NGUYỄN TRÃI - Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hoá kiệt xuất, và thuỷ tổ của khoa học dự báo ở Việt Nam
Trong công trình nghiên cứu súc tích này, Đại tướng đã khắc hoạ nổi bật bốn đặc điểm ưu việt về cuộc đời chiến đấu giành độc lập tự do cho tổ quốc của Nguyễn Trãi:
- Một anh hùng dân tộc vĩ đại,
- Một nhà chiến lược thiên tài,
- Một nhà tư tưởng lớn,
- Một nhà văn hoá kiệt xuất.
Với tầm nhìn sắc sảo của một thiên tài quân sự đương đại và của một sử gia uyên bác, Đại tướng đã làm sáng tỏ thêm một trang sử chói lọi của đất nước ta, của dân tộc ta để moị thế hệ hiện nay và mai sau có thể tự hào chính đáng về những chiến công rực rỡ trong quá khứ của ông cha mình.
Điều đáng tiếc là đến nay, bản “Bình Ngô đại sách” của Nguyễn Trãi đã bị thất lạc, nên chúng ta chỉ có thể suy luận ra tinh thần cơ bản và nội dung chủ yếu của văn kiện đó qua bản “Bình Ngô đại cáo” – chính là một báo cáo tổng kết những thành tựu tuyệt vời của việc thực hiện chiến lược, sách lược, chiến thuật, biện pháp đã nêu ra ở “Bình Ngô đại sách” sau 10 năm trường kỳ kháng chiến trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao của Nguyễn Trãi. Sau khi vĩnh biệt cha mình là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt về Tàu cùng với Hồ Quý Ly, thì Nguyễn Trãi trở lại Đông Quan, với ý chí quyết tâm trả thù nước, rửa hận nhà, ông đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu, phân tích sâu sắc các yếu tố hưng vong, các nguyên nhân thành bại, cân nhắc mọi tình thế thuận lợi, khó khăn của các triều đại xưa nay, để rút ra những bài học kinh nghiệm nên theo hoặc cần tránh. Đó là điều mà ông gọi là “SUY CỔ”, phần quan trọng để tổng kết các kinh nghiệm quá khứ.
Sau đấy, ông chuyển sang phần ngẫm về thời cuộc, về tình thế hiện tại, so sánh lực lượng giữa địch và ta. Rõ ràng là địch có ưu thế áp đảo về lực lượng quân sự, nhưng ta có ưu thế tuyệt đối về lòng dân. Phát động, tổ chức và sử dụng được lực lượng toàn dân sẽ tạo nên một thế trận bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch khắp nơi, khắp chốn. Lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sôi sục đã trở thành truyền thống lâu đời của dân tộc, là thứ vũ khí lợi hại nhất để nhấn chìm quân địch, để bảo đảm toàn thắng cho cuộc khởi nghĩa diệt Ngô đã được nhen nhúm ở Lam Sơn.
Đây là phần mà ông gọi là “NGHIÊM KIM” trong Đại sách.
Ngay trong buổi đầu hội kiến với Bình định vương Lê Lợi tại Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trình bày nội dung của “Bình Ngô Đại sách”. Lê Lợi nghe xong, vô cùng kinh ngạc, phấn chấn như người đang mò mẫm trong đêm tối, vụt thấy ánh sáng soi tỏ đường đi nước bước để có thể từ khởi nghĩa Lam Sơn đi đến chiến thắng hoàn toàn quân Minh xâm lược, lên ngôi Hoàng đế (theo Hoàng Lê nhất thống chí).
