Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 04/04/2006 23:23 (GMT+7)

Nguyễn Trần Huy Phong: Chàng hiệp sỹ xứ Ka Đơn và ngân hàng máu online

Không có điều gì làm Huy Phong nản chí. Cậu bé này đã trở thành một nhân vật đặc biệt với những giấc mơ đặc biệt. Không bằng cấp, 22 tuổi, cậu bỏ công việc vài trăm USD ở Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) về nhà mở lớp dạy tin học miễn phí cho trẻ em và được tặng danh hiệu Hiệp sỹ công nghệ thông tin của Báo Vietnamnet. 23 tuổi, quay lại Sài Gòn, hiện cậu đang làm chủ công ty Phần mềm VNAZ, thiết kế web, viết phần mềm và cung cấp dịch vụ hosting tại Việt Nam.

Trên trang web mang tên mình, Phong tâm sự thành thực, suốt thời thơ dại, chỉ cần được chạm tay vào màn hình máy tính đã là một ước mơ quá lớn lao với không chỉ riêng Phong mà với hầu hết những đưa trẻ vùng quê nghèo xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Từ năm học lớp 8, trong những lần đi rao bánh phụ mẹ, lần nào qua hàng máy tính, Phong cũng dán mắt vào cửa kính để được trông thấy chiếc cửa sổ xanh kỳ diệu. Khi ấy, người cha là một ông giáo già đã nghỉ hưu và người mẹ, bà bán bún riêu giá một ngàn một tô, không bao giờ có thể giúp ước mơ sở hữu một chiếc máy tính của cậu con trai cả thành hiện thực, nhất là khi cậu còn hai đứa em cũng đang tuổi cắp sách tới trường. 18 tuổi, Phong không thi đại học vì hoàn cảnh gia đình, về thành phố làm người trông nhà với mức lương 500 ngàn đông/tháng. Cậu được bạn cho mượn cái máy tính vào những giờ nghỉ cuối tuần. Và đó là hành trình để Phong bước vào một thế giới mới lạ. Tự học, rồi cậu trở thành người lắp đặt máy tính. Lúc đó, với mức lương 350 ngàn đồng/tháng, việc sở hữu cái máy tính với cậu vẫn lại là ước mơ xa vời. Nhưng, trong một lần được tiền thưởng hơn 100 USD, cậu đã nghĩ đến việc có một cái máy tính theo cách của mình. Mỗi món tiền sẽ là một linh kiện, cậu mua dần và chờ ngày giấc mơ hoàn tất. Khi có một vị khách cần phải cứu dữ liệu quan trọng lỡ để mất trong ổ đĩa, Phong đã đặt giá bằng đúng cái ổ cứng máy tính mà cậu mong đợi. Mua thêm một đôi loa, cậu đã có được một cái máy tính hoàn hảo, mà sau đó về nhà nó đã mang đến cho gia đình Phong những tháng ngày hạnh phúc nhất, cả nhà đêm nào cũng quây quần bên cái máy tính để nghe nhạc hoặc xem phim.

Ngày Phong bỏ đất Sài Gòn về lại Ka Đơn, nhiều người cho rằng cậu bị khùng. Nhưng Phong lại nghĩ khác. Ka Đơn cách thị trấn không bao xa, nhưng những đưa trẻ Ka Đơn thì lại nghèo xác xơ và chúng chẳng biết gì về thế giới bên ngoài cả. Cậu mở lớp dạy tin học cho trẻ em, những đứa trẻ chăn bò bỗng nhiên biết sử dụng công nghệ thông tin. Bố Phong cũng mở lớp dạy tiếng Anh trên máy tính. Còn mẹ Phong là người quản lý bọn trẻ trong lớp học đặc biệt này. Thời gian Phong ở lại Lâm Đồng, nhiều người bất ngờ trước một trang web đặc biệt ra đời đúng dịp lễ hội hoa Đà Lạt. Trang web www.dalatrose.comđược Phong xây dựng như một ngân hàng khồng lổ các loại hoa cỏ đặc biệt của Đà Lại. Trang web ngay lập tức thu hút hàng triệu lượt người truy cập và những lúc cầm máy đi rong khắp các triền đồi, khe suối của Đà Lạt của Phong đã không uổng phí. Trang web này sắp tới sẽ được Phong nâng cấp và sẽ làm dịch vụ tin nhắn để những ai yêu thích hoa Đà Lạt có thể tải những bức ảnh về làm hình nền điện thoại di động. Và Phong cũng đang chuẩn bị xuất bản một tập sách ảnh về cuộc sống thường ngày tại Ka Đơn, trong đó không thể thiếu những bức ảnh hoa và những đôi mắt trẻ thơ. Phong lại rời Ka Đơn sau khi những đưa trẻ đã biết sử dụng thành thạo máy vi tính. Cậu về lại Sài Gòn và thành lập công ty phần mềm của riêng mình. Trên chuyến xe Đà Lạt - Sài Gòn, gối lên đầu gối chiếc laptop cũ, Phong viết về hành trình mới: “Thế là tôi lại tìm một sự khởi đầu mới ở Sài Gòn, mảnh đất cho những giấc mơ. Anh Hai Lúa, một người anh mà tôi quen ở Đà Lạt bảo tôi, xuống Sài Gòn cùng làm. Thế là Công ty VNAZ ra đời. VNAZ, cái tên mà có người bảo là nghe đơn điệu quá, nhưng tôi muốn nó là Việt Nam từ A tới Z. Và tôi bắt đầu bằng chữ H, hosting, dịch vụ đầu tiên mà VNAZ cung cấp, www.vnaz.comlà trang chủ cho dịch vụ này. Không ồn ào, nhưng với niềm tin chất lượng phục vụ sẽ có chỗ đứng, vnaz.net sẽ là một địa chỉ cho những nhu cầu về lưu trữ trực tuyến”.

