Nguyễn Trí Tuệ với hành trình ngược dốc
Tại Đại hội Thi đua yêu nước TP Cần Thơ lần II (ngày 20-7-2005), Nguyễn Trí Tuệ - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trí Tuệ (Khu Công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)- có mặt trên sân khấu trong phần giao lưu cùng các đại biểu với giọng nói điềm đạm, đầy vẻ tự tin. Mọi người trong hội trường dường như không bận tâm đến ngoại hình của anh mà chỉ tập trung lắng nghe, chia sẻ những gian truân trong cuộc sống mà anh đã trải qua; nỗi trăn trở ban đầu trong việc tìm hướng đi cho doanh nghiệp và khâm phục trước quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu sản xuất thành công nhiều mặt hàng cao su lưu hóa chất lượng cao của giám đốc DNTN Trí Tuệ .
Nguyễn Trí Tuệ quê ở Long Mỹ (Hậu Giang), là con thứ năm trong gia đình có bảy anh chị em. Tuổi thơ cơ cực của anh trải dài theo những năm tháng khói lửa chiến tranh. Thời ấy, cha anh - ông Nguyễn Thành Lẫm, từng là Trưởng ban Tuyên huấn huyện Long Mỹ- thường xuyên vắng nhà. Mẹ anh- bà Hai Lợi –phải tần tảo làm thuê, làm mướn để nuôi con. Tháng 10-1969, sau trận càn của Mỹ ngụy vào khu căn cứ cách mạng Long Mỹ, ông Nguyễn Thành Lẫm bị địch bắt. Sau khi tra tấn dã man mà không moi được tin tức gì ở ông, bọn giặc cay cú ra lệnh mổ bụng hành quyết người cán bộ cách mạng kiên trung này. Khi ấy Tuệ vừa tròn 5 tuổi. Tuệ nói: “Sau này, được mẹ và các cô, chú cùng đơn vị của cha kể về sự chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng của cha, tôi rất tự hào và luôn nhủ lòng: Phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy của cha”.
Sau khi chồng hy sinh, bà Hai Lợi bồng bế bảy đứa con thơ dại vào căn cứ cách mạng U Minh. Tại đây, Tuệ cùng các anh chị em được ông ngoại là Nguyễn Thành Điểm (phụ trách Trường bổ túc văn hóa kháng chiến ở U Minh) chăm lo, dạy dỗ... Đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Hai Lợi đưa gia đình về TP Cần Thơ sinh sống.
Năm 1985, Tuệ thi đậu vào khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Lúc đó, gia đình anh gặp nhiều khốn khó. Hiểu được nỗi khổ của mẹ (sau anh, còn có 2 người em vẫn đang đi học) Tuệ quyết tâm phải tự lực vượt khó để nhẹ gánh lo cho mẹ già. Ngoài giờ lên lớp, tham gia công tác đoàn thể, Tuệ tranh thủ những lúc rảnh, dịch tài liệu chuyên ngành hóa từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho bạn bè làm tài liệu, phụ làm đồ án và mọi công việc lặt vặt để kiếm tiền theo đuổi việc học.
Năm 1990, Tuệ tốt nghiệp đại học và trở về Cần Thơ, mong tìm việc làm đúng với chuyên ngành polyme đã được đào tạo. Liên tiếp mấy tháng trời không tìm được việc làm, đầu năm 1991, Tuệ xin được việc ở Công ty Bao bì Cần Thơ. Sau một thời gian làm việc, nhận thấy kiến thức của mình chưa đủ, Tuệ lại khăn gói trở lên TP Hồ Chí Minh với mục đích học hỏi nâng cao thêm trình độ, tay nghề. Năm 1992, Tuệ vào làm ở Nhà máy Cao su Điện Biên (Tổng Công ty Cao su Miền Nam ). Vài tháng sau, anh xin chuyển công tác về Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) để có điều kiện nghiên cứu sâu về cao su. Suốt hai năm ở Viện, Tuệ thường xuyên có mặt ở thư viện và phòng thí nghiệm; có hôm, anh ngủ luôn trong phòng thí nghiệm. Tranh thủ thời gian rảnh, anh nhận dạy kèm tiếng Anh cho CB-CNV ở Bến Cát (Bình Dương) để kiếm thêm thu nhập.
