Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 16/10/2006 15:41 (GMT+7)

Nguyễn Tài Cẩn, nhà học giả “bất yếm, bất quyện”

Năm 2000, ông là nhà ngôn ngữ học đầu tiên ở nước ta được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vào dịp ấy, Đại học Quốc gia Hà Nội tặng ông một chiếc đĩa sứ lớn màu trắng, trên mặt có in bốn chữ Hán viết tay bằng men lam: Bất yếm, bất quyện (rút ngắn lời Khổng Tử trong Luận Ngữ: Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện - Học không biết chán, dạy người không biết mỏi). Thật đúng với tư chất thầy Cẩn!

GS Nguyễn Tài Cẩn và TS Đào Thái Tôn tại Hà Nội, năm 2004

GS Nguyễn Tài Cẩn và TS Đào Thái Tôn tại Hà Nội, năm 2004

Sau khi về hưu, ông sang sống tại Matxcơva cùng vợ, nữ giáo sư người Nga Nona Stankyevitch. Cư trú trên đất Nga để được các con chăm sóc, nhưng cả hai ông bà vẫn mải mê nghiên cứu tiếng Việtnhư năm nào còn làm việc tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. "Đối với mình - ông tâm sự - tìm tòi cái mới là lẽ sống, là niềm vui suốt đời".

Đổi mới nhận thức việt ngữ học

Phải nói rằng, cho đến những năm 1960 - và đến cả hôm nay - không ít người viết sách ngữ pháp tiếng Việt không xuất phát từ văn, thơ và câu nói tự nhiên của người Việt để phân tích, khái quát, tìm ra quy tắc ngữ pháp. Trái lại, họ đơn giản đem bộ khung ngữ pháp tiếng nước ngoài - chủ yếu là tiếng các nước châu Âu - "đóng đinh bắt vít" vào tiếng Việt, rồi "phán" rằng câu nói hồn nhiên của các em học sinh "chiếc lá này xanh" cần phải chữa lại thành "chiếc lá này là xanh" cho đúng với cách viết "cette feuille est verte" trong tiếng Pháp, hoặc "this leaf is green" trong tiếng Anh!

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo có lý khi cảnh báo: Những câu theo kiểu "Dự án này được tài trợ bởi UNICEF" là tiếng Việt... "bồi"! Bởi lẽ cứ trượt theo cái đà đó thì sẽ có lúc một anh chàng người Việt nói "Anh được yêu bởi em"!

Cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Tài Cẩn mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, khác với các thứ tiếng châu Âu.

Soi rọi ngọn nguồn cách đọc Hán - Việt

Một công trình khác của Nguyễn Tài Cẩn gây tiếng vang trong giới ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài là cuốn “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt”, in năm 1979.

Ngày nay, một học sinh trung học đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” (tương truyền là của Lý Thường Kiệt) vẫn có thể hiểu ý nghĩa dù chưa được học chữ Hán.Giả sử bài thơ ấy được đọc theo âm phổ thông của tiếng Trung Quốc, thì chắc chắn em học sinh kia chẳng hiểu tí gì! Công lao to lớn của cách đọc Hán - Việt chính là chỗ đó. Nhờ cách đọc này, tiếngViệt có thêm một lớp từ mà mức độ phong phú coi như vô tận, bởi vì trong mấy thập niên gần đây, cũng như từ nay về sau, khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể mượn thêm những từ Hán mới mà không phá vỡcấu trúc nội tại của tiếng Việt. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã làm phong phú thêm tiếng Việt hiện đại bằng cách mượn rất nhiều thuật ngữ khoa học trong tiếng Hán nhưng đọc theo cách đọc Hán - Việt: địnhlý, định luật, đẳng thức, phương trình, nguyên tử, lượng tử, v.v.

Không chỉ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Trung Quốc, mà cả giới Đông phương học quốc tế cũng chú ý đến cách đọc Hán - Việt, bởi vì muốn nghiên cứu tiếng Hán trung đại, nghiên cứu cách đọc chữ Hán ở Nhật Bản theo Go-On (Ngô âm) hay theo Kan-On (Hán âm) hay cách đọc chữ Hán ở Triều Tiên theo cách đọc Hán - Triều, đều rất cần sự so sánh, viện dẫn cách đọc Hán - Việt, từ đó lắm khi có thể rút ra những kiến giải bất ngờ, lý thú.

Cách đọc Hán - Việt hiện nay chính là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời nhà Đường ở kinh đô Trường An, từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán được dạy lần cuối cùng ở Giao Châu trước khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ 10. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20, cách đọc Hán - Việt phát triển theo quỹ đạo phát triển của tiếng Việt, không còn lệ thuộc vào những gì biến đổi trong ngữ âm tiếng Hán ở bên kia biên giới. Lớp từ Hán - Việt ngày càng lọt sâu vào kho từ vựng tiếng Việt, những nét xa lạ về mặt ngữ âm mất dần, và rồi trở thành một bộ phận khăng khít, chứ không phải được "cấy ghép" vào hệ thống Việt ngữ.

Đọc hàng vạn trang sách của các nhà Đông phương học bằng các thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, v.v... về vấn đề liên quan, đưa ra thêm những luận cứ mới, những kiến giải riêng, Nguyễn Tài Cẩn đã soi rọi đến tận ngọn nguồn cách đọc Hán - Việt, một cách đọc giúp người Việt Nam dễ dàng tiếp nhận tinh hoa văn hoá Hán - nền văn hoá lớn nhất phương Đông - mà không bị "Hán hoá".