Còn trang web ngân hàng máu? Phong cười bảo, chắc anh nghĩ rằng, phải có một lý do mùi mẫn nào đó, kiểu như người thân bị tai nạn mà được ai đó cứu giúp bằng việc hiến máu, nên mới xuất hiện ý tưởng làm trang web này… Nhưng thực ra, chỉ là một suy nghĩ đơn giản, nếu chúng ta làm được một ngân hàng máu trực tuyến, thì nghĩa là chúng ta có thể tạo ra được một kênh thông tin quan trọng, hữu ích đối với ngành y tế trong việc cấp cứu người bệnh. Thế thôi. Nhưng không chỉ giản đơn như lời Phong, trang web này đã và đang tỏ ra có hiệu quả khi số người đăng ký nhóm máu và tự nguyện hiến máu cứu người ngày một tăng. Trên trang web, Phong đã thống kê tất cả các xã, huyện, tỉnh và các trạm y tế gần nhất. Từ đó, người đăng ký nhóm máu sẽ cung cấp địa chỉ, số điện thoại và chúng sẽ được người quản trị mạng bảo mật. Phong bảo, trang web này có phát triển hay không là do chính cộng đồng cùng đóng góp. Cậu rất muốn giao lại trang web này cho một tổ chức y tế hoặc một bệnh viện nào đó. Mục đích cuối cùng là làm sao có nhiều hơn cơ hội cứu sống những người bệnh nguy kịch.

Đầu tháng 3, tôi gọi điện cho Phong, bất ngờ gặp cậu quần lửng, áo thun tại quán cà phê Culi trên phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội. Cậu hẹn những người bạn trong một diễn đàn để đi làm từ thiện. Cũng chính nhóm này đã quyên góp sách vở để lập nên thư viện sách tại xã Ka Đơn cho trẻ em. Và lần này, họ lại tiếp tục hành trình mà không hề quan tâm đến những lợi ích mình có được sau những chuyến đi ấy. Phong bảo, vẫn có thể làm việc từ những chuyến đi chơi như thế này, khi cậu có một máy tính xách tay và đến một quán cà phê wifi. Sau chuyến đi Hà Nội, cậu về Sài Gòn sẽ tiếp tục triển khai một số dự án như trang web về nhà đất, nhằm giúp sinh viên có thể tìm được những thông tin về nhà trọ hay trang web quảng cáo cho các thương hiệu… Có vẻ như với Phong, không có gì là không thể.

Trông bề ngoài, người ta thấy Phong không có dáng của một @ như nhiều người vẫn hình dung. Thậm chí, giám đốc trẻ này còn có phần… luộm thuộm. Phong có rất nhiều bạn, nhưng nhiều nhất là bạn trên Internet, vì thế đi tới đâu cũng có thể gặp những người bạn tâm giao. Nếu bạn có khả năng và bạn biết nắm bắt những khả năng đó cho những mục tiêu chính của cuộc đời mình, thì dù bạn ở đâu và làm gì, những cánh cửa vẫn mở ra mà thôi - hiệp sỹ xứ Ka Đơn tâm sự như vậy trước khi về Sài Gòn. Tôi thì tin rằng, để có thể rút ra điều ấy, Phong đã phải mất những tháng ngày trải nghiệm trong khó khăn và khổ cực. Nhưng cậu đã thành công. Và phía trước Phong, tương lai vẫn còn rất rộng.

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, 3/06

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.