Nguyễn Trường Tộ - một học giả kiệt xuất
Sinh năm 1828, trong một gia đình công giáo nhưng lại có truyền thống nho học lâu đời, ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Từ nhỏ đã tỏ ra thông minh xuất chúng, tuy là giáo dân nhưng ông lại làu thông tứ thư ngũ kinh, triết học Trung Hoa. Ông còn mở rộng các vấn đề nghiên cứu của mình ra nhiều lĩnh vực khác, như quân sự, kinh tế, nông nghiệp và cả triết học phương Tây thông qua sự giúp đỡ của nhà thờ và các nhà truyền giáo Tây phương. Năm 27 tuổi, giám mục Gauthier đã mời ông vào chủng viện Tân ấp thuộc xứ đạo Xã Năm Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục, trong thời gian này ông cũng học thêm được tiếng Pháp và tiếp xúc một cách tích cực với nền khoa học châu Âu mà ông vốn rất quan tâm.
Năm 1858, ông cùng giám mục Gauthier thực hiện một chuyến đi dài qua Hương Cảng, Singapore , Thụy Sĩ. Trên đường đi ông có ghé Roma yết kiến Giáo hoàng rồi cuối cùng sang Paris theo học trong gần 2 năm, trong khoảng thời gian nhỏ này ông đã tận dụng để tích luỹ một kiến thức khổng lồ mà như cách nói của ông là “ Kịp đến khi đạo lý gần hỏng thì tôi đi qua sông, vượt biển để giữ lấy thiên chân” cái thiên chân ấy là vốn kiến thức để phục vụ cho nhân dân cho đất nước mình trong thời cuộc rối ren lúc bấy giờ vậy.
Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ về nước, giữa lúc thực dân Pháp đang lần lượt chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, ông miễn cưỡng làm chức từ hàn (một chức phiên dịch nhỏ) cho Pháp. Cuối năm này, Nguyễn Trường Tộ trao bài “ Hòa từ” cho Nguyễn Bá Nghi bàn chuyện tạm hoà, ông chỉ nói ba điều: Một là khéo ngăn chặn, đừng để họ tìm cớ sinh sự làm lan rộng ra. Hai là hãy thong thả sắp đặt đợi lúc họ sơ hở. Ba là để dân thư thái củng cố sức lực. Một kế sách khá đúng đắn trong ngoại giao bấy giờ.
Năm 1862, khi Đô đốc Louis Adolphe Bonard xua quân mở rộng cuộc chiến xâm lược Việt Nam , ông thẳng thắn không cộng tác với Pháp nữa. Và từ đó, liên tục ông gửi các bạn kiến nghị, điều trần cũng như mở các cuộc gặp gỡ, thương thuyết với các nước phương Tây, kêu gọi đổi mới võ bị nhằm tránh cuộc xâm lăng và thuộc địa hoá của Pháp, bảo toàn độc lập nước ta, cụ thể như:
Tháng 3/1864, khi sang Anh dự Đại hội cách trí, ông đã coi đây là một cơ hội tốt để tố cáo quân Pháp xâm lược, gỡ thế bí cho đất nước.
Tháng 6, tháng 7/1864, ông viết “Lục lợi từ” nêu 6 sách lược ngoại giao với các nước như Anh, Nga, v.v… để ngăn chặn, cô lập, ly gián, đề phòng, áp chế, tiến tới đánh lại quân xâm lược.
Tháng 10/1866, Nguyễn Trường Tộ phát hiện sự lúng túng của Pháp ở Đông Dương, ông phản ánh ngay với triều đình và bàn đến “ Khả năng lấy lại ba tỉnh miền Đông”.