Công việc đang “thuận buồm xuôi gió” thì năm 1994, Tuệ bị tai nạn, toàn bộ khuôn mặt bị biến dạng vì phỏng, nhiều bộ phận trên cơ thể cũng bị thương tật. Hơn một năm trời, anh phải nằm điều trị ở bệnh viện. Cũng chừng ấy thời gian, bà Hai Lợi- mẹ anh - lại tất tả ngược xuôi từ Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh để chăm sóc cho con. “Mãi hơn năm sau, tôi mới được mẹ lấy kiếng cho coi gương mặt và... tôi hoảng sợ, đau đớn tột cùng vì không tài nào nhận ra tôi với một bộ mặt nhăn nhún, xấu xí đến như vậy!”. Tuệ kể lại với giọng đầy xúc động. Năm ấy, người kỹ sư trẻ này vừa tròn 30 tuổi.
Sau khi rời bệnh viện, Tuệ về sống với mẹ ở Cần Thơ. Từ một thanh niên năng động, khát khao cống hiến, sau khi ra viện Tuệ cảm thấy bi quan, tuyệt vọng vì những vết thương trên mặt và thân thể. Không ít lần, anh đã nghĩ đến cái chết. Nhưng... vòng tay thương yêu của mẹ; tấm gương hy sinh bất khuất của cha; sự quan tâm, động viên của anh chị em đã giúp anh vượt qua mặc cảm tự ti, có thêm nghị lực sống. Đặc biệt, cũng chính trong giai đoạn này, tình yêu và sự tin cậy của người bạn gái Mỹ Dung đã giúp Tuệ càng thêm mạnh mẽ trong hành trình leo ngược dốc.
... Rót cho tôi ly nước, chị Mỹ Dung nhớ lại. Năm đó, chị là cựu học sinh của một trường trung học phổ thông ở Ô Môn. Chị gặp và quen Tuệ vì Tuệ là bạn thân của các thầy ở trường. Lúc đầu, Mỹ Dung rất e ngại khi tiếp xúc với người thanh niên có gương mặt biến dạng này. Nhưng qua trò chuyện, chị dần bị cuốn hút bởi kiến thức sâu rộng, ý chí kiên cường, lòng nhân hậu và tư cách đạo đức của anh. Thế rồi, tình yêu nảy nở giữa hai người, được thêm sự vun đắp của nhiều thầy cô trong trường, Mỹ Dung mạnh dạn nhận lời cầu hôn của Tuệ. Nhiều năm qua, chị không chỉ là người vợ đảm đang, người bạn đời thân thiết mà còn là một trợ thủ đắc lực, giúp anh vượt qua những chặng đường cam go, gây dựng mái ấm gia đình và phát triển doanh nghiệp.
Cuối năm 1995, với số vốn chưa đầy một triệu đồng, cộng với diện tích nhà xưởng chỉ tròm trèm 10m2, Tuệ bắt tay vào sản xuất các mặt hàng cao su lưu hóa. Anh nói: “Vốn ít, đầu tư sản xuất các mặt hàng như vỏ, ruột xe thì ai cũng làm được, khó kiếm lời. Vì vậy, tôi quyết định đi sâu nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật cao, tiêu chuẩn chất lượng tốt, phục vụ các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải... mà Việt Nam phải nhập từ nước ngoài”. Đầu tiên, Tuệ tìm đến các vựa phế liệu mua lại các thanh sắt vụn, về nhà tỉ mẩn cưa thành các chi tiết rồi hàn lại thành chiếc máy ép cao su dạng thủ công. Từ chiếc máy thô sơ này, Tuệ sản xuất ra sản phẩm đầu tiên là con lăn máy dệt tròn, với giá thành 30.000 đồng/con lăn; trong khi cũng mặt hàng này, nếu nhập từ nước ngoài, có giá 160.000 đồng/con lăn. Do chưa được quảng bá rộng rãi nên sản phẩm của Tuệ làm ra, chẳng có khách hàng. Trầy trật mãi, cuối cùng anh cũng tìm được một khách hàng lớn là Công ty Bao bì Cần Thơ. Tuệ sử dụng doanh thu từ những sản phẩm đầu tiên để đầu tư thêm máy móc, thiết bị chuyên dùng, phục vụ mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm làm ra cũng đa dạng hơn như: joint, phốt cao su có các đặc tính kỹ thuật như: chịu nhiệt cao, độ bào mòn tốt, chống va đập, chống rung,... được nhiều nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh phía Nam biết đến.
Năm 1999, một bạn học với Tuệ đang công tác ở Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh đã tìm đến nhờ Tuệ chế tạo sản phẩm van bướm (chịu nhiệt cao). Từ đầu mối này, Tuệ có thêm bạn hàng mới, nhưng anh lại mất ăn, mất ngủ vì hợp đồng đã ký xong nhưng thiết bị sản xuất của cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, chưa thể đáp ứng nhu cầu. Sau một thời gian suy nghĩ, Tuệ mạnh dạn vay mượn của người thân, bạn bè để đầu tư dây chuyền sản xuất và thành lập DNTN Trí Tuệ. Đầu năm 2000, DNTN Trí Tuệ chuyển hẳn vào Khu Công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng (phường An Bình, quận Ninh Kiều) để hoạt động.
