Nguyễn Hoàng Tấn Phúc nuôi heo và phát điện
Tấn Phúc là con trai lớn của chủ cơ sở Thành Lợi, một trong những “hãng” sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nổi tiếng ở tỉnh Bình Dương. Khi anh đến tuổi trưởng thành, các lò TĂCN trong nước phải cạnh tranh khá vất vả với đại lý các hãng TĂCN mang thương hiệu nước ngoài. Để giúp gia đình, Phúc tình nguyện đảm nhận vai trò vừa là người trực tiếp giao hàng, vừa là nhà tiếp thị quảng bá sản phẩm và hướng dẫn luôn cách pha chế, cho heo ăn.
Chăn nuôi cũng cần tinh xảo!
Sức trẻ, Phúc chịu khó đi đến nhiều trang trại chăn nuôi heo tận trong Nam, ngoài Bắc. Gắn bó với nghề bán TĂCN, anh càng khẳng định được rằng nuôi heo đúng kỹ thuật là một nghề có thể giúp cho cuộc sống ngày càng khá giả. Nhưng quan trọng nhất là làm sao phải tạo ra được sản phẩm có chất lượng, môi trường nuôi phải sạch mới ngăn ngừa được các dịch bệnh. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, gặp những gì mới lạ, bí quyết, tiến bộ kỹ thuật nào hay anh đều cẩn thận ghi chép. Sau ngày cưới vợ, năm 2001 anh thấy rằng mình không thể chỉ là cái bóng trong cơ sở sản xuất của mẹ cha mà phải tạo dựng ra được sản nghiệp riêng. Với kinh nghiệm sẵn có, con đường nhanh nhất với anh vẫn chính là... chăn nuôi heo. Anh dồn hết vốn liếng của vợ chồng và lên tận Minh Hòa, một xã vùng sâu của huyện Dầu Tiếng tậu luôn một lúc 42 ha đất lập một trang trại đặt tên là Trang Hương viên để vừa trồng rừng, vừa dựng chuồng trại cao ráo để nuôi heo.
Trên đất trống anh thiết kế hàng luống trồng xà cừ là loài cây vừa cho gỗ tốt, vừa lớn nhanh để sau 1-2 năm có thể che mát, làm giảm các cơn nhiệt của vùng “tam giác sắt”. Chuồng heo được chia thành 2 khu cách xa nhau, heo nái và nơi dưỡng con riêng, còn heo thịt ở một khu riêng. Nhờ đất đai khá rộng nên các chuồng đều có hệ thống thoát nước ra các ao hồ. Trong hồ anh lại cho nuôi các loại rong tự làm sạch nước và thả thêm các đàn cá sấu. Heo con từ nhỏ đã được anh cho tiêm phòng Vac-xin ngừa bệnh lở mồm long móng theo đúng các quy trình kỹ thuật. Kinh nghiệm của thời gian đi tiếp thị TĂCN, anh thấy có những gia đình ở vùng xa có cách phòng bệnh cho heo rất đơn giản và dễ thực hiện là cho heo ăn thêm các loại thảo dược, như lá sả để ngừa cảm mạo, vỏ măng cụt để ngừa bệnh tiêu chảy. Phúc mạnh dạn đến bộ môn tiểu gia súc thuộc Viện KHNN miền Nam đăng ký thực hiện đề tài nuôi heo sạch. Nhà khoa học phụ trách là tiến sĩ Vũ Văn Kính hoan hỷ nhận lời làm nhà tư vấn đỡ đầu thực hiện đề tài. Nhờ vậy qua áp dụng quy trình nuôi heo sạch kết hợp thảo dược pha vào thức ăn, đàn heo đều khỏe mạnh, chóng lớn, Các mẫu xét nghiệm đem xuống Viện Pasteur đều được công nhận sản phẩm heo đạt tiêu chuẩn sạch. Tiếng lành đồn xa, trang trại Trang Hương viên dần dần trở thành nhà cung cấp thịt heo sạch lớn nhất cho các bếp ăn trong tỉnh Bình Dương. Đàn heo ngày càng phát triển đến nay đã đạt tổng cộng hơn 4.500 con. Heo nuôi xoay vòng một năm ba lứa, mỗi con xuất chuồng 1 tạ, cho lãi bình quân 500.000 đ.
Chất thải thành nguồn điện
Nguồn lợi từ đàn heo giúp anh trả hết nợ và tích lũy khá... Nhưng Phúc vẫn chưa hoàn toàn hài lòng khi nghĩ tới nguồn phân heo khá nhiều nhưng nếu chỉ bán phân thì không hiệu quả lắm. Chương trình vệ sinh môi trường làm hầm biogaz tạo khí sinh học cũng đã đến các trang trại hướng dẫn lập hầm nhưng chỉ để dùng thắp sáng thì cũng không giảm nhiều phí tổn. Một hôm đọc được tờ báo cũ, thấy có nhà khoa học ở Đà Nẵng đã ứng dụng được nguồn gaz làm nhiên liệu chạy xe, chủ trang trại Tấn Phúc lại ngồi mày mò tìm cách ứng dụng. Anh rủ một người bạn chuyên sửa xe honda mang một bình ga lớn chuyên nấu bếp về cùng thí nghiệm. Bộ điều chế hòa khí trong bình xăng con được tháo ra để bỏ bớt một số bộ phận, cho nối với bình gaz. Quan trọng nhất là chỗ điều khiển gaz xuống được điều khiển bằng mỏ máy hàn xịt. Một người cầm tay lái, người ngồi sau ôm bình gaz, đạp cần, bơm gaz vào đều là máy nổ. Phúc vừa chạy vừa la lên: Eukera, Eukera...
Để có được nguồn gaz dồi dào, anh lại đến các bậc thầy về khí sinh học, trao đổi để tìm được cách thiết kế hầm ga hữu hiệu nhất để lượng khí vô bồn chứa, đầy thì thoát ra tự động. Còn lượng phân trong hầm khi xong nhiệm vụ tạo gaz lại tự động chảy ra ngoài để hầm không bị ứ. Như vậy phải xây các hố ga với mái bằng, các lỗ ga nối ống hình con thỏ trong hầm để phân không bị trào lên, đường nối ống theo thiết kế. Anh đem một máy phát điện về nối ống vào bồn chứa, chỉnh bộ nhập ga tự động và... đề. Vậy là máy nổ. Trang trại có 2 hầm dung lượng 180 M3 và 600 M3 khí đủ cung ứng cho các máy tạo công suất 25 KW vừa sử dụng thắp sáng khắp trang trại, vừa chạy những máy làm cỏ, chế biến nhỏ...
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam - số 95, 12/05/2006