6/1867 quân Pháp tiến lên chiếm trọn cả ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Lúc này, Nguyễn Trường Tộ đang có mặt ở Pháp, lo toan việc mời thầy thuê thợ, mua sắm dụng cụ, sách vở để mở trường kỹ thuật, ông bàn với triều đình “ Xin gấp rút sửa đổi việc võ bị”. Ông đã nghĩ đến việc tăng cường võ bị, “ Chế tạo vũ khí mới lạ”, phải “ trích trữ vật liệu” v.v…
Thế rồi thời thế chuyển biến: năm 1870 nổ ra chiến tranh Pháp - Phổ. Pháp thua to, cách mạng Công xã Paris nổ ra tháng 3-1870. Từ tháng 2 đến tháng 5-1871 ông liên tục viết bản điều trần liên quan đến kế sách khôi phục.
- Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh Nam kỳ (di thảo 39) ngày 1/2/1871.
- Bổ túc kế hoạch đánh úp thành Gia Định (di thảo 40) ngày 9/2/1817.
- Bàn về việc cho Pháp thông thương để đổi lấy 6 tỉnh (di thảo 42) ngày 5/4/1871.
- Kế hoạch vay tiền để dùng vào việc binh (di thảo 44) ngày 10/4/1871.
- Tình hình chính trị nước Pháp với công xã Pari (di thảo 49) tháng 5/1871.
- Cần nắm vững tình hình chính trị nước Pháp (di thảo 50) cuối tháng 5/1871.
Ngoài ra, 59 bản điều trần đề xuất canh tân xây dựng đất nước giàu mạnh. Gần sáu chục bản điều trần này đề cập đủ mọi lĩnh vực như văn hoá giáo dục, kinh tế, nông nghiệp…
Nguyễn Trường Tộ kiến nghị triều đình quan tâm việc đào kênhnhằm mục đích “cho ghe thuyền đi lại, giúp nhân dân đỡ tốn kém (…) dẫn nước tưới ruộng phòng hạn”. Bàn về địa thế Bắc kỳ, ông khuyên nên đào nhiều kênh trong các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình v.v… để phân tán thế nước, đề phòng lũ lụt… Ông còn đề ra một sáng kiến lớn, xuất phát từ nỗi lo nước ta “đường biển không an toàn vì nạn cướp biển và thường bị bão…”. Nhất là việc vận chuyển lương thực từ Bắc Kỳ vào Kinh đô Huế là rất thiết yếu lại rất tốn kém: “ Một thạch lương thực đưa được đến kinh đô đã phải hao hụt dọc đường mất năm sáu đấu, đó là chưa nói đến nhiều vụ bị chìm ghe, bị đánh cướp”. Do đó ông đề nghị “ Xin xem xét kỹ địa thế từ Hải Dương đến kinh đô, đào một con kênh lớn có thể lưu thông được cả ghe lớn ghe nhỏ thuyền quan, thuyền dân”. Việc lưu tâm đến giao thông đường thuỷ lúc này là một tiến bộ lớn vì khi đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu vì đường xá xấu thì việc khuếch trương đường thuỷ như một giải pháp tốt nhất cho giao thông.
Về thương nghiệp, Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình khuyến khích các nhà buôn lớn bỏ vốn ra lập thành những hội (công ty) hợp cổ, và trọng thưởng cho hội nào tập hợp được một số vốn từ một trăm quan tiền trở lên; hội nào mua được các tầu lớn để đi buôn bán với các nước châu Âu và Trung Quốc sẽ được trọng thưởng. Để tiện cho việc giao thông, vận tải và giao lưu hàng hoá trong nước.
Nguyễn Trường Tộ cho rằng nông nghiệp vẫn là nền tảng kinh tế của nước ta; nông nghiệp của nước ta suy đồi là vì kỹ thuật nông nghiệp của ta thấp kém. Nguyễn đề nghị triều đình mở khoa nông chính để dạy dân các mốn: Thiên văn học nông nghiệp; Thực vật học; Địa văn khí tượng học; Tổ chức nông nghiệp trong nước. Để khuyến khích việc cải tiến kỹ thuật, Nguyễn khuyên triều đình phải chú ý khen thưởng những người có sáng kiến hay.