Với kinh nghiệm sẵn có và qua tìm hiểu thị trường, năm 2001, Tuệ đi sâu nghiên cứu và sản xuất Bạc cao su đỡ trục chân vịt – một sản phẩm quan trọng phục vụ hoạt động của ngành vận tải đường biển và đường sông mà từ trước đến giờ, Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Để có được thành công này, Tuệ đã mất hơn một năm trời nghiên cứu, với hàng chục lần sản xuất thử nghiệm thất bại. Cuối cùng, anh cũng điều chế được một loại hóa chất dùng phối trộn cao su để cho ra sản phẩm có độ đàn hồi cao, chịu nhiệt, chịu lực tốt. Cuối năm 2002, sản phẩm bạc cao su đỡ trục chân vịt mang thương hiệu Trí Tuệ có mặt trên thị trường. Lúc đầu, sản phẩm này khó tìm khách hàng. Không nản chí, Tuệ kiên trì mang sản phẩm chào hàng khắp nơi. Cuối cùng, Công ty Cơ khí và sửa chữa công trình giao thông 721 ký hợp đồng mua sản phẩm của anh để thay các loại bạc láp phà (mà trước đây phải mua từ Đan Mạch). Hiện nay, DNTN Trí Tuệ đã ký hàng loạt hợp đồng cung ứng thường xuyên sản phẩm bạc cao su đỡ trục chân vịt cho các công ty đóng tàu lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đến nay, sau gần 5 năm hoạt động, sản phẩm của DNTN Trí Tuệ ngày càng đa dạng, phong phú, được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng như các mặt hàng: cao su giảm chấn, các loại gối đỡ dầm cầu giao thông, các chủng loại bạc đỡ trục láp chân vịt, các loại ru-lô cao su sử dụng trong in ấn, sản xuất giấy, bao bì,...
Dù tài sản của doanh nghiệp đã lên đến vài tỉ đồng nhưng người giám đốc tuổi ngoài 40 này vẫn ôm ấp hoài bão cống hiến, sáng tạo, khẳng định thương hiệu của DN bằng những sản phẩm cao su lưu hóa cao cấp, được bạn hàng trong và ngoài nước đón nhận. Bên cạnh đó, niềm hạnh phúc lớn nhất của Trí Tuệ và Mỹ Dung chính là mái ấm gia đình, với hai đứa con trai kháu khỉnh, đứa lớn, mới vào lớp 1 và đứa nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Hôm tôi đến nhà riêng, cũng là xưởng sản xuất của DNTN Trí Tuệ, gặp anh cùng chị Mỹ Dung đang vui đùa với đứa con trai 2 tuổi - Nguyễn Trần Đại Nghĩa. Trò chuyện với tôi, anh nói: “Mái ấm gia đình là yếu tố quan trọng giúp hình thành nhân cách và lý tưởng sống cho con trẻ. Vì thế, dù rất bận rộn với việc sản xuất, kinh doanh, tôi vẫn luôn dành thời gian quan tâm chăm sóc vợ, con”. Do yêu cầu công việc nên anh thường vắng nhà. Những lúc như thế, chị Mỹ Dung thay anh quán xuyến mọi chuyện trong, ngoài. “Mỹ Dung không chỉ là người bạn đời thân thiết mà còn là trợ thủ đắc lực giúp tôi gây dựng cơ nghiệp!” – Tuệ nói về bà xã mình- người phụ nữ xinh đẹp đã mạnh dạn đấu tranh với gia đình để được làm vợ người đàn ông tay trắng, có gương mặt biến dạng, nhưng lại tràn đầy niềm tin, nghị lực và một trái tim nhân hậu- với thái độ chan chứa yêu thương, cảm mến...
Anh Mừng, Quản đốc phân xưởng chế tạo ống nước của Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ, khi nói về Tuệ – người bạn học thân thiết của mình, đã thừa nhận: “Tôi rất tự hào về Tuệ. Từ hoạn nạn, tay trắng, Tuệ đã gầy dựng được sự nghiệp với một cơ ngơi vững vàng và thương hiệu sản phẩm cao su chất lượng cao ở VN. Thật đáng khâm phục!”.
Không riêng gì anh Mừng, nhiều người Cần Thơ cũng rất tự hào về anh, một trong chín đại biểu đại diện cho thành phố tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9-2005. Trong đoàn đại biểu ấy, Tuệ là người đại diện cho khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ, không chịu đầu hàng số phận, sống xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước.
Nguồn: baocantho.com.vn 31/8/2005