Giáo sư A. G. Haudricourt, một bậc thầy trong ngành ngôn ngữ học thế giới, đánh giá cao công trình của Nguyễn Tài Cẩn, và giao cho người học trò của mình là nữ tiến sĩ Barbara Niedeer dịch ra tiếng Pháp, để phổ biến rộng hơn trên thế giới.

Công trình đầy đủ nhất về ngữ âm tiếng Việt

Cuốn “Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt” của Nguyễn Tài Cẩn in năm 1995 cũng là một công trình nghiên cứu 350 trang trình bày một cách sáng tỏ lainguyên của hệ thống phụ âm đầu, hệ thống vần đệm và hệ thống thanh điệu tiếng Việt từ 4.000 năm trước cho đến tận ngày nay. Để viết cuốn sách này, Nguyễn Tài Cẩn đã phải tham khảo hàng trăm côngtrình nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Mường và những ngôn ngữ bà con gần xa như Nguồn, Pọng, Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, Arem, Thà Vựng, Pakatan, Phon Soung, Khạ Phọng, v.v... Riêng tiếng Mường, thì cũngkhông phải đồng nhất, mà theo sơ bộ điều tra, có tới 29 thổ ngữ, xếp thành 9 nhóm, ở rải rác tại các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ!

Khảo sát kỹ lưỡng một số văn bản Kiều Nôm cổ, Nguyễn Tài Cẩn phát hiện vết tích kỵ huý thời Lê - Trịnh. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào thời kỳ Tây Sơn, trong "mười năm gió bụi", chứ không phải sau khi đi sứ Trung Quốc trở về.

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thường được mời đến giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn ở Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...

Hàm Châu


Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn kết hôn với nữ nghiên cứu sinh người Nga Nona Stankyevitch khi ông đang giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Leningrad. Nona theo chồng về Việt Nam, giảng dạy tiếng Việt tại khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà trở thành tiến sĩ, rồi giáo sư Việt ngữ học, vừa nuôi con vừa giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo trường sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, cùng các giáo sư, cán bộ trong khoa ngữ văn nếm trải những tháng năm nhà tranh, vách liếp, đèn dầu, gạo phiếu, cơm độn... Nona Stankyevitch giảng về lý thuyết dịch, loại hình học, viết sách về ngữ pháp tiếng Việt, nghiên cứu về lịch sử ngữ pháp tiếng Việt, v.v... Bà cùng chồng dịch Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Nga.


“NGƯỜI NGỐN SÁCH”

Tiến sĩ Vũ Đức Nghiệu kể một mẩu chuyện. Dạo ấy, anh đang giảng dạy tại Đại học Cornell (New York, Mỹ) thì được giáo sư G. Diffloth, một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới, gọi điện cho biết: "Ông bà Cẩn sang rồi đấy! Đang ở Fairvew, số điện thoại...".

Ngay hôm sau, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã bảo anh Nghiệu dẫn ông đến thư viện Orlin của trường. Ở đây có một kho sách về Đông Nam Á thật tuyệt vời. Bước xuống tầng hầm, vào gian để sách chữ Hán, trông thấy cuốn Ngọc thiên..., cuốn sách miêu tả phương ngữ miền nam Trung Quốc, giáo sư Cẩn đứng lặng người hồi lâu, như kẻ gặp cố nhân trong mộng, rồi nói với anh Nghiệu:

- Phải chi hơn mười năm trước mà tôi có trong tay cuốn sách này!

- Ta mượn về sao chụp, thầy nhé!

Vợ chồng giáo sư Cẩn mới chân ướt chân ráo đến New York, chưa lấy được thẻ thư viện. Anh Nghiệu bèn dùng thẻ của mình mượn sách cho thầy và cô Nona Stankyevitch. Ngay lập tức, một chồng sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hán được ôm lên, làm thủ tục mượn về. Trong gần hai tháng trời, cứ bốn ngày một lần, anh Nghiệu lại mượn sách hộ thầy, cô như thế. Hai người thi nhau "ngốn" hết cuốn này đến cuốn khác! Cô Nona người Nga, nhưng cũng như thầy Cẩn, là giáo sư Việt ngữ học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhìn danh mục các cuốn sách mượn tại thư viện Orlin trong những ngày tháng ấy, chị Lisa, một sinh viên Mỹ, ngạc nhiên hỏi anh Nghiệu: "Anh nghiên cứu gì mà hồi này đọc lắm thế? Mà lại đọc nhiều thứ tiếng cùng một lúc? Kinh khủng quá!". Lisa đâu có biết số sách ấy chỉ là do anh Nghiệu ký tên mượn hộ thầy Cẩn và cô Nona mà thôi.

Đầu những năm 1970, ở Hà Nội, chưa có máy photocopy. Ông bà Nguyễn Tài Cẩn nhận được bản thảo cuốn Từ điển chữ Nôm, theo kế hoạch, phải ba năm sau mới xuất bản. Đợi ba năm nữa, quá lâu! Để có tài liệu dùng ngay, hai người chia nhau chép tay tập bản thảo dày cộp của cuốn từ điển!

Cũng vì chưa có máy sao chụp, trước đó, ông bà đã chép tay Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651.

Biết chuyện này, một nhà nghiên cứu trẻ thốt lên: "Nghe hãi quá!".

Nguồn: sgtt.com.vn 26/9/06

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.