hạt. Ở Dubna, việc nghiên cứu theo cả hai hướng ấy đều phát triển rất sôi nổi. Viện sĩ M. A. Markov và viện sĩ B. M. Pontecorvo chủ trì hướng nghiên cứu vật lý neutrino. Hướng nghiên cứu về lý thuyết giải tích tương tác mạnh do viện sĩ N. N. Bogolyubov và giáo sư A. A. Logunov chủ trì.

Liên tiếp bảo vệ luận án

Tháng 4.1963, hai năm rưỡi đến Dubna, vào mùa tuyết tan, những khóm tử đinh hương bắt đầu nở hoa tím, sau khi đã công bố 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino, anh Hiệu dành ra vài ba tuần lễ ngồi viết lại cho "có đầu có đuôi" thành bản luận án tiến sĩ (lúc đó gọi là phó tiến sĩ) dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Markov. Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về tương tác yếu, không nghỉ một ngày, anh tập trung toàn bộ thời gian và tâm trí vào việc nghiên cứu các định lý tiệm cận cùng với giáo sư Logunov. Đây là hướng triển vọng nhất giải quyết những vấn đề cơ bản, chủ chốt và khó khăn nhất của vật lý năng lượng cao.

Một buổi sáng tháng 11.1963, trước hôm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, giáo sư Logunov nói với Nguyễn Văn Hiệu: "Các kết quả của anh đã đủ để bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học toán - lý. Lúc này các kết quả ấy còn đang nóng hổi, nên bảo vệ luận án ngay, để chậm sẽ kém lý thú".

Anh Hiệu liền ngồi vào bàn viết bản luận án trong mấy ngày nghỉ lễ. Một tháng sau thì viết xong. Và, ngày 4.5.1964, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học “Hệ thức tiệm cận các biên độ tán xạ trong lý thuyết trường lượng tử định xứ tương đối tính”. Lúc bấy giờ anh chưa đầy 26 tuổi.

Từ đấy đến nay, hơn bốn thập kỷ trôi qua, vẫn chưa có một người Việt nào bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở độ tuổi trẻ hơn anh.

Giáo sư Markov, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, tự mình viết một bài báo nhan đề Thành công lớn của một nhà bác học trẻ đăng trên báo ảnh Liên Xô, cho biết: "Việc bảo vệ luận án của nhà bác học Việt Nam chưa đầy 26 tuổi là một sự kiện ở Dubna (...). Các nhà bác học lớn nhất của Liên Xô và của cả các nước thành viên Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna đều đến nghe anh".

Nhà báo Liên Xô Svanev viết một bài dài tường thuật buổi bảo vệ luận án của Nguyễn Văn Hiệu, trong đó có đoạn ghi lại nhận định của viện sĩ Markov khi trả lời phỏng vấn của Svanev: "Đồng chí và tôi - lời viện sĩ Markov - đang tiếp xúc với một con người xuất chúng. Đôi khi người ta thực sự gặp may trong công việc nhờ tìm thấy một ý tưởng thiên tài dẫn đến những kết quả quan trọng, như tìm thấy một mỏ vàng. Nguyễn Văn Hiệu đi theo một con đường khác. Như người ta thường nói, anh không ngồi chờ khoa học đến "bố thí"; anh đã đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên bằng cách lao động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn. Viện Dubna tạo cho anh một môi trường thuận lợi. Mọi điều còn lại phụ thuộc vào lao động và phẩm chất cá nhân. Nguyễn Văn Hiệu là một nhà bác học thật lớn".

Xây dựng lý thuyết đối xứng unita

Một hướng nghiên cứu mới vừa xuất hiện: nghiên cứu tính chất đối xứng cao, thống nhất sự đối xứng nội tại của các hạt cơ bản với tính đối xứng của không-thời gian. Anh lao ngay vào. Viện Dubna quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu mới và giao cho anh phụ trách. Nhóm gồm các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch: Liên Xô, Hungary, Romania và Việt Nam.

Dưới sự hướng dẫn của anh, 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Viện Dubna đề nghị Nguyễn Văn Hiệu soạn một loạt bài giảng về lý thuyết mới hình thành để trình bày với các nhà thực nghiệm. Các bài giảng đó, về sau, được viết lại thành sách dưới nhan đề “Các bài giảng về lý thuyết đối xứng unita”, được nhà xuất bản Nguyên Tử in ở Matxcơva năm 1967 với lời giới thiệu của nhà bác học danh tiếng Bogolubov, Viện trưởng Viện Dubna. Năm 1968, khi mới 30 tuổi, anh được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonosov.

Khám phá định luật mới

Viện sĩ N. N. Bogolyubov, viện trưởng Viện Dubna, chúc mừng nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu sau khi bảo vệ thành công luận án

Giáo sư J. I. Friedman, giải thưởng Nobel, trò chuyện với giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (giữa) và giáo sư Trần Thanh Vân tại Paris, năm 2001Song song với việc nghiên cứu lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản, Nguyễn Văn Hiệu hợp tác với Logunov (về sau là Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô kiêm Hiệu trưởng Đại học Lomonosov) nghiên cứu quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao. Tham gia nhóm Logunov - Nguyễn Văn Hiệu còn có các tiến sĩ khoa học M. A. Mestvirishvili, Yu. D. Prokoshkin và S. P. Denisov. Các kết quả nghiên cứu của nhóm được Nhà nước Liên Xô cấp bằng phát minh năm 1981 và tặng Giải thưởng Lênin năm 1986 vì đã dẫn tới chỗ khám phá một định luật mới trong vật lý học: Định luật bất biến kích thước của quá trình sinh hạt.

Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít nhà khoa học Việt Nam coi nghiên cứu khoa học là niềm vui và sự nghiệp suốt đời. Số công trình của ông lên tới 130, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn. Hầu hết số công trình đó đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga), viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà Czech. Trong nhiều năm, ông là Uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).


Nguyễn Văn Hiệu và Trần Thanh Vân

Tháng 7.1963, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, 25 tuổi, được Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna cử đi dự Hội nghị quốc tế vật lý hạt cơ bản tại Sienna, một thành phố ở miền bắc Ý, xây dựng từ thời trung đại, có những ngôi nhà nhỏ và đường phố hẹp giống như phố cổ Hà Nội. Tại đây lần đầu tiên anh Hiệu gặp tiến sĩ quốc gia về vật lý Trần Thanh Vân, 26 tuổi, từ Đại học Sư phạm Paris sang dự họp. Ngay từ dạo ấy đã hình thành tình bạn gắn bó giữa hai nhà vật lý mang dòng máu Việt Nam để rồi về sau, từ năm 1993 đến nay, hai người hợp tác tổ chức thành công 5 lần Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP.HCM - những cuộc hội nghị khoa học mang tầm vóc quốc tế thu hút cả một số nhà bác học đoạt giải Nobel. Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8.2006.

Hai người cũng hợp tác trong việc trao học bổng Vallet (từ quỹ học bổng của giáo sư Odon Vallet, Đại học Sorbonne, Paris) cho các sinh viên giỏi và nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam xuất sắc trong những năm qua.

Nguồn:Khám Phásố 29, 15.5.2006

Giáo sư J. I. Friedman, giải thưởng Nobel, trò chuyện với giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (giữa) và giáo sư Trần Thanh Vân tại Paris, năm 2001

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.