Nguyễn lưu tâm đặc biệt đến công tác trị thuỷ và công tác thuỷ lợi. Trong tập “Tế cấp bát điều”, Nguyễn viết: “ Nước ta có nhiều núi mà ít đồng bằng, khi mưa to đổ xuống thì bị thế núi quanh co ngăn lại và gây nên úng thuỷ, dân gian thiệt hại rất nhiều. Nay nếu đào nhiều kênh để khơi nước, nước sẽ chia đường đi chảy đi nhiều ngả, sức nó sẽ hoà hoãn không thể tràn lan”.
Nguyễn Trường Tộ có lẽ là người Việt Nam đầu tiên nhìn thấy sự cần thiết cảu thống kê họch, theo ông chỉ có thống kê học mới cho phép chúng ta biết rõ nhân lực, vật lực, tài lực của nước ta. Chính ông đã viết: “ Mỗi năm ở các thành thị, hàng hoá ra vào, thuyền bè đi lại, quán khách nhà trọ, vật giá cao thấp, cùng những mối lợi về bách cốc, lục súc, sơn dầu, cửa bể, khoáng sản, tảo tác và các việc tiêu dùng, hết thảy đều phải ghi chép rõ ràng, để biết rõ được sự thịnh suy, lợi hại”.
Thời Nguyễn Trường Tộ là thời chữ Hán được đưa lên địa vị độc tôn và là văn tự chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam . Nguyễn Trường Tộ nhìn thấy những bất tiện của việc dùng chữ Hán là văn tự của dân tộc, ông đã viết: “Nếu một người nói ra một câu, lại phải nhờ một người khác dịch ra tức là một người nước khác rồi. Một nước Nam ta mà có hai thứ âm thoại, hai thứ văn tự, chẳng hoá ra một nước mà ngăn ra hai thứ người hay sao?”, “ chữ mình học đã không phải chính âm của Trung Hoa, mà cũng không phải âm thoại của ta, khi đi học phải dùng mục lục để xem tự hoạch, lại phải dùng tâm trí để nhớ lấy các tiếng lạ, còn âm vận thì chỉ người có học biết lấy mà thôi, chứ người không học nghe đến chẳng khác gì nghe giọng quạ kêu, chim hót”. “Những người thông minh ở nớc ta đua nhau học chữ Hán, đương lúc trai tráng, không biết làm gì để lập công nghiệp và cứ bao công đèn sách, cặm cụi suốt năm hình như muốn học để làm người Trung Quốc, nhưng đem tiếng ấy nói với người Trung Quốc, họ không thể hiểu, mà nói với dân ngu họ cũng không biết gì. Một tờ trát văn, cắt nghĩa mỗi người một khác, một chữ trong sách luật có thể thay đổi tội tình, đơn khai từ tụng, thường bị các thầy cò múa bút nói sai, dân gian khai báo không kể được sự tình phiền phức. Vả lại khi nhà nước truyền xuống một lệnh gì, phải có người văn nhân cắt nghĩa cho bình dân nghe, nhưng có khi họ cắt nghĩa không rõ ràng hoặc viện dẫn xuyên tạc, cho nên bọn dân đen không hiểu được ý tứ của triều đình, tất nhiên là bị sai lầm”. Rồi Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình cải cách văn tự, hay nói đúng hơn, sáng tạo ra một thứ văn tự để làm văn tự chính thức của dân tộc: “ Nay xin lấy chữ Hán làm mẫu, lựa chữ nào tiếng đã hợp với tiếng ta, thì cứ đọc theo quốc âm, không phải đợi giảng nghĩa, còn chữ nào tương tự với tiếng ta, thì cứ đánh dấu vào một bên để đọc theo quốc âm. Lại xim đem chữ đó chia ra từng loại, đặt một quyển tự vị ban khắp các nha môn và các học đường, để người ra học tập được tiện lợi. Bất cứ người nào hễ viết một tờ giấy việc quan hay là việc riêng, cũng phải theo thứ chữ của nhà nước ban bố, chứ không được thay đổi… Ta chỉ dùng chữ Hán mà đọc ra tiếng ta, không cần phải học nghĩa. Ví dụ hai chữ “thực phạn” thì cứ đọc là “ăn cơm” để thay cho hai chữ “thực phạn” như vậy không lẽ gì cho “thực phạn” quý hơn “ăn cơm”… Nếu ta đem chữ Hán mà đọc ra tiếng ta, thì mỗi người đọc ra, mọi người có thể hiểu được, chắc là sẽ bớt được những sự phiền phức vô số”.