Nhưng còn vế thứ ba của dự báo là “LƯỢNG HẬU” liên quan đến ước lượng, dự kiến tầm xa trong tương lai của bản thân mình, thì tất nhiên Nguyễn Trãi không đưa ra trong Đại sách Bình Ngô, vì vốn là người rất thông thái, mẫn tiệp, ông thừa biết thói đời đen bạc “được chim quên ná, được cá quên nơm”, nên ngay sau khi soạn thảo song “Hậu tự huấn” cho Lê Thái Tổ răn dạy con trai là Lê Thái Tông (Nguyên Long), ông đã chuẩn bị cho việc “treo ấn từ quan” để về ẩn dật ở Côn Sơn, nơi ông sống từ thời thơ ấu dưới sự nuôi nấng dạy bảo của Trần Nguyên Đán là ông ngoại của mình. Đặc biệt, khi hai chiến hữu của ông cũng là hai vị “khai quốc công thần” Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị bức tử và sát haị, ông dứt khoát về hưu. Nhưng bọn lộng thần, hoạn quan là Lê Sát, Nguyễn Thúc Huệ, Lương Đăng với âm mưu truy kích ông tới cùng, đã xúi giục Lê Thái Tông trao cho ông cái đặc cách trông coi hai đạo Đông và Bắc. Vì cả nể, ông đành miễn cưỡng nhận trách nhiệm – và đây có thể là một sai lầm của ông, đã dẫn tới việc bọn chúng bố trí cho Lê Thái Tông đi thị sát miền Đông duyệt quân ở thành Chí Linh, ngủ lại một đêm ở Vườn vải (Lệ Chi Viên) với Nguyễn Thị Lộ, vợ ba của Nguyễn Trãi, rồi đột tử. Vin vào cái cớ Lê Thái Tông chết, bọn gian thần lên án giết Nguyễn Trãi và giết cả ba họ (chu di tam tộc).
Hơn hai mươi năm sau đó, Lê Thánh Tông (1460-1497) một ông vua anh minh sáng suốt (con thứ tư của Lê Thái Tông) đã minh oan cho Nguyễn Trãi: “Ức trai tâm thương quang Khuê tảo” (Tâm hồn của Ức trai Nguyễn Trãi sáng tỏ như sao Khuê).
Dân tộc Việt Nam xưa nay vô cùng kính phục và nhớ ân đức Nguyễn Trãi; danh thơm muôn thuở của ông được lưu truyền và tôn vinh trên cả thế giới. Ông là một anh hùng dân tộc vĩ đại, một danh nhân văn hoá kiệt xuất, và cũng là thuỷ tổ của khoa học dự báo ở Việt Nam. *
Một trùng hợp ngẫu nhiên: cũng trong năm 1980 kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi UNESCO, ở Hà Nội, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổ chức một hội thảo khoa học tại 32 Tràng Tiền về việc triển khai dự báo kinh tế và kỹ thuật, có hai nhà nghiên cứu đã nêu lên định đề về khoa học dự báo của Nguyễn Trãi là “SUY CỔ, NGHIỆM KIM, LƯỢNG HẬU”, coi như phương hướng của chỉ đạo cho việc tổ chức và thực hiện nghiên cứu khoa học dự báo ở mọi ngành, mọi cấp. Và cuối năm đó, khi Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật hồi ấy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự hội nghị về khoa học kỹ thuật xây dựng ở 19 Phạm Đình Hổ do Uỷ Ban Xây dựng cơ bản Nhà nước tổ chức, Phó Thủ tướng đã huấn thị, động viên các chuyên gia xây dựng và biểu dương đơn vị đầu tiên làm tốt công việc nghiên cứu vì đã nắm vững và áp dụng sáng tạo nguyên lý chiến lược chỉ đạo của Nguyễn Trãi là:
“Thăm dò, nghiên cứu kinh nghiệm quá khứ của lĩnh vực xây dựng tổng kết, nhận dạng thế mạnh, chỗ yếu hiện nay trên mặt trận xây dựng; dự kiến triển vọng vươn lên trong tương lai gần và lâu dài để soạn thảo chiến lược phù hợp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.”
25-8-2005
* Dự báo là cơ sở khoa học để lập ra chiến lược hành động.