Nguyễn Trường Tộ nhận rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh “có nhiều tài trí, học giỏi và cơ xảo, lại có tính muốn học sự hay ở người”. Nhưng người Việt Nam lại ở trình độ văn hoá thấp, là vì nền giáo dục của Việt Nam là nền giáo dục chỉ chú trọng những điều không thiết thực” “ Thuở bé học những tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa hề trông thấy, lớn lên lại làm những việc ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ mà chân thường đi tới; thuở bé học những thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục của Trung Hoa hiện nay đã thay đổi đi rồi, mà lớn lên làm những việc thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục của nước Nam, mỗi nơi một khác: thuở bé học những việc về lễ nhạc, yến tiệc, cư xử, chiến tranh trong thời quá khứ ở Trung Hoa, mà lớn lên thì làm những việc về lễ nhạc, yến tiệc, cư xử, chiến tranh ở nước Nam” vì vậy ông chủ trương lối thực học: “Hiện nay, cái mà chúng ta rất thiếu thốn là sự học tập tài nghệ… Nếu họ đến khai thác một chỗ nào, thì quan quân chúng ta cũng đến đó, và mắt sẽ thấy nhiều điều mà học tập được. Còn thường dân của chúng ta thì làm cho họ, cư xử gần nhau, ăn mặc như nhau, như thế thì không ngoài mười năm, tài nghệ của dân ta sẽ không kém gì họ. Như vậy thì nhà nước không tốn một đồng tiền mà nhân dân đều học tập thành nghề cả”.
Ngoài những bản điều trần và luận văn tạo nên một công trình trí tuệ vĩ đại vô giá, ông còn để lại một số hoạt động thực tiễn xuất sắc như: Năm 1862 – 1863, ông thiết kế xây dựng toà nhà nguyện của dòng tu nữ ở Sài Gòn. Năm 1864 – 1866, ông thiết kế xây dựng bốn ngôi nhà trong giáo khu Xã Đoài. Mấy công trình này của ông thuộc về những công trính kiến trúc đầu tiên theo kiểu châu Âu ở Việt Nam giữa thế kỷ thứ 18. Cũng giữa những năm 60 thế kỷ 19, khi hoạt động ở quê nhà, ông đã giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào Kênh Sắt, một công trình xưa kia Cao Biền rồi Hồ Quý Ly dự định mà không làm nổi. Ngoài ra, ông còn vận động dân chúng ở Xuân Mỹ, quê hương bên nhà vợ ông, cùng nhau dời làng từ trong núi rừng đầy lam chướng ra nơi thoáng đãng, thuận lợi canh tác (Xuân Mỹ nay là xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An).
Là một nhà duy tân, không phải tất cả các kế sách ông đều tuyệt đối đúng. Cuộc đời ông cũng chứa nhiều mâu thuẫn. Để đánh giá ông các nhà sử học còn cãi với nhau nhiều nhưng tấm long và một đầu óc “trong thiên hạ” như thế đáng trân trọng và tự hào.
Ông mất vì một cơn bệnh hiểm nghèo, ở làng quê Bùi Chu ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 24, tức ngày 23 tháng 11 năm 1871.
Nguồn: Bản tin Tri thức và Phát triển, số 2, 10/2006,